Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(2) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi (nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước: Chiến lược huy động và sử dụng vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta):
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
MỞ ĐẦU
Vai trò cực kỳ quan trọng của tiết kiệm và đầu tư trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá nền kinh tế được thể hiện khá rõ trong hầu khắp các lý thuyết kinh tế. Các tư tưởng kinh tế truyền thống đều cho rằng tích luỹ vốn hiện vật là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động; do vậy, nó cũng là nhân tố quan trọng bậc nhất để tăng thu nhập. 
Adam Smith (1776) trong cuốn sách nổi tiếng của mình đã viết: "Vốn là nhân tố chính xác định số lượng lao động cần sử dụng để làm việc; tích luỹ vốn cung cấp cho người lao động trang thiết bị tốt hơn, và quan trọng nhất, là làm cho việc phân công lao động có thể rộng rãi hơn...; tích luỹ vốn làm tăng cả sản lượng lẫn năng suất lao động; tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế tỷ lệ thuận với tỷ lệ đầu từ rút ra từ tiết kiệm"; "do đó, khi chúng ta so sánh thực trạng của một quốc gia tại hai thời kỳ khác nhau, và phát hiện ra rằng năng suất đất đai và lao động của thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước, rằng đất đai được sử dụng tốt hơn, ngành chế biến được mở rộng hơn, thì phải chúng ta phải thấy rằng vốn đầu tư của nền kinh tế đã tăng lên trong khoảng thời gian giữa hai thời kỳ".
Gần đây hơn, vào đầu thập kỷ 50, khi nghiên cứu đưa ra những cơ sở đầu tiên để hình thành ngành khoa học kinh tế học của sự phát triển, Ragnar Nurke (1953) đã khảng định thiếu hụt nguồn vốn tích luỹ là nguyên nhân cơ bản của sự nghèo đói. Ông đã mô tả vòng xoáy đói nghèo mà các nước đang phát triển không thoát ra được như sau:



"Về phía cung, khả năng tiết kiệm rất thấp có nguồn gốc từ thu nhập thực tế thấp; thu nhập thấp lại do năng suất thấp trong khi năng suất thấp là do thiếu vốn; thiếu vốn lại do khả năng tiết kiệm thấp... Vòng xoáy cứ thế tiếp tục. Về phía cầu, động lực đầu tư thấp vì sức mua của dân cư yếu do thu nhập thấp; thu nhập thấp lại do năng suất lao động thấp trong khi năng suất thấp là hậu quả của việc chỉ có ít vốn đầu tư phục vụ sản xuất. Động lực đầu tư thấp cũng là một nguyên nhân làm cho tỷ lệ tích luỹ thấp và chỉ có ít vốn được đem ra đầu tư".

Không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế, vốn còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá. Theo các từ điển kinh tế (Greenwald, 1987; Pass và Lowes, 1995), công nghiệp hoá về bản chất là quá trình tích tụ vốn mạnh mẽ để phát triển công nghiệp, làm tỷ trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, trong nền kinh tế tăng nhanh so với tỷ trọng các ngành kinh tế khác, trước hết là với nông nghiệp; công nghiệp hoá cũng là quá trình chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào lao động (và khu vực nông nghiệp) sang dựa vào vốn (và khu vực công nghiệp), trong đó mật độ vốn trên một lao động tăng lên nhanh.

W.A. Lewis (1955) đã đi xa hơn khi khảng định bản chất của mọi quá trình công nghiệp hoá là quá trình tăng tỷ lệ tích luỹ. Theo ông, "tất cả các nước có trình độ phát triển tương đối hiện nay đều trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh, trong đó tỷ lệ đầu tư ròng hàng năm tăng từ 5% lên 12% hoặc hơn; đây là điều mà chúng ta gọi là cách mạng công nghiệp hay công nghiệp hoá". A.K. Sen (1983) khi phân tích nguồn gốc tăng trưởng của các nước đang phát triển trong 3-4 thập kỷ gần đây (1945-1980) đã nhận thấy một đặc điểm chung là tích luỹ vốn đóng góp từ 25-50% tỷ lệ tăng trưởng GDP, và các nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất tốc độ công nghiệp hoá nhanh nhất thường là những nước có tỷ lệ tích luỹ và đầu tư cao nhất, trong khi các nước phát triển chậm nhất đều là những nước có tỷ lệ đầu tư thấp nhất". Chính vì vậy, quan niệm chung đều cho rằng tích luỹ vốn là vấn đề trung tâm của mọi quá trình công nghiệp hoá.
Như vậy, quan điểm truyền thống cho rằng quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá bắt đầu từ tích luỹ vốn; và sau khi đã có sự tăng trưởng và tốc độ công nghiệp hoá được đẩy mạnh thì lại có thặng dư để tích luỹ và quá trình cứ thế tiếp tục. Đặc biệt, các dự báo lạc quan về tăng trưởng sẽ động viên sử dụng tiết kiệm để tăng đầu tư, đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhờ đó thu nhập sẽ tăng, kéo theo tiết kiệm tăng lên. Đối với các nhà hoạch định chính sách, vấn đề cơ bản đặt ra đối với mọi quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá là làm sao phá được vòng luẩn quẩn theo mô tả trên của Nurke, để đưa tỷ lệ tiết kiệm từ thấp sang trung bình, tiến dần thành cao; có như vậy mới chuyển một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một nước công nghiệp. W.A. Lewis (1954) đề xuất mô hình nền kinh tế hai khu vực trong đó có khu vực (công nghiệp) tích luỹ vốn cao, có khả năng tăng lợi nhuận và tiết kiệm, từ đó làm tăng tỷ lệ đầu tư như sau: "Vấn đề trung tâm của lý thuyết phát triển kinh tế là thấu hiểu quá trình một quốc gia tăng được tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của mình từ 4-5% thu nhập quốc gia, hoặc ít hơn, lên 12-15% hoặc hơn. Đây là vấn đề trung tâm, vì muốn phát triển kinh tế và công nghiệp hoá, không có con đường nào khác ngoài tăng nhanh tích luỹ vốn (bao gồm cả tri thức và kỹ năng đi cùng với vốn)".

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế đã bước vào giai đoạn phát triển mới, dựa trên toàn cầu hoá và tiến bộ khoa học kỹ thuật thì vai trò của vốn đầu tư vẫn hết sức quan trọng. Như chúng ta đã biết, thế giới đang đi vào giai đoạn phát triển mới trong đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng một nền kinh tế mới. Đặc trưng nổi bật của nền kinh tế mới là sự ứng dụng rộng rãi các thành tựu của công nghệ thông tin và viễn thông trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho năng suất lao động tăng lên nhanh chóng, đồng thời chu kỳ tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài hơn và tỷ lệ tăng trưởng trong chu kỳ sau sẽ cao hơn so với trong chu kỳ trước.
Theo Cohen và Debonneil (2000), những yếu tố chính tạo nên các nền kinh tế mới rất đa dạng, trước hết là hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D) các tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Hai là việc thực hiện chính sách tự do hoá quản lý kinh tế và toàn cầu hoá kinh tế được đẩy mạnh trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ 20; điều này đã cho phép chấm dứt được tình trạng độc quyền không những ở từng quốc gia mà cả trên phạm vi toàn thế giới, từ đó khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp năng động, tích cực đổi mới, biến chúng thành các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ mới có năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao (ví dụ các công ty Microsoft, Cisco, Intel, Dell... đã có bước bứt phá rất ngoạn mục khi thế độc quyền của hai tập đoàn lớn là IBM và AT&T bị phá vỡ). Ba là sự phát triển bất ngờ của lĩnh vực tài chính đi kèm với sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động đầu tư mạo hiểm; nhờ đó đã tạo ra hiện tượng bùng nổ các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới. Cuối cùng, cần phải kể đến những chính sách hết sức năng động của các chính phủ, nhất là các chính sách hỗn hợp (policy mix) trong bối cảnh tự do hoá nêu trên, và vai trò rất tích cực của các trường đại học trong việc thúc đẩy sự ra đời và phát triển một xã hội tri thức và đổi mới, làm nền tảng căn bản để duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định với tỷ lệ cao.

Như vậy, công nghệ thông tin và viễn thông đã và đang trở thành nhân tố động lực hàng đầu trong quá trình tăng trưởng hiện nay tại các nước công nghiệp, và tới đây sẽ lan toả rộng rãi sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, khi đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm tại các nhóm nước này, người ta dễ dàng nhận thấy chênh lệch về trình độ phát triển còn rất xa. Ngay trong nhóm các nước công nghiệp, rõ ràng các nước châu Âu vẫn đang thua kém và phụ thuộc vào Mỹ về trình độ công nghệ. Thậm chí trong lĩnh vực tưởng như châu âu có lợi thế so sánh so với Mỹ như lĩnh vực điện thoại di động, người Mỹ vẫn chiếm vị trí lãnh đạo; ví dụ như hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới Nokia cũng phụ thuộc rất lớn vào trung tâm nghiên cứu và phát triển quan trọng nhất của mình đặt tại thung lũng Silicon; hay hãng Alcatel của Pháp cũng rất phụ thuộc vào việc mua lại các doanh nghiệp tích cực đổi mới của Mỹ để lấy đó làm động lực, hạt nhân cho sự phát triển của mình...

Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao châu Âu tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế mới, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu thấp kém so với các doanh nghiệp Mỹ ? Đến nay, các chuyên gia đều nhất trí cho răng sự tụt hậu này có nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất là tỷ lệ đầu tư trên GDP của châu Âu vào lĩnh vực này rất thấp so với Mỹ. Bên cạnh đó, mặc dù một số nước lớn ở châu Âu như Đức, Anh, Pháp có thể đưa được tỷ lệ đầu tư trên GDP lên ngang bằng Mỹ, nhưng như thế vẫn chưa đủ vì tỷ trọng đầu tư của các nước này vào lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông vẫn kém Mỹ khoảng 30-40%. Do vậy, để phát triển nhanh và nâng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của mình lên ngang với Mỹ, các nhà kinh tế châu Âu trong thập kỷ 90 đã cho rằng châu Âu không chỉ cần nâng tỷ lệ đầu tư lên cao hơn nữa mà còn phải tập trung đầu tư hơn nữa cho các hoạt động nghiên cứu triển khai để tạo ra được những đầu tầu về khoa học và công nghệ như bang Masachuset và Caliphoócnia của Mỹ, nơi có tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực này cao hơn nhiều so với các bang khác. Chính do không tập trung đầu tư tạo ra những trung tâm khoa học mang tính đầu tàu như vậy nên trong thập kỷ 90, châu Âu đã bị tụt hậu toàn diện so với Mỹ (Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, 1998 và 2000).

Như vậy, chúng ta thấy ngay cả khi đi vào giai đoạn phát triển nền kinh tế mới, vai trò của vốn đầu tư và phương thức sử dụng nó vẫn cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế.

Trước những nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn rất phong phú trên thế giới về vai trò quan trọng của tiết kiệm và đầu tư đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá trên đây, vấn đề nghiên cứu, tổng kết chúng thành các bài học kinh nghiệm áp dụng cho quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển đã trở lên rất cần thiết, vì nhờ những kinh nghiệm đó, các nước đang phát triển vừa có thể duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, vừa có thể rút ngắn thời gian thực hiện công nghiệp hoá.

Vấn đề trên càng trở lên đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta vì yêu cầu tăng trưởng và công nghiệp hoá đã được Đảng ta đề ra rất cao. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khảng định “đường lối kinh tế của Đảng ta là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020” và “con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt”. Do vậy, trong khi các nước công nghiệp phát triển đã mất hàng trăm năm để hoàn thành công nghiệp hoá, các nước đang phát triển phải mất khoảng nửa thập kỷ vừa qua để trở thành nước công nghiệp mới, thì quá trình trở thành nước công nghiệp của nước ta chỉ được phép kéo dài trong khoảng 20 năm. Đây chính là thách thức rất to lớn, đòi hỏi chúng ta vừa phải biết phát huy được tinh thần sáng tạo của người Việt Nam, vừa phải biết khai thác, tận dụng tốt kinh nghiệm của thế giới, đưa vào phục vụ có hiệu quả nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Báo cáo này, trong khuôn khổ một nhánh bàn về lý thuyết và kinh nghiệm thế giới của Đề tài nhà nước... , không có tham vọng đề cập một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá trên thế giới và ở nước ta, mà chỉ tập trung phân tích, tổng kết lý thuyết và kinh nghiệm thế giới trong việc huy động nguồn vốn tiết kiệm và đầu tư phục vụ quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, trên cơ sở đó khuyến nghị một số cơ chế, chính sách nên áp dụng cho quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá nền kinh tế nước ta.

Cơ cấu của báo cáo gồm 3 chương và phần kết luận. Chương I sẽ được dùng để tóm tắt lại quan điểm của một số lý thuyết kinh tế lớn về vai trò của tiết kiệm và đầu tư đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá nền kinh tế. Chương II sẽ tổng kết các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Chương III sẽ bàn về các nhân tố xác định tiết kiệm và đầu tư trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Cuối cùng, trong phần kết luận, chúng tôi sẽ có những đánh giá chung về lý thuyết và kinh nghiệm thế giới đối với quan hệ tiết kiệm, đầu tư trong tiến trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách nên nghiên cứu vận dụng phục vụ cho quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá nền kinh tế nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét