Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

(15) THỬ NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ

Bài viết của tôi năm 2001:
MÔ HÌNH KINH T LƯỢNG QUÝ
CHƯƠNG III
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM TRONG PHÂN TÍCH KINH TẾ, MÔ PHỎNG CHÍNH SÁCH VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN NGẮN HẠN
(tiếp theo)
   II. THỬ NGHIỆM DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2001-2003
Khâu thực hiện dự báo gồm ba bước cuối của quy trình mô hình hoá: Xây dựng các kịch bản phát triển; sử dụng mô hình để tính giá trị các biến nội sinh; và phân tích kết quả, lựa chọn phương án dự báo hợp lý nhất.
1) Xây dựng các kịch bản phát triển
          Trong phân tích, dự báo, người ta thường xây dựng ba loại kịch bản về khả năng phát triển tương lai của các biến ngoại sinh; gồm kịch bản nền hay kịch bản trung tâm, kịch bản bi quan và kịch bản lạc quan. Trong khâu chuẩn bị thông tin cho quá trình dự báo ở trên, chúng ta đã xác định được giá trị xu thế của tất cả các biến ngoại sinh; tập hợp chúng lại sẽ tạo thành kịch bản nền hay kịch bản trung tâm. Để xây dựng kịch bản bi quan, chúng tôi điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới và giảm khả năng thực hiện chính sách kích cầu. Tương tự, kịch bản lạc quan được xây dựng trên cơ sở môi trường kinh tế quốc tế thuận lợi hơn và chính sách kích cầu được thực hiện theo đúng kế hoạch với hiệu quả cao hơn. Những kịch bản này sẽ được đưa vào làm đầu vào dự báo.
          Tuy nhiên, do khuôn khổ báo cáo đề tài và do mục tiêu chính của đề tài là xây dựng mô hình chứ không phải thực hiện các dự báo nên dưới đây chỉ trình bày một phương án dự báo điển hình.

          2) Tóm tắt kết quả dự báo một khả năng phát triển ngắn hạn điển hình: kịch bản trung tâm hay kịch bản nền.
          Bảng số dưới đây trình bày kết quả mô phỏng - dự báo quý cho các năm 2001-2003 theo phương án kịch bản nền. Vì nhiều đầu vào của năm 2001 đã được biết nên độ chính xác của dự báo rất cao. Theo các dự báo này, tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt qua 4 quý của năm 2001 là 7,16%; 7,00%; 7,84% và 7,07% trong khi số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê lần lượt là 7,15%; 7,0%; 7,0% và 7,2%. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2001 theo dự báo sẽ vào khoảng 7,3% so với kết quả thực tế khoảng 7,1%.
          Dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP các quý năm 2002 theo mô hình lần lượt là 7,3%; 7,9%; 8,9% và 9,1%. Như vậy tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2002 khá cao, khoảng trên 8% trong khi kế hoạch nhà nước dự kiến khoảng 7,3%. Hơn nữa, tỷ lệ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng liên tục trong năm 2002 theo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới và mở  rộng chính sách kích cầu. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2003 tiếp tục cao, nhưng có những quý tăng trưởng chậm lại, quý I tăng 8,4%; quý II tăng 7,1%; quý III tăng 11,6% và quý IV tăng 8,5%; trung bình cả năm 8,7%.
          Tương tự, với những số liệu trong bảng, có thể xác định tỷ lệ tăng trưởng hàng quý và cả năm của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), xác định nhu cầu tín dụng và nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế cũng như cho khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Theo tính toán từ mô hình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2001 đạt 152 nghìn tỷ đồng (ước thực hiện năm 2001 đạt 150 nghìn tỷ đồng), năm 2002 đạt 171 nghìn tỷ đồng (kế hoạch năm 2002 đề ra mức 170-175 nghìn tỷ đồng), và năm 2003 đạt 188 nghìn tỷ đồng.
Về ngân sách, thu ngân sách dự báo theo mô hình năm 2001 sẽ đạt 98 nghìn tỷ đồng (ước thực hiện 97,5 nghìn tỷ đồng), năm 2002 đạt 105 nghìn tỷ đồng (kế hoạch 2002 dự kiến 107 nghìn tỷ đồng) và năm 2003 đạt 112,2 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách theo dự báo của mô hình năm 2001 sẽ đạt 117,5 nghìn tỷ đồng trong khi thực tế ước đạt 123 nghìn tỷ đồng; sai lệch chủ yếu do tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên tính theo mô hình thấp. Dự báo tổng chi ngân sách năm 2002 sẽ đạt 125 nghìn tỷ đồng, năm 2003 đạt 135 nghìn tỷ đồng.
Về giá cả, tỷ lệ lạm phát tiếp tục thấp trong ba năm tới mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên. Nguyên nhân chính là tốc độ tăng trưởng tiền tệ chậm, lãi suất thấp và tỷ giá không có biến động lớn. Dự kiến tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng giảm 1,8% năm 2001 (10 tháng đầu năm 2001 giá tiêu dùng giảm 0,6%), tăng 2,5% năm 2002 (kế hoạch 2002 đề ra là 3-4%), và 3,1% năm 2003. Như vậy, nền kinh tế sẽ dần dần ra khỏi tình trạng thiểu phát trong 2 năm tới.
Hoạt động ngoại thương tiếp tục phát triển. Dự báo xuất khẩu năm 2001 sẽ đạt khoảng 16,4 tỷ USD (ước thực hiện năm 2001 là 16 tỷ USD); năm 2002 đạt 18,5 tỷ USD (kế hoạch 2002 dự kiến 18 tỷ USD); năm 2003 dự báo đạt 20,3 tỷ USD. Nhập khẩu năm 2001 dự báo qua mô hình sẽ đạt 15,5 tỷ USD (ước thực hiện đạt 16,3 tỷ USD); năm 2002 đạt 16,6 tỷ USD và năm 2003 đạt 18,5 tỷ USD. Nhập khẩu dự báo theo mô hình thấp hơn so với thực tế vì theo cơ chế quản lý kinh tế trong những năm gần đây, nhập khẩu bị kiểm soát chặt chẽ theo kiểu hành chính và chính sách thuế cao của nhà nước mà chúng chưa được phản ảnh trong mô hình; do đó dự báo vẫn được thực hiện trên cơ sở các chính sách kiểm soát nhập khẩu quá khứ trong khi từ năm 2001, đã có những nới lỏng về kiểm soát nhập khẩu.

KẾT LUẬN CHUNG VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG
MÔ HÌNH VÀ MỘT SỐ NHẬN XÉT TRÊN CƠ SỞ
CÁC PHÂN TÍCH, DỰ BÁO TỪ MÔ HÌNH
          Mô hình hoá kinh tế lượng là một trong những ngành khoa học còn rất mới mẻ ở nước ta trong khi nó được coi là một công cụ không thể thiếu được trong hoạch định chính sách kinh tế và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở phần lớn các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong số các loại mô hình kinh tế lượng, mô hình quý càng ngày càng tỏ ra có vai trò rất quan trọng để điều hành kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động rất nhanh hiện nay; nhưng ở nước ta đến nay, hầu như chưa có công trình nào về xây dựng mô hình quý. Nhận thức được nhu cầu này, gần đây, nhiều cơ quan quản lý kinh tế nước ta đã bắt đầu đặt vấn đề nghiên cứu thử nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế lượng trong đó có các mô hình quý.
Đề tài này được thực hiện nhằm thực hiện chủ trương tăng cường sử dụng các công cụ hiện đại, trong đó có công cụ toán kinh tế và mô hình hoá, vào xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã đi từ phân tích những mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của nền kinh tế trong chương 1 tới phác thảo và thử nghiệm xây dựng một mô hình kinh tế lượng quý quy mô nhỏ trong chương 2;  cuối cùng sử dụng mô hình xây dựng được để mô phỏng hiệu quả của một số chính sách, giải pháp kinh tế và thực hiện một dự báo cơ bản trong chương 3.
Qua quá trình xây dựng và sử dụng mô hình trong phân tích kinh tế và dự báo ngắn hạn, chúng tôi đã rút ra một số nhận xét sau:
Các phân tích trong chương 1 đã chỉ ra rằng nguồn gốc chính của những thành tựu kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh của thập kỷ 90 là tăng trưởng đầu tư, trong đó đầu tư vừa đóng vai trò nhân tố cung, vừa đóng vai trò nhân tố cầu; tuy nhiên, những nhân tố cầu như tiêu dùng và xuất khẩu cũng đóng vai trò khá quan trọng; đặc biệt, trong những năm gần đây, vai trò của những nhân tố cầu đã tăng lên rất mạnh. Căn cứ vào đặc điểm trên, để xây dựng các mô hình dự báo ngắn hạn cho giai đoạn hiện nay, cần phải đi theo tiếp cận của mô hình cầu.
Những lập luận lô gíc trong chương 1 cũng cho thấy tiến triển của khu vực thực có quan hệ mật thiết với tiến triển của khu vực tài chính, tiền tệ: Tiến triển của lãi suất thực có ảnh hưởng lớn tới đầu tư trong khi những thay đổi của tổng cung tiền tệ có ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ lạm phát và qua đó tác động tới môi trường đầu tư và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế không mạnh vì tăng trưởng tiền tệ và tăng trưởng tín dụng không đi đôi với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế; chỉ từ năm 1999, chính sách tiền tệ mới thực sự tập trung vào mục tiêu tăng trưởng.
Ngược lại với chính sách tiền tệ, chính sách tài chính đã tỏ ra có tác động mạnh tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì một mặt, chính phủ đã không dùng biện pháp phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách; mặt khác, đã tích cực sử dụng công cụ phát hành trái phiếu, tín phiếu (trước đây hầu như không làm) để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào mục tiêu tăng trưởng. Thực tế, giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách và tăng tỷ lệ chi ngân sách đều có tác dụng tích cực làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mặc dù quá trình này có thể trễ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, mặc dù những biến động của tỷ giá không đi đôi với thay đổi tương ứng của tỷ lệ lạm phát nhưng chúng có ảnh hưởng rất quan trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu và điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế.
Quá trình xây dựng mô hình kinh tế lượng trong chương 2 cho thấy hầu hết các quan hệ kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế nước ta đều phù hợp với lập luận trong các lý thuyết kinh tế thị trường và phù hợp với những phân tích thực hiện trong chương 1. Điều này chứng tỏ nền kinh tế thị trường ở nước ta, dù còn nhiều méo mó và chưa hoàn chỉnh, nhưng cũng đã thực sự vận hành trên cơ sở những quy luật khách quan chung của cơ chế kinh tế thị trường như ở các nền kinh tế thị trường khác.
Lô gíc cơ bản của mô hình cũng tương tự như những phân tích trong chương 1. Trong khối thực, về đầu tư, tín dụng cho nền kinh tế phụ thuộc vào tổng sản phẩm trong nước (quy mô của nền kinh tế) trong khi đầu tư của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân lại phụ thuộc vào nguồn tín dụng, lãi suất, chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Về tiêu dùng, trong khi tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh, phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chính sách của chính phủ thì tiêu dùng tư nhân phụ thuộc vào thu nhập của quý trước và vào xu hướng tiêu dùng đã hình thành trong quá khứ hay thu nhập mang tính dài hạn (thu nhập thường xuyên).
Trong khối tài chính tiền tệ, về hoạt động ngân sách, tổng thu ngân sách hàng quý phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế trước đó 2 quý trong khi chi ngân sách thường xuyên phụ thuộc vào tổng thu ngân sách cùng quý. Tổng chi ngân sách được xác định căn cứ vào tổng thu ngân sách và tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP do Quốc hội thông qua (biến cuối này là biến ngoại sinh). Do đó tổng chi ngân sách cho mục đích đầu tư phát triển là phần còn lại của tổng chi ngân sách sau khi đã chi cho tiêu dùng thường xuyên và chi trả nợ, viện trợ chính phủ. Tỷ lệ lạm phát phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng GDP, biến động của tỷ giá, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tỷ lệ tăng trưởng tổng cung tiền tệ và lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn.
Về hoạt động ngoại thương, trong khi xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu hàng Việt nam của các nước bạn hàng chính và khả năng cạnh tranh về giá cả của hàng xuất khẩu nước ta thì nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào quy mô của nền kinh tế (GDP) và quan hệ cánh kéo giá trong nước và quốc tế đối với hàng nhập khẩu và thay thế nhập khẩu. Các yếu tố đầu tư, tiêu dùng, xuất và nhập khẩu tham gia vào phương trình xác định tổng sản phẩm trong nước theo quý, và chính quy mô của nền kinh tế (GDP) này đến lượt mình lại trở thành tổng cầu và tác động tới các chỉ tiêu đầu tư, tiêu dùng, xuất và nhập khẩu, và các chỉ tiêu tài chính tiền tệ trong vòng tiếp sau.
Ngoài những quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế, các đặc trưng quý thường xuất hiện khá rõ trong các quan hệ kinh tế. Đặc trưng thứ nhất là có độ trễ trong quan hệ giữa các chỉ tiêu; ví dụ đầu tư của khu vực tư nhân phụ thuộc vào tổng cung tín dụng cho khu vực này trong quý trước; hoặc tỷ lệ lạm phát mỗi quý chịu ảnh hưởng của biến động tiền tệ trước đó ba quý, biến động tỷ giá trước đó 2 quý, biến động sản xuất trước đó 1 quý và biến động của tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP và lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn cùng quý. Đặc trưng thứ hai là biến động khác nhau giữa các quý trong năm; ví dụ đầu tư của khu vực tư nhân thường chậm lại trong quý 4 so với xu thế quan hệ với các chỉ tiêu giải thích của nó, đầu tư của khu vực Nhà nước thường tăng mạnh trong quý 2 và quý 3; thu ngân sách thường tăng mạnh trong quý 4 nhưng chi ngân sách lại tăng mạnh trong quý 3...
Khi sử dụng mô hình để phân tích kinh tế trong chương 3, chúng tôi nhận thấy một số cơ chế kinh tế tạo thành các vòng xoáy xác định các chỉ tiêu thuộc nhiều khối; ví dụ như cơ chế tăng trưởng và phát triển, cơ chế thu chi ngân sách, cơ chế tiền tệ và giá cả, cơ chế xuất nhập khẩu... Hầu hết các cơ chế này đều là cơ chế động, tức là dù chỉ thực hiện giải pháp kinh tế một lần nhưng nó sẽ có tác động dây truyền gây nhiều biến động (lớn hoặc nhỏ) cho nền kinh tế rồi mới đưa nền kinh tế hội tụ về điểm cân bằng mới. Hơn nữa, ảnh hưởng của chúng thường kéo dài sang nhiều quý tiếp theo. Dựa trên các cơ chế này, có thể hiểu rõ hơn vai trò của chính sách kích cầu trong nước và phục hồi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở nước ngoài tới phục hồi tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong những năm gần đây.
Khi sử dụng mô hình vào mục đích mô phỏng chính sách, chúng tôi nhận thấy khi tăng tiêu dùng chính phủ lên 10% mỗi quý so với thực tế thì GDP theo giá cố định tăng thêm khoảng 0,55%, nhưng vai trò của chính sách này không đều nhau mà mạnh trong các quý từ quý I/1997 đến quý I/1999 và yếu hơn trong các quý từ quý II/1999 đến nay. Như vậy, chính sách kích cầu từ tăng chi tiêu chính phủ có tác dụng tốt đối với phục hồi kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, khi tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lên thêm 1% thì hiệu quả của nó tới tăng trưởng kinh tế rất cao ngay trong năm đầu, song sau đó giảm mạnh và gây tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế do tỷ lệ lạm phát tăng lên. Như vậy nếu kích cầu chỉ hướng vào tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách thì sẽ gây bất lợi tới phát triển dài hạn; do đó giải pháp ở đây là điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng tiêu dùng thường xuyên và giảm chi đầu tư phát triển (vì theo cơ chế trong mô hình, toàn bộ phần tăng thâm hụt ngân sách được dành cho đầu tư phát triển).
Trái với nhiều dự đoán ban đầu, kết quả mô phỏng cho thấy ảnh hưởng của việc tăng tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân thêm 1% (tức là giảm tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực kinh tế Nhà nước 1%) là không đáng kể; thậm chí làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế do đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước giảm sút. Tăng lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và nhiều hoạt động khác dù rằng tỷ lệ lạm phát có giảm đi. Việc tăng thêm 10% vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cũng như phá giá tỷ giá danh nghĩa 10% đều có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn được duy trì ở tầm kiểm soát. Tương tự, việc tăng giá xuất khẩu và tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước bạn hàng đều có ảnh hưởng tốt tới kinh tế nước ta.
Cuối cùng, khi sử dụng mô hình vào mục đích mô phỏng chính sách, chúng tôi nhận thấy nếu như tình hình kinh tế thế giới được cải thiện dần từ quý II/2002 và tăng mạnh trong năm 2003 trong khi các chính sách kích cầu trong nước vẫn được triển khai thuận lợi theo đúng dự kiến của Chính phủ thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ tăng nhanh trong năm 2002-2003 (lần lượt khoảng 8% và 8,7%); trong đó tỷ lệ này hầu như sẽ liên tục tăng lên qua các quý trong cả 2 năm. Tỷ lệ lạm phát sau khi ở mức âm năm 2001 sẽ tăng lên khoảng 2,5% năm 2002 và 3,1% năm 2003. Xuất khẩu dự báo sẽ đạt 18,5 tỷ USD năm 2002 và 20,3 tỷ USD năm 2003; nhập khẩu năm 2001 dự báo qua mô hình năm 2002 sẽ đạt 16,6 tỷ USD trong khi năm 2003 sẽ đạt 18,5 tỷ USD. Do các chỉ tiêu dự báo nêu trên là khá tốt nên nếu tình hình kinh tế thế giới có xấu hơn dự kiến thì nền kinh tế nước ta vẫn có khả năng đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 7-7,5% năm 2002 và 8% năm 2003. Như vậy các dự báo cho thấy kinh tế nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong hai năm tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Asian Development Outlook 1999-2001, Asian Development Bank.
Bruno, Michael  (1992) , “Stabilization and Reform in Eastern Europe”, IMF Staff Papers,  December.
Dodsworth, John R., Erich Spitaller, Michael Braulke, Keon Hyok Lee, Kenneth Miranda, Christian Mulder, Hisanobu Shishido, and Krishna Srinivasan (1996): “Vietnam: Transition to A Market Economy”, IMF Occasional Paper No. 135, March,  1996.
Dodsworth, John R., Ajai Chopra, Chi Do Pham, and Hisanobu Shishido  (1996): “Macroeconomic Experiences of the Transition Economies in Indochina”, IMF Working Paper WP/96/112.
 Ljunggren, Borje  (ed.)  (1993), “The Challenge of Reform in Indochina”, Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press.
Tran-Nam, B. (1999), “Economic Liberalization and Vietnam’s Long-term Growth Prospects”, Journal of the Asia Pacific Economy 4, pp. 233-57.
International Monetary Fund, Vietnam: Recent Economic Developments, various IMF reports 1989-2001.
“Vietnam 2000”,  Statistical Publishing House (1998) , Vietnam Exhibition-Fair Center.
Choudry, Nurun N (1991) “Collection lags, fiscal revenue and inflationnary financing: Empirical evidence and analysis”, Researche report of IMF.
Ban Điều khiển học, Phủ Thủ tướng Việt nam (1976) "Mô hình kinh tế Việt nam", tài liệu in roneo, Hà nội, tháng 9/1976.
Nguyễn Văn Quỳ, Lê Việt Đức, Đàm Anh Nhi (1984) "Xây dựng mô hình kinh tế lượng phân tích tình hình phát triển kinh tế giai đoạn 1976-1983", Tạp chí Thống kê, số 11 năm 1984.
Nguyễn Văn Quỳ, Lê Hồng Nhật, Lê Việt Đức, Nguyễn Công Hoá (1987) "Thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế lượng cho nền kinh tế Việt nam", Chuyên san các báo cáo tại Hội thảo Pháp - Việt về mô hình hoá kinh tế tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 12/1987.
Nguyễn Văn Quỳ, Lê Việt Đức (1989) " Xây dựng mô hình kinh tế lượng để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển", Tạp chí Thống kê, số 5 và 6 năm 1989, và các mô hình tiếp theo trong các năm 1990-1995 tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (1999) "Tiếp cận phân tích định lượng nền kinh tế Việt nam: Khung khổ hạch toán tổng thể và mô hình kinh tế lượng vĩ mô dạng cấu trúc", Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà nội, tháng 12/1999. Đồng chủ biên: Võ Trí Thành và Rudolf Zwiner.
Lê Anh Sơn, Hoàng Minh Hải (1997) "Mô hình kinh tế lượng vĩ mô phục vụ dự báo ngắn hạn ở Việt nam". Tài liệu Hội thảo của Dự án của Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư "Chuẩn bị cho một trung tâm dự báo kinh tế ở Việt nam" do Quỹ Nippon tài trợ, Hà nội, tháng 12/1997.
Nguyễn Văn Quỳ và các tác giả khác (1995) "Thử nghiệm xây dựng một mô hình kinh tế lượng quý cho nền kinh tế Việt nam", Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Phan Văn Dĩnh (1990) "Thuế và cải cách thuế ở Việt nam", Tài liệu của Bộ Tài chính Việt nam.
Bruneau M. (1996) "Crises et Mutations des Agricultures et des Espaces Ruraux en Asie du Sud-Est", trong sách Bonnamour J "Agricultures et Campagnes dans le Monde", SEDES, 1996.
Tổng cục Thống kê, Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (2001) "Kinh tế Việt nam trong những năm đổi mới qua các chỉ tiêu tổng hợp của hệ thống tài khoản quốc gia", Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 2001.
Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
Lê Việt Đức, Trần Thị Thu Hằng (2001) "Công nghiệp Việt nam - Những thành tựu và thách đố" trong sách "Đánh thức con rồng ngủ quên", Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương và Thời báo Kinh tế Sài gòn xuất bản. Tài liệu xuất bản trong khuôn khổ đề tài.
Phạm Đỗ Chí, Lê Việt Đức (2001) "Nhìn lại thập niên đổi mới: 1989-1999" trong sách "Đánh thức con rồng ngủ quên"; tài liệu xuất bản trong khuôn khổ đề tài.
Phạm Đỗ Chí, Lê Việt Đức (2001) "Tiếp tục lộ trình kinh tế thị trường: Năm 2000" trong sách "Đánh thức con rồng ngủ quên"; tài liệu xuất bản trong khuôn khổ đề tài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (22/3/2001) "Yêu cầu một thoả thuận ba năm theo thể thức tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo cho Việt nam".
Hagger A.J.(1977) "Inflation: Theory  and Policy", The Macmillan Press Ltd.
Tào Hữu Phùng, Nguyễn Công Nghiệp "Đổi mới Ngân sách Nhà nước", Nhà xuất bản Thống kê, 1995.
Lê Việt Đức (1994) "Hiện tượng đánh giá cao nội tệ và những hậu quả tiêu cực", Tạp chí Ngân hàng số 12-1994, trang 36-40.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (10/2001) "World Economic Outlook - 10/2001"
Lê Việt Đức (1998) "Les origines de l'inflation au Việt nam", Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Auvergne, Cộng hoà Pháp.
Rudiger Dornburch (1993) "Overvaluation and Trade Balance", The World Bank publication, 1993.
Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng (1999) "Về những khó khăn hiện nay của nền kinh tế nước ta và một số giải pháp", Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 6 (253), trang 3-22.
Mc Kinnon (1992) "Trình tự tự do hoá kinh tế - Quản lý tài chính trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường", chương 4: Các công cụ kìm hãm tài chính. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1995.
Corden W. M. et Neary J.P. (1982) "Booming Sector and De-Industrialization in a Small Open Economy", Economic Journal, 92, pp. 825-848, United Kingdom.
Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1999) "Tổng quan về cạnh tranh công nghiệp Việt nam", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Lê Việt Đức (1999) "Nới lỏng tiền tệ để chống thiểu phát", Thời báo kinh tế Việt nam, số 63, 7/8/1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét