Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(7) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
CHƯƠNG II
QUAN HỆ GIỮA TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ VÀ QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA QUA CÁC KIỂM NGHIỆM XUYÊN QUỐC GIA


Trong chương I, chúng ta đã xem xét vai trò của tiết kiệm và đầu tư tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá qua một số lý thuyết kinh tế chính. Các lý thuyết đều cho rằng dù vai trò của tiết kiệm và đầu tư có khác nhau ở mức độ cao hay thấp nhưng về cơ bản, chúng luôn luôn là những nhân tố rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại mỗi nước; đặc biệt, quá trình công nghiệp hoá ở các nước nghèo đòi hỏi phải có một lượng đầu tư rất lớn nên vai trò của tiết kiệm và đầu tư lại càng quan trọng. 
Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét kinh nghiệm thực tiễn của các nước và nhóm nước trên thế giới về vai trò của các loại tiết kiệm và đầu tư trên đối với tăng trưởng và công nghiệp hoá. 
Vì mục tiêu của nghiên cứu là tìm kiếm các kinh nghiệm của các nước đang phát triển có thể phục vụ trực tiếp cho hoạch định chính sách thu hút và sử dụng vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công sự nghiệp tăng trưởng và công nghiệp hoá ở nước ta nên các nghiên cứu tổng kết dưới đây chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực Châu á, Thái bình dương.

MỤC I: KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VỀ QUAN HỆ GIỮA TIẾT KIỆM NỘI ĐỊA VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ
Ở các nước đang phát triển trong bối cảnh kinh tế mở hiện nay, tiết kiệm để đưa vào đầu tư hình thành từ hai nguồn: tiết kiệm nội địa và tiết kiệm từ nước ngoài. Vì toàn bộ số tiết kiệm nước ngoài huy động được đưa thẳng vào đầu tư, thành nguồn nguồn đầu tư nước ngoài đưa vào trong nước nên nó sẽ được phân tích trong mục sau. Trong mục này, chúng ta chỉ xem xét vai trò của tiết kiệm nội địa nói chung và các thành phần của nó nói riêng đến quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước trên thế giới.
I - TIẾT KIỆM NỘI ĐỊA VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1) Xu hướng phát triển của tiết kiệm nội địa
Tiết kiệm nội địa là nguồn chính để đầu tư, từ đó tạo ra các tỷ lệ tăng trưởng, vì vậy tiết kiệm là một nhân tố quan trọng, một động lực tăng trưởng và công nghiệp hoá. Thực tế hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy, mặc dù có một số nước dựa chủ yếu vào huy động tiết kiệm nước ngoài, nhưng đa số các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo, đã tăng nhanh được tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư nội địa, từ đó tạo ra được những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao và một tốc độ công nghiệp hoá nhanh so với tốc độ công nghiệp hoá của các nước công nghiệp trong thế kỷ 17-19. Như vậy, nguồn gốc chính của tăng trưởng và công nghiệp hoá ở các nước này là tăng nhanh tỷ lệ tiết kiệm nội địa.
          Đồ thị dưới đây cho thấy có những tiến triển khác nhau đáng kể về tỷ lệ tiết kiệm nội địa (so với GDP) trong 4 thập kỷ gần đây. Tỷ lệ này ở các nước công nghiệp nhìn chung tương đối ổn định ở mức 25% trong suốt 4 thập kỷ, mặc dù có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn 1960-1974 và giảm nhẹ trong giai đoạn 1975-1987. Ngược lại, tỷ lệ tiết kiệm nội địa ở các nước đang phát triển đã tăng lên rất mạnh trong giai đoạn 1960-1974, từ khoảng 13% lên khoảng 21%; sau đó ổn định ở khoảng 18,5% trong giai đoạn 1975-1980; tuy nhiên, từ năm 1986 đến nay, chúng ta thấy tỷ lệ này có xu hướng giảm liên tục, dù tốc độ không cao. Hiện nay tỷ lệ tiết kiệm nội địa của các nước đang phát triển giảm về mức xấp xỉ với năm 1960.
          Đặc biệt, chúng ta quan sát thấy có sự doãng ra rất đáng kể giữa tỷ lệ tiết kiệm nội địa tại các nhóm nước khác nhau, điều này cũng tương đồng với xu hướng quan sát về tỷ lệ đầu tư nội địa[1]. Từ năm 1960 đến giữa thập kỷ 90, tỷ lệ tiết kiệm nội địa của các nước Đông á đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 14% GDP lên 35% GDP; trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm nội địa của các nước Mỹ la tinh trì trệ ở khoảng 15-17% và tỷ lệ này ở tiểu vùng Sahara châu Phi thì giảm mạnh, từ khoảng 12% xuống còn 6%. Ngoài ra, có thể thấy, tỷ lệ tiết kiệm nội địa của các nước đang phát triển vẫn rất thấp so với các nước công nghiệp.
          Như vậy, có thể nói tỷ lệ tiết kiệm nội địa đã có tăng lên trong giai đoạn đầu nhưng sau đó lại giảm đi trong giai đoạn sau; đến nay, tỷ lệ tiết kiệm chung toàn thế giới giảm so với đầu thập kỷ 60. Trong nội bộ các nước đang phát triển, đã có sự phân cách ngày càng lớn. Đây là những đặc trưng quan trọng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển.



          Đồ thị 1: Tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP, 1960-1996
Nguồn: Ngân hàng Thế giới
          2) Quan hệ giữa tiết kiệm nội địa và tăng trưởng qua các nghiên cứu đa quốc gia:
          Sự doãng ra về tỷ lệ tiết kiệm nội địa giữa các nước đang phát triển như phân tích ở trên đã đi liền với thành tựu tăng trưởng của các nước. Trong 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ XX, tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người của các nước Đông á đạt trung bình khoảng 5% trong khi ở Châu Mỹ la tinh chỉ khoảng 1% và ở tiểu vùng Sahara châu Phi chưa tới 0,5%. Xuất phát từ thực tế trên và vì quan hệ nhân quả đi từ tiết kiệm đến tăng trưởng theo quan niệm phổ biến của các lý thuyết kinh tế nên đa số các nhà kinh tế khuyến nghị về mặt chính sách, đối với các nước đang phát triển, là phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tăng tỷ lệ tiết kiệm nội địa, coi đây là nhân tố quan trọng bậc nhất để đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người cao và bền vững.
          Tuy nhiên, gần đây một số nhà kinh tế đã xem xét lại các mối quan hệ tiết kiệm và tăng trưởng. Câu hỏi thường được đề cập đến là: Quan hệ giữa tăng trưởng và tiết kiệm là gì, và chiều nhân quả ra sao ? Tương tự, quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư như thế nào ? Liệu tiết kiệm nội địa có tự động được chuyển hoá thành đầu tư không ? Các câu trả lời có ý nghĩa rất quan trọng về phương diện hoạch định chính sách. Nếu tiết kiệm nội địa tác động tới tăng trưởng qua một cơ chế tự động thông qua đầu tư thì mục tiêu chính của các chính sách là cổ vũ tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu đầu tư lại chủ yếu được xác định từ các nguồn khác chứ không phải là tiết kiệm nội địa, và tiết kiệm đi theo đầu tư, thì mục tiêu của chính sách phải là cổ vũ đầu tư... Cuối cùng, nếu quá trình tăng trưởng xuất phát từ nhân tố thứ ba như tiến bộ công nghệ hay sử dụng vốn con người... thì vấn đề huy động tiết kiệm và đầu tư nên được sử lý như thế nào ?
Gillis đã so sánh quan hệ tích luỹ và đầu tư cho 22 nước đang phát triển đại diện cho châu á, châu Phi và châu Mỹ La tin thời kỳ 1960-1983; các nước này được phân làm hai nhóm nhỏ hơn có cùng mức thu nhập đầu người, tài nguyên thiên nhiên và hệ tư tưởng. Qua phân tích so sánh, ông nhận thấy rằng thu nhập có ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ tiết kiệm ở các nước. Trong số 10 nước thu nhập thấp, chỉ có Trung Quốc và Ấn độ có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn 20% vào năm 1983, trong đó tỷ lệ tiết kiệm của Trong Quốc đặc biệt cao (31%); ngược lại, có đến 6 trong số 11 nước thu nhập trung bình có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn 20%. Như vậy, tỷ lệ tiết kiệm tại các nước nghèo thấp hơn tỷ lệ tiết kiệm tại các nước có thu nhập trung bình, đúng như dự đoán của các lý thuyết kinh tế. Điều này cũng phù hợp với thực tế vì phần lớn thu nhập ở các nước nghèo được dành để thoả mãn những nhu cầu sống tối thiểu; số tiền còn lại để tiết kiệm rất ít ỏi. Theo tổng kết của Gillis, quan hệ nhân quả đi theo chiều từ tăng trưởng (thu nhập) đến tiết kiệm.
Ngược lại, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (1993) và một số nghiên cứu sau đó (Campos và Root 1997; Ito 1997, 2000b) đã chứng minh cho thế giới thấy  một trong những nguyên nhân tạo ra sự thần kỳ của Đông á là tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước gồm tiết kiệm của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ so với tổng sản lượng trong nước (GDP) ở Singapo khoảng 50%, ở Trung Quốc, và Malaixia đều cao hơn 40%, ở Hàn Quốc, Thái lan và Inđônêxia từ 30-40% và ở Đài Loan khoảng 25%. Nhờ tỷ lệ tiết kiệm cao nên các nước trên có thể duy trì được tỷ lệ đầu tư cao để thực hiện công nghiệp hoá và đạt được những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao mà không rơi vào tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Đây cũng là điều đã xảy ra đối với Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng cao 1950-1973. Thực tế các quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao đã có thể đầu tư ồ ạt cho công nghiệp hoá mà không lệ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài. Ở các nước này, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường được coi là cách tốt nhất để tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới.
          Mặc dù có mối tương quan rất rõ giữa tiết kiệm và tăng trưởng kinh tế hay thu nhập đầu người, nhưng thực tế rất khó nhận dạng chính xác mối liên hệ giữa hai chỉ tiêu này trong bối cảnh kinh tế rất đa dạng hiện nay.
          Nghiên cứu thực nghiệm của Rana và Dowling (1991) dựa trên mô hình gồm 2 phương trình tăng trưởng và tiết kiệm với việc đưa tất cả những nhân tố có thể giải thích hai biến này vào mô hình (xem mục...) đã khảng định tồn tại một quan hệ hai chiều giữa tiết kiệm nội địa và tăng trưởng. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của nhân tố vốn tới tăng trưởng và công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển châu Á. Theo tính toán của các ông với chuỗi thời gian từ 1965 đến 1988 cho 23 nước châu Á thì tỷ lệ tiết kiệm đứng đầu trong danh sách 5 nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; khi tăng tỷ lệ tiết kiệm lên 1% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng lên tới 0,803%, là một mức rất cao. Ngược lại, khi nâng các nhân tố khác như tỷ lệ tăng trưởng lao động, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu, tỷ lệ vốn ODA trên GDP và tỷ lệ vốn tư nhân nước ngoài thêm 1% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ tăng thêm lần lượt là 0,137%, 0,097%, 0,047% và 0,119%, kém xa so với nhân tố tiết kiệm. Tính toán của các ông cũng cho thấy vai trò của lao động cao hơn vai trò của vốn nước ngoài; như vậy, nhìn toàn cục, các nhân tố trong nước vẫn đóng vai trò quyết định đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá.
          Nghiên cứu kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy chính sách của chính phủ đã có những tác động mạnh tới khả năng huy động tiết kiệm nội địa của các nước. Nhiều chính phủ đã tích cực tìm kiếm các chính sách và công cụ điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là chính sách tài chính, tiền tệ, để thúc đẩy tiết kiệm trong nước; nhờ đó tỷ lệ tiết kiệm tăng nhanh. Đối với các nước ở đó chính phủ rất quan tâm đến động viên tích luỹ nhưng lại áp dụng các chính sách không phù hợp, tỷ lệ tiết kiệm có tăng lên, nhưng chậm hơn. Ngược lại, khi chính phủ không chú ý đến nguồn tiết kiệm này mà tập trung vào huy động vốn nước ngoài thì tỷ lệ tiết kiệm ở nước đó sẽ tăng rất chậm, thậm chí giảm.
          Đối với một nước, tiết kiệm nội địa bao gồm tiết kiệm của khu vực tư nhân trong nước và tiết kiệm của khu vực nhà nước. Mỗi loại tiết kiệm này lại được cấu thành từ một số nguồn khác nhau, tạo nên sự đa dạng của nguồn tích luỹ. Các nước đang phát triển lại phụ thuộc chủ yếu vào một số nguồn vốn khác nhau do đặc điểm kinh tế xã hội khác nhau, nhất là trình độ phát triển và công nghiệp hoá, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu ngành nghề và chính sách huy động tiết kiệm của từng chính phủ. Trong mục dưới đây và chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét kinh nghiệm của thế giới về vai trò của hai loại tiết kiệm này đến quá tăng trưởng và công nghiệp hoá cũng như những nhân tố quyết định tới tỷ lệ tiết kiệm trong nước và các bộ phận cấu thành của nó.
II- QUAN HỆ GIỮA CÁC THÀNH PHẦN CỦA TIẾT KIỆM NỘI ĐỊA VỚI TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ
          1) Tiết kiệm tư nhân trong nước và tăng trưởng kinh tế
Tiết kiệm của khu vực tư nhân trong nước được hình thành từ hai nguồn: tiết kiệm của các doanh nghiệp và tiết kiệm của dân cư. Tiết kiệm của doanh nghiệp là số thu nhập còn lại của doanh nghiệp sau khi đã nộp thuế và đã trả lãi cổ phần cho các cổ đông. Tiết kiệm của các tầng lớp dân cư là phần thu nhập chưa dùng đến của dân cư.
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy có một quan hệ dương rất mạnh giữa tiết kiệm của khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế (Schmidt-Hebbel và Serven, 1996). Người ta còn thấy tăng trưởng thu nhập cao thường diễn ra tại các doanh nghiệp và hộ gia đình có tỷ lệ tiết kiệm cao và chiều nhân quả cũng đi từ tiết kiệm tư nhân sang tăng trưởng (Collins, 1991). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại không đồng tình với quan điểm trên. Carroll and Weil (1994) lại cho rằng kết luận này chưa chính xác vì các nghiên cứu đã bị làm lệch bởi các số liệu về tiết kiệm tư nhân và tăng trưởng của Nhật Bản và các nước công nghiệp hoá mới ở Đông á; nếu loại bỏ các số liệu này, quan hệ sẽ không rõ ràng như chúng ta thường thấy. Ngoài ra, cũng có thể cho rằng chiều nhân quả đi từ tăng trưởng đến tiết kiệm tư nhân vì khi tăng trưởng cao, thu nhập tăng, các hộ gia đình nghèo sẽ có thu nhập vượt qua nhu cầu tối thiểu nên có thể dành dụm làm tăng tiết kiệm. Mặt khác, tiết kiệm cũng là khoản các hộ gia đình giàu để lại cho con cháu; như vậy tiết kiệm cao có được là nhờ tăng trưởng và người ta dành lại cho con cháu thừa kế... Một số lập luận khác cũng được liệt kê để minh hoạ quan điểm này. Mặc dù vậy, Carroll and Weil cũng cho rằng những phân tích của các ông chỉ nhằm ủng hộ quan điểm phải xây dựng một mô hình gồm nhiều phương trình trong đó tiết kiệm và tăng trưởng đều là những biến nội sinh, và đặc biệt không nên coi toàn bộ tiết kiệm tư nhân bao giờ cũng tự động được chuyển thành đầu tư.
          2) Tiết kiệm nhà nước và tăng trưởng kinh tế
          Tiết kiệm của khu vực nhà nước theo nghĩa rộng bao gồm tiết kiệm của chính phủ và tiết kiệm của các doanh nghiệp nhà nước, còn được gọi là tiết kiệm của khu vực quốc doanh hay khu vực nhà nước. Tiết kiệm của chính phủ chủ yếu là tiết kiệm của ngân sách; đó là khoản chênh lệch giữa tổng số thu ngân sách và tổng số chi ngân sách thường xuyên và chi trả nợ của chính phủ. Bên cạnh đó, tiết kiệm của khu vực DNNN cũng góp phần tạo lên tiết kiệm nhà nước. Phần chủ yếu của đầu tư nhà nước thường được lấy từ tiết kiệm nhà nước.
          Cho đến trước thập kỷ 80, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là sự thống trị của học thuyết Keynes, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của khoa học kinh tế học của sự phát triển và những thành công to lớn của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, đã tồn tại một quan niệm phổ biến trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế là cần tăng cường vai trò hoạt động kinh tế của chính phủ thông qua tăng tỷ lệ tiết kiệm nhà nước, và mục tiêu tăng trưởng và công nghiệp hoá sẽ không thể thực hiện được nếu như không có những nỗ lực tăng tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ trong tổng sản phẩm quốc nội.
          Có một thực tế là các nước đang phát triển trong giai đoạn này còn rất nghèo; thu nhập bình quân đầu người lúc đó rất thấp và được phân phối không bình đẳng; bên cạnh đó, tầng lớp dân cư có thu nhập cao có xu hướng thích tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Do vậy khả năng tiết kiệm của khu vực tư nhân rất bị hạn chế. Mặt khác, khả năng huy động vốn nước ngoài khi đó cũng không cao do lúc đó số quốc gia công nghiệp giàu có còn ít trong khi nhu cầu vốn của họ để phát triển sau chiến tranh thế giới thứ hai và tài chính cho chạy đua quân sự và nhiều cuộc chiến khác trong thời kỳ này rất lớn. Chính vì vậy mà các nhà lãnh đạo các quốc gia đang phát triển cũng như các nước viện trợ đều nhấn mạnh sự cần thiết của các chương trình động viên tiết kiệm nhà nước của các quốc gia đang phát triển (Gillis, 1987).
Ngoài ra, còn có một quan niệm phổ biến cho rằng các DNNN thường ưu tiên sử dụng lợi nhuận để tích luỹ trong khi khu vực tư nhân thích sử dụng để tiêu dùng; do đó nếu tập trung thu nhập vào tay chính phủ thì tỷ lệ tiết kiệm của toàn nền kinh tế sẽ tăng lên.
Chính vì những nhận thức như trên nên tiết kiệm nhà nước đã tăng nhanh trong các thập kỷ 60 và 70. Tiết kiệm nhà nước được sử dụng để đầu tư vào các khu vực khó khăn nhất của nền kinh tế, các khu vực có nhu cầu vốn lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn kéo dài, các ngành cần ưu tiên phát triển theo phương hướng trong chiến lược công nghiệp hoá nền kinh tế... Ví dụ như cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp cơ bản, khai hoang, trồng rừng và bảo vệ môi trường... Các nghiên cứu kinh tế lượng cho thấy tiết kiệm nhà nước đã có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước, đồng thời cũng tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, dù mức độ thấp hơn. Tích luỹ nhà nước cũng là thành phần cơ bản của đầu tư nhà nước; do đó đã đóng vai trò chủ lực trong quá trình công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, từ sau năm 1980, với sự thắng lợi toàn diện của học thuyết kinh tế tân cổ điển, những quan niệm trước đó về vai trò của tiết kiệm nhà nước đã thay đổi. Trước hết, quan điểm mới cho rằng sự tham gia hoạt động kinh tế trực tiếp của Nhà nước cần phải giảm bớt vì thực tiễn cho thấy các hoạt động kinh tế của Nhà nước thường rất kém hiệu quả. Mặt khác, hoạt động của khu vực DNNN cũng rất kém hiệu quả và lợi nhuận của khu vực kinh tế này thường bị sử dụng lãng phí và không được tiết kiệm lại để đầu tư, phát huy tác dụng lôi cuốn các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư. Vì vậy, tỷ lệ tiết kiệm nhà nước có xu hướng giảm dần; và đây cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ lệ tiết kiệm chung toàn thế giới giảm sút.
Vì vai trò của tiết kiệm nhà nước giảm sút nên ảnh hưởng của nó tới quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá cũng giảm so với trước.
MỤC II - QUAN HỆ GIỮA ĐẦU TƯ VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ
Trong mục trên, chúng ta đã nghiên cứu kinh nghiệm thế giới về vai trò của tiết kiệm đối với tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá. Tuy nhiên quan hệ này không phải là quan hệ trực tiếp. Để tác động đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm phải được chuyển thành đầu tư; trong đó tiết kiệm trong nước (tiết kiệm nội địa) được chuyển thành đầu tư trong nước và tiết kiệm nước ngoài được chuyển thành đầu tư nước ngoài. Trong mục này, chúng ta sẽ lần lượt xem xét kinh nghiệm thế giới về ảnh hưởng của các loại vốn này tới quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Tuy vậy, trước tiên, chúng ta sẽ xem xét quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư.
          I- QUAN HỆ GIỮA TIẾT KIỆM NỘI ĐỊA VÀ ĐẦU TƯ
          Quan hệ giữa tiết kiệm nội địa và đầu tư ít được xử lý trong các lý thuyết kinh tế truyền thống; thông thường người ta giả thiết rằng tiết kiệm bằng đầu tư, tức là toàn bộ số tiết kiệm bao giờ cũng được chuyển thành đầu tư. Tuy nhiên, trong kinh tế học hiện đại, tình hình không phải bao giờ cũng như vậy. So sánh các số liệu trong các đồ thị 1 và 2 cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa tiết kiệm nội địa và đầu tư tại các nước đang phát triển. Đối với nhiều nước, mặc dù tỷ lệ tiết kiệm nội địa rất cao nhưng chúng lại không được huy động vào đầu tư; nguồn vốn đầu tư quốc gia phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài. ngược lại, một số nước khác có tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, dẫn tới tỷ lệ đầu tư thấp hoặc phải huy động vốn nước ngoài ở mức rất cao để công nghiệp hoá, gây nguy cơ khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ thâm hụt cán cân thanh toán quy mô lớn và kéo dài.

                 Đồ thị 2: Tiến triển của tỷ lệ đầu tư trên thế giới (% của GDP)
          Nghiên cứu quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác hoạch định chính sách, ít nhất cũng vì lý do sau: vì tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư nên nếu có tương quan dương giữa tiết kiệm và đầu tư thì có thể tin rằng có một quan hệ dương giữa tiết kiệm và tăng trưởng trong đó đầu tư là cầu nối giữa hai chỉ tiêu này; hơn nữa, khi tiết kiệm là động lực của tăng trưởng thì tỷ lệ tiết kiệm tăng lên sẽ tự động kéo theo tỷ lệ đầu tư tăng lên và làm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Rõ ràng, trong điều kiện như vậy, mục tiêu của các chính sách sẽ là động viên tiết kiệm tối đa.
          Nhiều lý thuyết kinh tế phân biệt rất rõ các nhân tố xác định tiết kiệm và đầu tư. Trong khi tiết kiệm phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập thì đầu tư lại phụ thuộc và tỷ suất lợi nhuận kinh doanh và mức độ rủi ro khi đầu tư. Vì tiết kiệm và đầu tư là kết quả của 2 quyết định độc lập nhau nên hoàn toàn có thể khác nhau. Tuy nhiên, trong nền kinh tế đóng, các lý thuyết kinh tế truyền thống cho rằng tiết kiệm luôn luôn bằng đầu tư; khi có những mất cân bằng tạm thời giữa hai chỉ tiêu này thì lập tức sẽ xuất hiện cơ chế điều chỉnh cho phép lập lại cân bằng. Như vậy, theo quan niệm này, nếu tiết kiệm tăng thì đầu tư sẽ tăng và ngược lại.
          Vấn đề phức tạp hơn trong nền kinh tế mở vì có sự giao lưu về vốn giữa trong nước với nước ngoài. Tiết kiệm trong nước có thể được chuyển ra đầu tư ở nước ngoài; hoặc có thể huy động thêm vốn nước ngoài vào đầu tư cho nền kinh tế trong nước. Trong một thế giới lý tưởng có sự lưu thông vốn không hạn chế, tiết kiệm của mỗi nước có thể được chuyển đi bất cứ đâu nếu lãi suất đầu tư ở đó cao nhất; do vậy một sự tăng lên của tiết kiệm trong nước cũng có thể kéo theo thặng dư cán cân vãng lai (hoặc giảm thâm hụt) hơn là làm cho tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tăng trưởng tăng lên.
          Tuy nhiên, thực tiễn chưa phát triển đến mức như giả thuyết về thế giới lý tưởng. Các nghiên cứu thực nghiệm, ví dụ của Feldstein và Horioka (1980) và phát triển hơn là của Feldstein và Bacchetta (1991) cho thấy về dài hạn, có một tương quan dương rất mạnh giữa các tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư. Đối với các nước công nghiệp, các tác giả đều cho thấy hệ số tương quan không dưới 0,9. Các nghiên cứu khác cho trường hợp các nước đang phát triển cũng cho những kết quả tương tự (Dooley, Frankel và Mathieson, 1987; Summer 1988).
          Mặt khác, ngay cả trong trường hợp có sự lưu thông vốn trên thị trường vốn quốc tế, quan hệ trên vẫn tỏ ra rất mạnh. Feldstein (1994) cho rằng dù các hàng rào ngăn cản luồng vốn này được hạ xuống rất thấp thì vốn vẫn rất khó được đưa ra nước ngoài vì người sở hữu nó thích giữ lại trong nước hơn để tránh các rủi ro chính trị và tỷ giá. Nhiều nghiên cứu chi tiết hơn về nguồn vốn đầu tư dài hạn cũng ủng hộ quan điểm này (Mussa và Goldstein, 1994; Tesar và Werner, 1992). Như vậy, có thể nói phần lớn tiết kiệm quốc gia được giữ lại trong nước; và do đó chắc chắn sẽ làm tăng nguồn vốn đầu tư nội địa.
          Một quan điểm khác cho rằng tương quan dài hạn quan sát được giữa tiết kiệm và đầu tư không phản ảnh dịch chuyển vốn giữa các quốc gia, nhưng có thể là kết quả của các phản ứng chính sách hoặc của một nhân tố thứ ba nào đó tác động, làm cho tiết kiệm và đầu tư chuyển động cùng chiều. Nếu người ta chấp nhận quan điểm này thì có thể giải thích được tương quan mạnh giữa tiết kiệm và đầu tư ngay cả khi có sự dịch chuyển vốn cao giữa các quốc gia. Obstfeld (1994) đã tổng hợp các lập luận của quan điểm này. Frankel (1992) cũng lập luận rằng ngay cả trong điều kiện lưu chuyển vốn quốc tế hoàn hảo, thay đổi tiết kiệm sẽ làm thay thay đổi lãi suất thực, từ đó làm đầu tư thay đổi cùng hướng với tiết kiệm. Tuy nhiên, điều này ngầm giả định có sự khác nhau dài hạn về lãi suất thực giữa các nước và do đó các lãi suất thực sẽ phản ánh những chuyển động mong đợi của tỷ giá thực.
          Cùng quan điểm trên nhưng Obstfeld (1986) nhấn mạnh vai trò của những thay đổi chậm chạp về nhân khẩu và công nghệ trong việc thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư tiến triển cùng chiều. Tương tự, Taylor (1994) qua các nghiên cứu thực nghiệm của mình, đã chỉ ra rằng các nhân tố dân số và giá tương đối đều ảnh hưởng tới cả tiết kiệm và đầu tư nên chúng cũng góp phần tạo ra kết quả Feldstein và Horioka.
          Quan điểm thứ ba cho rằng quan hệ tiết kiệm - đầu tư phụ thuộc vào ràng buộc ngân sách dài hạn của nền kinh tế (Obstfeld, 1986). Về dài hạn, nếu nền kinh tế tiến tới một tỷ lệ cố định của tài sản nước ngoài trên GDP, thì có thể khảng định rằng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư sẽ không chênh lệch đáng kể.
          Cuối cùng, Summer (1988) cũng đã gợi ý rằng các hạn chế về mất cân bằng cán cân thanh toán vãng lai của một nước cũng có thể giải thích tương quan chặt giữa tiết kiệm và đầu tư. Các hạn chế này xuất phát từ những điều kiện cho vay do thị trường vốn quốc tế áp đặt đối với nước đi vay, hoặc từ mục tiêu điều chỉnh cán cân thanh toán vãng lai của các nhà hoạch định chính sách; trong những điều kiện như vậy, rất dễ xảy ra tương quan chặt giữa tiết kiệm và đầu tư. Trong trường hợp cực đoan là khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài rất thấp hoặc bằng không, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư sẽ tương quan rất mạnh, đồng thời cung tiết kiệm nước ngoài sẽ ảnh hưởng trực tiếp cả tiết kiệm và đầu tư nội địa (Argimon và Roldan, 1994).
Phân tích của Chenery cũng chỉ ra rằng các nước đang phát triển có thu nhập cao hơn thường trang trải nhu cầu đầu tư bằng nguồn vốn tiết kiệm nội địa ở mức cao hơn. Ngược lại, ở những nước đang phát triển có thu nhập thấp, hơn 1/3 nhu cầu đầu tư phải dựa vào nguồn tích luỹ từ bên ngoài. Các số liệu cũng cho thấy nếu như trong giai đoạn đầu phát triển (những năm 60), các nước đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiết kiệm huy động từ nước ngoài thì theo đà phát triển, sự phụ thuộc này có xu hướng giảm dần. Nếu như vào đầu thập kỷ 60, tỷ lệ đầu tư trên GDP của các nước này còn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tiết kiệm nội địa thì đến đầu thập kỷ 80, tỷ lệ đầu tư đã ngang bằng với tỷ lệ tiết kiệm và hiện nay đã cao hơn đáng kể.
Tuy vậy, ở một số nước, tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với tổng đầu tư trong nước trong những thập kỷ qua thay đổi rất chậm; chứng tỏ sự phụ thuộc vào nguồn tiết kiệm nước ngoài còn rất lớn.


[1] Tỷ lệ tiết kiệm trung bình không trọng số này được tính cho 21 nước công nghiệp và 97 nước đang phát triển. Trong số các nước đang phát triển có 8 nước Đông á, 25 nước vùng Mỹ la tin và Caribê, và 39 nước tiểu vùng Sahara

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét