Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(6) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
MỤC III:  VAI TRÒ CỦA TÍCH LUỸ VÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ TẠI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
I - BẢN CHẤT VÀ NỘI DUNG CỦA QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ TẠI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
1) Bản chất và nội dung của quá trình công nghiệp hoá
Hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tình trạng kém phát triển bao giờ cũng gắn liền với sản xuất nông nghiệp trong khi trình độ phát triển cao luôn luôn đi kèm với một khu vực công nghiệp phát triển. Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng như từng quốc gia đều cho thấy quá trình phát triển đi đôi với tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm đi và tỷ trọng khu vực công nghiệp tăng lên. Như vậy, công nghiệp hoá bao giờ cũng diễn ra cùng với sự phát triển và do đó các nhà kinh tế thống nhất nhận định: nếu một nước gặp khó khăn nghiêm trọng về phát triển kinh tế, thì nước đó nhất thiết phải bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá (Mirsa, 1988).
Theo Mác, khái niệm công nghiệp hoá có thể được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, đó là quá trình phát triên mạnh khu vực sản xuất tư liệu sản xuất; và theo nghĩa rộng, đó là quá trình hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra (thời của Mác) và chuyển nền kinh tế sang sản xuất theo phương thức công nghiệp. Như vậy, theo Mác, quá trình công nghiệp hoá ít nhất cũng phải bắt đầu từ phát triển các ngành công nghiệp nặng tạo ra tư liệu sản xuất; và khi bộ máy công nghiệp đã đạt đến trình độ rất cao, quá trình công nghiệp hoá hoàn thành, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ chuyển sang vận hành theo phương thức sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, Mác cũng chỉ ra rằng quá trình công nghiệp hoá không chỉ là quá trình ưu tiên phát triển công nghiệp nặng mà còn phải có sự phát triển hoà hoà của các khu vực khác, trong đó quan trọng nhất là công nghiệp nhẹ, giao thông, thông tin liên lạc, kỹ năng lao động và trình độ công nghệ (Shirokov, 1973).

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tại các nước đang phát triển ngày nay không giống với các nước tư bản chủ nghĩa dưới thời của Mác. Phần lớn các nước này đều nhỏ, thị trường cực kỳ hạn hẹp; hệ thống kinh tế xã hội lạc hậu, nguồn tài chính eo hẹp... nên không thể thực hiện các chương trình công nghiệp hoá quy mô lớn. Do đó, định nghĩa công nghiệp hoá cần được điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Định nghĩa được coi là tốt nhất và phù hợp với các nước đang phát triển như sau:

Công nghiệp hoá là phương thức phát triển kinh tế trong đó phần lớn nguồn lực quốc gia được sử dụng để phát triển công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, để đa dạng hoá sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nhằm tạo ra và duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và vượt qua được những lạc hậu về kinh tế và xã hội (Liên hợp quốc, 1963). Như vậy, công nghiệp hoá trước hết là phát triển công nghệ và kỹ thuật tiên tiến chứ không phải là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

Những phát triển tiếp theo của khái niệm này càng làm rõ bản chất của quá trình công nghiệp hoá là sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế có tổ chức, có trình độ công nghệ và kỹ thuật cao, tiêu biểu là hoạt động công nghiệp; do đó công nghiệp hóa cũng được hiểu là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa trên sản xuất công nghiệp, trong đó trang bị vốn cho một lao động tăng lên rõ rệt (Pass và Lowes, 1995). Mặt khác, người ta cũng nhận thấy chỉ có thực hiện công nghiệp hoá, các nước nghèo mới tăng nhanh được thu nhập và từng bước bắt kịp trình độ thu nhập của các nước công nghiệp phát triển. Chính vì bản chất như trên nên trong nửa cuối thế kỷ XX, công nghiệp hoá và tăng trưởng được xem là hai quá trình song song trong đó công nghiệp hoá là nội dung cơ bản và là nhiệm vụ trung tâm của tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước đang phát triển. Chỉ có một số rất ít quốc gia có dân số ít, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Cô oét, Libi hay Brunêy có thể đạt được thu nhập đầu người rất cao mà không cần tiến hành công nghiệp hoá. Tuy nhiên, công nghiệp hoá không phải là mục tiêu cuối cùng của phát triển, mà chỉ là một giai đoạn mà các nước đang phát triển phải vượt qua để tăng nhanh thu nhập đầu người của mình. Sau khi phát triển đến đỉnh cao và trở thành nước công nghiệp mới, các nước này sẽ chuyển sang giai đoạn phi công nghiệp hoá, chuyển sang giai đoạn phát triển khu vực dịch vụ.

Nội dung của quá trình công nghiệp hoá không chỉ là tăng nhanh tỷ trong cộng nghiệp trong nền kinh tế mà còn là quá trình chuyển từ nền sản xuất dựa vào thủ công là chính sang nền sản xuất dựa vào máy móc và tiến bộ công nghệ. Đó cũng là quá trình chuyển từ phát triển dựa chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều lao động sang phát triển dựa chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều vốn với trình độ công nghệ ngày càng cao.
          2) Các giai đoạn trong quá trình công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển
          Bất kỳ một nền kinh tế nào duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ (ví dụ Nhật Bản trong giai đoạn 1950-1973, Malaixia sau năm 1985, Hàn Quốc từ năm 1980 đến 1995, Trung Quốc trong 2 thập kỷ 80 và 90...) đều phải tiến hành công nghiệp hoá với những thay đổi rất nhanh chóng về cơ cấu công nghiệp. Kinh nghiệm các nước đã công nghiệp hoá (trước hết là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) cho thấy đó là một quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đi từ công nghiệp nhẹ đòi hỏi ít vốn chuyển sang công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất, tiếp đến chuyển sang công nghiệp điện tử và các ngành công nghệ cao. Singapo và Hồng Kông đã kết hợp quá trình công nghiệp hoá với khai thác các cơ hội phát triển theo chiều sâu các hoạt động thương mại và tài chính. Malaixia, Thái Lan và Inđônêxia bắt đầu quá trình công nghiệp hoá từ một số ngành nhất định thông qua sự kết hợp giữa các lực lượng thị trường với định hướng công nghiệp hoá của Nhà nước. Những giải pháp trên đã cho phép các nước châu á công nghiệp hoá rất nhanh.
Bảng 1: Thay đổi cơ cấu ngành trong quá trình công nghiệp hoá
                 (tỷ trọng các ngành trong GDP, %)
Nền kinh tế
Ngành
1970
1980
1991
1998
Hàn Quốc
Nông nghiệp
29,8
14,2
7,4
6,1

Công nghiệp
23,8
37,8
46,3
43,2

Dịch vụ
46,4
48,1
46,3
50,6
Singapo
Nông nghiệp
2,2
1,1
0,3
0,1

Công nghiệp
36,4
38,8
36,3
34,3

Dịch vụ
61,4
60,0
63,4
65,5
Inđônêxia
Nông nghiệp
35,0
24,4
18,9
17,2

Công nghiệp
28,0
41,3
41,1
42,3

Dịch vụ
37,0
34,3
39,8
40,5
Malaixia
Nông nghiệp

22,9
17,3
11,3

Công nghiệp

35,8
43,8
45,8

Dịch vụ

41,3
38,9
42,9
Philippin
Nông nghiệp
28,2
23,5
22,8
19,4

Công nghiệp
33,7
40,5
35,0
35,5

Dịch vụ
38,1
36,0
42,2
45,1
Thái Lan
Nông nghiệp
30,2
20,6
13,8
12,0

Công nghiệp
25,7
30,8
36,4
40,4

Dịch vụ
44,1
48,6
49,8
47,6
Ấn Độ
Nông nghiệp
44,5
38,1
31,0
26,2

Công nghiệp
23,9
25,9
38,9
26,8

Dịch vụ
31,6
36,0
40,1
47,0
Nguồn số liệu: Triển vọng phát triển châu á, ADB
          Theo các phân tích truyền thống (kinh tế học của sự phát triển), quá trình công nghiệp hoá là chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi đến dịch vụ. Trong công nghiệp, quá trình công nghiệp hoá được thể hiện qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ngoài. Khi bước lên trình độ cao, Nhật Bản đã chuyển trọng tâm phát triển của mình từ công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất sang các ngành công nghệ cao; trong khi đó, trình độ công nghiệp hoá của Hàn Quốc và Đài Loan thấp hơn. Do đó, tận dụng cơ hội Nhật bản bỏ lại các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất, 2 nước này đã nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp này và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình, đồng thời vươn lên sản xuất hàng điện tử hạng trung, thực hiện bước phát triển mới về công nghiệp hoá. Mặc dù Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo và Malaixia đã trở thành những nhà xuất khẩu lớn hàng điện tử nhưng đối với những sản phẩm điện tử tinh xảo, Nhật Bản vẫn chiếm vị trí thống thị. Khi Hàn Quốc và Đài Loan bỏ trống thị trường dệt may và các ngành công nghiệp nhẹ khác, các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam á có cơ hội phát triển mới khi mở rộng phạm vi phát triển của mình sang các lĩnh vực này. Trung Quốc sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng giảm dần hoạt động trong khu vực nông nghiệp để tham gia thị trường dệt may và công nghiệp nhẹ.
          Ito và Orii (2000) đã nghiên cứu biến đổi cơ cấu giữa các tiểu ngành trong quá trình côngnghiệp hoá tại các nước châu á. Các tiểu ngành của công nghiệp được chia làm ba nhóm: nhóm ngành sử dụng nhiều lao động (nhóm L), nhóm ngành sử dụng nhiều vốn (nhóm C), nhóm ngành sử dụng nhiều công nghệ (nhóm T). Cụ thể các nhóm ngành này bao gồm:
          - Nhóm L bao gồm các tiểu ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, các sản phẩm từ da, giày, gỗ và đồ gỗ dân dụng;
          - Nhóm C bao gồm các tiểu ngành công nghiệp sản xuất giấy, xuất bản và in ấn, hóa dầu, cao su, chất dẻo, thép, kim loại màu và các sản phẩm phi kim loại như gốm, sứ, thuỷ tinh, xi măng...;
          - Nhóm T bao gồm các tiểu ngành công nghiệp chế tạo máy như máy dân dụng, hàng điện tử, sản phẩm công nghiệp chính xác và phương tiện vận tải.
          Các ông đã nhận thấy rằng, theo thời gian của quá trình công nghiệp hoá, tỷ trọng của nhóm ngành L trong giá trị gia tăng giảm dần, trong khi tỷ trọng của nhóm ngành C ban đầu tăng lên, nhưng khi thu nhập của nước đó đạt đến một mức cao nào đó thì tỷ trọng của nó giảm xuống. Ngược lại, nhóm ngành T chỉ chiếm một tỷ trọng thấp trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng tỷ trọng của nó sẽ tăng nhanh khi đạt đến một giai đoạn phát triển nhất định.
          Theo phân tích của các tác giả, quá trình dịch chuyển cơ cấu công nghiệp  như trên khá rõ ràng trong quá trình công nghiệp hoá và các nước đi sau đều lặp lại sự chuyển dịch ngành của những nước đi trước; điều đó thể hiện việc các quốc gia châu á đã rất thành công trong việc chuyển giao những lợi thế so sánh trong lĩnh vực công nghiệp từ những nước đi trước cho những nước đi sau (Ito 2001)
3) Vai trò của chính sách trong quá trình công nghiệp hoá
Các nước đang phát triển ngày nay gặp nhiều khó khăn so với các nước phát triển khi khởi đầu chương trình công nghiệp hoá. Thực tế, khi các nước phát triển bắt đầu thực hiện công nghiệp hoá, họ không gặp phải bất kỳ cạnh tranh nào. Hơn nữa, do có một loạt các nước thuộc địa nên các nước phát triển sử dụng các nước này để sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khai thác nguyên liệu phục vụ chương trình công nghiệp hoá ở chính quốc... Ngược lại, các nước đang phát triển ngày nay không những không có những thuận lợi như các nước công nghiệp trước kia, mà còn phải đối phó với hàng loạt thách thức khác, như thiếu hụt nguồn vốn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tăng trưởng dân số nhanh, áp lực cạnh tranh quốc tế rất mạnh và các vấn đề xã hội phức tạp. Đặc biệt, các nước đang phát triển tiếp tục phải chịu sự áp bức rất phi lý, bất công của trật tự kinh tế thế giới mới do chủ nghĩa tư bản, đứng đầu là những nước công nghiệp hùng mạnh nhất, áp đặt.
Chính vì những thách thức như trên, lý thuyết kinh tế hiện đại cho rằng không thể xem nhẹ vai trò của nhà nước trong quá trình công nghiệp hoá. Nhà nước có thể áp dụng nhiều chính sách để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá; trước hết là các chính sách công nghiệp, chính sách thuế, chính sách tín dụng và chính sách cán cân thanh toán quốc tế. Ví dụ, trong chính sách công nghiệp, nhà nước có thể phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước, có thể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản. Chính sách thuế vừa có thể giúp động viên các nguồn lực phục vụ công nghiệp hoá, vừa có tác dụng điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, đồng thời lại có tác dụng bảo hộ sản xuất công nghiệp non trẻ trong nước. Chính sách tín dụng có khả năng tạo thêm nguồn vốn ưu đãi, cần thiết cho các ngành công nghiệp ưu tiên, đồng thời cũng có khả năng điều chỉnh giá tương đối theo hướng có lợi cho sản xuất công nghiệp. Chính sách cán cân thanh toán thường đi kèm với chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu hay công nghiệp hoá dựa vào xuất khẩu...
Trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (1993), một trong những yếu tố chính tạo ra quá trình tăng trưởng thần kỳ của các nền kinh tế Đông á là chính sách tích cực của các chính phủ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá và xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm công nghiệp. Chính sách này xuất phát từ chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu với sử dụng tỷ giá hối đoái làm phương tiện để đạt được cán cân đối ngoại vững chắc, duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và tạo ra những sức ép buộc các nhà sản xuất phải tiếp thu công nghệ mới, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại và nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Thông qua mô hình "đàn nhạn bay"[1], các chính phủ đều dễ dàng nhận biết những ngành công nghiệp nào cần thúc đẩy trong mỗi giai đoạn công nghiệp hoá và phát triển kinh tế nhất định, từ đó có những can thiệp chính sách rất rõ ràng với một mục tiêu rất cụ thể là đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành này.
Trong nỗ lực công nghiệp hoá, các chính phủ khu vực Đông á cũng sử dụng có chọn lọc các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan, các biện pháp thuyết phục về mặt đạo đức, biện pháp trợ cấp tài chính hoặc gây áp lực nhẹ về mặt tài chính nhằm mục tiêu cung cấp cho ngành công nghiệp cần phát triển nguồn tài chính cần thiết với chi phí thấp hơn. Tiến trình công nghiệp hoá đã phụ thuộc khá mạnh vào trợ cấp; tăng trưởng sẽ càng nhanh nếu mức độ phân bổ trợ cấp càng chặt chẽ và càng gắn với các tiêu chuẩn hoạt động hơn (Amsden 1991). Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế coi tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Bắc á là do đầu tư và tái phân bổ nguồn lực trong các ngành hơn là do các hoạt động xuất khẩu; tức là xuất khẩu không phải là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước này (Yusuf 2001).
Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng, những biện pháp kể trên chỉ nên được áp dụng rất dè dặt và thận trọng tại các nước khác. Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý lợi ích của việc sử dụng các khoản trợ cấp hay tín dụng ưu đãi trong chính sách công nghiệp hoá để phát triển các ngành công nghiệp cần ưu tiên không thể hiện rõ nét tại các nước Đông á. Tại một số nước, hệ thống chính sách của chính phủ còn gây ra tâm lý lợi dụng bảo lãnh, cố ý làm liều, dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, việc làm sai lệch giá cả và trợ cấp cho công nghiệp trong một thời kỳ dài nhằm tạo ra các ngành xuất khẩu vững mạnh đã gây ra những chi phí lớn, và dường như các biện pháp này đang ngày càng trở nên không phù hợp với một thế giới hội nhập nhanh, đang tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (Amsden 1989, 1991). Tại các nước Đông á, sau khủng hoảng 1997-98, người ta chứng minh rõ ràng chính sách công nghiệp là nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa năng lực và phân bổ sai nguồn lực. Chính vì vậy, đến nay, vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn rằng chính sách công nghiệp có ảnh hưởng tích cực tới đầu tư và tăng trưởng kinh tế dài hạn nhiều hơn so với những tác động tiêu cực của nó (Ito 2001).
Bên cạnh các chính sách tác động trực tiếp, việc thiết kế hệ thống thị trường vốn và tài chính và các quy định pháp lý kèm theo có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của việc phân bổ các nguồn vốn huy động trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp khác nhau trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Một trong số những khía cạnh về thể chế dễ dẫn đến khủng hoảng tài chính trong quá trình công nghiệp hoá đã được Ito (2001) tổng kết như sau: Tại phần lớn các nước đang phát triển, ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong việc huy động tiết kiệm để đưa vào đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghiệp; trong đó một tỷ lệ quan trọng tiền huy động được dưới hình thức vay ngắn hạn. Nếu ngân hàng dùng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn cho các doanh nghiệp công nghiệp thì sự bất cập về kỳ hạn thanh toán sẽ xuất hiện. Hơn nữa, các khoản nợ ngân hàng nước ngoài thường được tính bằng các đồng tiền mạnh như đôla, yên hay euro chứ không phải các đồng tiền nội địa trong khi ngân hàng vay vốn nước ngoài rồi cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước vay bằng nội tệ; khi đó, vấn đề tỷ giá sẽ xuất hiện khi thanh toán. Hai bất cập trên là vấn đề nan giải của hệ thống tài chính tại nhiều nước. Kinh nghiệm của các nước Đông á cho thấy sẽ hiệu quả hơn nếu các nước có thu nhập thấp chỉ cho phép khu vực ngân hàng ưu tiên tài trợ cho những ngành công nghiệp có tác động khởi đầu cho sự phát triển (Ito 2000), từ đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá.
          4) Vai trò của tiết kiệm và đầu tư đối với quá trình công nghiệp hoá
          Bản chất và nội dung của quá công nghiệp hoá đã phản ảnh nhu cầu vốn rất lớn phục vụ quá trình này. Thực tế cho thấy hầu như không có nước nào đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá nhanh mà lại không kèm theo những tỷ lệ đầu tư tương đối cao. Ngay cả đối với những nước công nghiệp hoá nhanh trong đó vai trò của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm tỷ trọng lớn, thì người ta vẫn cho rằng nguồn gốc của TFP tại những nước này vẫn là vốn đầu tư (Scott 1976, 1981).
Mặc dù khối lượng vốn đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng càng ngày người ta càng nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư. Ví dụ, do nhiều nguyên nhân, chiến lược công nghiệp hoá ở Đài Loan và Hàn Quốc rất khác nhau nên nhu cầu vốn cũng khác nhau. Do sự quan tâm đặc biệt tới khu vực nông nghiệp, nông thôn, chính phủ Đài loan đã ưu tiên phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn và phi tập trung hoá quá trình công nghiệp hoá bằng cách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong khi đó công nghiệp hoá ở Hàn Quốc lại chủ yếu diễn ra ở thành thị và được tập trung hoá cao độ. Chính vì vậy, nhu cầu vốn cho hai loại công nghiệp hoá rất khác nhau, mặc dù kết quả cuối cùng tương đối giống nhau; đó là việc hai nước cùng trở thành các quốc gia công nghiệp mới
          Trong nền kinh tế mới ngày càng phát triển dựa trên tri thức, các ngành công nghiệp mới phát triển nhờ vào công nghệ mới đòi hỏi tỷ trọng đầu tư vào nghiên cứu triển khai rất cao; đây cũng là những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo ta nhiều công ăn việc làm nhất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đầu tư cao, cần phải có những tỷ lệ huy động vốn đầu tư cao nhưng nhiều nước không biết hoặc không thể huy động được số vốn cần thiết. Không chỉ đối với các nền kinh tế đang phát triển, nhiều nước công nghiệp cũng không có khả năng huy động đủ số vốn này; ví dụ do tỷ lệ đầu tư thấp nên các nước thuộc khối Liên minh Châu âu không đủ năng lực tài chính tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu triển khai. Trên thực tế, ngân sách dành cho nghiên cứu triển khai chỉ chiếm 1,9% GDP của Liên minh châu âu trong khi đó Mỹ và Nhật dành tới 2,5% và 2,6% GDP cho lĩnh vực này (Lorenzi, 2001). Như vậy, ngoài những nỗ lực huy động đầu tư, cần phải định hướng lại cơ cấu đầu tư, để có thể sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá.
          Các lý thuyết không bàn nhiều về vai trò của vốn đối với quá trình công nghiệp hoá vì cho rằng công nghiệp hoá là nội dung cơ bản của tăng trưởng kinh tế và luôn đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Do đó khi nói đến các nhân tố xác định quá trình công nghiệp hoá, cần phải hiểu đó cũng chính là các nhân tố xác định tăng trưởng kinh tế. Vì trong giai đoạn công nghiệp hoá, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên nhanh nên rõ ràng nhu cầu vốn sẽ rất cao. Tiết kiệm và đầu tư tự nhiên sẽ trở thành nhân tố quan trọng nhất xác định tốc độ công nghiệp hoá.
          Tuy nhiên, công nghiệp hoá không đơn thuần chỉ là quá trình tăng trưởng. Về bản chất, đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, lý thuyết cổ điển và tân cổ điển không chú trọng phân tích quá trình này. Theo cơ chế tăng trưởng cân bằng của các lý thuyết này, quá trình chuyển dịch các nguồn lực giữa các ngành không có những ảnh hưởng đáng kể tới kết quả sản xuất. Tăng trưởng theo lý thuyết cổ điển và tân cổ điển được xác định chủ yếu từ các nhân tố cung như khối lượng tích luỹ để đầu tư, tốc độ phát triển nguồn vốn con người và tăng năng suất nhân tố; trong khi cơ cấu kinh tế mang tính thụ động, được coi là bị điều chỉnh dần theo tình hình biến động của cầu trong nước và cầu nước ngoài.
          Ngược lại, các lý thuyết Keynes và tân keynes, đặc biệt là trường phái cơ cấu, lại rất nhấn mạnh đến bản chất chuyển dịch cơ cấu của quá trình công nghiệp hoá. Do phân tích kỹ lưỡng quá trình công nghiệp hoá, những người theo thuyết cơ cấu cho rằng không thể đặt ra các giả thiết cố định về tích luỹ và đầu tư mà phải xây dựng các cơ chế mô tả quan hệ hành vi của chúng, phương thức xác định cũng như phân bổ chúng theo ngành, lĩnh vực. Những nhà Keynes học đều tiên đã đi thep tiếp cận này. Clark (1940) và Kuznets (1957) đã xác định một số đặc trưng của quá trình tích luỹ để công nghiệp hoá và chuyển dịch cơ cấu, sau này được gọi là đặc trưng chuẩn (stylized facts). Theo các ông, cần phân rã các khu vực sản xuất và các loại sản phẩm khác nhau tuỳ theo những đặc trưng riêng của chúng. Ba loại đặc trưng chính phải chú ý là: Sử dụng các đầu vào, trong đó vốn đóng vai trò quan trọng; nhu cầu xã hội; và khả năng thương mại được.
Chenery (1988) và nhiều tác giả khác đã phát triển những tư tưởng trên về mặt lý thuyết, đồng thời xây dựng rất nhiều mô hình thực nghiệm để kiểm chứng. Đặc biệt, nhiều tác giả đã có những cố gắng kết hợp cả hai trường phái tân cổ điển và cơ cấu để giải thích tiến trình công nghiệp hoá của 25 nước đang thực hiện công nghiệp hoá giai đoạn 1960-1980. Mặc dù có những mâu thuẫn nhất định khi mô phỏng chính sách tương lai, nhưng đối với quá khứ, các nghiên cứu lý thuyết và định lượng đều cho thấy vai trò quan trọng của tiết kiệm và đầu tư đối với quá trình công nghiệp hoá.
Kết luận chung về vai trò của vốn qua các lý thuyết kinh tế:
          Tất cả các lý thuyết phát triển nêu trên đều nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của vốn trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Một số quan điểm còn khảng định rằng hình thành vốn là chìa khoá của mọi quá trình phát triển; quan điểm này được gọi là thuyết tăng trưởng dựa trên nền tảng vốn (capital fundamentalism), được thể hiện phổ biến trong chiến lược tăng trưởng và công nghiệp hoá tại đa số các nước đang phát triển trong thế kỷ XX. Vấn đề tăng trưởng và công nghiệp hoá về bản chất là bảo đảm các nguồn vốn đầu tư để đạt được một tỷ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân và một tốc độ công nghiệp hoá định trước. Do nhấn mạnh vai trò của vốn đầu tư nên việc tạo công ăn việc làm và phân phối thu nhập được nghiên cứu và thực hiện rất sơ sài; người ta cho rằng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá nhanh tự nó sẽ tạo thêm việc làm, giải quyết được tình trạng thất nghiệp và làm giảm những bất bình đẳng trong xã hội.
          Không những đối với các nước đang phát triển, các nước công nghiệp giàu có trong ba thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ 2 cũng đề cao vai trò của vốn đầu tư không những đối với các nước nghèo mà ngay cả ở các nước giàu. Đặc biệt, các nước công nghiệp lúc đó thường cho rằng thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng nhất cản trở quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển; những tính toán kế hoạch tại các nước đang phát triển đều đề ra những nhu cầu ban đầu rất lớn về vốn đầu tư trong khi tiềm lực tài chính của họ rất giới hạn. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn nước ngoài nổi lên như một cứu cánh đối với các quốc gia đang phát triển. Cả hai phía, nước giàu và nước nghèo, đều cho rằng nguồn viện trợ ban đầu rất lớn có thể giúp các nước nghèo tạo ra những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá cao, cho phép tăng nhanh thu nhập và tiến tới giảm được nhu cầu cần viện trợ trong tương lai. Từ quan điểm này, đã có một số chương trình viện trợ ồ ạt cho một số nước nghèo, một số nước bị tàn phá nặng nề sau các cuộc chiến tranh. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét kinh nghiệm cụ thể của các nước trên thế giới về sử dụng các nguồn vốn này.


[1] Mô hình đàn nhạn bay phản ánh trình tự công nghiệp hoá, theo đó các nước phát triển hơn khi bước sang giai đoạn phát triển mới thì nhường những ngành công nghiệp mình đang chiếm ưu thế cho các nước thế hệ kém hơn để tập trung phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao hơn. Các nước thế hệ tiếp theo này khi tiếp nhận những ngành công nghiệp được thế hệ đàn anh để lại, sẽ nhường những ngành mình đang phát triển cho thế hệ thứ ba; như vậy các nước sẽ liên tục kế tiếp nhau trong quá trình phát triển tương tự như cách bay của đàn nhạn. Khái niệm đàn nhạn bay do Akamatsu (1961) khởi xướng, sau đó được hoàn chỉnh trong các lý thuyết tăng trưởng hiện đại (Murphy, Shleifer và Vishny 1989a, 1989b; Matsuyama 1992)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét