Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

(3) Phân tích kinh tế lượng vai trò của đầu tư nhà nước

Bài viết cũ của tôi:
Phân tích kinh tế lượng vai trò của đầu tư nhà nước trong thời kỳ đổi mới
C) XU HƯỚNG GIẢM HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Để tạo ra cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, các dịch vụ công cộng và một số ngành sản xuất thiết yếu cho quá trình phát triển toàn sẽ hội, khu vực kinh tế nhà nước phải sử dụng một lượng vốn quan trọng của nền kinh tế. Từ đây dẫn tới vấn đề đánh giá hiệu quả sử dụng loại vốn này. Trong mục này, chúng ta sẽ phân tích hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế và riêng khu vực kinh tế nhà nước thông qua một công cụ đơn giản và phổ biến nhất; đó là hệ số ICOR (incremental capital output ratio).
          1) Về phương pháp xác định hệ số ICOR:
          ICOR là một hệ số đo lường ảnh hưởng của tăng vốn đầu tư tài sản cố định tới tăng trưởng GDP; đây là một đại lượng rất quan trọng thường được sử dụng trong nghiên cứu, đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn quốc gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế. Vì hiện nay trên các phương tiện thông tin đã xuất hiện nhiều phương pháp tính toán hệ số ICOR khác nhau, dẫn tới việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư rất khác nhau, nên ở đây, chúng tôi thấy cần phải trình bày rõ phương pháp xác định hệ số ICOR theo đúng nguyên tắc của khoa học kinh tế.
          Hệ số ICOR có thể được tính theo năm hoặc trung bình cho nhiều năm. Theo năm, công thức xác định ICOR như sau:
                    ICOR  = Tổng vốn đầu tư / GDP tăng thêm
hay:                       =  I / DGDP                                                
trong đó I là tổng vốn đầu tư và DGDP là chênh lệch giữa tổng sản phẩm trong nước năm sau và tổng sản phẩm trong nước năm trước.
          Tử số của công thức trên lẽ ra phải là tài sản cố định tăng thêm, song trên thực tế, rất khó kiếm được thông tin chính xác về chỉ tiêu này nên người ta thống nhất sử dụng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư để thay thế.
          Tử số và mẫu số được tính qua nhiều năm nên để đảm bảo tính đồng nhất, hai đại lượng này đều phải được tính theo cùng mặt bằng giá; tức là phải tính theo giá cố định hay giá so sánh.
          Trên thực tế, vốn đầu tư mới thường chỉ phát huy tác động tới tăng trưởng GDP sau một số năm, tháng chứ không phát huy tác dụng ngay khi đầu tư. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu đầu tư tới khi vốn đầu tư phát huy tác dụng được gọi là thời gian trễ. Độ dài của khoảng thời gian trễ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là loại hình đầu tư thực hiện: Nếu mua sắm máy móc thay thế thì độ trễ rất ngắn, nhưng nếu xây dựng cơ sở hạ tầng thì độ trễ rất cao. Độ trễ đối với các nền kinh tế khác nhau thì cũng rất khác nhau.
          Có nhiều phương pháp toán để xác định khoảng thời gian trễ này. Tuy nhiên trong thực tế, để dễ so sánh quốc tế, người ta thường giả thiết thời gian trễ của vốn đầu tư 1 năm, tức là vốn đầu tư năm t sẽ tác động tới tăng trưởng GDP năm t+1. Khi đó công thức tính ICOR trên sẽ được thay bằng công thức sau:
                                       ICOR = It-1 / DGDPt
Đây là công thức chính thống được sử dụng để xác định ICOR hàng năm. Để xác định ICOR trung bình cho nhiều năm, người ta biến đổi công thức trên thành công thức dưới đây:
                                       DGDPt = (1 / ICOR) * It-1
hay                                 DGDPt = b * It-1
Đây là một hàm tuyến tính dạng y=b*x + a trong đó hệ số a = 0, hệ số b = 1/ICOR. Ước lượng phương trình này với các chuỗi số DGDPt và It-1 sẽ tìm ra hệ số b; sau đó tính ngịch đảo của hệ số b sẽ thu được hệ số ICOR. Công thức như sau:
                                       ICOR = 1 / b
          Hệ số ICOR tính theo phương pháp trên cho phép đánh giá tổng hợp hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Tuy nhiên vì vốn đầu tư không phải là nhân tố duy nhất xác định tăng trưởng GDP, nên cần thận trọng khi sử dụng kết quả này. Sau khi tính toán, cần phân tích xem có đúng là hiệu quả kinh tế giảm sút do nguyên nhân từ giảm sút hiệu quả đầu tư hay do những nhân tố khác. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết, giá cả nông sản trong nước và trên thị trường quốc tế... chứ không phải do giảm hiệu quả vốn đầu tư. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nước ta trong thời gian qua thông qua tiến triển của hệ số ICOR tính theo phương pháp trên.
          2) Xu hướng giảm hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế nước ta
a) Đối với toàn nền kinh tế quốc dân:
Theo các số liệu trong bảng 4, hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tăng trưởng nhanh 1991-1997 trung bình là 3,44; đây là mức tương đối hợp lý nếu so với tình hình diễn ra tại các nước khác (hệ số này ở các nước chậm phát triển dao động trong khoảng từ 2 đến 5)[1]. Tuy nhiên, về hệ số này, vẫn có thể đưa ra một số nhận xét sau:
          - Hệ số trên vẫn tương đối cao nếu nhìn nhận xuất phát điểm của chúng ta còn thấp; tỷ trọng nông nghiệp và sản xuất công nghiệp nhỏ, dịch vụ nhỏ còn cao... Khi ở trình độ phát triển thấp vào những năm từ 1950 đến 1975, hệ số ICOR của Hồng Kông, Singapo, Đài Loan và Hàn quốc chỉ dao động trong khoảng 1-1,5; của Nhật bản trong khoảng 1,5-2; thấp hơn nhiều so với hệ số ICOR của ta hiện nay.
          - Hệ số này có xu hướng tăng lên ngay trong giai đoạn 1991-1997, từ khoảng 2,7 năm 1991-1992 lên 3,9 năm 1996-1997. Đáng lo ngại là hệ số này đã tăng rất mạnh từ năm 1997 đến nay, từ 4,3 lên đến mức cao nhất là 7,8 năm 1999. Mặc dù hệ số đã giảm đi trong 3 năm 2000-2002, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, trung bình là 5,9. Tính chung cho giai đoạn 1998-2002, hệ số ICOR toàn nền kinh tế là 6,4 , tăng rất mạnh so với giai đoạn 1991-1997.
          Như vậy, hiệu quả vốn đầu tư toàn nền kinh tế đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây. Để tìm nguyên nhân của sự giảm sút trên, dưới đây chúng ta sẽ lần lượt phân tích hiệu quả đầu tư trong các khu vực của nền kinh tế.
Bảng 4: Hệ số ICOR toàn nền kinh tế và riêng khu vực nhà nước (đầu tư trễ 1 năm)
Năm
GDP toàn nền KT
Vốn đầu tư toàn nền KT
GDP khu vực KT nhà nước
Vốn ĐT khu vực nhà nước
ICOR toàn nền KT
ICOR khu vực KT nhà nước
1990
131968
23609
50227
10419


1991
139634
27966
53555
11658
3,08
3,13
1992
151782
42796
59230
16504
2,30
2,05
1993
164043
58374
64882
28197
3,49
2,92
1994
178534
57806
71623
24310
4,03
4,18
1995
195567
64685
78367
27185
3,39
3,60
1996
213833
74315
87208
36472
3,54
3,07
1997
231264
88607
95638
43801
4,26
4,33
1998
244596
90952
100953
50498
6,65
8,24
1999
256272
99855
103531
58585
7,79
19,59
2000
273666
110636
111522
63616
5,74
7,33
2001
292376
124143
120266
72132
5,91
7,28
2002
312800

129365

6,08
7,93
Nguồn: Niên giám Thống kê 2001 (số liệu 1995-2001) và ước của TCTK cho năm 2002; số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994).
          b) Hiệu quả đầu tư trong khu vực kinh tế nhà nước:
          Bảng số liệu 4 ở trên cho thấy hệ số ICOR trong khu vực kinh tế nhà nước khá thấp trong giai đoạn 1991-1997, trung bình là 3,3, thấp hơn một chút so với hệ số chung của toàn nền kinh tế. Như vậy trong giai đoạn này đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước có hiệu quả hơn so với đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, trong giai đoạn 1991-1997, tiến triển của ICOR khu vực nhà nước cũng tương tự như tiến triển của ICOR toàn nền kinh tế; tức là cũng có xu hướng tăng lên trong giai đoạn này.
          Tuy nhiên, khác với toàn nền kinh tế, hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước đã tăng rất mạnh từ sau năm 1997, lên đến mức cao nhất là 19,6 năm 1999, sau đó giảm còn khoảng 7,5 trong 3 năm 2000-2002. Tính chung trong giai đoạn 1998-2002, hệ số ICOR khu vực nhà nước lên tới 10,1; gấp 3 lần so với giai đoạn 1991-1997, và gấp 1,6 lần so với ICOR toàn nền kinh tế.
Như vậy, nếu so với toàn nền kinh tế thì hiệu quả vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong giai đoạn 1991-1997 cao hơn một chút; nhưng trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay, hiệu quả vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm mạnh, chỉ còn bằng khoảng 2/3 so với hiệu quả vốn đầu tư chung toàn nền kinh tế (hệ số ICOR 10,1 so với 6,4).
Việc so sánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước với các khu vực kinh tế khác thường gặp nhiều khó khăn do những đặc trưng riêng của nó; ví dụ đầu tư của nhà nước thường được tập trung vào phát triển các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm như cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và các ngành công nghiệp then chốt nên hiệu quả kinh tế có thể thấp, thời hạn thu hồi vốn lâu. Vì phát triển những lĩnh vực trên rất cần thiết để phát triển kinh tế và phát triển xã hội nên mặc dù hiệu quả kinh tế trực tiếp của nó có thể thấp nhưng hiệu quả kinh tế xã hội chung của đầu tư nhà nước có thể sẽ cao.
Tuy nhiên, cũng có thể so sánh thông qua phân tích các mặt tích cực và bất lợi. Việc vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước phải phục vụ các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và y tế giáo dục đương nhiên sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế của việc sử dụng vốn đầu tư trong khu vực này. Ngược lại, khu vực kinh tế nhà nước lại được hưởng những thuận lợi rất lớn mà không khu vực kinh tế nào khác có được; đó là sự bảo hộ, nâng đỡ của nhà nước, được ưu tiên phát triển trong nhiều lĩnh vực độc quyền hoặc có tỷ suất lợi nhuận cao...
Thực tế, trong suốt giai đoạn 1991-1997, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trung bình đã cao hơn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chung của toàn nền kinh tế khoảng 4,2%; do đó, có thể giả sử mặt tích cực và mặt bất lợi trong việc sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước ngang nhau, tạo nên hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước xấp xỉ ngang bằng với hệ số ICOR của toàn nền kinh tế trong giai đoạn 1991-1997.
Nếu vậy thì rõ ràng trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay, hiệu quả vốn đầu tư khu vực nhà nước đã giảm quá nhanh so với tốc độ giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, có thể nhận định rằng đầu tư nhà nước đã hoàn thành một bước quan trọng sứ mệnh lịch sử của mình là phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản; từ nay, đầu tư nhà nước cần phải rút dần phạm vi hoạt động của mình trong nền kinh tế, đến mức đưa  hiệu quả sử dụng của mình lên ngang bằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế như đã xảy ra trong giai đoạn trước. Vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất cần thiết và có hiệu quả nên việc giảm đầu tư nhà nước cần bắt đầu từ việc nhà nước rút dần khỏi các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp và các ngành công nghiệp cơ bản.
 c) Hiệu quả đầu tư trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:
          Bảng 5 dưới đây cho thấy hệ số ICOR của khu vực ngoài quốc doanh tương đối ổn định trong suốt giai đoạn từ năm 1991 đến nay. Hệ số này vào khoảng 3,5 giai đoạn 1991-1997 và tăng lên 3,8 giai đoạn 1998-2002. Mức độ biến động của ICOR khu vực này trong 12 năm qua cũng không lớn, năm thấp nhất (1995) đạt 2, năm cao nhất đạt 5 (1993), tức là luôn luôn nằm trong giới hạn đối với tiêu chuẩn chung của các nền kinh tế kém phát triển trong giai đoạn hiện nay. Điều này được giải thích bằng sự thật là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh luôn luôn thiếu vốn và buộc phải sử dụng nhiều lao động thay thế; vì vậy khi có các nguồn vốn bổ sung thì sản xuất của nó thường tăng lên theo tỷ lệ tương ứng. Hiện nay hệ số ICOR của khu vực này chỉ khoảng 3,4; rất thấp nếu so với ICOR của toàn nền kinh tế hay của khu vực kinh tế nhà nước.
          Bảng 5: Hệ số ICOR khu vực ngoài quốc doanh và khu vực ĐTNN (trễ 1 năm)
Năm
GDP khu vực ngoài QD
Vốn đầu tư khu vực NQD
GDP khu vực có vốn ĐTNN
Vốn đầu tư khu vực có vốn ĐTNN
ICOR khu vực NQD
ICOR khu vực có V.ĐTNN
1990
81741
10366
0
2824


1991
85042
12539
1037
3769
3,14
2,72
1992
88409
17654
4143
8638
3,72
1,21
1993
91911
16900
7250
13277
5,04
2,78
1994
95470
17000
11441
16496
4,75
3,17
1995
104045
17857
13155
19643
1,98
9,62
1996
110916
18537
15709
19303
2,60
7,69
1997
116656
20032
18970
24774
3,23
5,92
1998
121050
21586
22593
18869
4,56
6,84
1999
126181
24012
26560
17258
4,21
4,76
2000
132546
26335
29598
20685
3,77
5,68
2001
140304
29232
31806
22779
3,39
9,37
2002
148862

34350

3,42
8,95
Nguồn: Niên giám Thống kê 2001 (số liệu 1995-2001), số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994).
          Trái lại, hiệu quả vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài biến động rất mạnh, năm thấp nhất (1992) chỉ là 1,2, năm cao nhất (1995, 2001) lên tới 9,5. Hệ số ICOR của khu vực này tăng vọt trong giai đoạn 1991-1995, từ 1,2 năm 1992 lên 2,8 năm 1993, 3,2 năm 1994 và 9,6 năm 1995. Ngược lại, từ năm 1996 đến năm 1999, hệ số ICOR giảm dần. Tuy nhiên, hệ số này lại tăng lên từ năm 2000 và trở lại đỉnh cao năm 2001. Nhìn chung, hệ số ICOR của khu vực vực có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng mạnh trong thập kỷ 90.
          Việc hệ số ICOR của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong nửa đầu thập kỷ 90 là do vốn đầu tư nước ngoài đưa vào nước ta trong giai đoạn này chủ yếu được dùng để xây dựng cơ bản và chưa trực tiếp tạo ra sản phẩm. Trong giai đoạn sau, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn này tăng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi số vốn đầu tư giai đoạn trước bắt đầu phát huy tác dụng mạnh, làm cho sản xuất gia tăng và hiệu quả vốn đầu tư tăng thêm. Tính chung, hiệu quả vốn đầu tư khu vực có vốn ĐTNN trong những năm gần đây chỉ ngang mức chung của toàn nền kinh tế. Do đó toàn bộ số giảm về hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước đã được bù đắp bằng duy trì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong khu vực ngoài quốc doanh. Các so sánh cũng cho thấy trong những năm gần đây, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh là cao nhất, tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế nhà nước thấp nhất.
Tóm lại, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở nước ta những năm gần đây đã giảm rất mạnh trong khi chúng ta mới trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá. Do tỷ lệ đầu tư không thể cứ tiếp tục tăng lên mãi nên nếu không hạ thấp được hệ số ICOR thì nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và quá trình phát triển ở nước ta sẽ không thể bền vững. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng giảm được hệ số ICOR, tức là phải nhanh chóng nâng cao chất lượng tăng trưởng.


[1] Gerald M. Meier (1995) "Leading Issues in Economic Development", Sixth Edition, Oxford University Press, p.164.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét