Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

(13) THỬ NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ

Bài viết của tôi năm 2001:
MÔ HÌNH KINH T LƯỢNG QUÝ
CHƯƠNG III
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM TRONG PHÂN TÍCH KINH TẾ, MÔ PHỎNG CHÍNH SÁCH VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN NGẮN HẠN
          Trong chương II, chúng ta đã xây dựng xong mô hình kinh tế lượng quý VQEM đảm bảo những tiêu chuẩn về mặt thống kê toán và có thể được sử dụng để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển. Thông thường sau khi xây dựng, mô hình kinh tế lượng sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích trong đó có ba mục đích sau:
          - Phân tích một số cơ chế kinh tế thông qua mô hình;
          - Mô phỏng ảnh hưởng của một số biến ngoại sinh và biến chính sách chính tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (mô phỏng nhân tử);
          - Thử nghiệm dự báo tăng trưởng và phát triển.
          Dưới đây là một số kết quả rút ra trên cơ sở sử dụng mô hình VQEM.
MỤC 1: MỘT SỐ CƠ CHẾ KINH TẾ VĨ MÔ RÚT RA TỪ PHÂN TÍCH KINH TẾ LƯỢNG
          I. CƠ CHẾ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN
          Quá trình xây dựng mô hình và mô phỏng trong chương II đã cho phép rút ra cơ chế phục hồi tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây như sau:
          1) Vai trò của đầu tư
          Nhờ chính sách nới lỏng tài chính tiền tệ, tỷ lệ thâm hụt ngân sách và tăng trưởng tiền tệ tăng lên trong khi lãi suất cho vay giảm; kết quả là đầu tư của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân đều tăng, kéo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên đến lượt mình ở chu kỳ sau sẽ làm tăng tín dụng đầu tư, cho phép tăng đầu tư của cả khu vực doanh nghiệp Nhà nước lẫn khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây là tính động của quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Quá trình này ngày càng mạnh lên nếu chính sách tài chính tiền tệ tiếp tục được nới lỏng trong tầm kiểm soát.
Theo mô hình, tăng trưởng kinh tế có tác động tới tăng trưởng tín dụng ngay trong quý nhưng tác động này rất thấp (khi tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa tăng 1% thì tín dụng ngay trong quý chỉ tăng thêm 0,07%); ngược lại ảnh hưởng này về mặt dài hạn lại rất lớn nhờ tác động của tăng trưởng tín dụng trong quý trước (khi tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa tăng 1% thì tín dụng tích luỹ dài hạn tăng thêm 1,08%). Ngoài ra, cũng theo mô hình, yếu tố quý không đóng vai trò đáng kể trong mối quan hệ này.
Tương tự, theo mô hình, tín dụng ngân hàng cho khu vực nhà nước và cho khu vực tư nhân đều ảnh hưởng đến đầu tư với độ trễ 1 quý. Tuy nhiên, trong khi lãi suất cho vay ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân ngay trong quý thì nó chỉ ảnh hưởng tới đầu tư khu vực Nhà nước trong quý sau, tức là trễ 1 quý. Chi ngân sách cho đầu tư ảnh hưởng đến đầu tư khu vực Nhà nước ngay trong quý, tức là không có độ trễ.
Về mặt giá trị, chi ngân sách cho đầu tư tăng thêm 1% thì sẽ làm cho đầu tư của khu vực Nhà nước tăng thêm 0,89%, tức là hầu như toàn bộ chi ngân sách cho đầu tư sẽ được chuyển thành đầu tư. Trái lại, ảnh hưởng của tín dụng ngân hàng tới đầu tư của khu vực Nhà nước tương đối thấp: khi tín dụng ngân hàng dành cho khu vực Nhà nước tăng thêm 1% thì vốn đầu tư của khu vực này trong quý sau mới tăng thêm 0,20%. Ảnh hưởng của lãi suất đối với đầu tư của khu vực này cũng thấp: khi lãi suất cho vay giảm 1% thì vốn đầu tư chỉ tăng lên 0,34%. Mô hình cho thấy đầu tư của khu vực Nhà nước thường tăng mạnh so với xu thế vào các quý II và III.
Tương tự như đối với đầu tư của khu vực Nhà nước, ảnh hưởng của tín dụng ngân hàng tới đầu tư của khu vực tư nhân cũng không cao: khi tín dụng ngân hàng dành cho khu vực tư nhân tăng 1% thì đầu tư của khu vực này trong quý sau mới tăng 0,26%, cao hơn một chút so với mức 0,20% ở trên. Ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế cũng rất thấp. Đầu tư của khu vực tư nhân tăng mạnh so với xu thế vào các quý II và III. Tuy nhiên, khác với khu vực Nhà nước, lãi suất cho vay có ảnh hưởng rất mạnh tới đầu tư của khu vực tư nhân: khi lãi suất cho vay giảm 1% thì đầu tư của khu vực này tăng tới 0,77%.
2) Vai trò của tiêu dùng
          Cũng nhờ chính sách nới lỏng tài chính tiền tệ, chi tiêu của chính phủ tăng lên trong khi lãi suất huy động giảm và thuế suất giảm đã khuyến khích tiêu dùng cá nhân, do đó tiêu dùng toàn xã hội tăng kéo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Ở vòng tiếp theo, tỷ lệ tăng trưởng tăng lên trong vòng trước sẽ khuyến khích tiêu dùng tư nhân trong vòng hai, trong khi nhờ tăng thu ngân sách qua quá trình tăng trưởng, chi tiêu công cộng cũng tăng lên. Kết quả chung là tăng trưởng sẽ khuyến khích tiêu dùng và mở ra một vòng tăng trưởng mới cao hơn. Đây cũng là tính động của quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế tại nước ta.
          Theo mô hình, tiêu dùng chính phủ có ảnh hưởng tức thời đến tiêu dùng xã hội và tăng trưởng kinh tế; đây là cách chọn lựa của người lập mô hình căn cứ vào cân đối tài khoản quốc gia. Tuy nhiên, theo các kết quả kinh tế lượng, tăng trưởng kinh tế và chính sách thu ngân sách có tác động tới tiêu dùng cá nhân với độ trễ là 1 quý và quy mô khá mạnh: khi chênh lệch GDP - thuế tăng 1% thì tiêu dùng cá nhân tăng 0,34%. Về dài hạn, ảnh hưởng này theo mô hình là 0,71%. Ngoài ra, mô hình còn cho thấy tiêu dùng cá nhân tăng mạnh vào quý IV so với xu thế trung bình.
          3) Vai trò của khu vực kinh tế đối ngoại
          Phục hồi kinh tế tại các nước bạn hàng làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng nước ta, nhờ đó cho phép xuất khẩu nước ta tăng lên, làm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu giảm rất nhanh cũng khuyến khích sản xuất trong nước (thay thế nhập khẩu), cho phép làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những quan hệ này không mang tính động vì xuất khẩu không chịu tác động của tăng trưởng kinh tế trong khi tăng trưởng kinh tế theo mô hình sẽ làm cho nhập khẩu tăng lên.
Như vậy, theo cơ chế trong mô hình, việc phục hồi tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây phụ thuộc rất lớn vào chính sách kích cầu của Nhà nước và hoạt động xuất nhập khẩu, đúng như các phân tích trong chương I.
Bên cạnh cơ chế tăng trưởng, mô hình còn cho phép xác định cơ chế thay đổi cơ cấu ngành, theo đó, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên 1% thì cơ cấu ngành cũng thay đổi như sau: 30,5% là đóng góp của tăng trưởng công nghiệp, 43,0% là đóng góp của dịch vụ và chỉ 26,5% là đóng góp của nông nghiệp.
II. CƠ CHẾ THU CHI NGÂN SÁCH
1) Cơ chế thu ngân sách
Cơ chế thu chi ngân sách xác định qua mô hình hoàn toàn phù hợp với cơ chế phân tích lý thuyết trong chương I và II. Thu ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào tổng sản phẩm trong nước nhưng không phải tổng sản phẩm trong nước cùng quý mà là tổng sản phẩm trong nước trước đó 2 quý. Như vậy độ trễ của thu ngân sách so với sản xuất khoảng 6 tháng. Về mặt chính sách, nếu như tổng sản phẩm trong nước của quý hiện tại tăng lên thì có thể dự báo tổng thu ngân sách trong quý tiếp theo quý tới (khoảng 6 tháng tới) sẽ tăng lên, do đó có thể dự kiến một kế hoạch chi ngân sách tăng lên.
Mô hình cũng cho thấy khi tổng sản phẩm trong nước quý hiện tại tính theo giá hiện hành tăng thêm 1% thì tổng thu ngân sách của quý tiếp theo quý tới sẽ tăng thêm 0,68%. Ngoài ra, mô hình còn cho biết tổng thu ngân sách quý IV thường cao hơn so với các quý khác trong quan hệ với tổng sản phẩm trong nước GDP.
2) Cơ chế chi ngân sách
Cơ chế chi ngân sách được mô tả theo đúng phương thức điều hành chi ngân sách của Nhà nước ta. Tuy nhiên, về quan hệ kinh tế lượng, mô hình đã cho thấy có một quan hệ rất chặt giữa chi ngân sách thường xuyên và tổng thu ngân sách (xem phương trình); như vậy cơ chế chi ngân sách thường xuyên là căn cứ vào tổng thu ngân sách hàng quý. Đặc biệt, hệ số trong phương trình là 1, tức là khi tổng thu ngân sách tăng thêm 1% thì tổng chi thường xuyên ngay trong quý đó cũng tăng thêm 1%. Bên cạnh đó, mô hình còn cho biết chi ngân sách thường xuyên thường tăng mạnh so với xu thế vào quý III.
III. CƠ CHẾ TIỀN TỆ VÀ GIÁ CẢ
1) Tiền tệ
Như đã phân tích trong chương II, mục 2, điểm đặc biệt của mô hình quý VQEM là không có phương trình xác định tổng cầu tiền tệ mà chỉ có phương trình dự báo tổng cung trên cơ sở các hành vi ứng xử quá khứ của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, cơ chế lưu thông và phát hành tiền tệ để đảm bảo cân đối cung cầu tiền tệ đã không có mặt trong mô hình.
2) Giá cả và lạm phát
Phương trình lạm phát trong mô hình cho thấy một cơ chế hình thành lạm phát tương đối đơn giản: Một mặt, lạm phát phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế; khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên thì tỷ lệ lạm phát của quý tiếp theo cũng tăng lên, ngược lại, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm đi thì tỷ lệ lạm phát của quý tiếp theo cũng giảm xuống. Từ đây có thể thấy việc giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cũng là một nguyên nhân của giảm tỷ lệ lạm phát. Việc giảm tỷ lệ lạm phát sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng và đầu tư nên kéo theo quá trình giảm tiếp theo của tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Đây là tính động của lạm phát.
Mặt khác, các nhân tố chính sách cũng đóng vai trò quan trọng trong hình thành và phát triển lạm phát. Theo mô hình, phá giá tỷ giá, tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP, tăng lãi suất và tăng cung tiền tệ đều là những nhân tố làm tăng tỷ lệ lạm phát.
IV. CƠ CHẾ XUẤT NHẬP KHẨU
1) Cơ chế xuất khẩu
Xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào cầu nước ngoài và sức cạnh canh của hàng xuất khẩu nước ta; quan hệ ngược trong mô hình chỉ được thực hiện gián tiếp thông qua biến động giá cả. Nếu tăng trưởng ở các nước bạn hàng, tỷ giá và giá quốc tế giữ nguyên, nhưng tỷ lệ lạm phát trong nước giảm đi thì sức cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu tăng lên, làm cho xuất khẩu có khả năng tăng lên. Xuất khẩu tăng sẽ kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng lên. Ở vòng tiếp theo, tăng trưởng GDP sẽ làm cho tỷ lệ lạm phát tăng lên (xem phương trình xác định lạm phát), dẫn tới giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Quá trình này sẽ hội tụ dần về một quan hệ hợp lý, cân bằng dài hạn giữa tăng trưởng GDP, lạm phát và xuất khẩu. Đây là tính động của xuất khẩu.
2) Cơ chế nhập khẩu
Tính động trong cơ chế nhập khẩu được thể hiện trên nhiều góc độ. Thứ nhất, tăng trưởng GDP có ảnh hưởng vừa trực tiếp, vừa trễ 1 quý và rất mạnh tới nhập khẩu của nền kinh tế, trong khi đó nhập khẩu được tính vào cân đối GDP nên nó lại ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Như vậy có một cơ chế tác động trực tiếp, hai chiều giữa hai chỉ tiêu nhập khẩu và tăng trưởng GDP.
Thứ hai, quan hệ giữa hai chỉ tiêu này còn được thể hiện gián tiếp qua hoạt động xuất khẩu: khi GDP tăng lên thì giá cả trong nước tăng, dẫn tới xuất khẩu giảm (nếu như không có những tác động khác làm cho xuất khẩu tăng, ví dụ như tăng cầu nước ngoài); hậu quả là nhập khẩu quý sau sẽ giảm đi và do đó sẽ tác động tới tăng trưởng GDP quý sau (xem phương trình nhập khẩu).
Thứ ba, cũng như xuất khẩu, nhập khẩu cũng bị cạnh tranh về giá cả, tạo thành cơ chế động giữa tăng trưởng GDP, nhập khẩu và lạm phát. Các nhân tố khởi động cơ chế nhập khẩu rất đa dạng, ví dụ thay đổi giá trị các biến ngoại sinh trong phương trình xác định lạm phát sẽ tạo ngay ra một chuỗi tác động dây truyền giữa các chỉ tiêu liên quan trong vòng cơ chế nhập khẩu.
MỤC 2: MÔ PHỎNG ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ BIẾN NGOẠI SINH VÀ BIẾN CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ CHÍNH (MÔ PHỎNG NHÂN TỬ)
          Dựa trên mô hình quý vừa xây dựng, có thể mô phỏng hiệu quả nhân tử các một số công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của thay đổi môi trường kinh tế trong và ngoại nước tới tăng trưởng, lạm phát, thu chi ngân sách và các biến kinh tế vĩ mô khác trong mô hình. Hiệu quả nhân tử này được xác định theo công thức sau:
                              HQNT = (Xf - Xs) / Xs * 100
trong đó Xs là giá trị mô phỏng gốc (mô phỏng ex-post, còn được gọi là mô phỏng cơ sở); Xf là giá trị mô phỏng với thay đổi giá trị của biến ngoại sinh. Công thức trên cho biết khi thay đổi giá trị của một biến ngoại sinh thì chênh lệch phần trăm giữa giá trị bình thường và giá trị mới của các biến nội sinh là bao nhiêu, chênh lệch này được coi là hiệu quả tác động của thay đổi của biến ngoại sinh.
          Để minh họa ảnh hưởng của thay đổi một số chính sách và biến ngoại sinh tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nước ta, dưới đây chúng tôi xin trình bày một số kết quả mô phỏng chính.
          1) Tăng tiêu dùng của Chính phủ thêm 10% so với thực tế
          Kết quả mô phỏng cho thấy khi tiêu dùng chính phủ hàng quý từ quý I/1997 tăng thêm 10% so với thực tế thì tiêu dùng xã hội tăng thêm khoảng 1,5%[1]; trong đó tiêu dùng tư nhân tăng thêm khoảng 0,55%. Tiêu dùng tăng làm cho tổng cầu tăng, kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 0,3% (GDP theo giá cố định tăng khoảng 0,55%), làm cho nhu cầu tín dụng của các khu vực trong nền kinh tế đều tăng, tính chung tăng khoảng 4%. Kết quả là đầu tư khu vực Nhà nước cũng phải tăng thêm khoảng 0,8%, đầu tư tư nhân tăng thêm 0,3% và đầu tư toàn xã hội tăng thêm 0,5%.
          Hoạt động kinh tế sôi động hơn đã làm tăng nhập khẩu khoảng 0,55% so với thực tế, trong khi tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách và tổng chi ngân sách thường xuyên cũng tăng thêm khoảng 0,5-0,6%. Do kinh tế tăng trưởng, giá cả có xu hướng tăng nhẹ trong khi tỷ giá và giá quốc tế không đổi, nên sức cạnh tranh giá của hàng xuất khẩu giảm; hậu quả là xuất khẩu giảm nhẹ so với thực tế: 0,35%; thâm hụt ngoại thương và tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP đều tăng lên.
          Quan sát quá trình động từ quý I năm 1997 đến quý I/2001, có thể thấy ảnh hưởng của chính sách tăng tiêu dùng chính phủ tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có khác nhau. Mức độ tác động của chính sách này tăng lên rất mạnh theo thời gian đối với các chỉ tiêu tín dụng, nhưng lại giảm dần đối với các chỉ tiêu đầu tư (nhất là đầu tư tư nhân), tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng xã hội, sản xuất, thu chi ngân sách, giá cả và xuất nhập khẩu.
          Như vậy, nhìn chung chính sách tăng chi tiêu chính phủ từ ngân sách có tác dụng tích cực tới tiêu dùng, đầu tư và sản xuất nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định giá cả và cán cân ngoại thương. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh hiện này, khi giá cả đang trì trệ và thâm hụt ngoại thương rất thấp, thì chính sách kích cầu thông qua tăng tiêu dùng chính phủ sẽ có tác dụng tích cực tới tình hình kinh tế nói chung. Mặt khác, mặc dù hiệu quả của chính sách này giảm dần qua các năm, nhưng theo các kết quả mô phỏng, sau 4 năm thực hiện, mức độ ảnh hưởng của nó vẫn rất đáng kể.
          2) Tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lên 1 điểm (1%)
          Tác dụng trực tiếp của tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng quý thêm 1% (ví dụ từ 4% lên 5%) là chi ngân sách cho đầu tư tăng vọt: tăng khoảng 16-20% so với thực tế, kéo theo đầu tư của khu vực Nhà nước tăng nhanh: thêm khoảng 15-19% so với thực tế. Tín dụng cho nền kinh tế cũng tăng thêm, nhưng bản chất là do tiếp tục phát triển theo xu thế. Kết quả chung là đầu tư toàn xã hội tăng lên. Tuy nhiên, đáng lưu ý trong khi đầu tư của khu vực chính phủ tăng rất nhanh thì đầu tư của khu vực tư nhân lại giảm sút; như vậy có thể có một sự thay thế lẫn nhau giữa hai loại đầu tư này.
          Về tiêu dùng, vì tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh, độc lập với tỷ lệ thâm hụt ngân sách và toàn bộ phân thâm hụt ngân sách tăng lên được dành để đầu tư nên tiêu dùng chính phủ không thay đổi. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân trong 3 năm đầu tăng lên trung bình khoảng 0,5%/quý, từ năm thứ 4 tiêu dùng tư nhân có xu hướng giảm nhanh. Nguyên nhân là do tỷ lệ lạm phát tăng mạnh và động viên ngân sách tăng lên. Tiêu dùng toàn xã hội tăng dần trong năm đầu tiên nhưng tỷ lệ tăng giảm dần, từ năm thứ 4 tiêu dùng xã hội có xu hướng giảm đi.
          Tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách đã làm tỷ lệ lạm phát tăng mạnh trong 2 năm đầu (tăng khoảng 13% so với tỷ lệ thực tế, ví dụ tỷ lệ lạm phát thực tế là 5% thì tỷ lệ lạm phát sau khi tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách 1% là 5,65%). Lạm phát tăng một mặt đã kích thích tiêu dùng, mặt khác làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, do đó xuất khẩu giảm mạnh so với thực tế. Xuất khẩu giảm là nguyên nhân chủ yếu làm tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm.
          Như vậy, tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách có tác dụng tích cực là làm tăng đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội, nhưng do làm tăng tỷ lệ lạm phát nên phát sinh hiệu quả tiêu cực là giảm xuất khẩu, kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm (mặc dù GDP danh nghĩa tăng làm cho thu ngân sách tăng).
          3) Tăng tỷ lệ tín dụng ngân hàng dành cho khu vực tư nhân thêm 1% mỗi quý
          Khác với nhiều phân tích thông thường, kết quả mô phỏng cho thấy thay đổi cơ cấu tín dụng ngân hàng theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân có ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân tăng 1% thì tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực Nhà nước giảm 1%; kết quả là đầu tư của khu vực tư nhân tăng thêm khoảng 0,5% trong khi đầu tư của khu vực Nhà nước giảm 0,4%. Do đó đầu tư toàn nền kinh tế giảm khoảng 0,15%. Đầu tư giảm đã kéo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng ở mức không đáng kể (0,02%). Nhìn chung, ảnh hưởng của chính sách này tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác đều không đáng kể.
          Nếu tăng tỷ trọng tín dụng cho khu vực tư nhân thêm 10% thì mức độ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn không đáng kể. Như vậy, ảnh hưởng của chính sách thay đổi cơ cấu tín dụng không lớn đối với nền kinh tế.
4) Tăng lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn thêm 1% mỗi quý
Chính sách lãi suất cao có ảnh hưởng rất mạnh tới hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Theo kết quả mô phỏng 4, khi lãi suất huy động nội tệ hàng quý tăng thêm 1% (lãi suất thời kỳ 1997-2001 giảm dần từ 0,8%/quý xuống 0,3%/ quý), thì đầu tư của khu vực Nhà nước giảm tới khoảng 20% ngay trong năm đầu và lên tới 43% vào năm thứ 4. Đầu tư của khu vực tư nhân còn giảm nhanh hơn: giảm khoảng trên 70% ngay trong đầu và duy trì trong suốt những năm sau. Hậu quả là đầu tư của toàn nền kinh tế giảm khoảng 35-40%. Tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng xã hội cũng giảm mạnh tuy mức độ kém ấn tượng hơn. Do tăng lãi suất, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng lên, làm cho giá tiêu dùng và giá GDP tăng mạnh, dẫn tới xuất khẩu giảm khoảng 20% so với thực tế. Kết quả chung là tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm rất mạnh so với thực tế. Như vậy, chính sách lãi suất cao gây tác động tiêu cực khá toàn diện tới toàn nền kinh tế.
5) Vốn FDI thực hiện mỗi quý tăng thêm 10%
          Ảnh hưởng của tăng 10 triệu đô la vốn FDI thực hiện mỗi quý (tương đương với tăng khoảng 2-3% so với thực tế) là khá mạnh đối với toàn nền kinh tế. Do có thêm vốn, tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên khoảng 3%, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng lên khoảng 0,3% so với thực tế. Sản xuất tăng lên nên tiêu dùng, thu chi ngân sách, giá cả và nhập khẩu đều tăng. Tuy nhiên, do giá trong nước tăng nên xuất khẩu giảm nhẹ; hậu quả là thâm hụt ngoại thương tăng lên. Nhìn chung, luồng vốn FDI thực hiện tăng lên có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế.
6) Phá giá tỷ giá danh nghĩa 10% vào quý I/1997
          Kết quả mô phỏng cho thấy phá giá tỷ giá danh nghĩa 10% vào quý I/1997 có tác dụng tích cực toàn diện đối với nền kinh tế. Thứ nhất, bảng mô phỏng 6 cho thấy phá giá làm cho xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng lên nhưng xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu (khoảng 20% so với 9-10%), do đó thâm hụt ngoại thương và tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP đều giảm mạnh.
          Thứ hai, nhờ xuất khẩu tăng mạnh, GDP theo giá cố định tăng lên khoảng 2% và tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng tăng lên. Ở vòng tiếp theo, thu chi ngân sách, tín dụng, đầu tư, tiêu dùng đều tăng lên. Quá trình này mang tính động và ngày càng mạnh; ví dụ GDP sau khi giảm nhẹ trong năm thứ nhất đã tăng mạnh từ năm thứ 2. Đầu tư và tiêu dùng tăng liên tục tăng nhanh và có xu hướng ngày càng cao trong vòng 4 năm sau khi phá giá. Riêng xuất nhập khẩu tăng mạnh trong hai năm đầu, nhưng sau đó mức độ tăng so với thực tế sẽ giảm dần.
          Thứ ba, tỷ lệ lạm phát tăng thấp hơn nhiều so với mức độ phá giá. Mặt bằng giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 3% (4,2%/133%) và mặt bằng giá GDP tăng thêm khoảng 5% (8%/162%) so với thực tế, là những mức tăng chấp nhận được trong bối canh kinh tế những năm gần đây.
          7) Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình của các nước bạn hàng tăng thêm 1%
          Tương tự như phá giá nội tệ, tăng trưởng kinh tế tăng lên tại các nước bạn hàng cũng có tác dụng tích cực toàn diện đối với nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, ảnh hưởng của tăng trưởng trung bình tại các nước bạn hàng tăng thêm 1% tới tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu nước ta mạnh hơn nhiều so với ảnh hưởng của phá giá 10%.
          Theo bảng mô phỏng 7, khi tỷ lệ của tăng trưởng trung bình tại các nước bạn hàng tăng thêm 1% liên tục qua tất cả các quý từ quý I/1997 đến quý I/2001 thì xuất khẩu sẽ tăng dần qua các quý; nếu như năm thứ nhất, xuất khẩu chỉ tăng thêm khoảng 4% so với thực tế thì sang năm thứ 2 đã tăng lên khoảng 22%, năm thứ 3 tăng thêm khoảng 31% và năm thứ 4 tăng thêm khoảng 38%. Như vậy kinh tế thế giới phát triển ổn định và ngày càng tăng thì xuất khẩu dài hạn của nước ta sẽ ngày càng tăng nhanh.
          Tăng trưởng xuất khẩu có ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế. Chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP trong điều kiện xuất khẩu tăng mạnh đã ngày càng lớn, tỷ lệ tăng trưởng GDP ngày càng tăng. Tín dụng, đầu tư tư nhân và khu vực nhà nước, tiêu dùng cá nhân và toàn xã hội đều tăng manh. Do tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thu chi ngân sách và nhập khẩu cũng tăng mạnh. Giá cả cũng tăng lên nhưng mức độ không nhiều. Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương giảm nhanh.
8) Giá xuất khẩu tăng thêm 1% mỗi quý
Giá xuất khẩu tăng thêm 1% cũng có những tác dụng tích cực toàn diện đối với nền kinh tế nước ta như trường hợp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước bạn hàng tăng lên tuy mức độ có kém hơn. Xuất khẩu sẽ liên tục tăng thêm, từ khoảng 4% trong năm đầu tăng lên 17% trong năm thứ 4. Nhờ xuất khẩu tăng, sản xuất trong nước tăng, kéo theo đầu tư, tiêu dùng, thu chi ngân sách và giá cả đều tăng. Nhập khẩu cũng tăng lên nhưng do mức độ tăng thấp hơn tăng của xuất khẩu nên tỷ lệ thâm hụt ngoại thương giảm nhanh.
MỤC 3: THỬ NGHIỆM DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN NGẮN HẠN
Dự báo tăng trưởng và phát triển kinh tế là chức năng vào loại quan trọng nhất của kỹ thuật mô hình hoá kinh tế lượng. Nguyên tắc chung khi sử dụng mô hình để dự báo tương lai là xây dựng các giả thuyết liên quan tới tương lai, từ đó thay đổi giá trị các đầu vào rồi giải mô hình để tìm ra các dự báo. So với dự báo thông thường của các chuyên gia thì loại dự báo dựa trên mô hình có những thế mạnh rất đáng kể là:
- Đảm bảo sự khớp nhau trong các tính toán cân bằng;
- Cho phép tính đến không hạn chế các cơ chế liên hệ phụ thuộc tuỳ theo độ phức tạp của mô hình;
- Công thức hoá các quan hệ kinh tế, cho phép người khác có thể theo dõi và kiểm tra cách suy luận, tính toán;
- Cho kết quả tức thời và chính xác nhờ tốc độ của máy tính điện tử rất cao;
- Thích nghi tức khắc với mọi thay đổi lý thuyết, công thức khi cần;
- So sánh được với các mô hình khác, tạo ra nhiều cách nhìn khách quan dưới các góc độ khác nhau trong mô tả hiện tượng kinh tế.
          Quy trình xây dựng các dự báo gồm 2 bước chuẩn bị dự báo và thực hiện dự báo với 5 nội dung chi tiết: Dự báo các biến ngoại sinh; dự báo các sai số; xây dựng các kịch bản phát triển; sử dụng mô hình để tính giá trị các biến nội sinh; phân tích kết quả, lựa chọn phương án dự báo hợp lý nhất
          I. CHUẨN BỊ THÔNG TIN CHO QUÁ TRÌNH DỰ BÁO
          Khâu chuẩn bị các thông tin cho quá trình dự báo bao gồm 2 bước đầu của quy trình dự báo: Dự báo các biến ngoại sinh và dự báo các sai số. Yêu cầu đặt ra là các dự báo biến ngoại sinh phải khớp nhau; gồm khớp về xu hướng (cùng mở rộng hay cùng co hẹp) và khớp với xu thế trong quá khứ (không tạo ra những đột biến quá lớn).
1) Dự báo các biến ngoại sinh:
          Dự báo các biến ngoại sinh bao gồm dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý và dự báo các biến ngoại sinh chính sách. Có nhiều phương pháp để dự báo các biến ngoại sinh, trong đó những phương pháp được sử dụng rộng rãi là dự báo theo các mô hình toán học khác, dự báo theo ý kiến chuyên gia và ngoại suy theo xu thế; trong đó dự báo theo hai phương pháp đầu được coi là có độ tin cậy cao nhất và thường được ưu tiên sử dụng tại các nước có trình độ mô hình hoá tương đối cao. Phương pháp thứ ba thường chỉ được sử dụng đối với các biến ngoại sinh không quan trọng.
Trong thực tế, việc sử dụng phương pháp đầu rất ít được sử dụng ở nước ta vì ở nước ta, số mô hình kinh tế lượng còn rất ít, đặc biệt là chưa có mô hình quý; hơn nữa tất cả các mô hình đến nay đều không được chạy thường xuyên để đưa ra và công bố những dự báo mới nhất. Như vậy cần xây dựng các mô hình khác mà điều này rất phức tạp đối với người lập mô hình kinh tế lượng vĩ mô. Ở các nước khác, tồn tại sẵn nhiều mô hình dự báo cho các lĩnh vực khác nhau nên có thể trực tiếp sử dụng kết quả dự báo của các mô hình khác (ví dụ dự báo lãi suất được lấy từ mô hình của Ngân hàng Nhà nước, dự báo dân số và nguồn lao động được lấy từ mô hình dự báo của Bộ Lao động, dự báo giá xuất nhập khẩu được lấy từ mô hình của Bộ Thương mại...).
Việc sử dụng phương pháp chuyên gia cũng rất hạn chế vì thông thường kinh phí dành cho mục tiêu xây dựng mô hình đều rất hạn hẹp nên không có đủ kinh phí trả cho các chuyên gia; hơn nữa thông tin dự báo thay đổi rất nhanh nên cần có sự phối hợp rất tốt giữa các chuyên gia và đội ngũ làm mô hình, mà điều này đến nay ở nước ta việc thực hiện còn rất kém.
Do đặc điểm công tác mô hình hoá kinh tế lượng ở nước ta, chúng tôi sẽ chủ yếu sử dụng phương pháp thứ ba trong dự báo các biến ngoại sinh cho mô hình VQEM. Mặc dù kỹ thuật dự báo thích nghi Box Jenkin rất hữu ích trong dự báo ngắn hạn nhưng ở đây chúng tôi chọn kỹ thuật kinh tế lượng làm công cụ chính căn cứ vào độ tốt của các phương trình xác định các biến ngoại sinh. Bên cạnh đó, đối với một số chỉ tiêu quan trọng, chúng tôi kết hợp dự báo xu thế với sử dụng ý kiến chuyên gia.


[1] Trong các sách kinh tế phương tây, thường người ta dùng từ "điểm" để chỉ sự tăng thêm khi mô phỏng.  Ví dụ tiêu dùng xã hội tăng thêm 1,5 điểm ở đây có nghĩa là khi áp dụng chính sách trên, mức tăng trưởng tiêu dùng xã hội sẽ tăng từ 5% trên thực tế lên 6,5%. Trong báo cáo này, để người đọc Việt nam dễ theo dõi theo thói quen của mình, chúng tôi không dùng từ "điểm" mà thay bằng % nhưng với ý nghĩa trên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét