Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

(1) Một số kinh nghiệm về lạm phát và chống lạm phát tại VN

Bài giảng về Lạm phát của tôi
(bản để giảng tại Lào và Campuchia):

MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ LẠM PHÁT VÀ CHỐNG LẠM PHÁT TẠI NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM
PHẦN THỨ NHẤT
LÝ THUYẾT VỀ LẠM PHÁT VÀ GIẢI PHÁP CHỐNG LẠM PHÁT
1) Định nghĩa và đo lường lạm phát
1.1) Định nghĩa lạm phát
Cũng như nhiều khái niệm kinh tế khác, lạm phát (inflation) có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo các trường phái kinh tế căn cứ theo lập luận của mỗi trường phái về đặc trưng, nguyên nhân và hậu quả của lạm phát. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề đang còn được tranh luận này mà sử dụng khái niệm lạm phát được sử dụng tương đối phổ biến nhất trong 3 thập kỷ qua của trường phái trọng tiền.
Theo quan điểm này, lạm phát là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng tăng lên của mặt bằng giá chung của nền kinh tế. Định nghĩa này bao hàm một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, lạm phát là sự tăng lên của mặt bằng nói chung giá chứ không phải của từng loại giá riêng biệt. Nếu chỉ có giá của một hoặc một số rất ít loại hàng hóa tăng lên thì chưa chắc đã phải là lạm phát vì giá của đông đảo các loại hàng hoá và dịch vụ khác không thay đổi, thậm chí có thể giảm đi.
Thứ hai, định nghĩa này không chỉ nói về tình trạng tăng lên hiện tại của mặt bằng giá (lạm phát mở) mà còn bao hàm cả sự tăng lên tiềm năng của mặt bằng giá (lạm phát bị kìm hãm). Thực tế không ít chính phủ trong bối cảnh lạm phát cao đã thực hiện các biện pháp quản lý hành chính nghiêm ngặt để duy trì sự ổn định của giá, nhưng lại dẫn đến nhiều mâu thuẫn khác trong nền kinh tế. Định nghĩa này bao gồm cả trường hợp lạm phát trên; trong đó giá mặc dù ổn định, nhưng do áp dụng các biện pháp “đông cứng” giá một cách hành chính và nếu không áp dụng các biện pháp này thì giá sẽ tăng lên.

          Thứ ba, sự tăng lên (hiện tại hoặc tiềm năng) của mặt bằng giá phải có tính dai dẳng. Như vậy nếu sự tăng giá chỉ diễn ra trong một số khoảng thời gian và do một số nguyên nhân khách quan rõ ràng rồi lại giảm xuống khi những nguyên nhân này chấm dứt thì đây chưa phải là lạm phát. Hoặc nếu tại một thời điểm nào đó mà giá tất cả các loại hàng hoá đều đồng loạt tăng lên, nhưng tiếp đến lại ổn định trong một khoảng thời gian dài (nhiều tháng là đủ), thì đây cũng không phải là tình trạng lạm phát.
          Ví dụ nếu mặt bằng giá tăng lên do sự tăng lên lúc giáp hạt của giá một số loại lương thực thực phẩm cơ bản, hoặc do lũ lụt hạn hán dẫn tới tăng giá một số hàng nông sản, hoặc giá một vài loại hàng hoá như xăng dầu, thuốc lá tăng lên do chính sách tăng thuế hay giảm trợ cấp của chính phủ... thì chưa phải là lạm phát mặc dù mặt bằng giá chung đã tăng lên. Đó là vì chưa có sự tăng lên dai dẳng của mặt bằng giá chung. Trong trường hợp đầu, giá lương thực thực phẩm sẽ giảm khi vụ thu hoạch bắt đầu. Trường hợp thứ hai cũng tương tự như trường hợp đầu vì sau những vụ mùa thất bát lại sẽ có những vụ mùa bội thu; khi đó giá nông sản sẽ lại giảm. Trong trường hợp thứ ba, khi môi trường kinh tế trong nước và quốc tế thay đổi, chính phủ có thể thực hiện chính sách theo chiều ngược lại (giảm thuế hoặc tăng trợ cấp), làm cho mặt bằng giá lại giảm đi; hoặc nếu môi trường không đổi thì giá sẽ ổn định chứ không có xu hướng tăng tiếp.
          Thứ tư, khi nói rằng lạm phát là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng tăng lên của mặt bằng giá chung của nền kinh tế, thì cũng không nên hiểu rằng mặt bằng giá phải liên tục tăng lên. Dĩ nhiên, nếu giá liên tục tăng lên qua các năm, các quý thì đó chắc chắn đó là thời kỳ lạm phát theo định nghĩa ở đây; nhưng nếu có những quý mặt bằng giá giảm đi mà xu hướng chuyển động tăng lên của nó vẫn dai dẳng thì đó vẫn là một thời kỳ lạm phát.
          Trong thời kỳ lạm phát, giá một số loại hàng hoá có thể tăng nhanh hơn giá một số loại hàng hoá khác; do đó lạm phát đi đôi với biến đổi giá tương đối hay cơ cấu giá trong nền kinh tế.
          Bên cạnh khái niệm lạm phát, cần chú ý phân biệt một số khái niệm khác được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu lạm phát, như giảm phát và thiểu phát.
          - Giảm phát (disinflation) là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng giảm xuống của tỷ lệ lạm phát mặc dù lạm phát vẫn diễn ra;
          - Thiểu phát (deflation) là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng giảm xuống của mặt bằng giá chung của nền kinh tế.
          Mặc dù định nghĩa trên được sử dụng khá rộng rãi trong nghiên cứu kinh tế, nhưng nó vẫn còn nhiều bất cập. Vì theo định nghĩa trên, có nhiều trường hợp mặt bằng giá chung tăng lên (ví dụ tăng thuế nhiều lần của chính phủ, tăng giá đi kèm với tăng chất lượng hàng hoá và dịch vụ) thì có phải là hiện tượng lạm phát không và giải thích thế nào.
          1.2) Chọn chỉ tiêu đo lường lạm phát
          Theo định nghĩa lạm phát nêu trên, việc đo lường lạm phát đặt ra ba vấn đề cần giải quyết:
          (i) Vấn đề chọn chỉ số giá đại diện cho "mặt bằng giá chung";
          (ii) Vấn đề đo lường thay đổi tốc độ chuyển động đi lên tại từng thời kỳ cụ thể của chỉ tiêu vừa chọn;
          (iii) Phương pháp tính chỉ số giá.
          a) Việc chọn chỉ số giá đại diện cho mặt bằng giá chung rất khác nhau giữa các nước. Một số chỉ tiêu sau thường được đưa ra để phân tích, lựa chọn:
          (i) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
          (ii) Một vài thành phần của CPI; ví dụ chọn một số nhóm hàng tiêu biểu nhất;
          (iii) Chỉ số giá bán buôn (WPI) hoặc một vài thành phần của nó;
          (iv) Chỉ số giá GNP (deflator of GNP);
          (v) Chỉ số giá GDP ( deflator of GDP);
(vi) Chỉ số giá của một nhóm các hàng hoá và dịch vụ đưa vào tính tổng chi tiêu quốc gia (Gross national expenditure - GNE);
           Mỗi một chỉ tiêu nêu trên đều có ưu, nhược điểm trong việc đại diện cho mặt bằng giá chung; do đó trong nghiên cứu kinh tế, người ta phải sử dụng đồng thời nhiều loại chỉ số giá. Tuy nhiên, đối với một chỉ tiêu lý tưởng, để có cơ sở cho sự lựa chọn, gần đây, người ta đã đề ra một số tiêu chuẩn, trong đó 4 tiêu chuẩn quan trọng nhất là:
          (i) Chỉ tiêu đó chỉ phản ánh những hàng hoá sản xuất trong nền kinh tế; do vậy, các chỉ số giá có chứa giá hàng hoá nhập khẩu không phải là chỉ số lý tưởng dùng để đo lường lạm phát;
          (ii) Chỉ số giá lý tưởng phải mang tính toàn diện, tức là chứa đựng giá tất cả các hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế. Như vậy, chỉ số giá hàng hoá bán lẻ chưa phải là chỉ tiêu lý tưởng vì nó chỉ chứa đựng giá các hàng hoá do người tiêu dùng mua sắm trên thị trường;
          (iii) Chỉ số giá lý tưởng phải phản ảnh được việc cải tiến chất lượng hàng hoá và dịch vụ, tức là với chỉ số giá này, ít nhất sau 10 đến 15 năm sự tăng lên danh nghĩa của giá của hàng hoá và dịch vụ không vượt quá tình trạng tăng lên thực sự của giá. Thực tế giá nhiều hàng hoá tăng lên nhưng chất lượng của nó cũng tăng lên tương ứng; trường hợp đó không phải là lạm phát.
          (iv) Cuối cùng, chỉ số giá lý tưởng phải đảm bảo không bị tác động bởi những đợt tăng giá tạm thời và lại quay về giá ban đầu khi tình hình thay đổi. Ví dụ sự tăng giá do điều kiện thời tiết không thuận hoặc tăng giá do thay đổi chính sách thuế của chính phủ.
          Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng làm thước đo lạm phát. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa phải là chỉ tiêu lý tưởng vì chưa thoả mãn các tiêu chuẩn trên. Nhiều hàng hoá nhập khẩu vẫn được đưa vào tính trong giá CPI. Mặt khác, chỉ số này vẫn chỉ đo được sự biến động của giá bán lẻ một số loại hàng hoá và dịch vụ chứ chưa phải toàn bộ chi tiêu gộp của người tiêu dùng, tức là chưa mang tính toàn diện. Ngoài ra, chỉ chỉ số này còn bao hàm các loại lương thực thực phẩm quan trọng và tất cả các loại hàng hoá có giá nhạy cảm với thay đổi chính sách thuế; tức là bị tác động bới những tăng giá tạm thời mà đã được loại khỏi định nghĩa lạm phát nêu trên. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng cũng không phản ảnh được việc cải tiến chất lượng hàng hoá và dịch vụ sau một khoảng thời gian tương đối dài.
          b) Việc đo lường thay đổi tốc độ chuyển động đi lên tại từng thời kỳ cụ thể của chỉ tiêu đại diện cho lạm phát thường được thực hiện bằng phương pháp đơn giản nhất, tức là tính phần trăm thay đổi giữa thời điểm cuối và thời điểm đầu.
Tuy nhiên, lạm phát trong thời kỳ 1990-2000 là 100% và lạm phát trong thời kỳ 2001-2003 là 8% không có nghĩa là lạm phát trong thời kỳ đầu  nghiêm trọng hơn nhiều so với lạm phát trong thời kỳ sau vì sự thực là thời kỳ đầu kéo dài tới 10 năm trong khi thời kỳ sau chỉ kéo dài 3 năm. Do vậy, để có thể so sánh mức độ lạm phát giữa các thời kỳ, người ta thường phải quy về tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm thay vì tính tỷ lệ lạm phát chung cho một khoảng thời gian dài.




Sự tăng lên theo tỷ lệ phần trăm của chỉ tiêu được chọn để đo lường lạm phát giữa các năm hoặc quý được gọi là tỷ lệ lạm phát; và sự tăng lên theo tỷ lệ phần trăm tính chung bình theo các quý, các năm được gọi là tỷ lệ lạm phát trung bình. Lúc đầu, công thức dùng để xác định tỷ lệ lạm phát trung bình như sau:


trong đó r là tỷ lệ lạm phát trung bình, Po và Pn lần lượt là giá trị đầu và giá trị cuối của chỉ tiêu đo lường lạm phát.
Phương pháp đo lường lạm phát nêu trên có một số nhược điểm quan trọng, trong đó nổi bật là nó chỉ tính toán dựa trên điểm đầu và điểm cuối của chỉ số mà không tính đến các điểm trung gian. Do vậy, kết quả tính theo phương pháp này thay đổi rất mạnh khi thay đổi điểm đầu và điểm cuối; ví dụ tỷ lệ lạm phát trung bình có thể thay đổi rất mạnh nếu tính cho thời kỳ 1990-2000 và thời kỳ 1989-2000.
Để hạn chế điểm yếu trên, từ nhiều năm nay, các nước và tổ chức kinh tế tài chính quốc tế đã đưa vào sử dụng phương pháp phức tạp hơn dựa trên kỹ thuật kinh tế lượng.
Phương trình trên tương đương với phương trình Pn = (1 + r)n * P0
Lấy logarit hai vế của phương trình này, chúng ta có:
                    Log(Pn) = n * Log(1+r ) + Log(P0)
tương đương với phương trình:   Y  =  B * n + A           
trong đó n là biến thời gian, B = Log(1+r) là độ nghiêng của đường hồi quy. Tính Y = Log(P) theo các giá trị quan sát rồi ước lượng hàm hồi quy Y  =  B * n + A, sẽ tìm ra hệ số B. Vì Log(1+r) = B nên (1+r) = exp(B), tức là:
r = exp(B) - 1
như vậy, phương pháp này đã sử dụng tất cả các quan sát theo thời gian của chỉ số xác định lạm phát.
Để tính tỷ lệ lạm phát dưới dạng phần trăm, người ta nhân r với 100.
c) Về phương pháp tính chỉ số giá: Thông thường, người ta chọn ra khoảng 250-300 sản phẩm tiêu dùng đại diện cho tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình; các sản phẩm này chiếm khoảng 85-90% khối lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình.
Tiếp đến, ở bước 2, người ta tiến hành điều tra giá cả các mặt hàng đó tại những điểm cần thiết và tính toán thay đổi của giá cả từng mặt hàng đó theo thời gian.
Để xác định tỷ lệ lạm phát quốc gia, trong bước 3, người ta tính trung bình của các chỉ số giá của các mặt hàng theo trọng số là khối lượng tiêu dùng của từng mặt hàng trong tổng tiêu dùng của các hộ gia đình.
Chỉ số giá tiêu dùng thường được thống kê theo tháng và trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong phân tích kinh tế. Tuy nhiên, cũng như những công cụ khác, nó vẫn có những hạn chế nhất định; ví dụ, không tính được những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của các hộ gia đình (vì trọng số cố định), hoặc khó khăn khi xuất hiện các mặt hàng, dịch vụ mới.
          1.3) Quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát theo loại lạm phát
a) Nghiên cứu qua 5 lý thuyết kinh tế chính:
Dưới đây là bảng tổng hợp quan điểm của một số lý thuyết kinh tế chính bàn về mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát khi nghiên cứu sử dụng lạm phát như là một công cụ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bảng 1: Quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát

Lý thuyết cổ điển
Lý thuyết tân cổ điển
Lý thuyết
Keynes
Lý thuyết tân Keynes
Lý thuyết trọng tiền

Công thức phản ảnh quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng
P=M.V/T
(Fischer)

M=P.k.Y
(Pigou)
(với M là
biến nội sinh)
P=Mo/(k.Y)

M: ngoại sinh

P=
W/(dY/dN)


dY/doanh nghiệp
giảm dần
- Đường cong
Philips
-  Luật
d'OKUN
- Lạm phát do cầu kéo, chi phí đẩy và do cơ cấu
Ngắn hạn:
Đường cong
Philip
Dài hạn: Đường cong trở thành đường thẳng

Quan hệ ngắn hạn
Không
Không
Không hoặc dương yếu
Dương

Không hoặc dương yếu
Quan hệ dài hạn
Âm
Âm
Dương
Dương
Không
Chiều quan hệ nhân quả
Từ tăng trưởng đến lạm phát
Từ tăng trưởng đến lạm phát
Từ tăng trưởng đến lạm phát
Từ tăng trưởng đến lạm phát
Từ tăng trưởng đến lạm phát

b) Quan hệ lạm phát và tăng trưởng trên thế giới:
Bảng 2:
Tỷ lệ lạm phát
Đối với các nước công nghiệp
Tỷ lệ lạm phát
Đối với các nước đang phát triển
Khi tỷ lệ lạm phát thấp, tức là dưới 6%/năm
Dương
Tỷ lệ lạm phát thấp hoặc ôn hoà (dưới 10-20%)
Không
Khi tỷ lệ lạm phát ôn hoà (trên 6%)
Âm
Tỷ lệ lạm phát cao (trên 20-30%)
Âm


          2) Lạm phát và giải pháp chống lạm phát tại các nước công nghiệp
          2.1) Nguyên nhân của lạm phát tại các nước công nghiệp
          Các nhà kinh tế phương tây cho rằng lạm phát có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất khác nhau:
          a) Lạm phát do tiền tệ: Từ lâu, người ta đã nhận thấy giá cả tăng lên thường đi kèm với sự gia tăng quá đà của khối lượng tiền tệ. Nguyên nhân lạm phát từ tiền tệ đã xuất hiện từ thế kỷ 16 khi người ta thấy việc khai thác ồ ạt kim loại quý đã làm cho giá cả tăng lên; và chính vì vậy đã xuất hiện “lý thuyết số lượng tiền tệ” rất nổi tiếng trong khoa học kinh tế. Như vậy, theo quan điểm này, lạm phát xảy ra khi lượng tiền đưa vào lưu thông quá nhiều so với sự gia tăng của sản xuất. Nói cách khác, lạm phát tiền tệ xảy ra khi tốc độ tăng trưởng tiền tệ quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
b) Lạm phát do cầu kéo: Trong trường hợp này, lạm phát xảy ra do mất cân đối giữa cung cầu hàng hoá và dịch vụ trong đó cung không đáp ứng được cầu.Việc đưa vào lưu thông quá nhiều tiền cũng có thể là nguyên nhân của việc cầu vượt quá so với cung; nhưng cũng có thể có những nhân tố khác, ví dụ như sự tăng lên quá nhanh của dân số.
c) Lạm phát do chi phí đẩy: Trong trường hợp này, sự tăng lên của giá cả một hoặc nhiều loại đầu vào của sản xuất là nguyên nhân của lạm phát. Ví dụ sự tăng lên của giá nguyên liệu thô, của tiền lương hoặc các chi phí sản xuất khác mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Hậu quả cuối cùng là doanh nghiệp phải tăng giá bán, kéo theo hiện tượng tăng giá dây chuyền trong nền kinh tế và gây ra lạm phát. Đặc biệt, người ta hay nói sự tăng giá của xăng dầu trên thị trường thế giới thường tác động rất mạnh tới các nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhiên liệu từ bên ngoài; trong trường hợp này, người ta gọi đó là lạm phát nhập khẩu, tức là lạm phát do sự tăng giá của hàng nhập khẩu.
          Do chi phí tăng, để duy trì hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận, các doanh nhiệp thường tăng giá bán hàng hoá của mình, kéo theo sự tăng lên của mặt bằng giá chung, tức là gây ra lạm phát. Lạm phát lại làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá trong giai đoạn tiếp sau... Đây là cái mà người ta gọi là vòng xoáy lạm phát.
          d) Lạm phát cơ cấu: Khái niệm lạm phát do nguyên nhân mất cân đối cơ cấu mới xuất hiện vào giữa thế kỷ 20, theo đó lạm phát xảy ra do một số khâu trong nền kinh tế phát triển không cân đối với các khâu khác, tạo ra những điểm thắt nút trong nền kinh tế, gây ra hiện tượng tăng giá từ những khâu này, kéo theo sự tăng giá của toàn nền kinh tế. Mặt khác, những mâu thuẫn xã hội về phân chia lợi ích trong quá trình tăng trưởng cũng có thể là nguyên nhân gây ra lạm phát; ví dụ như cuộc đấu tranh giữa người lao động và giới chủ đã làm tăng nhanh tiền lương, kéo theo tăng chí phí sản xuất và lạm phát trong nhiều năm tại các nước công nghiệp.
Vì việc giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu đều khó khăn nên không thể một sớm một chiều loại bỏ được những điểm thắt nút này; do đó, việc tăng giá thường kéo dài và gây ra lạm phát.
          Hậu quả của lạm phát thường khá nặng nề vì lạm phát tương ứng với giảm sức mua của đồng tiền trong khi mọi người dân đều giữ tiền. Vì sức mua phản ánh số lượng hàng hoá và dịch vụ mà một đơn vị tiền tệ có thể thu được nên sự tăng giá sẽ làm giảm số lượng hàng hóa và dịch vụ mà người giữ tiền có thể mua được với cùng một đơn vị tiền tệ.
          Lạm phát còn ảnh hưởng tới ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế. Nêu như lạm phát ở Lào cao hơn lạm phát của các nước bạn hàng thì hàng xuất khẩu của Lào sẽ ngày càng đắt hơn đối với các nước bạn hàng, và do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng xuất khẩu của Lào. Ngược lại, nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Lào sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn nên lạm phát sẽ có tác dụng khuyến khích nhập khẩu. Kết quả là lạm phát sẽ làm tăng thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu và làm trầm trọng hơn mất cân đối về cán cân thanh toán quốc tế.
               2.2) Một số giải pháp chống lạm phát tại các nước công nghiệp
          a) Chống lạm phát theo quan điểm Keynes:
          Theo Keynes, lạm phát trước tiên là một hiện tượng kinh tế vĩ mô; do đó việc phân tích lạm phát và đề ra các giải pháp chống lạm phát phải xuất phát từ những mối quan hệ tương hỗ giữa các biến vĩ mô của chu trình kinh tế. Một số điểm chủ yếu trong học thuyết Keynes về lạm phát là:
          - Tăng khối lượng tiền tệ có thể tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế hoặc làm tăng giá. Điều này xuất phát từ tác động 2 mặt của tăng cung tiền tệ. một mặt, tăng cung tiền tệ sẽ làm tăng cầu trong khi sản xuất không tăng lên tương ứng, từ đó kéo theo lạm phát. Tuy nhiên, Keynes cho rằng hiện tượng này rất ít xảy ra; thường chỉ khi xảy ra các cuộc chiến tranh trong đó các chính phủ cần chi tiêu nhiều nên buộc phải in ra một lượng tiền quá lớn; còn trong thời bình thì chính phủ nào cũng biết tự giới hạn phát hành tiền trong phạm vi nào đó.
          Tác động thứ hai của tăng cung tiền tệ cũng là làm tăng cầu, nhưng ở đây, tình hình lại khác. Trước hiện tượng tăng cầu, các doanh nghiệp có thể chọn một trong hai cách: Hoặc tăng thêm sản xuất hoặc tăng giá bán hàng của mình, thậm chí áp dụng cả hai cách. Nếu tiềm năng sản xuất của các doanh nghiệp còn lớn (trường hợp các nước công nghiệp) thì cách thông thường là giữ nguyên giá nhưng tăng nhanh khối lượng sản phẩm để đáp ứng; khi đó sẽ không xảy ra lạm phát.
          Như vậy, theo quan điểm của Keynes, vì cung có thể tăng nhanh đáp ứng đủ lượng tăng lên của cầu nên có thể sử dụng chính sách tiền tệ lỏng để kích cầu, từ đó động viên đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tăng thêm việc làm mà không lo ngại lắm tới nguy cơ lạm phát cao. Khi thực hiện chính sách tiền tệ lỏng, cung tín dụng sẽ dồi dào hơn, làm cho lãi suất tín dụng giảm xuống, kéo theo nhu cầu đầu tư tăng và làm cho sản xuất tăng lên, tạo ra những việc làm mới mà không làm tăng đáng kể tỷ lệ lạm phát.
          Hơn nữa, kích cầu còn có tác dụng tích cực tới chi phí sản xuất. Khi sản xuất tăng lên, tỷ lệ sử dụng công suất máy móc thiết bị tăng theo, làm cho chi phí vốn cố định trên một đơn vị sản phẩm giảm xuống, cho phép doanh nghiệp có thể giảm giá bán sản phẩm.
          Phân tích của Keynes là một nghiên cứu điển hình về quan hệ tương hỗ giữa các biến vĩ mô: khối lượng tiền tệ, cung và cầu hàng hoá, mặt bằng giá, lãi suất, việc làm, hiệu suất và chi phí sản xuất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; vì vậy phân tích nguyên nhân lạm phát và giải pháp phòng chống lạm phát phải tính đến tất cả những quan hệ này.
          - Nguồn gốc sâu xa của lạm phát trong học thuyết Keynes không phải là tiền tệ mà là sự cứng nhắc của cung, tức là bộ máy sản xuất không có khả năng tăng cung đáp ứng đủ số cầu tăng lên.  Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ không đủ các nhân tố sản xuất cần thiết (vốn, lao động...) hoặc hiệu quả sản xuất không tăng lên kịp (năng suất lao động tăng chậm, tiến bộ kỹ thuật lạc hậu...). Như vậy, theo Keynes, độ co dãn của cung so với cầu là yếu tố quyết định tăng trưởng tiền tệ có gây ra hậu quả lạm phát hay không. Theo lập luận này, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, độ co dãn của cung rất mạnh, nên hoàn toàn có thể sử dụng chính sách kích cầu thông qua mở rộng tiền tệ mà không lo bùng nổ lạm phát nghiêm trọng.
          - Từ những lập luận trên, giải pháp chống lạm phát của Keynes không phải là giảm tới mức thấp nhất tốc độ tăng trưởng cung tiền tệ như thuyết trọng tiền khuyến nghị vì nếu làm vậy sẽ loại bỏ ảnh hưởng tích cực của việc tăng cầu tới tăng trưởng sản xuất và tạo thêm việc làm. Đặc biệt, theo Keynes, giải pháp như vậy không chỉ làm trầm trọng thêm tình hình mà còn không tác động tới nguyên nhân thực sự của lạm phát là sự cứng nhắc của cung.
          Theo Keynes, chắc chắn tồn tại một tỷ lệ tăng trưởng tối ưu và tương ứng với nó là một tỷ lệ lạm phát tối ưu. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát chắc chắn sẽ thấp hơn tỷ lệ lạm phát tối ưu. Chính vì vậy, chính sách chống lạm phát của Keynes về cơ bản tập trung trên hai hướng đều nhằm mục tiêu kích cung, đó là:
          + Chính sách thu nhập cho phép củng cố và phát triển sự đồng thuận xã hội tốt hơn, không gây ra bãi công, phá huỷ máy móc, tăng lương... và làm tăng chi phí sản xuất;
          + Chính sách kinh tế làm giảm sự cứng nhắc của cung, ví dụ gia tăng tự do hoá kinh tế, tăng cường phân cấp quản lý...
b) Chống lạm phát theo quan điểm tân cổ điển:
          Thuyết tân cổ điển cho rằng nguồn gốc của lạm phát là từ mất cân đối giữa cung và cầu. Một số điểm chủ yếu trong thuyết tân cổ điển về lạm phát là:
          - Nguồn gốc của lạm phát là sự không hoàn hảo của thị trường. Do thị trường không hoàn hảo, đã dẫn tới không có cạnh tranh thuần khiết và hoàn hảo. Ví dụ giá cả do các tổng công ty lớn áp đặt trên cơ sở chương trình phát triển của chúng; giá nông sản do nhà nước áp đặt dưới áp lực của nông dân và không gắn với cân bằng cung - cầu trên thị trường; giá điện, nước, bưu chính viễn thông, taxi và tỷ lệ suất lợi nhuận cũng thường bị nhà nước áp đặt dưới danh nghĩa bảo hộ. Hậu quả là khu vực không tham gia cạnh tranh khá đông đảo và cứ thế thu lợi nhuận nhờ tăng giá và làm phát sinh chu trình lạm phát do tăng giá dây chuyền. Ngoài ra, còn phải kể đến vai trò của công đoàn, các hội tập thể, và hệ thống thuế của nhà nước cũng làm cho tính cạnh tranh của thị trường bị giảm mạnh.
          Do những lập luận trên, theo quan điểm của thuyết tân cổ điển, giải pháp tốt nhất để chống lạm phát là tự do hoá kinh tế, làm cho thị trường thực sự là thị trường với nguyên tắc tối thượng là cạnh tranh hoàn hảo, không có sự can thiệp, áp đặt của một hoặc một nhóm thế lực.
          - Thuyết trọng tiền là một nhánh quan trọng của thuyết tân cổ điển. Nhánh này cho rằng nguyên nhân trực tiếp của lạm phát luôn luôn và ở khắp nơi đều như nhau: một sự tăng lên quá nhanh của khối lượng tiền tệ so với khối lượng sản xuất. Công thức nổi tiếng của thuyết này trong giai đoạn đầu là phương trình số lượng tiền tệ cổ điển (phương trình Fischer):
Khối lượng tiền tệ
 *
Tốc độ lưu thông tiền tệ
   =
Chỉ số giá
*
Khối lượng sản xuất
M
*
V
   = 
P
*
Y
          Trong khi Keynes cho rằng tăng trưởng tiền tệ có thể dẫn tới đồng thời tăng sản xuất và tăng giá thì các nhà trọng tiền lại cho rằng không dễ gì tăng được sản xuất vì sản xuất phụ thuộc vào các điều kiện kỹ thuật. Mặt khác, họ cũng cho tăng tốc độ lưu thông tiền tệ hầu như cố định, nếu có thay đổi thì cũng rất ít. Do vậy, đối với các nhà trọng tiền, mặt bằng giá phụ thuộc duy nhất vào tiến triển của khối lượng tiền tệ.
          Trong giai đoạn sau, thuyết trọng tiền hiện đại đã phát triển tiếp cận trên bằng cách đưa vào quan hệ “khối lượng tiền tệ / mặt bằng giá”, gọi là khoản tiền thực (M/P), nhằm phản ánh sức mua của khối lượng tiền. Theo các nhà trọng tiền hiện đại (từ Pigou đến M. Friedman và các hậu duệ), nếu cung tiền tệ vượt quá số lượng cần thiết để thực hiện các giao dịch thanh toán tương ứng với khối lượng sản xuất Y, các tác nhân kinh tế sẽ nghĩ rằng M/P tăng lên so với mức họ đang có. Do vậy, họ sẽ tăng chi tiêu làm tăng tổng cầu. Tuy nhiên, do khối lượng sản xuất Y không thể tăng lên tương ứng do bị hạn chế về nhiều mặt, nhất là các điều kiện kỹ thuật, nên sản xuất sẽ không đáp ứng được cầu. Hậu quả của mất cân đối cung cầu là giá tăng lên, kéo theo việc giảm sức mua ảo tưởng của lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế. Một cân bằng mới được thiết lập, trong đó P tăng tỷ lệ với tăng M vì Y và 1/V đã được xem như cố định và không bị ảnh hưởng bởi việc phát hành thêm tiền.
- Một nhánh quan trọng khác của thuyết tân cổ điển là thuyết kỳ vọng hợp lý. Theo thuyết này, trong bối cảnh lạm phát kéo dài, các tác nhân kinh tế ngày càng dự báo lạm phát tương lai chính xác hơn (thông qua hình thức tự học để điều chỉnh dự báo cho khớp với thực tế). Cụ thể, nếu họ biết rằng khối lượng tiền tệ đã tăng thêm 10% thì ngay lập tức họ sẽ dự báo tài sản tiền tệ của họ sẽ bị mất đi 10% và không thể có chuyện cầu thực sẽ tăng thêm 10%. Để đảm bảo thu nhập thực của mình, các doanh nghiệp sẽ tăng giá thêm 10%. Nhưng khi đó, người hưởng lương cũng đồng loạt đòi tăng lương thêm 10% và giá các loại hàng hoá, đầu vào sản xuất khác cũng tăng thêm. Mỗi người sẽ tự tăng giá liên quan đến mình để thích nghi với dự báo tăng mặt bằng giá, tạo nên một dây chuyền tăng giá trong nền kinh tế. Như vậy, thuyết này cho rằng tăng tiền chỉ có tác dụng tăng giá chứ không ảnh hưởng tới kết quả sản xuất. Trong giai đoạn rất ngắn, tăng giá có thể làm tăng sản xuất do ảo tưởng tiền tệ, nhưng về dài hạn, hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả giữa tiền tệ và tăng trưởng kinh tế.
- Thuyết trọng tiền còn chỉ ra dây chuyền chuyển từ lạm phát tiền tệ sang lạm phát cơ cấu như sau: Lạm phát tiền tệ  Þ  Tăng giá tư liệu sản xuất  Þ  Tăng đầu tư  cao hơn tăng tiết kiệm  Þ  Thay đổi cơ cấu và bùng nổ sản xuất công nghiệp  Þ  Mâu thuẫn với cơ cấu tiêu dùng  Þ  Tăng giá hàng tiêu dùng  Þ  Phải áp dụng chính sách tài chính tiền tệ chặt  Þ  Trở lại cơ cấu hợp lý kèm theo giảm đầu tư Þ  Giảm sản xuất và tăng thất nghiệp.
          - Giải pháp chống lạm phát do thuyết tân cổ điển đưa ra gồm 5 điểm:
          + Cần phải cố định một tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ hợp lý;
          + Các mục tiêu tăng trưởng tiền tệ dài hạn phải tương thích với ổn định mặt bằng giá chung;
          + Các thay đổi cần thiết về tỷ lệ tăng trưởng ngắn hạn của khối lượng tiền tệ phải được thực hiện từ từ, có hệ thống và phải được báo trước;
          + Các biện pháp thực hiện phải đơn giản, dễ hiểu đối với đông đảo công chúng;
          + Không sử dụng các công cụ quản lý trực tiếp, đặc biệt không kiểm soát lãi suất và tỷ giá.
- Đặc biệt, theo các nhà trọng tiền, trong thời kỳ lạm phát ngoài tầm kiểm soát, nhất là lạm phát cao, cần phải dành ưu tiên tuyệt đối cho chống lạm phát. Các nhà trọng tiền đã khuyến nghị một chính sách tiền tệ chính thống gồm hai điểm then chốt: (i) Tập trung vào ổn định tiền tệ; và (ii) Sử dụng chính sách tiền tệ chặt ổn định.
+ Tập trung vào ổn định tiền tệ:  Tập trung vào ổn định tiền tệ có nghĩa là mục tiêu trung tâm của chính sách kinh tế là giảm phát và ổn định mức giá. Thậm chí, các nhà lãnh đạo phải phải coi ổn định giá cả là mục tiêu duy nhất của chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng vì một đồng tiền mạnh và ổn định là đòi hỏi cơ bản của một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh hoàn hảo. Trong thời kỳ lạm phát, không nên và không thể theo đuổi một chính sách kinh tế nhằm vào tăng trưởng cao và đủ việc làm. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là có một mâu thuẫn giữa tăng trưởng và giảm phát ở tầm dài hạn.
Theo quan điểm trọng tiền, đúng là có một đường cong Philips ở tầm ngắn hạn, tức là tồn tại mối quan hệ ngược giữa thất nghiệp và lạm phát. Tăng trưởng càng cao, thất nghiệp càng giảm thì lạm phát càng tăng, và ngược lại. Tuy nhiên, ở tầm dài hạn, do tác động của nhiều nhân tố, nhất là khả năng dự báo lạm phát ngày càng tốt của các người làm thuê, công đoàn và giới chủ, đường cong Philips trở thành đường thẳng đứng, tức là không còn tồn tại mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát. Do lập luận trên, các nhà trọng tiền cho rằng chọn giảm phát như là mục tiêu duy nhất của hệ thống chính sách kinh tế không có nghĩa là hy sinh các mục tiêu kinh tế dài hạn khác.
+ Sử dụng chính sách tiền tệ chặt ổn định: Theo thuyết trọng tiền, điểm cơ bản thứ hai của chính sách kinh tế trong giai đoạn lạm phát cao là áp dụng một chính sách tiền tệ chặt và ổn định. Theo các nhà trọng tiền, trong điều kiện lạm phát cao, tăng cầu theo các khuyến nghị của trường phái Keynes sẽ chắc chắn dẫn tới khủng hoảng. M. Friedman còn chỉ ra nhiều hậu quả tồi tệ cụ thể của chính sách kích cầu như phá huỷ cơ cấu kinh tế và lãng phí các nguồn lực sẵn có do chủ động tạo ra cầu giả tạo.
Để chống lạm phát tiền tệ và ổn định giá cả, M. Friedman cho rằng phải tập trung nỗ lực vào chính sách tiền tệ. Ông cho rằng chính sách tiền tệ có thể được sử dụng vào ba mục đích: Động viên tăng trưởng, chống thất nghiệp và ổn định giá (sau này người ta còn đưa thêm mục đích cân bằng cán cân thanh toán quốc tế), nhưng "kinh nghiệm chứ không phải lý thuyết đã chứng tỏ rằng hai mục tiêu đầu là không hợp lý; chính sách tiền tệ không phải là một công cụ tốt để nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hoặc việc làm; vì vậy ngày nay người ta thường thống nhất cho rằng mục tiêu của chính sách tiền tệ phải là ổn định giá".
Nhưng chính sách tiền tệ phải hoạt động như thế nào ? Các nhà kinh tế trọng tiền cho rằng chính sách tiền tệ phải dựa trên kiểm soát chặt các chỉ tiêu tiền tệ gộp mà trọng tâm là hạn chế tối đa tỷ lệ tăng trưởng tổng cung tiền tệ, có nghĩa là càn theo đuổi một chính sách tiền tệ chặt. Hơn nữa, các nhà trọng tiền còn đòi hỏi phải ổn định chính sách tiền tệ, nghĩa là phải giảm dần tốc độ tăng cung ứng tiền tệ để đi đến ổn định giá đúng theo nguyên tắc của lý thuyết kỳ vọng lạm phát thích nghi. Trong thực tiễn quản lý kinh tế, chính phủ cần giảm dần và đều đặn tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ cho đến mức hợp lý, mà mức này cần thông báo trước cho các tác nhân kinh tế để họ có cùng dự báo lạm phát với chính phủ và có thời gian điều chỉnh lại các hợp đồng kinh tế theo tỷ lệ lạm phát mới. Khi lạm phát đã ổn định, cần theo đuổi một chính sách tăng trưởng tiền tệ đều đặn và ổn định.
Sau khi đã chọn lựa được mục tiêu tăng trưởng tiền tệ, cần phải lựa chọn các công cụ phù hợp của chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu trên. Theo các nhà kinh tế trọng tiền, kiểm tra tiền dự trữ ngân hàng quan trọng hơn nhiều so với kiểm tra lãi suất, vốn là trọng tâm của giải pháp chống lạm phát trong học thuyết Keynes, vì tiền dự trữ ngân hàng gắn chặt với cung tiền tệ và bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức bởi những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Do vậy, theo các nhà kinh tế trọng tiền, chỉ có thể khảng định Chính phủ (hay Ngân hàng Trung ương) đang thực hiện chính sách tiền tệ chặt nếu có hiện tượng tỷ lệ tăng trưởng tiền dự trữ ngân hàng giảm dần trong thời kỳ còn lạm phát.
- Điểm yếu nhất của chính sách tiền tệ chặt là kìm hãm sản xuất. Chính những người chủ trương học thuyết trọng tiền cũng thừa nhận rằng một chính sách tiền tệ như vậy sẽ dẫn tới trì trệ kinh tế. Milton Friedman đã chỉ ra dây truyền quan hệ nhân quả này như sau: Chính sách sách tiền tệ chống lạm phát có nguyên nhân tiền tệ  Þ  Giảm tăng trưởng chi ngân sách và tiêu dùng  Þ  Giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế  Þ  Lạm phát giảm hoặc ổn định lạm phát  Þ  Các dự đoán sai: Lạm phát dự đoán cao hơn lạm phát thực tế   Þ  Tăng trưởng tiền lương và thu nhập thực tế cao hơn tăng năng suất lao động  Þ  Tăng chi phí sản xuất  Þ  Giảm sản xuất, tăng thất nghiệp kèm lạm phát trở lại  Þ Trì trệ kinh tế kèm lạm phát.
3) Lạm phát và giải pháp chống lạm phát tại các nước đang phát triển
          3.1) Các lý thuyết giải thích lạm phát tại các nước đang phát triển:
Trong khi tại các nước công nghiệp, người ta phân tích nguyên nhân của lạm phát dựa trên một trong bốn hướng nêu trên thì đối với các nước đang phát triển, người ta chỉ xem xét trên hai hướng chủ yếu: một là tiếp cận trọng tiền và hai là tiếp cận trọng cơ cấu. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai cách tiếp cận này là các nhân tố xác định lạm phát.
          a) Thuyết trọng tiền được sử dụng để phân tích nguyên nhân và giải pháp chống lạm phát đã được mô tả trong mục trên. Nói chung, việc phân tích tương đối giống nhau đối với trường hợp 2 nhóm nước. Tuy nhiên, đối với nhóm các nước đang phát triển, người ta đặc biệt nhấn mạnh tới ba nguyên nhân chính làm các nước đang phát triển phải phát hành tiền tệ nhanh hơn tăng trưởng sản xuất:
Một là, chính phủ các nước này có nhu cầu chi tiêu rất lớn nhưng không thể tăng được nguồn thu từ thuế, do đó buộc phải in tiền để chi tiêu, kéo theo lạm phát; như vậy, lạm phát cao tại các nước đang phát triển hầu như bao giờ cũng có nguồn gốc từ thâm hụt ngân sách.
          Hai là sức ép của mục tiêu tăng trưởng nhanh và tạo thêm nhiều việc làm. Sức ép này càng đặc biệt nghiêm trọng trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng quá chậm hoặc suy thoái, dù là tạm thời. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ với sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương thường trực thuộc Chính phủ, sẽ sử dụng phát hành tiền như là một công cụ tạo ra tăng trưởng và việc làm.
          Ba là lỗi của các ngân hàng trung ương trong việc điềuu hành chính sách tiền tệ. Các nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương có thể đưa ra các chính sách dựa trên học thuyết không phù hợp với tình hình đất nước; ví dụ coi lãi suất là mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ thay vì tập trung kiểm soát tổng cung tiền tệ. Bằng việc duy trì dài hạn một lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm, họ sẽ để cho tổng cung tiền tệ và tín dụng tăng lên ngày càng nhanh, dẫn tới lạm phát ngày càng gia tăng. Hậu quả là không những không kiểm soát được lạm phát mà còn làm tăng nhanh lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực; và lãi suất sẽ cao hơn nhiều so với mức có được nếu như theo đuổi một chính sách tiền tệ phù hợp.
          b) Trái với thuyết trọng tiền, thuyết trọng cơ cấu cho rằng lạm phát tại các nước đang phát triển là hiện tượng cơ cấu và nó thường xuất hiện khi nước đó phát động các chương trình phát triển nhiều tham vọng trong khi thiếu những chuẩn bị cần thiết về cơ sở vật chất kỹ thuật, về vốn, về lao động và về các cơ cấu kinh tế khác. Điểm then chốt của thuyết này là nhấn mạnh sự tồn tại của những khâu hẹp, điểm thắt nút, điểm cổ chai về cơ cấu trong nền kinh tế. Thuyết trọng cơ cấu thường nhấn mạnh đến ba loại thắt nút sau:
          Một là sự kém co dãn của cung. Đây thường được coi là nguyên nhân cơ bản của các áp lực lạm phát tại các nước đang phát triển; đặc biệt là sự kém co dãn của sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực thực phẩm, hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng khác... Quá trình lạm phát tại các nước đang phát triển được mô tả như sau: khi phát động các chương trình phát triển nhiều tham vọng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên, làm cho cầu về lương thực tăng nhanh. Nhưng do những khó khăn về cơ sở hạ tầng, cung nông sản không tăng kịp so với tăng nhanh của cầu, dẫn tới giá lương thực tăng lên. Sự tăng lên của giá lương thực sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng khác vì đây là mặt hàng thiết yếu đối với toàn xã hội. Kết quả là mặt bằng giá chung liên tục tăng lên; tức là xuất hiện lạm phát.
          Như vậy, nguyên nhân đầu tiên của lạm phát theo thuyết trọng cơ cấu là thiếu những chính sách kinh tế phù hợp để tháo gỡ những khó khăn về tăng cung khi phát động những chương trình phát triển nhiều tham vọng.
          Hai là sự khan hiếm các nguồn ngoại tệ; đặc biệt là sự yếu kém của xuất khẩu, vai trò của nông nghiệp trong xuất khẩu, việc làm và tiêu thụ, sự yếu kém của năng suất lao động trong khu vực này. Theo thuyết trọng cơ cấu, đây là nguyên nhân quan trọng thứ hai, theo đó sự mất cân bằng giữa cung và cầu ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu các đầu vào và công nghệ cần thiết và không thể thiếu được đối với các nước đang phát triển sẽ làm tăng giá các tư liệu sản xuất nhập khẩu, từ đó phát động các vòng xoáy lạm phát do chi phí thông qua phá giá hoặc tăng hàng rào thuế quan hoặc sử dụng quôta nhập khẩu...
          Ba là thâm hụt ngân sách chính phủ. Thực tế, thu ngân sách chính phủ tại các nước đang phát triển thường rất kém và không ổn định do thu nhập đầu người của dân cư quá thấp trong khi chi ngân sách có xu hướng liên tục tăng lên và cơ cấu thường xuyên biến động; đặc biệt là những khó khăn khi tìm kiếm nguồn thu đáp ứng các khoản chi để khởi động các chương trình đầu tư công cộng nhiều tham vọng. Hậu quả là không có nước đang phát triển nào không rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên và buộc phải tài trợ cho thâm hụt này bằng phát hành tiền tệ hoặc các phương tiện khác có thể gây ra lạm phát. Như vậy, phương thức tài trợ cho thâm hụt ngân sách cũng là một nguyên nhân quan trọng của lạm phát tại các nước đang phát triển.
          Ngoài ba nguyên nhân chính trên, các nhà trọng cơ cấu còn thường đề cập đến yếu tố cơ cấu ngành của nền kinh tế, đến những điểm nhạy cảm có thể tăng giá kép theo phản ứng dây chuyền trong tổng thể nền kinh tế và phát sinh lạm phát. Do vậy, các nhà trọng cơ cấu cho rằng nguyên nhân tiền tệ chỉ là một khía cạnh của hiện tượng lạm phát. Những phi cân bằng trong sản xuất và phân phối luôn luôn tồn tại tại các nền kinh tế đang phát triển; chúng gây ra sự phát triển chậm trễ của nông nghiệp so với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế và trở thành một nguyên nhân chính của lạm phát tại những nước này.
          Khác với các nước phát triển, ở đó chính sách tiền tệ và chính sách ngân sách thường độc lập nhau, Ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển thường trực thuộc Chính phủ và không có tính độc lập cao, do vậy, chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương tại đây gắn liền với chính sách ngân sách của chính phủ và thường bị ép phải đáp ứng đủ tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách của chính phủ. Do vậy, lạm phát tiền tệ kiểu như tại các nước công nghiệp ít xẩy ra; ngược lại, lạm phát ở đây có nguồn gốc từ bù đắp thâm hụt ngân sách. Chính vì vậy mà đa số các nhà nghiên cứu về lạm phát tại các nước đang phát triển đều nhấn mạnh đến nguyên nhân cơ cấu.
          c) Trào lưu hỗn hợp tuy trở thành một học thuyết tổng hợp giải thích lạm phát nhưng đã phát triển mạnh trong nghiên cứu thực nghiệm. Đa số các nghiên cứu áp dụng để phân tích lạm phát tại các nước đang phát triển đã cho thấy nguyên nhân lạm phát tại các nước này mang tính hỗn hợp, tức là vừa mang tính tiền tệ, vừa mang tính cơ cấu. Đây cũng là kết luận đối với trường hợp lạm phát ở Việt Nam.
               3.2) Một số giải pháp chống lạm phát tại các nước đang phát triển
Từ những phân tích nguyên nhân của lạm phát nêu trong mục trên, có thể thấy các giải pháp chống lạm phát tại các nước đang phát triển rất đa dạng và phụ thuộc rất lớn vào đặc trưng kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Tuy nhiên, gộp chung lại, có thể thấy 2 nhóm giải pháp lớn sau tương ứng với 2 lý thuyết về lạm phát tại các nước đang phát triển:
a) Thực hiện chính sách tiền tệ chặt khi lạm phát có nguyên nhân tiền tệ:
          Đối với những nước đang phát triển theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng và tương đối độc lập so với chính sách ngân sách, lạm phát có thể xảy ra hoàn toàn do nguyên nhân tiền tệ; tức là khi Ngân hàng trung ương liên tục tung vào lưu thông những khoản tiền lớn để giảm lãi suất tín dụng, khuyến khích đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp này, giải pháp hợp lý là đi theo khuyến nghị của thuyết trọng tiền, tức là giảm mạnh tốc độ đưa tiền vào lưu thông, và giữ tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ xấp xỉ với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
b) Thực hiện chính sách tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi lạm phát có nguyên nhân cơ cấu:
          Trong trường hợp lạm phát không xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ mà từ nguyên nhân cơ cấu, cần phải hạn chế sử dụng liều thuốc chống lạm phát truyền thống là thực hiện chính sách tiền tệ chặt. Theo các nhà kinh tế trọng cơ cấu, chính sách tiền tệ chặt thường gây ra hậu quả rất tai hại vì nó làm tăng thêm những bế tắc trong quá trình phục hồi tăng trưởng và làm giảm thu nhập thực của dân cư; điều này không thể chấp nhận được vì vì dân cư tại các nước này vốn đã rất nghèo và nhu cầu xoá đói giảm nghèo, chống mù chữ và các dạng áp lực kinh tế, xã hội bao giờ cũng rất lớn.
Họ cũng nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục tăng trưởng tiền tệ để đáp ứng nhu cầu do những phi cân bằng cơ cấu sinh ra, và nếu chỉ chú trọng tới hạn chế tín dụng và kiểm soát chặt cung tiền tệ mà không đi sâu giải quyết những nguyên nhân cơ bản của lạm phát thì sẽ dẫn đến thất bại vì các doanh nghiệp sẽ bị cắt khỏi những nguồn lực cần thiết để duy trì sản xuất, làm cho sản xuất tiếp tục suy thoái. Đối với các nhà kinh tế trọng cơ cấu, tất cả các chính sách tiền tệ dẫn tới trì trệ hoặc suy thoái nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ là sai lầm và các áp lực lạm phát sẽ nhanh chóng gia tăng trở lại.
          Vì lý do trên và theo cách phân tích nguyên nhân lạm phát của thuyết cơ cấu, các nhà kinh tế trọng cơ cấu khuyến nghị chính sách chống lạm phát phải chủ yếu dựa vào ba trụ cột: (i) tháo gỡ những khó khăn để kích thích sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp; (ii) thực hiện các giải pháp động viên xuất khẩu, lập lại cân bằng cán cân thanh toán quốc tế; và (iii) kiểm soát chi tiêu ngân sách, giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương cho bộ máy chính phủ.
          Một số chính sách cụ thể theo hướng trên là thực hiện cải cách ruộng đất để kích thích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp; đa dạng hoá các nguồn hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu để giảm bớt căng thẳng về ngoại tệ; tăng cường phân cấp cho các đơn vị cơ sở; giảm mạnh tệ quan liêu và tham nhũng; cắt giảm một số khoản chi tiêu ngân sách đồng thời cơ cấu lại chi tiêu theo hướng tăng chi tiêu cho giáo dục để tăng chất lượng lao động mà không phải tăng đáng kể tiền lương...
          c) Chính sách chống lạm phát tại các nước đang phát triển còn được chia làm 2 loại: chính thống và phi chính thống.
          Chính sách chống lạm phát chính thống là chính sách dựa trên quản lý chặt tài chính tiền tệ, trọng tâm là chính sách tài chính chặt hoặc chính sách tiền tệ chặt, nhưng vẫn duy trì tự do hoá giá cả và các quan hệ kinh tế khác.
          Chính sách chống lạm phát phi chính thống là chính sách dựa trên một loạt các biện pháp quản lý hành chính, tập trung vào kiểm soát chặt giá cả, tiền lương, tỷ giá và nhiều loại chi phí khác.
          d) Chính sách chống lạm phát ôn hòa:
          Lạm phát ôn hoà là loại lạm phát phổ biến trên thế giới, được định nghĩa là lạm phát trong khoảng 20-100%/năm nhưng kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng bất lợi dài hạn cho nền kinh tế. Một số giải pháp thường được sử dụng trong chính sách chống lạm phát ôn hoà là:
          - Kiểm tra giá: chính phủ ra sắc lệnh cấm các doanh nghiệp tăng giá, tuy nhiên không cấm tăng lương. Việc cấm tăng lương là không cần thiết vì hai lý do. Một là, dù giá đã bị cấm tăng, nhưng nếu năng suất lao động tăng lên thì doanh nghiệp vẫn có thể tăng lương mà không ảnh hưởng tới hiệu quả của doanh nghiệp và không đòi hỏi phải gây sức ép với chính phủ để tăng giá. Hai là, nếu như doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải tự kiểm soát được tỷ lệ tăng lương không vượt quá tỷ lẹe tăng năng suất lao động; nếu không kiểm soát được thì doanh nghiệp buộc phải phá sản do làm ăn thua lỗ.
          Việc áp đặt giá trần cũng là một giải pháp để nhanh chóng cắt giảm lạm phát nhưng không được áp dụng phổ biến. Ngoài ra, việc kiểm soát giá chỉ nên mang tính tạm thời; không có nền kinh tế thị trường tự do nào lại sử dụng thường xuyên giải pháp này để kiểm soát lạm phát, trừ trong trường hợp chiến tranh.
          - Kiểm soát cầu quá cao: Nếu lạm phát có nguyên nhân là tổng cầu vượt quá so với tổng cung thì việc loại bỏ số cầu dư này là một trong những điều kiện tiên quyết để giảm lạm phát. Vì chính phủ thường là người tiêu dùng lớn nhất và những thay đổi trong chi tiêu chính phủ có ảnh hưởng rất lớn tới tổng cầu xã hội thông qua các hiệu ứng nhân tử trực tiếp và gián tiếp nên giải pháp đầu tiên phải là giảm cầu của chính phủ. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể ảnh hưởng tới chi tiêu của khu vực dân cư thông qua chính sách thuế và chính sách tiền tệ, ví dụ giảm cung tiền tệ và tăng lãi suất...
          - Kiểm soát tiền tệ: Giải pháp tiền tệ do trường phái trọng tiền đề ra, theo đó cần phải giữ tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ ổn định. Tỷ lệ này được xác định theo quan hệ tỷ lệ cố định với tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế; trong đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng được xác định trên cơ sở các nhân tố sản xuất, tình trạng công nghệ và độ co dãn của cầu tiền tệ khi thu nhập thực thay đổi.
          - Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tiền lương trong lạm phát do chênh lệch giữa tăng lương và tăng năng suất: Đây là vấn đề tương đối dài hạn để duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng cầu tương ứng với tốc độ tăng trưởng sản xuất tiềm năng. Loại lạm phát này là kết quả của việc tiền lương danh nghĩa tăng nhanh hơn tốc độ tăng của năng suất lao động trong một số ngành kinh tế. Tăng lương trong những ngành này sẽ dẫn đến xu hướng sử dụng vốn thay cho sử dụng lao động vì lao động ngày càng đắt hơn và làm cho năng suất lao động tăng nhanh hơn. Dĩ nhiên, xu hướng tăng cường chất lượng lao động và tăng đầu tư sử dụng công nghệ mới sẽ có tác dụng tích cực tới giảm lạm phát.
          - Kiểm soát thu nhập: Chính sách này tập trung vào điều chỉnh các nguyên tắc xác định tiền lương và thu nhập khác làm cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động đàm phán lựa chọn phương án phân chia lợi nhuận phù hợp với giai đoạn lạm phát. Mục tiêu của chính sách này là ngăn ngừa tình trạng tổng thu nhập tiền tệ tăng nhanh hơn kết quả sản xuất thực.
          - Kiểm soát tỷ giá: Trong thời kỳ lạm phát ôn hoà, không nhất thiết phải cố định tỷ giá và dùng tỷ giá làm chiếc neo duy trì sự ổn định của toàn bộ hệ thống giá. Tuy nhiên, nếu lạm phát có dấu hiệu tăng cao và có nguyên nhân tiền tệ thì việc duy trì ổn định tỷ giá là cần thiết để tạm thời ổn định lạm phát.

1 nhận xét:

  1. Tình cờ được đọc, thấy các bài của blog này hay quá. cám ơn chủ blog

    Trả lờiXóa