Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

(5) Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam


Bài viết cũ của tôi:
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam
B- Các nhân tố chủ yếu tác động đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thời đại ngày nay
Nghiên cứu về các lý thuyết kinh tế nêu trên cho thấy tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của mỗi nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố, gồm cả những nhân tố kinh tế và các nhân tố phi kinh tế. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế không chỉ phụ thuộc vào các nhân tố truyền thống thể hiện trong các lý thuyết tăng trưởng, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố xã hội, môi trường; và tuỳ từng trường hợp, các nhân tố này được tính đến trong mô hình tăng trưởng của từng nước hoặc từng nhóm nước hoặc từng khu vực và toàn thế giới. 

Dưới đây là tổng hợp một số nhóm nhân tố chính tác động đến tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế:
1) Tổng hợp các nhân tố chủ yếu tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế
Mặc dù các nhân tố xã hội, tài nguyên và môi trường cũng có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng kinh tế, song nhìn chung, các nhân tố tác động chủ yếu và trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn là các nhân tố kinh tế, bao gồm các nhân tố tác động đến đầu vào và các nhân tố giải quyết đầu ra cho quá trình tăng trưởng kinh tế.
a) Nhóm các nhân tố chủ yếu tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua đầu vào:

Các nhân tố thuộc nhóm này chủ yếu là các nhân tố được đề cập đến trong lý thuyết kinh tế cổ điển và tân cổ điển. Những phát triển gần đây của trường phái tăng trưởng kinh tế này đã chỉ ra rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế bao gồm bốn nhân tố chủ yếu là:
(1) Vốn sản xuất hay tài sản cố định. Đây là đầu vào quan trọng nhất đối với quá trình tăng trưởng hiện nay ở các nước đang phát triển và đối với nhiều nước công nghiệp phát triển. Tài sản cố định là toàn bộ tư liệu vật chất được tích luỹ của nền kinh tế, bao gồm nhà máy, công xưởng, máy móc, thiết bị và các trang thiết bị khác được sử dụng lâu dài để phục vụ quá trình sản xuất. Tài sản cố định được hình thành từ vốn đầu tư. Việc đầu tư thường do Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện; tuy nhiên các hộ gia đình cũng tham gia đầu tư như mua hoặc xây nhà mới.
(2) Lao động. Đây cũng là yếu tố đầu vào không thể thiếu của mọi quá trình sản xuất. Theo các mô hình tăng trưởng cổ điển, lao động được xem như là yếu tố vật chất cũng như vốn và được xác định là số lượng lao động làm việc trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong các mô hình tăng trưởng tân cổ điển, nhất là những mô hình gần đây, lao động được xem là vốn con người, tức là lao động có kỹ năng sản xuất, có trình độ công nghệ để vận hành được các loại máy móc thiết bị ngày càng phức tạp, có khả năng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... Do vậy, nếu như trong các mô hình tăng trưởng cổ điển, biến lao động là tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế, thì trong các mô hình tăng trưởng tân cổ điển, biến lao động là tổng số lao động có kỹ năng sản xuất đang làm việc trong nền kinh tế.
(3) Tiến bộ công nghệ được đề cập ngày càng nhiều trong các mô hình tăng trưởng tân cổ điển, và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời đại ngày nay. Các nghiên cứu lý thuyết nêu trên cho thấy đây là nhân tố chủ yếu quyết định quá trình tăng trưởng bền vững.
(4) Tài nguyên cũng là một nhân tố tăng trưởng quan trọng. Nếu như các mô hình tăng trưởng cổ điển chỉ đề cập đến đất đai như là loại tài nguyên duy nhất tác động tới quá trình sản xuất thì càng ngày, người ta càng nhấn mạnh đến nhiều nhân tố khác như dầu mỏ, khoáng sản... Đặc biệt, vấn đề đã nổi lên trong các mô hình tăng trưởng tân cổ điển là phải sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả nhất. Việc sử dụng tài nguyên đang trở thành vấn đề có tính chiến lược đối với mọi quốc gia. Sử dụng lãng phí tài nguyên đang được xem như huỷ hoại môi trường, làm cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên, dẫn tới không thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế... Trong giai đoạn hiện nay, do xu hướng phải sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nhân tố tài nguyên không còn được đưa vào các mô hình tăng trưởng kinh tế nữa.
b) Nhóm các nhân tố chủ yếu tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua đầu ra:
Các nhân tố thuộc nhóm này chủ yếu là các nhân tố được đề cập đến trong lý thuyết kinh tế Keynes và tân Keynes. Những phát triển gần đây của trường phái tăng trưởng kinh tế này đã chỉ ra rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế bao gồm bốn nhân tố chủ yếu là:
(1) Vốn sản xuất hay tài sản cố định. Khi phân tích nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt lưu ý tới nhân tố đầu tư vì đầu tư không chỉ là nhân tố cung (đầu vào) đối với sản xuất mà còn là nhân tố cầu (giải quyết đầu ra); do đó đây là một nhân tố rất đặc biệt có thể tham gia giải thích tăng trưởng kinh tế trong cả mô hình cung lẫn mô hình cầu, trong cả dự báo ngắn hạn tới dự báo tăng trưởng dài hạn.
Lý thuyết Keynes, tân Keynes và kinh nghiệm thế giới cho thấy khi cung hàng hoá và dịch vụ thấp so với nhu cầu thì cần tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng lực của nền kinh tế, từ đó sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn, vừa tạo ra quá trình tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Ngược lại, trong những năm cung vượt cầu, tăng nhanh đầu tư cũng là một chính sách, biện pháp kích cầu quan trọng, đóng góp vào quá trình phục hồi tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế vì quá trình đầu tư cũng là quá trình tạo ra nhu cầu mới thông qua xây dựng thêm nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ đầu tư, thuê thêm lao động và trả lương cho số lao động tăng thêm này để họ tăng tiêu dùng...
(2) Xuất khẩu hay thị trường nước ngoài. Cũng như đầu tư, xuất khẩu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh cho các nước đang phát triển trong khoảng nửa thế kỷ gần đây.
(3) Tiêu dùng hay thị trường nội địa. Việc nghiên cứu tiến triển của tiêu dùng cuối cùng và ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng kinh tế cũng có vai trò rất quan trọng. Thực tế tại các nước đang phát triển cho thấy ở tầm trung hạn, các nhân tố đầu vào cho quá trình tăng trưởng như vốn, lao động, vật tư, năng lượng thường đóng vai trò hơn so với các nhân tố cầu. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn, khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn cung vượt cầu đối với nhiều loại hàng hoá thì những biến động của cầu vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới điều chỉnh sản xuất và tạo ra quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó đảm bảo cho quá trình tăng trưởng diễn ra thuận lợi. Như vậy, trong trường hợp này, tiêu dùng đóng vai trò chủ yếu đối với tăng trưởng kinh tế.
2) Các nhân tố chủ yếu tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế
a) Các nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế có liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế:
Dưới góc độ triết học, tăng trưởng kinh tế có thể được phân tích, mô tả theo hai mặt của cùng một hiện tượng hay quá trình phát triển; đó là mặt lượng và mặt chất. Mặt lượng của quá trình tăng trưởng kinh tế chính là quy mô, trình độ, tốc độ của sự vận động và phát triển. Trong khi đó, mặt chất của quá trình tăng trưởng kinh tế lại là tính quy định vốn có của nó, là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính, bộ phận cấu thành nó, là phương thức liên kết giữa các yếu tố cấu thành nên nó... Chính vì là hai mặt của một hiện tượng, trong đó mặt chất lượng giữ vai trò bản chất, chi phối, nên các nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng có ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng vì một nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng đồng thời cũng phải là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
b) Các nhân tố xã hội
Khác với các nhân tố kinh tế, các nhân tố xã hội có tác động gián tiếp tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế nên rất khó lượng hóa và đưa vào tính toán trong các mô hình phân tích, đánh giá chất lượng tăng trưởng. Tuy vậy, theo đà phát triển của khoa học xã hội, người ta đã cố gắng lựa chọn những nhân tố xã hội quan trọng nhất có ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng kinh tế để nghiên cứu lượng hóa và đưa vào các mô hình phân tích. Một số nhân tố đó là:
(1) Đặc điểm văn hóa – xã hội: Nhân tố này được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh, từ trình độ phổ cập kiến thức phổ thông đến khả năng tiếp thu và phát triển những tri thức bậc cao của nhân loại về khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật, phong tục tập quán và lối sống... Nhìn chung, trình độ văn hóa – xã hội của một quốc gia càng cao thì chất lượng lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trình độ quản lý... của quốc gia đó càng cao; nhờ đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ càng cao. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khi tri thức đóng vai trò cơ bản đối với mọi quá trình phát triển thì vai trò của văn hoá - xã hội tới chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ càng cao.
(2) Thể chế: Thể chế gồm các ràng buộc do con người tạo ra nhằm quy định quan hệ giữa người với người trong quá trình hoạt động. Ví dụ như khung khổ pháp luật về đầu tư, sản xuất, kinh doanh là một loại thể chế quy định quan hệ giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Khi thể chế được xây dựng hợp lý, tạo ra môi trường hoạt động công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thì chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh sẽ giảm xuống; hiệu quả tăng lên. Kết quả cuối cùng là chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên.
(3) Vai trò ngày càng tăng của nhà nước đối với chất lượng tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong hàng nghìn năm dưới thời phong kiến và hàng trăm năm dưới thời chủ nghĩa tư bản trước đây, vai trò của nhà nước rất thấp và cơ chế bàn tay vô hình  có thể vận hành hoàn hảo để phát triển kinh tế, xã hội vì các vấn đề xã hội, môi trường khi đó chưa được đặt ra, thì ngày nay vai trò của nhà nước đang được đề cao, nhất là vai trò xây dựng thể chế và hệ thống các cơ chế chính sách để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững đi đôi với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; tức là tăng trưởng với chất lượng cao. Thực tế, chỉ có dưới sự quản lý, điều tiết của nhà nước thì mới có sự phát triển cân đối, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Ngay trong lĩnh vực kinh tế, tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý của bộ máy nhà nước; nếu không có sự quản lý của nhà nước thì với sự độc quyền của nhiều doanh nghiệp lớn, sẽ khó có thể đạt được sự phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
(4) Vai trò của ổn định chính trị, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo... cũng rất quan trọng. Một đất nước liên tục có những cuộc đảo chính hoặc xung đột giữa các sắc tộc và tôn giáo, thì rất khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và có chất lượng. Cũng như vậy, sẽ khó có thể huy động sự tham gia của toàn dân tộc vào một mục tiêu chung là phát triển đất nước; trong khi chính sự tham gia của người dân là nhân tố cơ bản nhất đảm bảo cho quá trình tăng trưởng cao, bền vững và có chất lượng.
c) Các nhân tố tài nguyên, môi trường
Thông thường tài nguyên, môi trường là yếu tố chịu ảnh hưởng của quá trình tăng trưởng kinh tế. Một quá trình tăng trưởng đi kèm với tàn phá tài nguyên, môi trường dĩ nhiên phải là quá trình tăng trưởng không có chất lượng vì sẽ không thể bền vững qua các thế hệ. Ngược lại, nếu quá trình phát triển đi kèm với sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, môi trường, và phát triển các nguồn này mạnh hơn, thì sẽ tạo cơ hội phát triển cao hơn cho các giai đoạn tiếp theo; chất lượng cuộc sống của các thế hệ càng về sau càng tốt hơn. Do vậy, có thể nói, sử dụng hợp lý và phát triển các nguồn tài nguyên, môi trường sẽ tạo thêm cơ hội để phát triển với chất lượng ngày càng cao hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét