Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

(2) MỘT SỐ CÔNG CỤ PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ (phần 2)

Bài giảng cũ của tôi:
MỘT SỐ CÔNG CỤ PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ
III- CÁC NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VÀ HIỆU QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Trong phần II, chúng ta đã nghiên cứu một số kỹ thuật trình bày số liệu thống kê, từ đó giúp người đọc có những thông tin trực quan, bước đầu về tình hình phát triển của lĩnh vực kinh tế liên quan. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Trong thực tế, để hiểu được bản chất của quá trình phát triển, cần phải tính toán thêm một số chỉ tiêu kinh tế khác nhằm có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, không chỉ kết quả mà bao gồm cả hiệu quả phát triển, không chỉ trên một vài lĩnh vực kinh tế mà gồm tất cả những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của nền kinh tế. Ở cấp kinh tế vĩ mô, 5 cân đối chủ đạo luôn phải được đề cập tới trong phân tích kinh tế là: Sản xuất, cân đối sử dụng kết quả sản xuất, cân đối tài chính chính phủ, cân đối tiền tệ, và cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Ở cấp kinh tế địa phương, yêu cầu cân đối ít hơn và các tính toán đơn giản hơn, thường chỉ tập trung vào đánh giá tình hình và hiệu quả phát triển. Dưới đây, xin trình bày một số nội dung và phương pháp phân tích kết hợp kinh tế vĩ mô và kinh tế ngành cho cấp địa phương.

1/ Tính toán xu thế: Mục đích của tính toán xu thế là đo lường xu thế phát triển của GDP, của kết quả sản xuất của các ngành, các loại sản phẩm chính và mọi chỉ tiêu khác... theo thời gian. 
Việc tính toán đúng xu thế phát triển có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích kinh tế vì nó cho phép đánh giá đúng những đặc trưng cơ bản trong quá trình phát triển của những chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất, và nhờ đó có thể so sánh tiến triển của những chỉ tiêu này với nhau. Qua so sánh các chỉ tiêu, có thể làm rõ những quan hệ qua lại, quan hệ nhân quả giữa chúng với nhau và giữa chúng với các chính sách kinh tế để từ đó đề xuất các chính sách hay dự báo tương lai.

          Phương pháp tính xu thế: Một trong những phương thức chung để đo lường xu thế là tính toán tỷ lệ tăng trưởng hàng năm, tức là giá trị thay đổi phần trăm của biến số kinh tế đó sau một năm. Có ba phương pháp đo tỷ lệ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế:

          - Phương pháp sử dụng trực tiếp các số liệu quan sát;

          - Phương pháp hồi quy tuyến tính;

          - Phương pháp hồi quy hàm mũ.

          Phương pháp sử dụng trực tiếp các số liệu quan sát là phương pháp đơn giản nhất; thông thường tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm được xác định theo công thức sau:

                    Yt = Y0 * (1 + r)t     hay      r = (Yt / Y0) (1/t) - 1                           (1)

trong đó Yt là giá trị quan sát năm t, Y0 là giá trị năm gốc, t là số năm diễn ra trong thời kỳ phải tính trung bình, r là tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm.

          Điểm yếu của phương pháp này là nó chỉ sử dụng thông tin tại hai điểm đầu và cuối, bỏ qua các thông tin trung gian. Nếu tại một trong hai điểm này mà quá trình phát triển xảy ra không bình thường thì tỷ lệ tăng trưởng trung bình hay xu thế phát triển sẽ không bình thường. Để hạn chế một phần yếu điểm này, người ta sử dụng trung bình của ba quan sát đầu và trung bình của ba quan sát cuối. Tuy vậy, hầu hết các thông tin trung gian vẫn chưa được tính đến trong xác định xu thế.

          Phương pháp thứ hai là sử dụng các hàm hồi quy tuyến tính. Khi đó, hồi quy tất cả các quan sát theo biến số thời gian rồi tìm giá trị lý thuyết của biến phụ thuộc theo hàm hồi quy tại hai điểm đầu và cuối, gọi là Yt và Y0. Bước cuối cùng là tính tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm theo công thức nêu trên.

          Phương pháp thứ ba là sử dụng hàm hồi quy dạng mũ để tính đến độ nghiêng của đường cong mà trong phương trình tuyến tính đã không tính đến. Lấy logarit hai vế của phương trình (1), chúng ta có:

                    Log(Yt) = t * Log(1+r ) + Log(Y0)

tương đương với phương trình:   Y  =  B * t + A                                                 (2)

trong đó t là biến thời gian, B = Log(1+r) là độ nghiêng của đường hồi quy. Tính Z = Log(Y) theo các giá trị quan sát rồi ước lượng hàm hồi quy (2), sẽ tìm ra hệ số B. Khi đó:

          Vì Log(1+r) = B nên (1+r) = exp(B), hay r = exp(B) - 1                            (3)

          Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và nhiều nước đang sử dụng công thức (3) để tính toán tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm. Có thể sử dụng các phần mềm EVIEWS hoặc EXCEL để tính tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm theo ba phương pháp trên.

          2/ Tính toán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế:

          Mục tiêu của nghiên cứu tăng trưởng là trình bày khái niệm tăng trưởng kinh tế và các kỹ thuật đo lường tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tập trung vào đo lường Tổng sản phẩm trong nước GDP và xu thế phát triển của nó.

          Nghiên cứu tăng trưởng  GDP có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích chính sách kinh tế vì GDP là một trong những chỉ tiêu then chốt đo lường thành tựu kinh tế của một nước. GDP được thể diện dưới nhiều hình thức: giá trị tuyệt đối, giá trị tương đối, chỉ số phát triển, GDP đầu người, GDP theo giá hiện hành và theo giá cố định, GDP theo đô la Mỹ...

          Nhờ các hình thức tính khác nhau, có thể so sánh thành tựu kinh tế năm nay với năm trước, giữa nước ta với các nước khác, từ đó đánh giá được kết quả sản xuất tốt hay xấu, mức sống của dân cư nước ta so với quốc tế... Phân tích GDP cũng kích thích các nhà kinh tế nghiên cứu tại sao nền kinh tế lại phát triển nhanh hay chậm như vậy, và đề ra các chính sách để cải thiện tình hình.

          Phương pháp đo lường: Trong nghiên cứu tăng trưởng, người ta thường tính toán các chỉ tiêu sau:

          a) Tính GDP theo giá hiện hành và theo giá cố định:

          Phương pháp cụ thể để đo lường GDP theo giá hiện hành đã được giới thiệu chi tiết trong chương IV. Trong mục này, chỉ xin trình bày những phương pháp tính đơn giản và gộp như sau:

          Vì tăng trưởng GDP là kết quả của sự tăng lên của hai nhân tố: giá cả và khối lượng sản xuất, nên ta có công thức:

                                       GDP = P * Q

trong đó P là mức giá tính GDP, hay là mức chênh lệch giữa giá bán sản phẩm và chi phí sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, Q là khối lượng sản xuất. GDP tính theo công thức trên là GDP tính theo giá thực tế hay giá hiện hành và được gọi là GDP danh nghĩa. Gọi GDPt và GDPt+1 lần lượt là giá trị GDP tính theo giá hiện hành năm t và năm t+1, thì tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa là (GDPt+1 / GDPt - 1) * 100. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta là đo lường tỷ lệ tăng trưởng thực của sản xuất, không tính đến yếu tố tăng giá, nên cần phải chia GDP theo giá danh nghĩa cho chỉ số giá GDP rồi nhân với 100.

          Nếu trong công thức trên, thay giá hiện hành P bằng giá cố định hoặc giá so sánh P0 thì ta có GDP được tính trực tiếp theo giá cố định hoặc giá so sánh. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP tại năm t+1 so với năm t là (GDPt+1 / GDPt - 1) * 100.

          b) Tính chỉ số phát triển GDP

          Chỉ số phát triển GDP là một khái niệm tương tự như chỉ số giá, nó phản ánh tiến triển của GDP theo thời gian so với một năm gốc được chọn làm năm cơ sở. Năm cơ sở thường là năm đầu tiên khi bắt đầu dãy số liệu. Để tính chỉ số phát triển GDP, chỉ cần lần lượt chia số liệu GDP theo giá so sánh của tất cả các năm cho GDP năm cơ sở rồi nhân kết quả với 100.

          Ví dụ theo bảng 1, GDP năm 1996 là 213833, năm 1997 là 231264... Để tính chỉ số phát triển GDP theo năm gốc là năm 1996, lần lượt chia tất cả các số này cho 213833 rồi nhân kết quả với 100, sẽ có chỉ số phát triển GDP qua các năm thời kỳ 1996-1999 lần lượt là 100; 108,15; 114,39 và 119,85.

          c) Tính GDP đầu người

          Đây là chỉ tiêu nhằm đánh giá tổng hợp trình độ phát triển và mức sống hay thu nhập bình quân của dân cư một nước. Chỉ tiêu này được đo bằng tỷ số giữa GDP tính theo giá hiện hành với tổng số dân cư thường trú. Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong so sánh quốc tế, song chỉ tiêu này cũng có một số mặt hạn chế. Một mặt, đo lường dân cư và GDP của các nước thường chưa chính xác do nguồn thông tin hạn chế, nhất là đối với các nước đang phát triển. Mặc khác, khi chuyển đổi GDP tính theo nội tệ sang một đơn vị tiền chung để so sánh quốc tế, thường là sang đồng đô la Mỹ, có vấn đề về lựa chọn tỷ giá nào cho phù hợp. Những khó khăn này đến này vẫn chưa có phương pháp xử lý hiệu quả.

          d) Tỷ lệ tăng trưởng GDP

          Khi chúng ta đã có dãy số GDP tính theo giá cố định thì có thể xác định tỷ lệ tăng trưởng bình quân hay xu thế của GDP trong một thời kỳ nhất định theo ba phương pháp tính xu thế đã được trình bày ở mục III.1 Theo phương pháp trung bình hình học, tỷ lệ tăng trưởng GDP được xác định theo công thức:

                              r = (Yn / Y0) (1/n) - 1                                                          (4)

với Yn, Y0 lần lượt là giá trị GDP tại năm cuối và năm đầu, n là số năm của thời kỳ.

          Theo phương pháp hồi quy tuyến tính, chúng ta hồi quy các giá trị GDP theo biến thời gian t, phương trình như sau:

                              Y  = a  +  b * t

Sau đó tính Yn = a + b * n, và Y0 = a, rồi áp dụng trở lại công thức (4) để có tỷ lệ tăng trưởng GDP là r.

          Theo phương pháp hồi quy hàm mũ, ta hồi phương trình sau:

                                       Log (Y)  = a + b * t

để có hệ số b. Sau đó tính tỷ lệ tăng trưởng GDP theo công thức:

                                       r = exp (b) -1

          3/ Tính toán các quan hệ tỷ lệ trong cân đối tài khoản quốc gia:

          Mục đích của tính toán này là phân tích những biến động cơ cấu và quan tỷ lệ trong cân đối tài khoản quốc gia. Số liệu tính toán được lấy trong bảng hạch toán quốc gia. Công thức cân bằng tổng quát là:

                              GDP + M = DA + E

trong đó M là giá trị nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, E là giá trị xuất khẩu hàng hoávà dịch vụ, DA là tổng cầu nội địa. DA được xác định theo công thức:

                              DA = GC + PC + VS + GFCF

trong đó GC, PC lần lượt là tiêu dùng chính phủ và tiêu dùng tư nhân, VS là thay đổi dự trữ, GFCF là tích luỹ tài sản cố định.

          Theo các công thức cân bằng trên, khi thay đổi một thành phần thì các thành phần khác cũng phải thay đổi theo để lập lại cân bằng. Nếu cầu nội địa DA lớn hơn cung nội địa GDP thì nhập khẩu M phải cao hơn xuất khẩu E. Như vậy, khi một nước rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, thì phải chịu thâm hụt cán cân ngoại thương.

          Trái lại, nếu chính phủ muốn duy trì cân bằng xuất nhập khẩu thì tổng cung nội địa phải đủ để đáp ứng tổng cầu nội địa. Nhưng ở tầm ngắn hạn, việc tăng nhanh GDP là rất khó khăn, nên phương thức xử lý chung là phải giảm tổng cầu. Theo công thức trên, để giảm DA, có nhiều giải pháp, có thể giảm tiêu dùng chính phủ, tiêu dùng tư nhân, đầu tư, dự trữ, hoặc sử dụng kết hợp các biện pháp này.

          Những quan hệ tỷ lệ rất cần trong phân tích cân bằng gộp là:

          - Tỷ lệ tiêu dùng trên GDP:              (GC + PC) / GDP

          - Tỷ lệ đầu tư trên GDP:                            GFCF / GDP

          Hai tỷ lệ này cho biết xu hướng tiêu dùng và đầu tư đang thay đổi ra sao, người dân đang hướng vào đầu tư hay tiêu dùng. Tỷ lệ đầu tư càng cao thì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai càng cao, và do đó tiêu dùng trong tương lai càng được nâng đỡ.

          4/ Tính toán hệ số ICOR

          Mục tiêu của tính toán này là đo lường một chỉ tiêu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn quốc gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế. Chỉ tiêu này đo lường ảnh hưởng của tăng vốn đầu tư tài sản cố định tới tăng trưởng GDP và được gọi là ICOR (incremental capital output ratio).

          Phương pháp tính toán hệ số ICOR hàng năm và trung bình cho nhiều năm: Công thức xác định ICOR hàng năm được viết như sau:

                    ICOR = Tổng vốn đầu tư / GDP tăng thêm

hay                        =  I / DGDP                                                                               (5)

          Tử số của công thức trên lẽ ra phải là mức gia tăng của tài sản cố định, song trên thực tế, rất khó kiếm được thông tin chính xác về chỉ tiêu này nên người ta sử dụng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư để thay thế.

          Tử số và mẫu số được tính theo giá trị nhiều năm nên phải đảm bảo tính đồng nhất. Hai đại lượng này cũng phải được tính theo cùng loại giá. Thông thường người ta tính theo giá cố định để đảm bảo tính đồng nhất vì vốn đầu tư hay GDP được tính qua nhiều năm, không thể cộng trừ chúng trực tiếp theo giá hiện hanh. Do vậy, cần chia giá trị vốn đầu tư và giá trị GDP hàng năm theo giá thực tế cho chỉ số giá vốn đầu tư và chỉ số giá GDP trước khi đưa vào công thức tính trên (công thức 5).

          Hạn chế ảnh hưởng của các nhân tố khác tới GDP: Trong tính toán hệ số ICOR nêu trên, chúng ta đã ngầm giả thiết rằng chỉ có vốn đầu tư ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP, còn các nhân tố khác không có ảnh hưởng gì. Đây là một giả thiết rất mạnh, không thực tế. Do vậy cần hạn chế bớt cấp độ của giả thiết này bằng cách sau: Thay vì dùng dãy số đầu tư và GDP nêu trên, ta dùng dãy số là trung bình động 3 năm của vốn đầu tư và của GDP. Như vậy những yếu tố ngẫu nhiên hoặc những biến động GDP do nhân tố khác ngoài đầu tư được giảm bớt.

          ICOR với tác động trễ của vốn đầu tư: Trên thực tế, vốn đầu tư mới thường có tác động tới GDP sau một số năm, tháng chứ không phải ngay lập tức. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu đầu tư tới khi vốn đầu tư phát huy tác dụng được gọi là thời gian trễ. Độ trễ thời gian nàyphụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là loại đầu tư thực hiện: Nếu mua sắm máy móc thay thế thì độ trễ rất ngắn, nhưng nếu xây dựng cơ sở hạ tầng thì độ trễ rất cao. Độ trễ đối với các nền kinh tế khác nhau thì cũng rất khác nhau.

          Có nhiều phương pháp toán để xác định khoảng thời gian trễ này. Trong báo cáo này, chúng tôi sử dụng giả thiết được áp dụng rộng rãi trên thế giới là vốn đầu tư có thời gian trễ 1 năm, tức là đầu tư năm t sẽ tác động tới GDP năm t+1. Công thức tính ICOR (5) được thay bằng công thức sau:

                                       ICOR = It-1 / DGDPt                                               (6)

từ đây ta có:                           

                                       DGDPt = (1 / ICOR) * It-1

hay                                 DGDPt = b * It-1

Đây là một hàm tuyến tính với hệ số a = 0, hệ số b = 1/ICOR. Ước lượng phương trình này sẽ tìm ra hệ số b, rồi tính ngược ra ICOR theo công thức:

                                       ICOR = 1 / b                                                          (7)

          Hệ số ICOR tính theo phương pháp trên cho phép đánh giá tổng hợp hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng kết quả này. Sau khi tính toán, cần phân tích xem có đúng là hiệu quả kinh tế giảm sút do giảm sút hiệu quả đầu tư hay do những nhân tố khác. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết, giá cả nông sản trong nước và trên thị trường quốc tế...

          5/ Tính toán tỷ giá thực (real exchange rate)

          Mục tiêu của phần này là giới thiệu một chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng mà các nhà kinh tế thường không chú ý: Đó là chỉ tiêu tỷ giá thực. Tỷ giá thực có liên quan rất chặt tới tổng cầu nội địa. Khi tổng cầu vượt tổng cung, tỷ giá thực tăng lên, dẫn tới nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh và giảm dần tỷ lệ tăng trưởng. Đặc biệt, khi tỷ giá thực tăng lên, nông nghiệp sẽ bị tác động mạnh nhất vì cánh kéo giá cả biến động có xu hướng bất lợi cho nông nghiệp; xuất khẩu tăng trưởng chậm dần trong khi nhập khẩu tăng vọt, hậu quả là thâm hụt cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế tăng nhanh.

          Chính vì vậy, khi có hiện tượng cầu nội địa vượt cung và tỷ giá thực tăng lên, thì các chính phủ phải nghiên cứu tìm các giải pháp chính sách để đảo ngược tình hình. Trong số các giải pháp quan trọng nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác luôn đề cao giải pháp giảm chi tiêu chinh phủ và phá giá tỷ giá danh nghĩa để giảm tỷ giá thực.

          Phương pháp tính toán (tóm lược phương pháp đơn giản nhất):

          Tỷ giá danh nghĩa là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng tiền nội địa. Ví dụ giá của 1 USD vào thời điểm hiện nay là 14200 đồng Việt nam, thì 14200 là tỷ giá danh nghĩa. Trong một số sách báo, người ta sử dụng định nghĩa trái ngược: Tỷ giá là giá một đơn vị tiền tệ nội địa tính bằng tiền nước ngoài. Ví dụ giá của 1 đồng VN là 0,00007 đô la Mỹ.

          Tuy nhiên tỷ giá danh nghĩa không phản ánh chính xác sức mua của mỗi đơn vị tiền tệ nước ngoài tại thị trường nước ta vì sức mua còn chịu ảnh hưởng của thay đổi giá cả hàng hoá trên thị trường cả hai nước. Vì vậy cần phải sử dụng một chỉ số khác có thể loại trừ ảnh hưởng của yếu tố này. Đó là tỷ giá thực.

          Tỷ giá thực (RER) là tỷ giá danh nghĩa đã loại trừ ảnh hưởng của thay đổi giá cả tại hai nước có đơn vị tiền tệ đưa vào tính. Giá cả được dùng trong điều chỉnh là tỷ lệ lạm phát. Công thức tính tỷ giá thực như sau:

                              RERt = ERt * CPIet / CPIdt

trong đó RER là tỷ giá thực, ER là tỷ giá danh nghĩa chính thức, CPIet là chỉ số giá tiêu dùng của nước ngoài năm t, CPIdt là chỉ số giá tiêu dùng trong nước năm t, t là ký hiệu thời gian năm t.

          Tỷ giá thực hữu dụng (REER) là tỷ giá thực tính trên cơ sở không chỉ so sánh với một nước mà so sánh với nhiều đối tác kinh tế chính. Như vậy, cần phải tính tỷ giá trung bình của đồng tiền nước ta không chỉ với đồng USD mà với tất cả các đồng tiền của các đối tác kinh tế chính. Cũng phải tính tỷ lệ lạm phát trung bình của các đối tác kinh tế chính... Trong thực tế, để đơn giản, người ta tính các chỉ tiêu trên cho các bạn hàng chính (bạn hàng qua trao đổi xuất nhập khẩu). Phương pháp tính trung bình là trung bình trọng số. Trọng số là tỷ trọng xuất nhập khẩu của từng nước bạn hàng trong tổng giá trị xuất nhập khẩu nước ta.

          6/ Đánh giá phát triển khu vực kinh tế đối ngoại

          Mục tiêu của phần này là đánh giá kết quả hoạt động và thay đổi cơ cấu của khu vực kinh tế đối ngoại. Phân tích khu vực kinh tế đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích chính sách. Đặc biệt, phân tích cán cân đối ngoại (xuất khẩu trừ nhập khẩu) có tầm quan trọng hàng đầu trong xây dựng chiến lược phát triển dài hạn vì nó cho phép dự báo khả năng xuất khẩu của nền kinh tế và đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế. Đối với các nước đang phát triển, xuất khẩu là động lực của quá trình phát triển nên tầm quan trọng của phân tích kinh tế đối ngoại càng lớn.

          Kế quả hoạt động kinh tế đối ngoại phụ thuộc vào nhiều nhân tố trong và ngoài nước, trong đó quan trọng nhất là các chính sách kinh tế nội địa và một số sốc từ bên ngoài. Khi nghiên cứu các chỉ tiêu chủ yếu về ngoại thương như tỷ lệ tăng trưởng, xu thế, cơ cấu... và so sánh chúng với thời kỳ trước hoặc với nước ngoài, chúng ta sẽ tự đặt ra những câu hỏi tại sao tình hình ngoại thương lại phát triển như vậy, các nhân tố nào đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển hoặc làm mất cân bằng xuất nhập khẩu, từ đó nghiên cứ các giải pháp để cải thiện tình hình.

          Các công cụ chính trong phân tích ngoại thương:

          a) Cơ cấu xuất khẩu:

          Cơ cấu xuất khẩu là tỷ trọng của từng loại hàng hoá, từng loại sản phẩm xuất khẩu chính, trong tổng giá trị xuất khẩu của một nước. Công thức tính như vậy rất đơn giản. Mặc dù phương pháp tính đơn giản song nó lại cho những kết quả hết sức thú vị, vì nó cho phép theo dõi thay đổi cơ cấu các thành phần xuất khẩu qua các thời kỳ, nhất là hiện tượng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nông sản trong khi tăng dần tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp và dịch vụ. Các tính toán được tiến hành theo giá hiện hành.

          Tương tự, chúng ta cũng tính cơ cấu nhập khẩu bằng cách chia giá trị nhập khẩu các nhóm hàng hoặc các mặt hàng nhập khẩu chính cho tổng giá trị nhập khẩu.

          b) Chỉ số tập trung trong xuất khẩu:

          Chỉ số tập trung trong xuất khẩu thực chất là cơ cấu xuất khẩu một số loại sản phẩm chính. Phương pháp tính như sau: Chọn ra 4-5 sản phẩm xuất khẩu chính rồi tính tổng tỷ trọng của chúng trong tổng giá trị xuất khẩu.

          Chỉ số tập trung trong xuất khẩu cho phép phân tích vai trò của một số ít sản phẩm chính tới xuất khẩu, tức là mức độ phụ thuộc của xuất khẩu tại 1 nước vào một vài sản phẩm xuất khẩu. Khi tính chỉ số này cho nhiều năm, sẽ phân tích được thay đổi mức độ phụ thuộc này theo thời gian. Khi chỉ số này càng cao thì mức độ phụ thuộc càng lớn, và xuất khẩu cũng như toàn nền kinh tế sẽ rất biến động thường xuyên theo biến động của thị trường quốc tế đối với những sản phẩm này. Đây là điều không tốt. Trong thực tế, chúng ta phải cố gắng đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, tức là giảm chỉ số này.

          Phương pháp tương tự cũng được áp dụng để tính toán mức độ tập trung trong nhập khẩu. Thông qua phân tích chỉ số này, có thể đánh giá thành tựu của một nước trong quá trình theo đuổi chính sách thay thế nhập khẩu. Chỉ số càng thấp thì mức độ thay thế nhập khẩu càng cao vì nền kinh tế đã tự cung, tự cấp được phần lớn các loại sản phẩm; ví dụ lương thực là loại sản phẩm nhập khẩu chính song nếu nhập khẩu lương thực chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị nhập khẩu thì nước đó đã tiến dần tới tự đảm bảo nhu cầu lương thực.

          c) Chỉ số giá ngoại thương:

          Chỉ số giá ngoại thương được đo bằng tỷ số giữa chỉ số giá xuất và chỉ số giá nhập. Khi chỉ số giá ngoại thương giảm thì nước liên quan sẽ thu được ít tiền hơn từ xuất khẩu sản phẩm trong khi lại phải trả nhiều hơn cho hàng nhập khẩu. Nhiều nước đã rơi vào khủng hoảng kinh tế do chỉ số giá ngoại thương giảm quá mạnh và kéo dài, nhất là đối với các nước chỉ xuất khẩu một, hai sản phẩm chính là dầu mỏ, hoặc cà phê, ca cao, cao su...

          d) Đánh giá thiệt hại do sốc trên thị trường thê giới:

          Mỗi cuộc giảm mạnh giá xuất khẩu hoặc tăng mạnh giá nhập khẩu đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước, do đó phải ước tính thiệt hại do chung gây ra để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách đối phó và làm giảm nhẹ hậu quả của chúng đối với nền kinh tế và xã hội. Để đạt mục đích này, người ta thường sử dụng công thức sau:

                              B =  DPe * E / GDP

trong đó B là thiệt (hoặc lợi) do sốc bên ngoài, DPe là mức thay đổi giá xuất (nhập), E là tổng giá trị xuất khẩu, GDP là tổng sản phẩm trong nước. Các chỉ tiêu trên được tính đồng nhất theo giá thực tế.

          Công thức trên cho biết mức độ thiệt hoặc lợi của xuất so với GDP. Tương tự, có thể xây dựng công thức đánh giá mức độ ảnh hưởng của sốc bên ngoài tới nhập khẩu.

          7/ Đánh giá thay đổi cơ cấu

          Đánh giá thay đổi cơ cấu bao gồm thay đổi cơ cấu giữa các ngành lớn, thay đổi cơ cấu trong nội bộ từng ngành và thay đổi tầm quan trọng tương đối của từng loại cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm công nghiệp trong nền kinh tế.

          Phân tích thay đổi cơ cấu có ý nghĩa rất quan trọng trong phân tích kinh tế vì nó là yếu tố cơ bản của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Qua phân tích tiến triển cơ cấu kinh tế, sẽ hiểu rõ xu hướng, độ lớn và tốc độ thay đổi cơ cấu cũng như những nhân tố ảnh hưởng tới quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế; từ đó lựa chọn những chính sách phù hợp để hướng quá trình dịch chuyển cơ cấu theo hướng tăng hiệu quả kinh tế chung và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

          Phương pháp đo lường cơ cấu kinh tế rất đơn giản: Chia giá trị của từng thành phần cho tổng thể. Dưới đây là ví dụ về tính cơ cấu trong nông nghiệp.

          Giả sử có chuỗi số liệu các sản phẩm nông nghiệp từ năm 1986 đến năm 2000 cho 32 sản phẩm. Bước 1 cần lập bảng số liệu cơ sở gồm 16 cột, cột đầu là cột danh mục sản phẩm, 15 cột tiếp là số liệu cho 15 năm từ 1986 đến 2000. Bảng này có 33 dòng, dòng 1 dành để ghi tên năm, các dòng 2 đến 33 dùng để ghi sản lượng (theo đơn vị khối lượng, ví dụ tấn) hàng năm của từng sản phẩm.

          Bước 2: Tập hợp danh mục giá so sánh 1994 cho 32 sản phẩm nông nghiệp này, lập thành 1 bảng giá so sánh.

          Bước 3: Tính giá trị sản xuất của tất cả các sản phẩm trên qua các năm theo giá so sánh 1994 bằng cách nhân kết quả sản xuất với giá tương ứng. Lởp bảng kết quả sản xuất theo giá 1994, với 16 cột, 34 dòng tương tự như bảng số liệu cơ sở ở bước 1. Riêng dòng 34 được dành để ghi giá trị tổng sản lượng chung của tất cả 32 sản phẩm qua các năm.

          Bước 4: Tính cơ cấu chi tiết của sản xuất nông nghiệp bằng cách lấy giá trị sản xuất từng sản phẩm chia cho giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

          Bước 5: Nhóm một số sản phẩm thành khu vực cấp 2 trong nông nghiệp để tính cơ cấu ngành cấp 2. Ví dụ chia 32 sản phẩm trên thành 6 nhóm con sau: Nhóm cây lương thực, nhóm rau và đậu, nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, nhóm cây công nghiệp dài ngày, nhóm lâm nghiệm và nhóm chăn nuôi. Tính giá trị sản xuất của từng ngành cấp 2 bằng cách cộng giá trị sản xuất của tất cả các ngành trong mỗi nhóm.

          Bước 6: Tính cơ cấu các ngành cấp 2 trong nông nghiệp bằng cách lấy giá trị sản xuất của từng ngành chia cho giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

          Sau bước 3 và bước 6, chúng ta đã có cơ cấu ngành qua các năm. Trong phân tích kinh tế, để loại trừ yếu tố ngẫu nhiên, người ta thường tính trung bình trượt giá trị sản xuất nông nghiệp và các thành phần của nó cho ba năm đầu và cho ba năm cuối, rồi dùng kết quả đó để tính cơ cấu cho năm gốc và năm cuối. Ví dụ để phân tích thay đổi cơ cấu thời kỳ 1986-2000, cần tính cơ cấu trung bình trượt các năm 1986-1988 để làm năm gốc, và tính cơ cấu trung bình trượt cac năm 1998-2000 làm năm cuối.

          Sau khi đã tính được cơ cấu, người ta thường trình bày kết quả bằng các biểu đồ, thông dụng nhất là biểu đồ cột thành phần hoặc biểu đồ hình tròn.

          8/ Đánh giá vai trò của năng suất

          Đánh giá năng suất thường bao gồm đánh giá hiệu quả đồng vốn, vai trò của năng suất đất đai và vai trò của năng suất lao động, từ đó giải thích nguồn gốc của phát triển sản xuất.

          Năng suất có thể được xác định theo nhiều phương thức khác nhau. Trong nông nghiệp, thông thường năng suất được đo bằng khối lượng kết quả sản xuất trên 1 đơn vị đất đai, ví dụ 4 tấn thóc / 1 ha đất gieo trồng hay 10 tấn thóc / 1 ha đât canh tác.

          Kết quả sản xuất có thể có nguồn gốc từ sử dụng nhiều yếu tố đầu vào khác nhau như vốn, đất đai, lao động, công nghệ... Trong nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất thường được phân tách theo ba nhân tố: Mở rộng diện tích đất gieo trồng, tăng năng suất trên 1 đơn vị diện tích đất và thay đổi cơ cấu sản phẩm trong nông nghiệp. Theo quan điểm chính sách, việc phân tách đâu là tăng trưởng nhờ tăng đầu vào và đâu là tăng trưởng nhờ tăng năng suất mà không cần tăng đầu vào, có ý nghĩa rất quan trọng.

          Phương pháp đo lường và đánh giá: phương pháp tính rất đơn giản. Trong nông nghiệp, chủ yếu là tính tỷ lệ sản lượng chia chi diện tích đất hoặc số lao động. Dưới đây là ví dụ minh hoạ cho trường hợp 20 sản phẩm trồng trọt thời kỳ 1986-2000:

          Bước 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu, gồm 4 bảng: Bảng 1 là bảng giá thực tế qua các năm của 20 sản phẩm nông nghiệp nêu trên. Bảng 2 là bảng diện tích đất gieo trồng qua các năm của từng sản phẩm. Bảng 3 là kết quả sản xuất, tính bằng đơn vị khối lượng, của 20 sản phẩm trên qua các năm. Bảng 4 là bảng năng suất đất đai, tính bằng cách chia các ô của bảng 3 cho các ô tương ứng của bảng 2 (năng suất = sản lượng / diện tích).

          Bước 2: Tính năng suất đất đai trung bình.

          Để tính năng suất đất đai trung bình, trước tiên phải tính giá trị sản lượng của từng sản phẩm theo giá cố định rồi cộng tất cả lại để có giá trị sản lượng tổng cộng của toàn ngành trồng trọt. Công thức tính cho năm t như sau:

                                       Yt = S (Xit * Pib)

trong đó Xit là sản lượng sản phẩm i năm t, Pib là giá so sánh của sản phẩm i.

          Tiếp theo, tính tiếp tổng diện tích đất gieo trồng tất cả các loại cây năm t theo công thức:

                                       At = S Ait

trong đó Ait là diện tích gieo trồng loại cây i, năm t.

          Từ hai dãy số liệu Yt và At ta sẽ tính được năng suất đất đai trung bình (Average Land Productivity) theo công thức:

                                       ALPt = Yt / At

          Bước 3: Đánh giá vai trò của các yếu tố đối với sản xuất

          Trong bước này, đầu tiên thường phải xác định đóng góp của từng loại sản phẩm tới tăng trưởng chung, sau đó tính tiếp đóng góp gộp của hai nhân tố diện tích và năng suất tới tăng trưởng này.

          Để xác định đóng góp của từng loại nông sản tới tăng trưởng chung qua các năm trong kỳ nghiên cứu, ta sử dụng công thức:

                    Si = (Xit * Pib - Xi0 * Pib) / S (Xit * Pib - Xi0 * Pib)

Công thức trên cho biết tỷ lệ đóng góp của sản phẩm i vào kết quả tăng trưởng thời kỳ từ năm 0 tới năm t. Công thức này được sử dụng rất rộng rãi trong phân tích vai trò của từng yếu tố tới tăng trưởng chung của tổng thể.

          Để xác định vai trò của diện tích và năng suất tới tăng trưởng chung, ta làm theo phương pháp sau:

          - Xây dựng ba dãy số tổng hợp gồm tổng sản lượng, tổng diện tích và năng suất đât đai trung bình. Ba dãy số này đã được tính ở bước 2 nêu trên.

          - Xác định xu thế phát triển của ba dãy số này theo hàm mũ (xem mục 1/). Qua tính toán, sẽ xác định được tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm của ba đại lượng trên lần lượt là Ry, Ra và Ralp.

          Vì Yt  =  At * ALPt  và Yt+1  =  At+1 * ALPt+1 nên ta có:

                              (1 + Ry) = (1 + Ra) * (1 + Ralp)

hay                                 Ry =  Ra  + Ralp + Ra * Ralp

          Do vậy tỷ lệ đóng góp của đất đai vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp là:

                                       Sa =  Ra / Ry

          Tỷ lệ đóng góp của năng suất đất đai vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp là:

                                       Salp = Ralp / Ry

          và tỷ lệ đóng góp của thay đổi cơ cấu sản phẩm vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp là:

                                       Ss  =  Ra * Ralp / Ry = 1 - Ra - Ralp    

Cũng theo phương pháp trên, có thể xác định vai trò của lao động và năng suất lao động tới tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng nông nghiệp.

          9/ Dự báo cầu

          Trong báo cáo QER, có kết quả sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Sử dụng các thông tin này, có thể dự báo nhu cầu các sản phẩm chính cho thời gian tới. Trong mục này, chúng tôi sẽ giới thiệu một phương pháp đơn giản, thường được áp dụng trong thực tế, để dự báo nhu cầu.

          Phân tích cầu và dự báo cầu có ý nghĩa quan trọng trong phân tích kinh tế vì qua đó, sẽ xác định được khung cảnh kinh tế để xây dựng và lựa chọn các chính sách cần áp dụng. Nhu cầu phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó thu nhập đóng vai trò quan trọng nhất, do đó là biến số quan trọng nhất. Trong mục này chúng ta sẽ nghiên cứu phương pháp dự báo nhu cầu qua ví dụ xác định nhu cầu lương thực thực phẩm.

          Phương pháp dự báo: Nhờ các báo cáo điều tra tiêu dùng theo các hộ gia đình có thu nhập khác nhau, có thể tính được trình độ chi tiêu và tiêu dùng của các tầng lớp xã hội khác nhau, và từ đó xây dựng được bảng số liệu cần thiết để ước lượng hàm số sau:

                              Log(y)  =  a  +  b * Log(x)

trong đó y là khối lượng tiêu dùng đầu người một sản phẩm nào đó của nông nghiệp, x là thu nhập đầu người, b là hệ số co dãn của tiêu dùng theo thu nhập.

          Hàm số trên được ước lượng cho chuỗi số liệu dài từ 0 đến t năm. Để dự báo cầu năm t+1, cần phải dự báo dân số năm t+1 và thu nhập hay GDP năm t+1, sau đó tính thu nhập hay GDP đầu người. Cuối cùng, thay kết quả tính toán vào hàm số trên, sẽ tính được nhu cầu hay chi tiêu đầu người sản phẩm trên năm t+1. Nhân kết quả này với dân số năm t+1 sẽ cho tổng nhu cầu sản phẩm đó năm t+1.

          10/ Dự báo cung

          Để đơn giản trong trình bày, mục này sẽ giới thiệu một phương pháp đơn giản để dự báo cung các sản phẩm chính của nền kinh tế thông qua phương pháp dự báo cung gạo.

          Trong kinh tế thị trường, giá cả dẫn dắt sản xuất nên cung sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào giá cả. Các nhân tố ảnh hưởng khác là tình trạng công nghệ, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế trong nước và quốc tế, và môi trường thể chế. Mặc dù vậy, phương pháp dự báo ở đây chỉ tính đến vai trò của giá cả.

          Phương pháp dự báo: Sử dụng một số mô hình hồi quy sau:

          - Hồi quy sản lượng thóc theo giá thóc;

          - Hồi quy sản lượng thóc với xuất khẩu gạo, giá gạo và giá ngô;

          - Hồi quy sản lượng thóc với giá thóc và sản lượng thóc của năm trước.

          Các hàm hồi quy trên có thể là hàm tuyến tính, song trên thực tế, người ta thường ưu tiên chọn dạng hàm mũ vì nó phản ánh chính xác hơn và cho phép xác định ngày hệ số co dãn của sản xuất thóc theo các nhân tố ảnh hưởng.
          Như vậy, các bước cần thiết để dự báo cung là: a) Chuẩn bị số liệu; b) Xây dựng hàm hồi quy thư nhất, thứ hai và thứ ba; c) So sánh các hàm hồi quy để chọn hàm tốt nhất; d) Dự báo các nhân tố rồi thay vào phương trình để dự báo cung thóc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét