Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

(2) Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam

Bài viết cũ của tôi:
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam
CHƯƠNG I
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TĂNG TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ
MỤC 1: CÁC LÝ THUYẾT VỀ TĂNG TRƯỞNG CHƯA XÉT ĐẾN CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
I- Lý thuyết tăng trưởng cổ điển:
1) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Adam Smith
Khái niệm tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện trong một số nghiên cứu kinh tế từ xa xưa của lịch sử; đến thời Adam Smith (1723-1790) thì được mô tả rõ ràng hơn. Vì vậy, thế giới thường coi ông là người sáng lập ra khoa kinh tế học và là nhà khoa học đầu tiên viết về lý thuyết tăng trưởng. Trong tác phẩm nổi tiếng "Bàn về bản chất và nguồn gốc giầu có của các quốc gia"[1], A. Smith đã giải thích cơ chế tạo nên sự tăng trưởng kinh tế là quá trình tích luỹ tư bản và cơ sở để tăng trưởng kinh tế là tăng đầu tư nhờ giảm tiêu dùng. 
Như vậy, theo quan điểm của A. Smith, tích luỹ tư bản càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng cao. Vai trò của tiến bộ công nghệ không được ông đề cập tới vì ông cho rằng nó không đủ để làm tăng đáng kể năng suất lao động và sự phát triển của nó phụ thuộc rất lớn vào nhân tố vốn[2]. Cùng với gia tăng tích luỹ tư bản, quy mô của thị trường sẽ tăng lên, góp phần thúc đẩy phân công lao động. 
Đặc biệt, A. Smith đã chứng minh sự gia tăng tư bản là nhân tố chủ đạo để nâng cao năng suất lao động vì chỉ có tăng vốn đầu tư thì mới có thể thúc đẩy phân công lao động xã hội, làm cho năng suất lao động xã hội không ngừng tăng lên, và qua đó cũng đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Ông còn là người đầu tiên cho rằng thị trường luôn luôn đủ lớn để có thể tiến hành phân công lao động, làm cho tăng trưởng có hiệu quả hơn; đồng thời quá trình tăng trưởng sẽ bền vững vì nó vừa làm tăng thu nhập cho người lao động, vừa tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản, cho phép tiếp tục mở rộng thị trường và tăng tích luy vốn, từ đó mở ra những điều kiện cần thiết để tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn sau. 

Xuất phát từ quan điểm trên, về chính sách tăng trưởng, A. Smith chủ trương giảm mạnh thu nhập của những người chỉ biết ăn tiêu hoang phí, tức là cắt giảm bổng lộc của giới quý tộc, tăng thuế đánh vào tầng lớp địa chủ, nghiêm cấm độc quyền của thương nhân, đồng thời nên bãi bỏ thuế và các hạn chế khác đối với các nhà tư bản. Đối với hàng hóa công cộng phục vụ cho hoạt động của cơ chế kinh tế thị trường (hệ thống pháp luật, quốc phòng an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục...), ông chủ trương giao cho khu vực tư nhân làm càng nhiều càng tốt.

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Adam Smith đã được thế giới thừa nhận và áp dụng cho đến khi học thuyết Keynes ra đời năm 1936. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ cuối thế kỷ XX, với thắng lợi của học thuyết trọng tiền của M. Friedman, dường như thế giới đang quay trở lại áp dụng học thuyết của ông vì cho rằng trong bất kỳ tình huống nào, các chính sách phát triển hướng vào tự do hóa kinh tế vẫn là động lực quan trọng nhất để thực đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này càng rõ sau sự sụp đổ của các nền kinh tế XHCN theo học thuyết kế hoạch hóa tập trung.
2) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của David Ricardo
David Ricardo (1772-1823) là người đầu tiên phát hiện những giới hạn của sự tăng trưởng kinh tế do các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Trong tác phẩm "Những nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khoá" [3], ông đã lặp lại lý thuyết tăng trưởng của A. Smith theo đó sự tích luỹ tư bản trong các ngành công nghiệp hiện đại được xem là động lực dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất lúc đó, ông đã đi xa hơn khi phát hiện ra quy luật về dài hạn, chi phí tiền lương trong công nghiệp không tăng trong khi lợi nhuận của nhà tư bản tiếp tục tăng theo tỷ lệ tăng của tư bản. Vì tỷ suất lợi nhuận không giảm nên nhà đầu tư vẫn có nhu cầu tiếp tục gia tăng đầu tư trên cơ sở các nguồn lợi nhuận thu được, làm cho sản xuất tiếp tục tăng lên, việc làm tiếp tục tạo ra trong khu vực công nghiệp hiện đại.
Điểm mấu chốt trong lý thuyết tăng trưởng kinh tế của D. Ricardo là tiền lương tối thiểu của công nhân phụ thuộc vào giá lương thực thực phẩm. Không giống như trong nganh công nghiệp hiện đại, quy luật tỷ suất lợi nhuận giảm dần luôn luôn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp vì ngành này bị giới hạn bởi nguồn lực đất đai. Khi nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng tăng lên (do dân số không ngừng tăng lên) và vượt quá mức sản lượng được sản xuất trên những vùng đất màu mỡ nhất thì những vùng đất kém màu mỡ hơn sẽ được huy động vào sản xuất, dẫn tới chi phí cận biên tăng lên. Do đó, càng nhiều đất đai kém màu mỡ được đưa vào sản xuất thì chi phí cận biên càng cao; giá lương thực thực phẩm càng đắt. Hậu quả là tiền lương danh nghĩa các nhà tư bản trả cho công nhân cũng phải tăng lên để đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ. Trong trường hợp này, lợi nhuận của nhà tư bản không còn tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng của tư bản. Quá trình này cứ thế kéo dài, đến lúc giá lương thực thực phẩm lên tới mức mà với chi phí như vậy thì tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tụt xuống quá thấp, làm cho nhà tư bản không còn động cơ đầu tư thêm, thậm chí rút dần vốn khỏi quá trình sản xuất. Tăng trưởng kinh tế do đó sẽ giảm dần và dừng lại.
Như vậy, lý thuyết tăng trưởng kinh tế của D. Ricardo cho rằng với nguồn tài nguyên thiên nhiên giới hạn, nhất là đất đai, việc tăng giá để phục vụ cho số lượng dân cư không ngừng tăng lên sẽ đẩy nền kinh tế tới trạng thái dừng, ở đó tỷ suất lợi nhuận xuống thấp đến mức nhà tư bản không còn động cơ đầu tư thêm trong khi mức lương thực tế của người lao động vẫn chỉ được duy trì ở mức đủ sống. Đây chính là cơ chế nguồn lực đất đai giới hạn tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa và thường được gọi là cái bẫy Ricardo.
Về chính sách tăng trưởng, D. Ricardo cho rằng để thoát được cái bẫy này, phải thực hiện chính sách tự do hóa nhập khẩu lương thực thực phẩm vì mặc dù trong phạm vi nước Anh lượng đất đai màu mỡ là có hạn song trên phạm vi toàn thế giới chúng lại vô hạn. Tuy nhiên, chính sách tự do hóa thương mại của ông chỉ phù hợp với nước Anh vào thế kỷ XIX, khi mà dân số nước này chỉ chiếm một phần nhỏ dân số thế giới và do năng suất lao động công nghiệp rất cao so với các nước khác nên nước này có đủ ngoại tệ để nhập khẩu lương thực thực phẩm. Đối với đa số các nước đang phát triển, việc kiếm được nguồn ngoại tệ đủ để nhập khẩu lương thực thực phẩm không hề dễ dàng, trong khi dân số vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Trong kinh tế hiện đại ngày nay, lý thuyết tăng trưởng kinh tế của D. Ricardo đã không còn cơ sở vững chắc vì nếu như trong các thế kỷ thứ XVIII và XIX, tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp còn quá thấp do chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và thử nghiệm của người nông dân thì với việc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp từ cuối thế kỷ XIX đến nay, tốc độ tăng năng suất trong nông nghiệp đã tăng lên rất nhanh, thậm chí tại các nước đang phát triển, tốc độ này còn nhanh hơn cả tốc độ tăng năng suất trong công nghiệp tại các nước phát triển. Do vậy, có thể khẳng định các nước đang phát triển hoàn toàn có thể tránh được cái bẫy Ricardo bằng cách tăng nhanh năng suất trong nông nghiệp.
3) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Karl Marx
Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Karl Marx được mô tả trong tác phẩm "Tư bản" nổi tiếng cũng dựa trên những lập luận về phân phối, đặc biệt là việc suy giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn, của các nhà kinh tế học cổ điển, song ông tập trung hơn vào chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tích luỹ tư bản cố định, nhân tố tạo ra tiến bộ công nghệ.
Nếu ký hiệu tư bản bất biến là c, tư bản khả biến là v, thì cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v) được coi là tỷ lệ phân chia lợi ích giữa tư bản và lao động. Khi đó tỷ suất lợi nhuận p sẽ bằng m/(c+v), trong đó m là giá trị thặng dư, (c+v) là tổng chi phí.
Marx gọi tỷ lệ giữa giá trị thặng dư và tư bản khả biến (m/v) là tỷ lệ bóc lột vì phản ánh giá trị thặng dư được tạo ra trên mỗi đơn vị chi phí lao động. Chia cả tử và mẫu số trong công thức xác định tỷ suất lợi nhuận p cho v thì ta có p = [(m/v)/(1+c/v)], tức là tỷ suất lợi nhuận tỷ lệ thuận với tỷ lệ bóc lột và tỷ lệ nghịch với cấu tạo hữu cơ của tư bản.
Từ đây dẫn tới điểm khác biệt chủ yếu của Marx so với các nhà kinh tế học cổ điển là ông không cho rằng tỷ suất lợi nhuận giảm dần làm giảm tích luỹ vốn, cuối cùng dẫn tới trạng thái ngừng tăng trưởng mà chính việc tỷ suất lợi nhuận giảm dần sẽ khuyến khích các nhà tư bản phải giảm tiền lương công nhân để bù vào; do đó tăng trưởng vẫn được duy trì song cuộc sống của người lao động ngày càng khốn khó hơn; đồng thời mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp xuất phân từ phân phối giữa tiền lương và lợi nhuận không ngừng tăng lên. Sự thù địch ngày càng tăng giữa giai cấp lao động và chủ tư bản trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sẽ dẫn đến bạo lực cách mạng; chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ bị thay thế bằng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, dự báo trên của Marx chưa thực sự trở thành hiện thực vì từ cuối thế kỷ XIX đến nay, các nước công nghiệp phát triển đã có những chính sách phù hợp hơn để đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động không ngừng được cải thiện. Để thực hiện được chính sách này, các nước công nghiệp phát triển đã biết tận dụng tối đa tiềm năng của người lao động, đặc biệt là tiềm năng sáng tạo và đưa vào ứng dụng trong phát triển kinh tế những thành tựu khoa học công nghệ ngày càng hiện đại.
4) Các mô hình của lý thuyết tăng trưởng kinh tế cổ điển
a) Mô hình của các nhà kinh tế cổ điển
Theo A. Smith, 3 nhân tố duy nhất quyết định quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá là lao động, vốn và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, hàm sản xuất trong mô hình của ông như sau:
                      Y = f (K, L, N)
trong đó K, L và N lần lượt là vốn, lao động và đất đai.
Mặc dù xác định rõ ba nhân tố quan trọng quyết định quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, nhưng các nhà kinh tế học cổ điển (A. Smith, D. Ricardo, T. Malthus...) luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tỷ lệ đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong tăng trưởng và phát triển dài hạn (Misra và Purl, 1988). Mặt khác, các nhà kinh tế cổ điển khảng định tỷ lệ đầu tư được xác định bởi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế; hai nhân tố này có tác động tương hỗ lẫn nhau, và chịu tác động của lợi nhuận của khu vực tư nhân cũng như thu nhập của toàn xã hội.
Do vậy, mô hình tăng trưởng dài hạn của thuyết cổ điển gồm 4 phương trình sau (Pascallon, 1989):
                      Y*(t) - Y*(t-1)      = (1/k) . I(t-1)                           (1)
                      Y(t)                       = C(t) + I(t)                               (2)
                      I(t)                         = s . Y*(t)                                 (3)
                      C(t)                       = (1-s) . Y*(t)                           (4)
trong đó: Y*: kết quả sản xuất khi sử dụng khả năng sản xuất ở mức bình thường; Y : kết quả sản xuất thực tế; I : vốn đầu tư ròng; C : tiêu dùng; k : hệ số vốn sản phẩm hay hệ số ICOR; s : tỷ lệ tiết kiệm trên kết quả sản xuất; k và s là các hằng số dương, nằm trong khoảng (0,1). Bốn biến nội sinh trong mô hình là Y*, Y, C và I.
Mô hình này xuất phát từ quan điểm cho rằng luôn luôn có cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường hàng hoá, đồng thời tiết kiệm và đầu tư bằng nhau tại mức tương ứng với sử dụng hết khả năng sản xuất sẵn có. Trong mô hình, phương trình (1) phản ánh thay đổi khả năng sản xuất bằng với tích của vốn đầu tư mới (I) và hệ số ICOR. Phương trình (2) chỉ ra rằng sản xuất thực tế (Y) bằng tổng của tiêu dùng (C) và đầu tư (I); đây là phương trình định nghĩa. Phương trình (3) giả định đầu tư (I) bằng tỷ lệ tiết kiệm trên sản xuất nhân với khả năng sản xuất trong điều kiện bình thường (Y*). Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng (C) bằng phần còn lại của khả năng sản xuất trong điều kiện bình thường (Y*) sau khi đã trừ đi phần để đầu tư.
Bằng cách tổ hợp lại các phương trình, các nhà kinh tế cổ điển thu được phương trình tăng trưởng sau:
                                Y(t)                       = (1 + s / k) . Y(t-1)        (5)
hay                          Y(t) / Y(t-1)          =  1 + s / k
từ đây suy ra           g  =  DY(t)/Y(t-1)  =    s / k                           (6)
Điều này có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (g) bằng tỷ lệ tiết kiệm chia cho hệ số ICOR của nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường, hệ số ICOR có thể ổn định nên theo mô hình cổ điển, tích luỹ vốn đóng vai trò quyết định tới tăng trưởng kinh tế cũng như là quá trình công nghiệp hoá. Thực tế, mô hình này tỏ ra rất phù hợp để giải thích quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước công nghiệp những thế kỷ trước. Mô hình cổ điển là mô hình tiêu biểu của lý thuyết tăng trưởng và công nghiệp hoá theo chiều rộng.
b) Mô hình của Marx:
Trong lý thuyết của mình, bên cạnh những nhân tố cổ điển truyền thống, Mác đã bổ sung và nhấn mạnh vai trò của quan hệ sản xuất và tiến bộ công nghệ đối với phát triển; do đó mô hình của Mác như sau:
                      Y = f (K, L, N, S, U)
trong đó K, L và N lần lượt là vốn, lao động và đất đai; S là quỹ xã hội dành để phát triển công nghệ và tri thức; U là chỉ tiêu đại diện cho quan hệ sản xuất xã hội. Vì Mác quan niệm quá trình sản xuất trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm ba yếu tố c (tư bản bất biến - giống như vốn cố định trong lý thuyết cổ điển), v (tư bản khả biến - tương đương với khai niệm vốn lưu động hay quỹ lương) và m (giá trị thặng dư - giống như lợi nhuận), nên trong nghiên cứu thực nghiệm, mô hình của Mác được viết lại như sau:
                      Y = (q1 + q2) L  +  k K  + n N 
trong đó q1 L đại diện cho tư bản khả biến; q2 L đại diện cho giá trị thặng dư và (k K + n N) đại diện cho tư bản bất biến. Trong lý thuyết của Mác, đất đai và vốn được xử lý gộp thành một yếu tố chung nên có thể thay chúng bằng một biến gộp K', do đó mô hình cuối cùng của Mác như sau:
                      Y = (q1 + q2) L  +  k' K' 
Các hệ số q1 , q2 và k' trong mô hình phản ánh thay đổi trong quan hệ sản xuất; do đó chúng không cố định, nhất là trong một khoảng thời gian dài. Điều này cũng giải thích tại sao không còn biến số về thay đổi công nghệ trong mô hình của Mác. Thực tế, Mác không xem đổi mới công nghệ sản xuất là một nhân tố tự thân (autonomous factor); ông cho rằng "các nguồn vốn tăng thêm trong quá trình tích luỹ chính là công cụ khai thác các ý tưởng và phát minh mới", (Karl Marx, 1865); do đó biến số công nghệ đã nằm trong nhân tố vốn[4].
Mặc dù có nhiều nhân tố khác nhau, nhưng tích luỹ vốn vẫn là vấn đề trung tâm trong mô hình của Mác; và cũng chính vì vậy mà Mác đã tập trung phân tích nhân tố cơ bản tạo ra tích luỹ, đó là giá trị thặng dư. Theo Mác, tổng thu nhập gồm c, v và m, nhưng hai nhân tố đầu không thể tạo ra vốn đầu tư. Tiền lương chỉ đủ sống nên được người công nhân phải chi toàn bộ cho tiêu dùng. Tương tự, để tổng tài sản cố định toàn xã hội không giảm thì phần thu nhập tương đương với c phải được tái đầu tư lại. Do đó, toàn bộ số vốn đầu tư để tái sản xuất mở rộng sẽ phụ thuộc vào giá trị thặng dư m; và để tăng tích luỹ và đầu tư, giai cấp tư bản phải tìm mọi cách để tăng m. Hai giải pháp chính được các nhà tư bản quan tâm nhất là tăng năng suất lao động và tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v). Theo các lập luận trong lý thuyết của Mác, tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào một số nhân tố, nhưng những nhân tố này lại chịu ảnh hưởng chính của tỷ suất giá trị thặng dư và cấu tạo hữu cơ của tư bản. Mô hình của Mác như sau:
                      p  = s . (1 - q)
trong đó p là tỷ suất lợi nhuận, s là tỷ suất giá trị thặng dư và q là cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v). Nếu giả định tỷ suất giá trị thặng dư s không đổi thì tỷ suất lợi nhuận sẽ biến động tỷ lệ nghịch với cấu tạo hữu cơ của tư bản. Do Mác cho rằng cấu tạo hữu cơ của tư bản có xu hướng tăng lên nên tỷ suất lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm dần. Nhận định này có ý nghĩa rất quan trọng để đi đến kết luận rằng các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có những hạn chế nội tại làm cho quá trình tăng trưởng mở rộng dựa trên tích luỹ vốn đầu tư có nguồn gốc từ giá trị thặng dư sẽ không thể kéo dài vô hạn.
II- Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Keynes:
1) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Keynes
Mặc dù các nhà kinh tế cổ điển đã cố gắng hình thành một lý thuyết khoa học về tăng trưởng kinh tế song, để trở thành một lý thuyết hoàn chỉnh, có tính khoa học cao thì lý thuyết về sự tăng trưởng trong lịch sử thế giới hiện đại có lẽ đã bắt đầu bằng công trình nghiên cứu nổi tiếng của J.M Keynes (1883-1946) bàn về nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái của chủ nghĩa tư bản những năm 1929-1933 với tiêu đề: "Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ"[5].
Trong tác phẩm này, J.M. Keynes cho rằng về ngắn hạn, tổng việc làm phụ thuộc vào tổng cầu thực (effective demand), trong đó cầu thực được thể hiện qua số đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và số đơn đặt hàng này lại phụ thuộc vào chi tiêu có nguồn gốc từ thu nhập. Do nhấn mạnh vai trò của cầu nên Keynes tập trung vào xử lý cầu gộp. Cầu gộp thường được được chia làm 2 thành phần: cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Trong khi cầu tiêu dùng thường được xem là ổn định với thu nhập thì cầu đầu tư biến động rất phức tạp và phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư. Tuy tuy nhiên nhà nước vẫn có thể tác động trực tiếp vào cả hai thành phần này để kích thích kinh tế.
Theo Keynes, về ngắn hạn, đầu tư luôn luôn ngang bằng với tiết kiệm nhưng cơ chế xác định hai chỉ tiêu này hoàn toàn khác nhau. Trong khi tiết kiệm phụ thuộc vào thu nhập thì đầu tư lại phụ thuộc vào lãi suất; phương trình cân bằng tiết kiệm - đầu tư cho phép xác định đồng thời thu nhập và lãi suất, hợp thành đường cong IS nổi tiếng (S(Y) = I(r)). Khi đầu tư tăng lên, cầu thực của nền kinh tế tăng lên, làm cho sản xuất tăng lên (khi nền kinh tế còn chưa sử dụng hết công suất). Do đó, chính phủ có thể và cần phải chủ động tăng chi tiêu ngân sách cho đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án công cộng, làm tăng đầu tư chung của toàn nền kinh tế, kéo theo tăng tổng cầu, mở ra quá trình tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm. Từ đây, Keynes cho rằng các chính phủ cần chủ động can thiệp, quản lý nền kinh tế để duy trì tăng trưởng bền vững. Chính quan điểm này đã mở đầu cho một giai đoạn quay ngược hoàn toàn với quan điểm truyền thống về tăng trưởng kinh tế của lý thuyết cổ điển.
Đóng góp lý thuyết của Keynes chủ yếu trong lĩnh vực phân tích kinh tế ngắn hạn; nghiên cứu của Keynes về quá trình phát triển dài hạn không nhiều. Tuy nhiên, trong một số phân tích dài hạn ít ỏi của Keynes, người ta vẫn nhận thấy Keynes coi tích luỹ vốn là một trong 4 nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn; ba nhân tố còn lại là khả năng kiểm soát tăng trưởng dân số, khả năng ngăn ngừa chiến tranh và xung đột xã hội, và tiến bộ công nghệ (Keynes, 1952; Misra và Puri, 1988).
Về dài hạn, nhìn chung Keynes vẫn sử dụng những nguyên tắc cơ bản của lý thuyết tân cổ điển. Các mô hình vĩ mô theo lý thuyết Keynes vẫn coi tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư, trong khi đầu tư là nhân tố quyết định quá trình tăng trưởng dài hạn và công nghiệp hoá. Hàm sản xuất trong mô hình Keynes có dạng gộp như sau:
                    Y  =   f (K , L)
trong đó Y là kết quả sản xuất, K là vốn cố định, và L là lao động. Trong mô hình này, L được xem là biến ngoại sinh và có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng; do đó khi số người tham gia lao động tăng lên thì sản xuất tăng lên (Dillar, 1963). Đối với tiết kiệm và đầu tư, Keynes đồng ý với các nhà kinh tế tân cổ điển là tiết kiệm chịu ảnh hưởng của thu nhập chứ không phải lãi suất; do đó nếu đầu tư giảm thì thu nhập giảm, dẫn tới giảm tiết kiệm và thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Keynes cũng cho rằng đầu tư là nhân tố then chốt để tăng trưởng và thực hiện toàn dụng lao động, nhưng cho rằng không tồn tại cơ chế tự động giữ tiết kiệm và đầu tư luôn ở mức cân bằng. Từ đây, ông đề cao vai trò của chính phủ, cho rằng chính phủ có thể kích thích đầu tư thông qua tăng thâm hụt ngân sách. Khi đầu tư tăng thì sản xuất và việc làm tăng, kéo theo tăng nhu cầu (tăng trưởng tạo ra tăng cầu)
2) Mô hình Harrod-Domar về tăng trưởng kinh tế
Lý thuyết cổ điển được xây dựng trên cơ sở giả định nền kinh tế luôn luôn đạt tới trình độ cân bằng trong điều kiện toàn dụng lao động; do đó quá trình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào tích luỹ vốn và gia tăng lực lượng lao động. Học thuyết Keynes sơ khai lại cho rằng toàn dụng lao động không phải tự nhiên đạt được mà cần những điều kiện nhất định. Tuy nhiên những phân tích của Keynes chỉ nhằm vào các điều kiện để toàn dụng lao động trong tầm ngắn hạn.
Do vậy, để xem xét các nhân tố tạo ra quá trình tăng trưởng bền vững, trong các thập niên 40 và 50 của thế kỷ trước, Robert M. Solow, Roy Harrod, Evsey Domar và Arthur Lewis tiếp tục hoàn thiện, phát triển lý thuyết tăng trưởng kinh tế do J.M Keynes xây dựng. Đặc biệt, Harrod và Domar đã khái quát mục tiêu của mọi nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng kinh tế là trả lời một câu hỏi rất dễ hiểu: làm thế nào để một nền kinh tế có khả năng tăng trưởng bền vững ở một tốc độ ổn định?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà kinh tế thời đó đã nghiên cứu bằng nhiều con đường khác nhau để đi đến một câu trả lời thành kinh điển song rất đơn giản: Để một nền kinh tế tăng trưởng bền vững thì tỷ lệ tiết kiệm quốc gia (phần thu nhập được tiết kiệm) phải bằng với tích số của tỷ lệ vốn - sản lượng và tỷ lệ phát triển của lực lượng lao động (có hiệu quả). Sau đó và chỉ sau đó thì nền kinh tế mới giữ tiền vốn của máy móc và thiết bị cân bằng với sự cung cấp lao động của nó, để cho sự tăng trưởng bền vững có thể tiếp tục mà không vấp phải sự thiếu lao động ở một bên hoặc là sự dư thừa lao động và thất nghiệp gia tăng ở bên kia.
Đặc biệt, vào giữa thế kỷ XX, trong khi các nhà kinh tế cổ điển chỉ xem xét duy nhất khía cạnh cung của vốn đầu tư và Keynes chỉ tập trung nhấn mạnh vào khía cạnh cầu trong bối cảnh ngắn hạn (để tháo gỡ bế tắc do cuộc đại suy thoái những năm 30 gây ra), thì Horrod (1939) và Domar (1946) đã xem xét đồng thời hai khía cạnh cung và cầu của quá trình đầu tư. Theo quan điểm của 2 ông, hệ thống Keynes không thể phân tích được quá trình tăng trưởng cân bằng dài hạn vì đặt thấp vai trò của nhân tố vốn; trong khi trên thực tế, đầu tư có đặc trưng 2 mặt rất rõ rệt: Một mặt đầu tư sẽ sinh ra thu nhập, do đó mở thêm cầu để kích thích sản xuất; mặt khác, đầu tư sẽ làm tăng khối lượng tài sản cố định, từ đó làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Nếu đầu tư vừa làm tăng năng lực sản xuất, vừa làm tăng thu nhập thì nó sẽ làm tăng cả hai vế trong phương trình cân bằng và tạo ra tỷ lệ tăng trưởng cần thiết" (Domar, 1957). Đặc biệt, hai ông cho rằng đầu tư ròng trong bất kỳ thời kỳ nào cũng ngang bằng tiết kiệm ròng; sản xuất dư thừa (người tiêu dùng không mua hết) sẽ được chuyển thành tiết kiệm và được đưa vào đầu tư. Trong quá trình này, tổng cung và tổng cầu sẽ tự động cân bằng.
Điểm đặc trưng lớn nhất và cũng là điểm không hoàn hảo của mô hình Domar (nó) là giả định tồn tại một mối quan hệ rất chặt giữa tăng trưởng tổng lượng vốn tích luỹ (capital stock) và tăng trưởng sản xuất tiềm năng (potential output) (Haberger, 1983). Mô hình cho rằng, nếu như các điều kiện về cầu được thực hiện đúng thì thiếu hụt vốn sẽ là yếu tố duy nhất ngăn cản quá trình tăng trưởng. Do vậy, tích luỹ vốn vật chất (physical capital) là nguồn gốc duy nhất của mọi quá trình tăng trưởng.
Mô hình Harrod - Domar xem xét đồng thời vai trò của đầu tư qua hai khía cạnh cung và cầu. Về mặt cung, năng lực sản xuất của nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư mới theo quan hệ sau:
                      DY = I . p                                                               (1)
trong đó p là năng suất tiềm năng trung bình của vốn. Đặc trưng quan trọng nhất của là p là tiềm năng; tức là khi p càng cao thì nền kinh tế càng có khả năng tăng trưởng nhanh. Khi chia cả hai vế cho Y thì thu được phương trình:
                      DY / Y = I / Y . p                                                   (2)
Vì DY / Y = g và I = S, trong đó S là tiết kiệm, nên phương trình cuối cùng là:
                      g  =  s . p                                                                (3)
Phương trình cơ bản trên (nhìn từ phía cung) cho thấy vốn đầu tư là nhân tố chính xác định tỷ lệ tăng trưởng trong khi tiết kiệm của quốc gia là nguồn của đầu tư. Nghịch đảo của p trong phương trình trên là hệ số vốn - sản phẩm gia tăng ICOR trong mô hình cổ điển.
  Về mặt cầu, Harrod - Domar sử dụng khái niệm nhân tử Keynes. Theo hai ông, thu nhập quốc gia là hàm của đầu tư gia tăng hơn là của bản thân đầu tư và nếu đầu tư trong năm sau không tăng so với năm trước thì thu nhập quốc gia năm sau sẽ không thể tăng so với năm trước. Phương trình quan hệ như sau:
                      DY  =  DI . (1/x)                                                     (4)
trong đó x là tỷ lệ đầu tư. Để xác định điều kiện cân bằng trong tăng trưởng kinh tế, Domar giả sử thu nhập quốc gia bằng với năng lực sản xuất của nền kinh tế, tức là nền kinh tế ở trong tình trạng cân bằng toàn dụng lao động. Giả thuyết này chỉ đúng khi thu nhập và năng lực của nền kinh tế tăng cùng một tỷ lệ; do vậy phương trình cân bằng cung cầu cơ bản trong mô hình Harrod - Domar là:
DI . (1/x)  = I . p                                                       (5)
hay:               DI/I  = p . x                                                             (6)
Vế trái của phương trình phản ánh tăng trưởng đầu tư. Để cân bằng kinh tế trong điều kiện toàn dụng lao động, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư phải ngang bằng với tích của p và x. Và vì thu nhập cũng phải tăng trưởng bằng tốc độ tăng trưởng của đầu tư nên thu nhập cũng tăng trưởng với tỷ lệ p . x.
Phương trình cơ bản trên đã chỉ ra điều kiện để toàn dụng lao động trong quá trình tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, điều kiện này có thể được thoả mãn nhưng không có sự cân bằng giữa đầu tư và tiết kiệm. Theo Domar, "đầu tư hôm nay có thể cao hơn tiết kiệm hôm qua; giải pháp tăng đầu tư có thể là bơm tiền vào lưu thông. Tiền được bơm vào lưu thông tăng lên thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng" (Domar, 1957).
Mô hình Harrod-Domar thoạt tiên được dự kiến sẽ dùng để giải thích tình trạng trì trệ phổ biến của các nền kinh tế Phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, trên thực tế, các nền kinh tế này không rơi vào suy thoái như dự đoán của nhiều nhà kinh tế; vì vậy mô hình trên đã không được sử dụng cho các nước này. Trái lại, sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đã xuất hiện một tình hình mới đối với kinh tế thế giới: số nước đang phát triển giành được độc lập ngày càng nhiều và một trong những mong muốn cao nhất của các nước này là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Mô hình Harrod-Domar đã vạch ra một mẫu phát triển cho các nước này: tăng trưởng dài hạn dựa vào đầu tư. Dựa trên mô hình, với một hệ số vốn - sản phẩm đã biết (thường dao động trong khoảng từ 2 đến 5), các nước đang phát triển có thể xác định dễ dàng lượng vốn cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và dài hạn của mình theo công thức sau:
                      p  =  (DY/ Y) / x                                                     (7)
Như vậy, nếu tỷ lệ tăng trưởng dự kiến đạt 5% và hệ số vốn - sản phẩm là 1: 3 thì tỷ lệ đầu tư cần thiết là 15% GDP.
III- Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển:
1)    Lịch sử phát triển:
Trong giai đoạn đầu phát triển của thuyết tăng trưởng tân cổ điển, các nhà kinh tế vẫn chưa quan tâm đến chất lượng tăng trưởng mà chỉ chú ý làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng mặc dù các cuộc khủng hoảng, suy thoái vẫn liên tục diễn ra. Mô hình Harrod-Domar có một bước tiến mạnh mẽ so với mô hình cổ điển, nhưng nó vẫn còn một yếu điểm quan trọng là về dài hạn, cân bằng trong tăng trưởng kinh tế kém bền vững do những điều kiện giả định của nó quá chặt (ví dụ tỷ lệ giữa các nhân tố sản xuất như vốn và lao động... không đổi; tỷ lệ tiết kiệm và hệ số vốn - sản phẩm cố định nếu muốn duy trì tình trạng tăng trưởng bền vững; mức giá cả và lãi suất cũng không đổi theo thời gian...). Vào cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Robert M. Solow và Trevor Swan đã nhìn nhận lại những kết luận đã có và thấy rằng Harrod và Domar đã nghiên cứu vấn đề tăng trưởng bền vững, ổn định dựa trên việc thừa nhận tất cả ba thành phần then chốt của quá trình tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ tiết kiệm quốc gia, tỷ lệ phát triển của lực lượng lao động và tỷ lệ vốn - sản lượng) đều là những vấn đề của tự nhiên. Tỷ lệ tiết kiệm là vấn đề về sở thích, tỷ lệ phát triển của lực lượng lao động là vấn đề về xã hội (nhân khẩu học); trong khi tỷ lệ vốn - sản lượng là vấn đề về kỹ thuật.
Nếu các tham số cơ bản trong mô hình thay đổi thì tỷ lệ tăng trưởng thực tế sẽ chệch xa khỏi tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng, và quá trình tăng trưởng dài hạn, bền vững có nguy cơ không đạt. Thực tế, tất cả những thành phần này đều có thể thay đổi theo thời gian, nhưng chúng thay đổi không thường xuyên và ít nhiều mang tính độc lập. Trong trường hợp đó, khả năng tăng trưởng bền vững sẽ là một sự may mắn khó có thể đạt được. Trong phần lớn lịch sử của quá trình phát triển, hầu hết các nền kinh tế đều không có đường phát triển cân bằng. Lịch sử những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là một quá trình xen kẽ nhau của những giai đoạn dài thất nghiệp và thiếu lao động trầm trọng, tức là của những giai đoạn suy thoái hoặc phát triển rầm rộ.
Trong lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Harrod-Domar, nếu điều kiện cho sự tăng trưởng bền vững là tỷ lệ tiết kiệm bằng với tích số của tỷ lệ phát triển việc làm và tỷ số vốn - sản lượng được quyết định bởi kỹ thuật, thì một công thức để nhân đôi tỷ lệ tăng trưởng của một nền kinh tế thặng dư chỉ đơn giản là nhân đôi tỷ lệ tiết kiệm, tức là chìa khoá cho một sự quá độ từ sự tăng trưởng chậm tới tăng trưởng nhanh là sự tăng liên tục của tỷ lệ tiết kiệm.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản. Với tư tưởng này, R.M. Solow đã bắt đầu phát triển lý thuyết về sự tăng trưởng kinh tế và cố gắng phát triển mô hình Harrod-Domar bằng việc thay thế tỷ số vốn - sản lượng bất biến (và công suất lao động) bằng một đại diện khác phong phú và thực tế hơn của công nghệ, đồng thời dựa vào lý thuyết về sản lượng hơn là lý thuyết chính thức về lựa chọn của người tiêu dùng. R.M. Solow cho rằng ngay chính kỹ thuật công nghệ cũng không phải là quá linh động cho mỗi sản phẩm tại một thời điểm nhất định, tỷ lệ giữa các nhân tố phải biến động nhiều hơn nữa bởi vì nền kinh tế có thể chọn lựa, tập trung vào những sản phẩm cần nhiều vốn hoặc cần nhiều lao động hoặc cần nhiều đất đai. Chính từ đây đã xuất hiện lý thuyết tân cổ điển về sự tăng trưởng kinh tế.
Lý thuyết tăng trưởng kinh tế tân cổ điển xuất hiện vào năm 1956 với hai tác phẩm nổi tiếng của Robert M. Solow và Trevor Swan[6]. Ngay khi xuất hiện, lý thuyết tăng trưởng kinh tế tân cổ điển đã làm thay đổi diện mạo các lý thuyết kinh tế vĩ mô đồng thời rất nhanh trở thành cẩm nang trong những quyển sách giáo khoa và trong tàng kho hiểu biết chung của giới kinh tế vì đây là một mô hình hoàn chỉnh đầu tiên giải thích nguyên nhân của quá trình tăng trưởng kinh tế. Mô hình này được gọi là mô hình tăng trưởng tân cổ điển vì một số giả thiết của mô hình dựa theo lý luận của kinh tế học tân cổ điển.
Nếu như mô hình Harrod-Domar nguyên gốc chỉ xét đến vai trò của vốn sản xuất (thông qua tiết kiệm và đầu tư) đối với tăng trưởng thì mô hình tân cổ điển đưa thêm các nhân tố lao động và tiến bộ công nghệ vào phương trình tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Theo lập luận của trường phái này, chỉ các yếu tố bên ngoài, đó là công nghệ và tốc độ tăng trưởng lao động mới thay đổi được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở trạng thái bền vững. Chính vì vậy mô hình này còn có cách gọi khác là mô hình tăng trưởng ngoại sinh vì tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn mang tính ngoại sinh, tức là không liên quan đến các nhân tố bên trong của hệ thống kinh tế; rốt cục tăng trưởng của một nền kinh tế sẽ hội tụ về một tốc độ nhất định ở trạng thái bền vững. Tuy nhiên, mô hình này cho biết tiết kiệm, tăng trưởng dân số (lao động) và tiến bộ công nghệ có ảnh hưởng như thế nào tới tăng trưởng kinh tế theo thời gian, tức là tốc độ và chất lượng tăng trưởng (bền vững). Do vậy, mặc dù tỷ lệ tiết kiệm không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn nhưng nó vẫn tác động tới đường tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Ngoài ra, còn phải thấy một quốc gia không thể nâng tỷ lệ tiết kiệm tới quá cao, thậm chí cả 100% vì như thế thì không còn gì để tiêu dùng cả. Chính từ đây xuất hiện khái niệm đường tăng trưởng tốt nhất cho nền kinh tế, tại đó tỷ lệ tiết kiệm đảm bảo để tiêu dùng (dài hạn) luôn ở mức tối ưu, tức là phúc lợi đạt mức cao nhất. Tương ứng với đường tăng trưởng tốt nhất cho nền kinh tế sẽ có một quy tắc vàng về tích luỹ vốn của Edmund Phelp.
Ngoài việc phân tích điểm dừng hay là điểm hội tụ tối ưu của các nền kinh tế, lý thuyết tân cổ điển còn nghiên cứu quá trình hội tụ của các nền kinh tế từ các trạng thái phi cân bằng về trạng thái cân bằng bền vững với tỷ lệ tích luỹ và tốc độ tăng trưởng tối ưu. Trên cơ sở nghiên cứu này, các nhà kinh tế tân cổ điển đã so sánh quá trình phát triển của các nền kinh tế và rút ra hai trường hợp của các nền kinh tế, gồm hội tụ tuyệt đối và hội tụ có điều kiện; trong đó hội tụ tuyệt đối là các nước nghèo sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các nước giầu để thu hẹp dần khoảng cách với các nước giầu; hội tụ có điều kiện là trường hợp các nước hội tụ về cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế, song các quan hệ như tỷ lệ vốn – lao động, tốc độ tăng trưởng dân số, trình độ công nghệ có thể vẫn hội tụ về trạng thái dừng khác nhau.
Các nhân tố xác định tốc độ tăng trưởng trong quá trình công nghiệp hoá tại các nước tư bản chủ nghĩa đã được phân tích trong một số mô hình điển hình của lý thuyết tân cổ điển là mô hình Solow và mô hình J.E. Meade.
2) Mô hình tăng trưởng kinh tế của Robert M. Solow
Theo Solow, cân bằng dài hạn kém bền vững trong mô hình Harrod-Domar xuất phát từ giả thiết luôn tồn tại một quan hệ tỷ lệ cố định giữa các yếu tố sản xuất; ví dụ không có khả năng thay thế giữa lao động và vốn trong quá trình tăng trưởng. Đây là một giả định không thực tế vì mọi người đều nhận thấy có sự thay thế lẫn nhau giữa các yếu tố. Solow cho rằng nếu loại bỏ giải định này thì tình trạng tăng trưởng không bền vững sẽ biến mất. Mô hình của Solow dựa trên 4 giả định cơ bản sau: (i) Nền kinh tế chỉ làm ra 1 sản phẩm hàng hoá tổng hợp, gọi là sản phẩm quốc gia, với hai nhân tố đầu vào là vốn và lao động; (ii) Tồn tại những tỷ suất lợi nhuận cố định, phụ thuộc vào quy mô sản xuất; (iii) Nền kinh tế sử dụng hết lao động và vốn; và (iv) Lao động và vốn có thể thay thế cho nhau.
Vì chỉ có một loại sản phẩm hàng hoá, nên gọi là Y. Một phần của hàng hoá này được tiêu dùng; phần còn lại được tiết kiệm để đầu tư. Gọi tỷ lệ tiết kiệm để đầu tư là s; khi đó tổng tiết kiệm của nền kinh tế là s.Y.  Gọi tổng tài sản cố định của nền kinh tế là K; khi đó, mức tăng lên của K (tức dK/dt) sẽ bằng mức đầu tư mới. Vì đầu tư ngang bằng tiết kiệm nên phương trình nhận dạng cơ bản của Solow như sau:
            dK / dt  = s . Y                                                                 (1)
Vì sản xuất được giả định chỉ phụ thuộc vào hai nhân tố là vốn và lao động (tiến bộ công nghệ là cho trước và tỷ lệ tiết kiệm là biến ngoại sinh) nên hàm sản xuất trong mô hình Solow như sau:
            Y  =  f (K, L)                                                                    (2)
Thay vào phương trình (1), chúng ta có:
            dK / dt  =  s . f (K, L)                                                       (3)
Vì tăng trưởng dân số là biến ngoại sinh nên có thể giả thiết lực lượng lao động tăng trưởng theo tỷ lệ tương đối cố định là n. Nếu không xét đến ảnh hưởng của thay đổi công nghệ thì n chính là tỷ lệ tăng trưởng tự nhiên của lực lượng lao động xã hội (cung lao động). Khi đó:
            L(t)  =  Lo . ent                                                                  (4)
Vì giả định của mô hình là toàn dụng lao động nên thay (4) vào phương trình (3), Solow có phương trình cơ bản xác định nhu cầu tích luỹ vốn để đảm bảo tăng trưởng gắn liền với toàn dụng lao động:
            dK / dt  =  s . f (K, Lo . ent)                                               (5)
Như vậy, theo mô hình Solow, nếu biết tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của vốn (tức là đầu tư) và của lực lượng lao động, thì có thể xác định được tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của kết quả sản xuất. Trong một hệ thống hoạt động dưới điều kiện tân cổ điển như vậy (các đầu vào có thể thay thế lẫn nhau và lợi tức không đổi theo quy mô), tốc độ tăng trưởng sẽ được điều chỉnh dần để tiến tới trạng thái tăng trưởng ổn định, bền vững
Mặc dù mô hình Solow nghiên cứu sản xuất phụ thuộc đồng thời vào 2 nhân tố vốn và lao động, nhưng Solow cũng xem xét quan hệ giữa 2 nhân tố này. Ông phân tích tỷ lệ K/L, gọi tỷ lệ này là r; phương trình cuối cùng xác định biến động của r được ông giữ lại là:
dr / dt = s . f (r) - n.r                                               (6)
Theo quan hệ (6), tỷ lệ K/L sẽ thay đổi ngay khi có sự khác nhau giữa 2 đại lượng, đại lượng thứ nhất biểu hiện sự tăng lên của vốn và đại lượng thứ hai biểu hiện sự tăng lên của lao động.
3) Mô hình J.E. Meade
Với những giả thiết gần giống với giả thiết trong mô hình của Solow, Meade đã xác định 4 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất, đó là vốn cố định, lao động, đất đai có thể huy động vào sản xuất, và tình trạng công nghệ, trong đó nhân tố cuối cùng được cải tiến theo thời gian. Hàm sản xuất gộp của mô hình Meade như sau:
                      Y  =  f (K, L, N, t)                                                  (1)
trong đó t là biến thời gian, phản ánh sự tăng lên của sản xuất ngay trong trường hợp các nhân tố vốn, lao động và đất đai không tăng. Dưới dạng tuyến tính hoá, phần sản xuất tăng thêm được xác định như sau:
                      DY = v . DK + w . DL + DY'                                   (2)




trong đó
DY' biểu thị sự tăng lên của sản xuất nhờ nhân tố tiến bộ kỹ thuật; các hệ số v và w lần lượt phản ánh năng lực cận biên của vốn và của lao động. Như vậy, Meade cho rằng tổng diện tích đất là nhân tố duy nhất không tăng trong quá trình phát triển. Chia cả 2 vế cho Y và thực hiện một số thêm bớt cần thiết, chúng ta có phương trình (3) sau:                              


                                                                                                    (3)
Nếu đặt DY/Y là y, DK/K là k, DL/L là l, DY'/Y là r, và các hệ số trong phương trình trên lần lượt là u và q thì chúng ta có:
                      y  =  u.k  + q.l + r                                                   (4)
Phương trình này chỉ ra rằng sự tăng lên của sản xuất (tăng trưởng kinh tế) phụ thuộc vào tổng trọng số của 3 tỷ lệ tăng trưởng khác; đó là tỷ lệ tăng trưởng của vốn cố định (k), được trọng số bằng tầm quan trọng của máy móc thiết bị trong quá trình sản xuất, tỷ lệ tăng trưởng lao động (l) được trọng số bằng tầm quan trọng của nhân tố này, và tỷ lệ tăng trưởng tiến bộ công nghệ (r).
  Phương trình (4) có thể được viết lại thành:
                      y - l =  u.k  + (1-q).l + r                                          (5)
Vì y-l là tỷ lệ tăng thu nhập bình quân 1 lao động, hay là tỷ lệ tăng thu nhập đầu người (ví dụ khi sản xuất tăng 9%/năm, lao động tăng 4%/năm thì thu nhập đầu người tăng 5%/năm) nên phương trình trên chỉ cho thấy 3 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng thu nhập đầu người; trong đó có nhân tố vốn.
Để xem xét khả năng thay đổi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế theo thời gian, trước tiên Meade thay u.k bằng giá trị tương đương là (v.K. DK)/(Y.K) hay v.s trong đó s là tỷ lệ đầu tư (tiết kiệm) trên sản xuất (GDP). Phương trình (4) được ông viết lại như sau:
                      y  =  v.s  + q.l + r                                                   (6)
Trên thực tế, các nhà kinh tế thường cho rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số và tiến bộ công nghệ (l và r) là biến ngoại sinh và không đổi theo thời gian, nên mỗi sự biến đổi của tỷ lệ tăng trưởng kinh tế y đều phụ thuộc vào các biến v, s và q. Xét trường hợp l=0, tức dân số không đổi, khi đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế được xác định như sau:
                      y  =  v.s  +  r                                                                    (7)
Nếu tỷ lệ thay đổi của tiến bộ công nghệ r cố định theo thời gian thì tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc duy nhất vào sự tăng hay giảm của tích v.s, tức là phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ lệ đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Vai trò của đầu tư trở nên cực kỳ quan trọng trên cả hai phương diện: số lượng và chất lượng đầu tư.
Mô hình Meade (phương trình 6) cũng chỉ ra một số quan hệ quan trọng khác liên quan đến tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng:
- Vì k = s.Y/K nên có 2 nhân tố làm tăng k; đó là tăng hiệu quả sử dụng vốn (Y/K) và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập (s). Như vậy, tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư;
- Để tăng tỷ lệ tiết kiệm s, có hai con đường thực hiện: một là, tăng thu nhập đầu người; nhờ đó, giá trị tiết kiệm sẽ tăng lên tương ứng; và hai là, điều chỉnh cơ cấu sử dụng thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng tiết kiệm và giảm tỷ trọng tiêu dùng.
- Hệ số co giãn thay thế giữa các nhân tố sản xuất càng cao thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và thu nhập càng cao và ngược lại;
- Tiến bộ công nghệ có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế
Để xác định tình trạng tăng trưởng kinh tế bền vững, Meade đã đưa ra hai giả định. Một là, tỷ lệ tăng trưởng dân số không đổi theo theo gian, gọi là l. Hai là, tiến bộ công nghệ cũng được giả định là không đổi. Vì trong điều kiện tăng trưởng bền vững, tỷ lệ tăng trưởng sản xuất y sẽ cố định nên y-l (tỷ lệ tăng trưởng đầu người) cũng cố định. Với những giả định trên, Meade đã chứng minh rằng trong một số điều kiện nhất định, nền kinh tế sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư k cũng cố định và k=y; tức là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bền vững khi tỷ lệ tăng trưởng đầu tư bền vững và hai tỷ lệ này bằng nhau. Kết luận này càng khảng định vai trò cực kỳ quan trọng của đầu tư trong mô hình cổ điển.



[1] "An Inquiry into Nature and Causes of the Wealth of Nations.
[2] Trong ba chương đầu ca cun "S thnh vượng ca các quc gia", A. Smith cho rng máy móc kết hp vi phân công lao động và t do hoá thương mi là nhng nhân t thúc đẩy tăng năng sut và tăng đều đặn công ăn vic làm; như vy tiến b k thut có nhng động cơ bên ngoài, trong khi đó cht lượng công vic, phương thc phân b ngun lc và phân công lao động là nhng nhân t ni ti (Lorenzi, 2001).
[3] Principles of Political Economy and Taxation, xut bn năm 1817
[4] Phân tích v tiến b k thut ca Mác có th được xem là xut phát đim cho mi phân tích nghiêm túc sau này v công ngh và vai trò ca nó đối vi tăng trưởng và phát trin. Theo Mác, công ngh, qua đó là vn, là nhân t trung tâm ca phát trin xã hi, và trong cuc cách mng công nghip, máy móc đã thay thế người lao động và nhng công c ca h; chính vì thế mà con người đã được thay thế bng mt động cơ. Mt khác, Mác cũng cho rng tiến b k thut có th làm gim thiu thi gian sn xut, do đó làm tăng li nhun, đồng thi làm gim lượng hàng tn kho cn thiết để duy trì mt mc độ sn xut nht định. Cũng nh tiến b công ngh, quan h t l gia tư bn bt biến và tư bn kh biến tăng lên, làm cho vic s dng lao động có xu hướng gim đi, dn ti tht nghip và tiếp đó là khng hong (Lorenzi, 2001).
[5] “The General Theory of Employment, Interest and Money”.
[6] Robert M. Solow: “Mt đóng góp cho lý thuyết tăng trưởng kinh tế (A Contribution to the Theory of Economic Growth) và Trevor Swan: “Tăng trưởng kinh tế và tích lu vn” (Economic Growth and Capital Accumulation).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét