Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

(11) Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam


Bài viết cũ của tôi:
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam
CHƯƠNG IV
DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015
MỤC 1: CHỌN LỰA PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN ĐỂ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA
I- Phương pháp tiếp cận dự báo tăng trưởng kinh tế:
Phương pháp luận tổng quát để nghiên cứu vấn đề tăng trưởng kinh tế trong đề tài này là lý thuyết hệ thống, tức là phân tích, đánh giá và dự báo tiến triển của tăng trưởng của nền kinh tế nước ta dựa trên quan điểm hệ thống, trong đó những chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, tạo ra quá trình tăng trưởng. Cụ thể, với cách nhìn chỉ tiêu tăng trưởng trong mối quan hệ tổng thể với các chỉ tiêu vĩ mô liên quan như vốn, hiệu quả đồng vốn, lao động, năng suất lao động..., chúng tôi sẽ kết hợp phân tích định tính với phân tích định lượng thông qua các mô hình để đưa ra các phân tích, đánh giá và dự báo.
Do mục tiêu là nghiên cứu vấn đề tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta để dự báo đến năm 2015 nên cần nhìn lại quá trình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn khá dài từ năm 1990 đến nay. 
Căn cứ vào các lý thuyết tăng trưởng nêu trên, kinh nghiệm thực tiễn của thế giới trong khoảng 3 thập kỷ qua và dựa trên thực tế qua những phân tích tình hình kinh tế nước ta trong 2 thập kỷ gần đây, có thể chọn mô hình tăng trưởng tân cổ điển làm công cụ chính để phân tích tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Điều này hoàn toàn hợp lý vì các phân tích dưới đây sẽ cho thấy các nhân tố tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu là các nhân tố cung, tức là đầu vào vẫn là nhân tố chủ yếu quyết định kết quả sản xuất chứ không phải là đầu ra.
Thực vậy, hiện tượng cung không đáp ứng cầu đã thể hiện khá rõ trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 vì khi đó thị trường trong và ngoài nước đều được mở ra rất mạnh; khan hiếm hàng tiêu dùng và các nguồn lực trở thành hiện tượng phổ biến khắp nơi, làm cho cơ chế bao cấp xin - cho vẫn là nguyên tắc chi phối toàn bộ cơ chế vận động của nền kinh tế nước ta, đồng thời làm cho nền kinh tế nước ta hoạt động có thể nói là gần như hết công suất. Tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn này khá cao, trung bình trên 10%/năm.

Trong giai đoạn từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đến nay, nền kinh tế có lúc (1999-2000) đã rơi vào tình trạng thiểu phát và cung lớn hơn cầu, với tình trạng dư thừa hàng hoá, dư thừa vốn và tiền tệ phát triển tràn lan, kéo theo giá hàng tiêu dùng và lãi suất giảm gần như liên tục qua các tháng. Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ kéo dài trong giai đoạn rất ngắn. Từ năm 2001 đến nay, tình trạng mất cân đối cung cầu trong đó cung không đáp ứng được cầu đã diễn ra triền miên với biểu hiện cụ thể là nhập siêu không ngừng tăng nhanh và tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ngày càng cao.

Hiện tượng này cũng thể hiện khá rõ trong một số lĩnh vực của nền kinh tế nước ta hiện nay như tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị đang tăng lên rất cao; nhiều ngành, nghề, địa phương đã huy động gần hết công suất; việc tiêu thụ hàng hóa đã trở nên rất dễ dàng; khối lượng hàng hóa tồn kho giảm nhanh và lượng hàng dự trữ còn rất mỏng trong khi nhu cầu xã hội vẫn tiếp tục tăng cao; nhập siêu tăng lên mức kỷ lục, đồng thời tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng lên khá mạnh, trái với xu thế diễn ra trong những năm trước; giá tất cả các nhóm hàng tiêu dùng đều tăng mạnh; tín dụng cho tiêu dùng tăng nhanh... Những biểu hiện trên phản ánh tình trạng cung nội địa đang mất dần cân đối với cầu.

Do vậy, nếu phân tích sâu hơn, có thể thấy, về trung hạn, các nhân tố cung vẫn đóng vai trò cơ bản. Điều này càng rõ vì trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế nước ta trong 2 thập kỷ gần đây, việc tăng trưởng nhanh hoặc chậm của nền kinh tế đều phụ thuộc rất lớn vào vốn đầu tư. Ngay trong những năm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, thì một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu vốn đầu tư, trong đó có vấn đề nguồn vốn FDI giảm nghiêm trọng...

Đặc biệt, nếu nghiên cứu cho giai đoạn 2006-2010 khi nước ta đã trở thành thành viên đầy đủ của nhiều tổ chức kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế, nhất là từ năm 2006 đã trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), được Hoa Kỳ trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn... thì thị trường của nước ta sẽ rất rộng lớn. Khi đó, vấn đề cơ bản sẽ là sức cạnh tranh của các sản phẩm của nền kinh tế nước ta trên thị trường quốc tế, mà điều này lại phụ thuộc chủ yếu vào trình độ lao động, trình độ công nghệ và nguồn vốn đầu tư, tức là những nhân tố cung. Chính vì vậy, mô hình xây dựng để phân tích, dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta cho giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ cơ bản là mô hình cung.

Vì cơ bản là mô hình cung và nền kinh tế nước ta mới trong giai đoạn đầu phát triển (giống như trường hợp các nước công nghiệp vào thế kỷ 19 với môi trường thương mại thế giới hoàn toàn tự do) nên lô gic của mô hình phỏng được theo lý thuyết tân cổ điển (lý thuyết cung hiện đại), trước hết là mô hình Harrod - Domar.
Để nghiên cứu tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn, trước tiên, người ta phải phân tích nhu cầu vốn để đạt được mục tiêu tăng trưởng và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu (hoặc nếu dự báo được khả năng nguồn vốn thì có thể xác định được tốc độ tăng trưởng GDP). Mặc dù có những điểm rất khác nhau về các nhân tố tăng trưởng ngắn hạn, nhưng hầu như tất cả các lý thuyết kinh tế đều thống nhất coi vốn đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng dài hạn; trong khi nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiết kiệm.

Để xác định cầu đầu tư, người ta thường sử dụng hệ số ICOR, trong khi để xác định cung đầu tư, người ta phải xuất phát từ khả năng tích luỹ của khu vực dân cư, của chính phủ, của hệ thống ngân hàng và các nguồn vốn khác, kể cả nguồn vốn huy động từ nước ngoài.

Mô hình tăng trưởng truyền thống phân tích, dự báo quá trình tăng trưởng dài hạn và cân bằng xuất phát từ giả thiết tồn tại cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư trong điều kiện sử dụng hết công suất của bộ máy sản xuất. Mô hình tổng quát gồm 4 phương trình:
            Y* - Y*(t-1)  =  k * I(t-1)                                                          (1)
            Y(t)             =  C(t)  +  I(t)                                               (2)
            I(t)               =  s * Y*(t)                                                   (3)
            C(t)              =  (1-s) * Y*(t)                                             (4)
trong đó:
Y* là kết quả sản xuất tương ứng với sử dụng các nhân tố sản xuất theo đúng tiềm năng; Y là kết quả sản xuất thực tế; I là vốn đầu tư; C là tiêu dùng toàn xã hội; k là tỷ lệ xác định quan hệ giữa vốn và kết quả sản xuất, từ công thức xác định k, có thể suy ra hệ số ICOR bằng 1/k; s là tỷ lệ giữa tiết kiệm (đầu tư) và sản xuất. Các hệ số k và s đều dương và nhỏ hơn đơn vị.
Trong mô hình trên, phương trình đầu phản ánh thay đổi khả năng sản xuất phụ thuộc vào đầu tư mới và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số k hay ICOR). Phương trình thứ hai phản ánh kết quả sản xuất thực tế, được xác định theo lý thuyết cầu, tức là sản xuất bằng tổng của tiêu dùng và đầu tư. Phương trình thứ ba giả định cầu đầu tư được xác định từ khả năng sản xuất. Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng là phần còn lại của kết quả sản xuất sau khi đã trừ đi phần được sử dụng để đầu tư.
Về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng; do vậy, Y* = Y. Bằng cách nhóm lại các phương trình, có thể giải ra phương trình xác định kết quả sản xuất như sau:
Y(t)     =     (1+k*s) * Y(t-1)                                  (5)
hay                Y(t) / Y(t-1)    =   1 + k*s                                                 (6)
Từ đây suy ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế g sẽ được xác định khi k và s được xác định; công thức xác định g như sau:
            g  = DY(t) / Y(t-1)     =   k * s   =    s / ICOR                             (7)
tức là về dài hạn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bằng tỷ lệ tiết kiệm chia cho hệ số ICOR. Như vậy, theo mô hình, để dự báo khả năng tăng trưởng dài hạn, chỉ cần dự báo tiến triển của các hệ số k và s.
Khi sử dụng hệ số ICOR, cần lưu ý rằng ICOR được tính theo giá cố định để loại bỏ ảnh hưởng của nhân tố giá; đồng thời có thể tính ICOR theo hai phương pháp sau, nhưng đều cho cùng một kết quả:
Theo phương pháp 1:
            ICOR(t)=I(t-1)/DY(t)                                                       (8)
Theo phương pháp 2:
            ICOR(t)=i(t-1)/g(t),                                                          (9)
trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DY(t)=Y(t)-Y(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và g(t) là tỷ lệ tăng trưởng của Y năm t.
  theo định nghĩa ICOR = I(t-1)/ DY(t) nên ta có:
            ICOR   =  [I(t-1)/Y(t-1)]/[DY(t)/Y(t-1)]  =  i(t-1)/g(t)       (10)
đúng theo công thức (9); như vậy hai phương pháp trên cho cùng một kết quả.
Trong nghiên cứu này, sẽ sử dụng mô hình trên để dự báo tăng trưởng dài hạn đến năm 2015 cho nền kinh tế nước ta. Dự báo dài hạn theo mô hình này có ưu điểm lớn là đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định, dài hạn vì đi theo đúng tiềm năng của nó.
II- Phương pháp tiếp cận dự báo chất lượng tăng trưởng:
Như đã phân tích ở trên, trong nghiên cứu, dự báo tăng trưởng, cần phải bổ sung thêm các chỉ tiêu dự báo chất lượng tăng trưởng. Các nghiên cứu lý thuyết và kinh nghiệm thế giới cho thấy để đánh giá tổng hợp nhiều nhân tố đến một chỉ tiêu phát triển, cách làm phổ biến trong khoảng hai thập kỷ gần đây là xây dựng các chỉ số của các nhân tố đó rồi tính trung bình theo trọng số để quy ra một chỉ tiêu tổng hợp. Ví dụ để đo lường trình độ phát triển tổng hợp kinh tế, xã hội của một nước, người ta đã xây dựng Chỉ số phát triển con người HDI là trung bình trọng số của Chỉ số GDP bình quân đầu người, Chỉ số học vấn và Chỉ số tuổi thọ bình quân; trong đó Chỉ số học vấn lại được tính là trung bình trọng số của Chỉ số tỷ lệ người biết chữ với quyền số là 2/3 và Chỉ số tỷ lệ người lớn đi học với quyền số là 1/3.
Ví dụ khác là Chỉ số phát triển giới (Gender Development Index – GDI) được sử dụng làm thước đo phản ánh sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trên cơ sở đánh giá sự phát triển chung của con người theo các yếu tố thu nhập, tri thức và tuổi thọ. Chỉ số này được xây dựng từ trung bình trọng số với quyền số đều là 1/3 của ba chỉ số sau: (i) Chỉ số phân bổ công bằng thành phần theo yếu tố thu nhập; (ii) Chỉ số phân bổ công bằng thành phần theo yếu tố tri thức; (iii) Chỉ số phân bổ công bằng thành phần theo yếu tố tuổi thọ. Tương tự, phương pháp này cũng được sử dụng để đo lường năng lực cạnh tranh của từng tỉnh và từng quốc gia, tình trạng tham nhũng...
Theo cách tiếp cận trên và dựa vào mô hình tăng trưởng có chất lượng của Chenery, trong nguyên cứu này, chúng ta sẽ mở rộng các biến của mô hình, đồng thời đơn giản hóa quá trình tính toán để xây dựng một chỉ số đại diện chung cho tất cả các nhóm chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng tăng trưởng của quá trình tăng trưởng của nền kinh tế (và xã hội, môi trường) nước ta.
Trong hai chương lý thuyết và kinh nghiệm thế giới nêu trên, có 5 nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu thành phần. Khi đó, cần xây dựng các chỉ số và trọng số tương ứng cho từng nhóm và loại chỉ tiêu này để từ đó tổng hợp thành một chỉ tiêu chung. Các chỉ tiêu cụ thể để đưa vào phân tích chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta được xây dựng dựa trên các cơ sở lý thuyết trên.
Mô hình dự kiến là một chỉ tiêu tổng hợp gọi là chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng tổng hợp.
Chỉ tiêu này được đo bằng trung bình trọng số của 5 chỉ tiêu thành phần gồm: (1) năng suất nhân tố tổng hợp; (2) hiệu quả sử dụng các nguồn lực; (3) năng lực cạnh tranh và tính ổn định trong tăng trưởng của nền kinh tế; (4) tăng trưởng gắn với phát triển xã hội; và (5) tăng trưởng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên, môi trường.
Căn cứ vào tầm quan trọng của các chỉ tiêu đồng thời để đơn giản, chúng tôi lấy trọng số của các chỉ tiêu như nhau (20%).
Dưới đây là các chỉ tiêu chính trong mô hình nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng để đánh giá, dự báo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
1) Chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp
Chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp đã được một số nhà nghiên cứu tính toán thử nghiệm. Chỉ tiêu này thường được xây dựng và công bố cho các giai đoạn khác nhau, song có thể tính cho hàng năm. Phân tích trình độ và tiến triển của năng suất nhân tố tổng hợp sẽ cho biết đóng góp của yếu tố năng suất vào quá trình tăng trưởng kinh tế - Đây là một khía cạnh phản ánh chất lượng của quá trình tăng trưởng và đã được phân tích kỹ trong chương 2. Trọng số của chỉ tiêu này trong chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng là 0,2 (20%).
2) Nhóm chỉ tiêu hiệu quả sử dụng các nguồn lực
Nhóm chỉ tiêu này gồm 3 chỉ tiêu thành phần là: (1) năng suất lao động; (2) hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; và (3) hiệu quả sử dụng tổng hợp các chi phí đầu vào (chủ yếu là vật tư, vốn lưu động).
Vai trò của ba chỉ tiêu thành phần này trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là ngang nhau nên trọng số đưa vào tính toán của chúng đều là 1/3. Ngoài ra, bản thân nhóm chỉ tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có trọng số đưa vào tính toán chỉ tiêu đánh giá tổng hợp chất lượng tăng trưởng kinh tế là 20% hay 0,2.
Các số liệu của các chỉ tiêu này đều đã được xác định ở trên nên nếu lấy năm 2000 làm năm gốc thì sẽ xây dựng được chỉ số phát triển của chúng.
Nhìn chung, sự tăng lên của các chỉ tiêu thành phần thường làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Riêng chỉ tiêu hiệu quả sử dụng tổng hợp các chi phí đầu vào (đại diện bằng chỉ tiêu tỷ lệ tiêu dùng trung gian trên GDP) có ảnh hưởng ngược với chỉ tiêu phát triển kinh tế, tức là chi phí trung gian càng cao thì hiệu quả kinh tế càng giảm.
3) Nhóm chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh và tính ổn định trong tăng trưởng của nền kinh tế
Sau khi cân nhắc, nhóm nghiên cứu chọn 5 chỉ tiêu thành phần đại diện cho nhóm này là :
(1) Tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế;
(2) Chỉ tiêu tỷ lệ xuất khẩu trên GDP để đánh giá năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu;
(3) Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia: Sử dụng số của Diễn đàn kinh tế thế giới;
(4) Chỉ số ổn định tài chính, đại diện bằng tỷ lệ giảm bội chi ngân sách.
(5) Chỉ số ổn định tiền tệ, đại diện bằng tốc độ giảm tỷ lệ lạm phát.
Trọng số của các chỉ tiêu trên như nhau, tức là bằng 20% hay 0,2.
Trong số các chỉ tiêu trên, có một số chỉ tiêu thường biến động ngược chiều với chất lượng tăng trưởng như giảm bội chi ngân sách hay giảm tỷ lệ lạm phát thì chất lượng tăng trưởng tăng lên.
Tương tự như nhóm chỉ tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trọng số của nhóm chỉ tiêu này để đưa vào tính toán chỉ tiêu đánh giá tổng hợp chất lượng tăng trưởng kinh tế là 20% hay 0,2.
4) Xét theo nhóm chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng gắn với phát triển xã hội
Sau khi cân nhắc, nhóm nghiên cứu chọn 5 chỉ tiêu thành phần đại diện cho nhóm này là:
(1) Về giáo dục, sử dụng chỉ tiêu đo lường trình độ học vấn được sử dụng để tính toán chỉ số phát triển con người;
(2) Về y tế, sử dụng chỉ tiêu tuổi thọ trung bình;
(3) Về mức sống tối thiểu, sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo;
(4) Về lao động, sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ người lao động ở thành thị có việc làm;
(5) Về dân chủ, bình đẳng, sử dụng chỉ số bình đẳng giới do Ngân hàng Thế giới tính toán.
Trọng số của các chỉ tiêu trên như nhau, tức là bằng 20% hay 0,2.
Trọng số của nhóm chỉ tiêu này để đưa vào tính toán chỉ tiêu đánh giá tổng hợp chất lượng tăng trưởng kinh tế là 20% hay 0,2.
5) Nhóm chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên, môi trường
Sau khi cân nhắc, nhóm nghiên cứu chọn 3 chỉ tiêu thành phần đại diện cho nhóm này là:
(1) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước đảm bảo vệ sinh;
(2) Tỷ lệ chất thải nguy hiểm được sử lý;
(3) Tỷ lệ đất tự nhiên được che phủ rừng.
Trọng số của các chỉ tiêu trên như nhau, tức là bằng 20% hay 0,2.
Trọng số của nhóm chỉ tiêu này để đưa vào tính toán chỉ tiêu đánh giá tổng hợp chất lượng tăng trưởng kinh tế là 20% hay 0,2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét