Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Lạm phát, vai trò của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ

Đọc lại tài liệu cũ: 
Lạm phát, vai trò của Ngân hàng
Nhà nước và chính sách tiền tệ
                                                                         
TS Nguyễn Đại Lai
       Theo quan điểm của các nhà kinh tế học cổ điển và cận đại thì lạm phát dưới chủ nghĩa tư bản là sự tràn ngập trên các kênh  lưu thông một khối  lượng dấu hiệu giá trị (tiền  giấy) quá thừa dẫn đến làm mất giá  từng phần  dấu hiệu giá trị so  với mệnh giá danh nghĩa của  nó. Khi đó các  nhà kinh tế cho  rằng khối lượng  tiền bơm ra lưu thông (Kc) lớn hơn khối lượng tiền cần thiết hay sức hấp thụ của  thị trường hàng hóa (Kt); Biểu  hiện của hiện tượng này là tiền giấy mất giá so với hàng,  với vàng, với ngoại tệ. Người dân không muốn giữ tiền và không muốn đem tiền đến gửi tại các NH mà chuyển vào đầu tư trực  tiếp hoặc ồ ạt rút tiền về để mua sắm bất động sản, tích trữ vàng. Kết quả là hệ thống NH thì thiếu tiền mặt nghiêm trọng, nạn khất nợ trở thành phổ biến trong khi tiền ngoài lưu thông tràn ngập, các nhu cầu vay qua NH bị từ chối vì không có nguồn để đáp  ứng - Người có hàng thì mặc sức tăng giá với tốc độ lớn hơn  tốc độ lạm phát, người có thu nhập bằng tiền thì bị tước đoạt dần. Cũng theo  các nhà kinh tế  học cổ điển thì dường như nạn lạm  phát dưới chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn do ý chí chủ quan của giai cấp bóc lột thông qua quyền thao túng hệ thống các Ngân hàmg (trước hết là NH phát hành)  gây ra - Từ đó họ đã nhìn lạm phát  như một tai hoạ từ phía thể chế mà muốn khắc phục  nó hầu như chỉ có thể thông  qua một cuộc cách mạng tư sản (buorgious revolution).

Theo quan điểm của các nhà kinh tế học hiện đại thì lạm phát là một căn bệnh kinh niên của mọi nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ; Nó không có bản chất giai cấp mà chỉ có bản chất kinh tế. Nó có tính thường trực, nếu không thường xuyên kiểm soát,  không có những giải pháp chống lạm phát thường trực, đồng bộ và hữu hiệu thì lạm phát có thể xẩy ra ở bất cứ nền kinh  tế hàng hoá nào với bất kỳ chế độ xã hội nào. Các nhà kinh tế  này cho rằng biểu hiện của lạm phát là: khi mức chung của giá cả hàng hoá và chi phí sản xuất đồng thời tăng lên một cách phổ biến trong một khoảng thời gian đủ dài để nhận rõ xu hướng này. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, do đó nếu giá cả chỉ tăng ở một vài nhóm hàng mang tính đột biến hay tính thời vụ thì phải loại bỏ các yếu tố đó theo cách tính chỉ số lạm phát cơ bản - Lạm phát phản ánh thuần tuý quan hệ hàng - tiền trên một qui mô phổ biến và có một thời gian đủ dài để khẳng định xu hướng của nó. Nguyên nhân của lạm phát bao gồm một tổ hợp rất nhiều nhân tố trong đó có thể chia ra thành một số nhóm chủ yếu là:  Lạm phát do cầu kéo;  Lạm phát  do chi phí đẩy; Lạm phát do mất cân đối cơ cấu kinh tế và Lạm  phát do tình trạng không ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội  tạo thành tâm lý đẩy giá lên và đồng tiền bị mất uy tín trong nền kinh tế. Trong các nhân tố nói trên, ba nhóm nhân tố đầu tiên có tác động mang tính thường xuyên và cơ bản nhất đến các cấp độ phát sinh của lạm phát: 
Lạm phát do cầu kéo thực chất là do sự  mất cân đối về  cung - cầu hàng hoá  dịch vụ mà trong đó  cầu có khả năng thanh toán lớn hơn so với cung hàng hoá hoặc tốc độ gia tăng tổng phương tiện thanh toán lớn hơn tốc độ gia tăng của sản  xuất - kết quả là trên thị trường,  hàng hoá khan hiếm tương đối  so với tiền do đồng  thời cả hai nhóm nguyên nhân  hàng và tiền: Nền sản xuất lạc hậu,  kém phát triển,  năng suất lao động thấp, năng lực sản xuất đã hầu như đạt tới giá trị sản lượng tiềm năng trong điều kiện trình độ  hiện tại nhưng tiền vẫn được bơm ra quá sức hấp thụ thông qua các van: Chi ngân  sách quá lớn so với nguồn  thu,  mở quá rộng biên độ của hạn mức tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc quá nhỏ, lãi suất tái cấp vốn quá thấp, hệ thống thị trường vốn vừa thiếu, vừa không hoàn hảo trong  khi ngoại tệ tràn vào nhiều càng tạo thành những "hợp lực" kích cầu lên cao hơn so với cung...;  
Lạm phát chi phí đẩy là hiện tựơng mặt bằng giá cả thị trường bị đẩy  lên do chi phí sản xuất gia tăng quá mức trung bình mà nền kinh tế có thể chựu đựng được: Tăng giá nguyên, nhiên vật liệu; Tốc độ tăng tiền lương lớn hơn tốc độ tăng năng suất lao động quân bình; Chi phí khấu hao lớn trong khi thiết bị lại lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và sức lao động nhưng năng suất thấp; Chi phí gián tiếp chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng chi phí cho phép làm cho (C+V) chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng giá cả (C+V+M). Đặc điểm của loại lạm phát chi phí đẩy là thường diễn ra trong điều kiện nền sản xuất chưa đạt tới mức giá trị sản lượng  tiềm năng so với  năng lực hiện tại. Lạm  phát này xuất hiện thường đồng thời kéo tốc độ suy thoái kinh tế rất nhanh và khó khắc phục hơn nhiều so với chống lạm phát cầu kéo...;
Lạm phát do mất cân đối cơ cấu kinh tế xuất hiện khi có quan hệ không bình thường trong  các cân đối cơ bản của nền kinh tế như Công nghiệp - Nông nghiệp, Công nghiệp nặng - Công nghiệp nhẹ;  Sản xuất - dịch vụ;   Xuất - nhập khẩu  và Tích luỹ - tiêu dùng...Các quan hệ nói trên không được đặt  trong một hoàn cảnh kinh tế cụ thể để có định hướng cân đối một cách hợp lý sẽ lập tức gây ra hiện tượng đông cứng một bộ phận nguồn lực  kinh tế, giữa chúng không chuyển hoá được cho nhau tạo ra một  trạng thái vừa thừa, vừa thiếu các năng lực sản xuất một cách giả tạo - Vì vậy, còn có thể gọi nhóm  nguyên nhân gây ra loại lạm phát  này là sự  ách tắc các nguồn vốn - Các lợi thế so sánh giữa các vùng trong nội bộ nền kinh tế và lợi thế so sánh giữa các quốc gia không được khai thác làm cho sức phát triển bị "đóng băng" hoá.           
          Trong lịch sử tiền tệ trên thế giới,  người ta chia lạm phát ra thành 4 cấp độ khác nhau để có những giải pháp chống lạm phát thích ứng :  Các cấp độ của lạm phát gồm: Lạm phát ỳ - Là mức độ lạm phát thấp  nhất từ 0% đến  không quá vài% -  Cấp độ lạm phát  này chủ yếu  phản ánh tính khách  quan tuyệt đối của  hiện tượng lưu thông hàng hoá  - tiền tệ trong điều kiện chế độ tiền giấy. Lạm phát này có thể lặp đi lặp lại trong một chuỗi thời gian dài và nếu chỉ có nó, người ta có thể chủ động tính vào thành các chỉ tiêu cân bằng trung hoà của nền kinh tế - Người ta chấp nhận và sẵn sàng chung  sống hoà bình với  loại lạm phát được ví như căn bệnh kinh niên này của lưu thông  hàng hoá và lưu thông tiền tệ;
Mức độ cao hơn từ trên vài %  đến mức lớn hơn không nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được gọi là lạm phát vừa  phải hay lạm phát kiểm soát được. Đối với loại này thì tuỳ theo chiến lược và chiến thuật phát triển kinh tế mỗi thời kỳ mà các Chính phủ có thể chủ động định hướng mức khống chế trên cơ sở duy trì một tỷ lệ lạm phát là bao  nhiêu để gắn với một số mục tiêu kinh tế khác: Kích thích tăng trưởng kinh tế,  tăng cường xuất khẩu và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong các năm tài khoá nhất định. Tuy nhiên chỉ có thể chấp nhận có lạm phát vừa phải trong điều kiện nền  kinh tế còn chưa  đạt tới giá trị sản lượng tiềm năng so với điều kiện hiện tại - Khi mà nhiều nhân tố của sản xuất vẫn còn nằm trong tình trạng ngủ yên hoặc chưa có phương án khả thi để phát huy các tiềm năng đó. Khối tiền tệ chung Châu âu EC và một số nước bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan mạch v.v đã điều hành CSTT bằng cơ chế NHTW đảm bảo lạm phát mục tiêu - Nghĩa là NHTW sử dụng công cụ CSTT để duy trì và đảm bảo một mức lạm phát mục tiêu giao động xung quanh một chỉ số CPI được xác định là 2 hoặc 3%/năm và nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng GDP trong năm. Cơ chế này đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực ít nhất trong vòng 5 năm qua;
Lạm phát phi mã là cấp độ cao thứ 3 có tỷ lệ lạm phát bình quân/năm từ  mức trung bình của 2 con số đến đỉnh cao của 3 con số. Đây là tỷ lệ lạm  phát vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của NHTW. Giải pháp  để chống lại hiện  tượng lạm phát này đòi hỏi  phải là sự tổng lực của toàn nền kinh tế quốc dân trong các nỗ lực thắt chặt tiền tệ, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường đầu tư,  thu hút mạnh các nguồn vốn, kích thích đầu tư trong nước, cải cách lại cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh sản xuất hàng thay thế nhập khẩu để tăng cung cho nội bộ nền kinh tế đang tràn ngập quá mức tổng phương tiện thanh toán...ở nước ta từ năm 1985 đến 1988 đã phải chứng kiến và chống đỡ với cấp độ lạm phát này; 
Cấp độ siêu lạm phát là hiện tượng khủng hoảng kinh tế đã đến mức rất nghiêm trọng - Tỷ lệ lạm phát đã lên đến trên 3 con số - Thậm chí người ta không thể đo lạm phát bằng số % mà là bằng số lần tăng giá  trong năm. Thế giới đã từng kinh hoàng về nạn siêu lạm  phát ở Đức trong các năm từ 1921 đến 1923 sau  đại chiến thế giới thứ nhất. Đây là mức siêu lạm phát lớn nhất trong lịch sử tiền tệ trên thế giới tính cho đến nay - Chỉ số giá trong vòng 22 tháng từ 1/1921 đến 11/1923 tăng tới 10 triệu lần;  Kho tiền của Đức  trong 2 năm đó tăng 7 tỷ lần tổng giá trị danh nghĩa. Tính tước đoạt của cuộc siêu lạm phát này được lượng hoá bằng con số kinh khủng: Nếu ai đó có một tấm ngân phiếu 300 triệu DM thì chỉ sau 2 năm nói trên, giá trị thực của tấm ngân phiếu này hầu như chỉ còn lại là số 0; Cuộc siêu lạm phát lớn  thứ 3 xẩy ra ở Mỹ thời kỳ nội  chiến 1860 - Riêng trong năm 1860 giá cả hàng hoá tăng lên 20 lần = 2000% Người ta đã miêu tả bằng hình ảnh về cuộc lạm phát này rằng tiền mang đi chợ phải đựng bằng sọt, còn hàng hoá mua đựơc thì bỏ vào túi áo - Mọi hàng hoá  trên thị trường trở nên cực kỳ khan  hiếm trừ tiền. Tiền hầu như  đã trút bỏ mọi chức năng vốn có của nó kể cả chức năng trực tiếp  nhất là làm phương tiện lưu thông hàng hoá. Cuộc siêu lạm phát  gần đây nhất  và là cuộc lạm  phát lớn thứ 2 trong lịch sử kinh tế hàng hoá - tiền tệ thế giới (chỉ sau cuộc siêu lạm  phát ở  Đức) xẩy ra ở Nam Tư bắt đầu từ 5/1992 đến hết năm 1994 khi chính quyền Xecbia không đứng vững được nữa: Chỉ tính riêng tỷ giá 6 tháng cuối năm 1993, giá cả hàng hoá tăng hơn 25 lần - Tiền lương năm 1991 của công chức bình quân 5.300 Đina/tháng tương đương với 400 USD thì năm 1993 tiền lương bình quân tăng lên 2 tỷ Đina/tháng nhưng chỉ tương đương với 6 USD/tháng. Lạm phát đã được lớn lên theo từng giờ - bình quân cứ mỗi giờ giá ngoài thị trường tăng 1%. Sau nhiều  lần thay đổi mệnh giá đến 15/2/1993 Chính phủ phải cho phát hành loại giấy bạc mệnh giá 50 tỷ Đina - Nền sản  xuất trở nên kiệt quệ và Chính phủ đương nhiệm hầu như bị tan rã hoàn toàn...Tuy nhiên, siêu lạm phát là một hiện tượng kinh tế cực kỳ hiếm, nó thường xuất hiện gắn liền với các cuộc chiến tranh thế  giới hoặc nội chiến khốc liệt. Tất nhiên hiếm không có nghĩa là không xẩy ra! Một vài ví dụ điển hình về nạn  siêu lạm phát và các cấp độ nguy hiểm của lạm phát như đã trình bày để bổ xung  thêm cho nhận  thức về lạm  phát và xác định những mức độ ảnh hưởng tác động mạnh đến mức nào trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội nói chung của mỗi quốc gia trong kinh tế thị trường.
          Vậy một điều cần rút ra ở đây là: Dù theo quan điểm nào chăng nữa thì nói  chung lạm phát vẫn là một  hiện tượng kinh tế  khách quan và là  đối tượng cần đặc biệt quan tâm của mọi chính phủ. Trong nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ nói chung, nền kinh tế thị trừơng nói riêng, người ta không thể chối bỏ lạm phát nhưng nếu có nhận thức đúng bản chất kinh tế của nó thì vẫn có thể chế ngự và kiểm soát được lạm phát. Mặt khác nguyên nhân của lạm phát là không hoàn toàn do chiếc  máy bơm tiền của  NHTW tạo ra mặc dù  suy cho cùng thì bản chất của lạm phát vẫn là hiện tượng kinh tế được  nẩy sinh trong  mối quan hệ  không tương thích một cách phổ biến giữa cung và cầu hàng hoá trong cơ chế thị trường mà ở đây, "cung" là hàng và "cầu" là tiền. Cần phải bình tĩnh nhận định và chủ động chế ngự các khả năng bùng nổ những nhân tố tiềm ẩn của lạm phát.
         Vai trò của hệ thống NHVN trong việc góp phần chống lạm phát           đã gắn chặt với tiến  trình phát triển nền kinh tế  đất nước qua nhiều giai đoạn  khác nhau - Trước năm 1990, khi chưa có 2 Pháp lệnh điều chỉnh về NH với cơ chế tập trung cao độ, dường như hệ thống NH thực chất chỉ là "Bộ Tài Chính thứ 2 của Chính Phủ". Biểu hiện rõ nét nhất của hình ảnh này là: Một bộ phận tiền TW đã trở thành nguồn vốn của các NHTMQD - NHTW bù lỗ cho các DNNN thông qua các nghiệp vụ cấp phát của NHTM. Toàn ngành  thực hiện lãi suất âm - không chỉ âm do đầu ra nhỏ hơn đầu vào (để bù lỗ qua lãi suất), mà còn âm do lãi suất cho vay nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát (mặc dù cho  mãi tới những năm cuối thập kỷ 80 chúng ta mới công khai công bố lạm phát); Một bộ phận tiền TW khác đã trở thành nguồn chi trực tiếp bù đắp thâm thủng NS; Toàn ngành  khi đó hầu như không có  thành phần ngoài Quốc doanh được phép hành  nghề ở qui mô NH (có chăng chỉ là các HTX tín dụng kiểu cũ và các hình thức chợ đen tín dụng) - Tính độc quyền kèm  theo cơ chế  lãi suất âm  ở khu vực  kinh tế Quốc doanh đã vô hình dung đẩy một bộ phận lớn nguồn vốn trong xã hội  quay  ngoài hệ  thống NH  tạo ra  các nạn  cho vay nặng lãi dưới nhiều hình thức, hệ thống NH trở nên thiếu tiền mặt nghiêm trọng  trong khi ngoài thị trường giá cả hàng hoá vẫn liên tục gia tăng - kéo theo các  chi phí tiêu dùng của dân cư và chi NSNN cũng không ngừng bị  đẩy lên làm cho thu nhập thực tế của người sản xuất và nhất là của người hưởng lương bị đẩy xuống ngay cả  khi Chính phủ  liên tục "bù giá vào lương" trong những năm từ 1985 đến 1993. Cơ chế nhiều giá (gồm cả giá  cả hàng hoá và giá vốn) đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nền kinh tế tự phát biến thành hai "mạch" kinh tế chủ yếu: mạch kinh tế "Quốc doanh" và "mạch kinh tế ngầm" trong đó kinh  tế Quốc doanh đóng vai trò chủ đạo nhưng lại hoạt động một cách cứng nhắc, phi thị trường đã mặc nhiên trở  thành nguồn bao cấp dưới nhiều hình thức cho mạch  kinh tế ngầm phát triển một cách mạnh mẽ và đa dạng. Trong điều kiện đó, lạm phát đã tất yếu bùng nổ từ lạm phát ngầm tới lạm phát công khai: Các chức năng làm thước đo  giá trị và phương tiện thanh toán của tiền tệ bị teo dần chỉ còn lại chức năng làm  phương tiện lưu thông là phát triển - Người  ta tìm mọi  cách để nhanh chóng đẩy tiền  ra lưu thông để tích trữ bất động sản; Hàng hoá trở thành vật mang giá trị chạy lòng vòng để sau mỗi lần qua tay thì giá trị danh nghĩa lại lớn lên trong khi giá trị sử dụng giảm dần trên tổng số - Hiện tượng đình đốn sản xuất mỗi ngày thêm rõ  nét mà dường như đã một thời nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng "Ngành ngành kế hoạch 3, nhà nhà trổ cửa ra mặt đường". Tư tưởng "phi  thương bất phú" (chứ ngày đó chưa ai nói "phi thương bất hoạt" như xuất xứ thực của câu châm ngôn này) đã  trở thành phổ biến. Người gửi tiền càng gửi  lâu càng mất giá trị thực,  ngân hàng càng cho vay càng lỗ - lãi giả lỗ thật là thuật ngữ chuẩn xác nhất để lột tả nhiều hiện  tượng kinh tế  trong thời kỳ lạm  phát ở VN những  năm trước khi  đổi mới cơ chế kinh tế và đặc biệt là trước khi có hai pháp lệnh NH ra đời. Vào thời kỳ này, lạm phát ở  nứơc ta liên tục ở mức phi mã trong nhiều năm: Bình quân tốc độ lạm phát hàng năm từ  1978 đến 1989 lên đến trên 500%, đỉnh cao là năm 1986 lạm phát lên đến 770%! - Là thời kỳ lạm phát cao ngay trong tình trạng nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong toàn hệ thống các NH.
          Từ sau khi nền kinh tế nước ta chuyển mạnh sang  cơ chế thị trường  có sự  quản lý vĩ mô của Nhà  nước mà hoạt động của hệ  thống NH được coi là khâu "đột phá khẩu" thì  việc xác định vai trò của hệ thống NH Việt Nam trong việc góp phần chống lạm phát đã chẳng những có ý nghĩa thực tế, mà còn có hiệu quả rất to lớn: Nhờ sự phân cấp rạch ròi giữa vai trò quản lý vĩ mô toàn ngành NH của NHTW với chức năng  kinh doanh tiền tệ, tín dụng, dịch vụ của các Định chế tài chính trong lĩnh vực NH đã thay đổi về chất của toàn bộ cơ chế hoạt động NH thích ứng với cơ chế thị trường. NHNN được toàn quyền điều hành tổng lượng tiền cung ứng trong năm theo mức khống chế tổng quát của Quốc hội mỗi  năm. NHTW là  cơ quan quản lý nhà nước cấp cao nhất trong lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng,  ngoại hối,  thanh toán và tổ chức NH,  chựu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước theo nguyên tắc: Lấy mục tiêu ổn định giá trị sức mua đồng bản tệ làm định hướng chủ yếu quyết định các giải pháp điều hành và hoàn thiện cơ cấu chính sách trong hoạt động vĩ  mô của toàn  hệ thống NH phát triển theo cơ chế  thị trường: Công cụ để  thực thi chính sách tiền tệ được NHTW chủ  động sử dụng  một cách thích  ứng theo động  thái diễn biến của tổng phương tiện thanh toán - Tuỳ điều kiện cụ thể  mà NHTW đã sử dụng đồng thời hoặc nhấn mạnh một trong số những  công cụ điều tiết lưu thông tiền tệ  trong cơ chế thị trường như lãi suất (đặc biệt là lãi suất tái chiết khấu ngắn hạn), hạn mức tín dụng,  tỷ lệ dự trữ bắt buộc và công cụ nghiệp vụ thị trường mở. Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý của NHTW, hệ thống các NHTM nói riêng, các Định chế tài chính nói chung sau khi chuyển đổi cơ chế cũng đã không ngừng được hoàn thiện  về nghiệp vụ và mở rộng về mạng lưới: Sau khi hai pháp lệnh NH ra đời, các Định chế tài chính trở thành cấp chuyên doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ NH. Mạng lưới không ngừng được mở rộng - Lần đầu  tiên thành phần kinh tế ngoài Quốc doanh cũng được phép  thành lập NH khi hội đủ các điều  kiện cần thiết và cũng lần đầu tiên  mọi thành  phần kinh tế đều trở thành khách hàng bình đẳng của hệ thống NHTM NN cũng như mọi Định chế tài chính đã trở thành khách hàng và cùng chựu sự thanh tra,  kiểm soát của NHTW theo sự điều chỉnh của hai pháp lệnh và sau này là của hai Luật về NH. Quá trình mở rộng mạng lưới cùng với xu hướng hoà nhập  Quốc tế và hiện đại hoá công nghệ NH đã tạo ra một vai trò mới đặc biệt quan trọng của hệ thống NHVN trong việc  góp phần chống lạm phát có hiệu quả - Trong vòng 9 năm từ 1994 đến 2003, trong hoạt động của NHVN đã chấm  dứt cơ chế lãi suất âm; Đã  thay cơ chế đông cứng tỷ giá  bằng cơ chế thả  nổi có sự điều  tiết của NHTW theo tín hiệu thị trường; Đã chấm dứt việc phát hành vô điều kiện cho bù đắp thâm thủng NSNN; Đã  cải tiến và đưa vào sử dụng nhiều hình thức thanh toán mới với tốc độ nhanh và an toàn - Đã chấm dứt nạn khan hiếm tiền mặt trong khi giá trị sức mua của đồng bản tệ vẫn giữ được ổn định: Tỷ lệ lạm phát trong nhiều năm qua liên tục giảm từ mức phi mã ở những năm cuối thập kỷ 80 xuống mức chỉ còn hai con số và ngày càng kiểm soát được:1990: 67,6%; 1991: 67,3 1992: 17,5%; 1993: 5,2%; 1994: 14,4%; 1995: 12,7%; 1996: 4,5%; 1997: 3,6% và từ 1998 đến 2003 tỷ lệ này luôn luôn nằm dưới mức cho phép của Quốc hội. Sau hơn 5 năm từ 1988 đến 12/2003 CSTT của Việt Nam không những đã thành công trong việc khắc phục hậu quả trễ của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, mà còn thành công trong việc nới lỏng tiền tệ, chống lại xu thế giảm phát, làm lực lượng chủ công trong việc kích cầu góp phần quan trọng trong việc duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, kích thích xuất khẩu, đem lại hiệu quả rất đáng tự hào về một nền kinh tế đang phát triển và mở rộng cánh cửa vào tiến trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2004 đến nay, dường như xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan - Do mức giá cả hàng hoá thế giới đang có xu hướng nhích lên một mặt bằng mới, do các nguyên nhân khách quan về dịch bệnh, thiên tai hoặc mùa vụ trong nước gần một năm qua, do cả những nguyên nhân mang tính chủ quan về cơ chế quản lý thị trường tài chính nói chung, về thị trường tín dụng nói riêng chưa thật sự tôn trọng các qui luật của thị trường - Trong đó đặc biệt là một loạt các nhân tố tiền tệ còn nằm ngoài hoặc không hoàn toàn nằm trong cơ chế kiểm soát của NHTW như: Hoạt động của Kho bạc Nhà nước, hoạt động giống như Ngân hàng của các Quĩ đầu tư của Nhà nước, hoạt động tiền tệ, tín dụng của nhiều tổ chức không phải là Ngân hàng, quản lý mgoại hối quốc gia và tình trạng Dola hoá còn biểu hiện trên cả 4 lĩnh vực: lưu thông hàng hoá, đầu tư, tích trữ và thanh toán trong nội địa v.v mà lẽ ra một nền văn minh Ngân hàng thời hiện đại những nhân tố đó ít hoặc không thể trở thành lực lượng tiềm ẩn của lạm phát vì NHTW đủ quyền lực, đủ công cụ để khống chế và quản lý nó; Ngoài ra còn một phần nguyên nhân do tính chu kỳ của giá cả hàng hoá sau một chuỗi thời gian có xu hướng giảm phát mà nay đã xuất hiện biểu hiện của lạm phát (7,2% chỉ trong 6 tháng đầu năm). Biểu hiện của lạm phát lần này ở nước ta là loại lạm phát do chi phí đẩy và một phần là lạm phát do mất cân đối cơ cấu kinh tế dẫn đến hiện tượng "đông cứng" một bộ phận tiềm lực vốn không chuyển hoá được cho nhau mà thực tế là lạm phát không cùng tốc độ ở những mặt hàng khác nhau. Tuy vậy, nếu phân tích sâu hơn bản chất của của chỉ số lạm vừa qua ta thấy: Trong 7,2% lạm phát sau 6 tháng đầu năm 2004 thì riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm 47,9% - tương đương với (7,2 x 47,9)/100 = 3,45%, nghĩa là tất cả các nhóm hàng còn lại chỉ gây nên mức lạm phát (7,2 - 3,45 = 3,75%). Có thể hiểu mức 3,75% là mức lạm phát cơ bản tính đến 30/6/2004 là biểu hiện rõ nhất về lạm phát, nhưng rõ ràng đây là mức lạm phát còn nằm trong khả năng kiểm soát được. Mặc dù vậy, áp lực của lạm phát đã rõ, tiếng chuông cảnh tỉnh về một xu hướng lạm phát không bình thường theo chuỗi phân tích nói trên cũng đã réo!
Về giải pháp, tôi cho rằng tại thời điểm này cần và lập tức phải có thái độ "trị bênh" cứu nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng lạm phát xấu hơn. Trách nhiệm này trước hết thuộc vai trò quản lý vĩ mô của Chính phủ, trong đó có các ngành: Ngân hàng, tài chính, Kế hoạch & đầu tư, Thương mại và quản lý thị trường...Những giải pháp cấp bách lúc này là: Từng bước siết dần kỷ cương tiền tệ, tín dụng - Đặc biệt là các kênh tín dụng chỉ định; Tiếp tục khuyến khích phát triển việc mở tài khoản cá nhân; Cải tiến quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng tăng tỷ lệ và chỉ trả lãi phần DTBB trong nghĩa vụ; Phải khống chế tổng phương tiện thanh toán phù hợp với yêu cầu tăng trưởng, tốc độ tăng dư nợ tín dụng nền kinh tế không để vượt quá 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế (21%); Huy động nguồn tổng quát cần tăng mạnh hơn tốc độ thông thường - trong đó nguồn trong nước cần tăng mạnh nhất; Quản lý tín dụng đảm bảo cho vay có hiệu quả; Tăng cường thanh tra, kiểm soát trong nội bộ các NH và thanh tra chuyên ngành của NHTW; Khai thác triệt để các tiềm năng vốn sẵn có trong nội bộ nền kinh tế để đẩy mạnh phát triển sản xuất; Giảm chi phí sản xuất và chi phí lưu thông, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu,  tăng nhanh nguồn vốn dự trữ quốc gia; Đảm bảo các cân đối lớn nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GDP theo dự kiến;  Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô bằng cách coi trọng các qui luật của thị trường; Đối với NSNN, hơn bao giờ hết cần tôn trọng nguyên tắc chỉ chi trong phạm vi nguồn thu chắc chắn và trong kế hoạch được giao, nếu thu NS không đạt kế hoạch thì phải giảm chi tương ứng; Sắp xếp lại khu vực Doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát vốn và tài sản Nhà nước; Lưu  thông hàng hoá cần phải thông suốt, chống khan hiếm giả tạo, quản lý thị trường  phải gắn với đặc điểm, thị hiếu và  tính thời vụ của mỗi vùng, mỗi miền,  Ngăn chặn mọi "cơn sốt" hàng  hoá giả tạo hoặc vì lý do chủ quan gây ra...
Với khuôn khổ của một bài viết ngắn trong đề tài rất lớn về chống lạm phát nói chung, vai trò của hệ thống NHVN trong việc góp phần chống lạm phát nói riêng, tôi muốn đưa ra một số thông điệp chủ yếu sau đây: Cần phải khẳng định lạm phát là một hiện tượng kinh tế  khách quan trong  chế độ tiền  giấy và lưu  thông tiền tệ trong nền sản xuất hàng hoá nói chung và kinh tế thị trường nói riêng - Nó  là kết quả  của đồng thời nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân cơ  bản là sự mất cân đối giữa cung và  cầu trong nền  kinh tế thị  trường. Tuy nhiên lạm phát có thể bị chế ngự và hoàn toàn kiểm soát được trong những điều kiện cụ thể nếu nhận thức đúng các nguyên  nhân tiềm ẩn và có những giải pháp hữu hiệu, đồng bộ của Nhà nước. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài là: Luật pháp phải đảm bảo vị thế độc lập tương đối cho NHNN trước hết là NHTW - có thực quyền trong hoạch định CSTT và được hành xử đúng các nghiệp vụ của một NHTW trong các vai trò là NH phát hành, NH của tất cả các ĐCTC, NH dịch vụ cho Chính phủ và là nơi tổ chức, tham gia vận hành hoạt động của hệ thống thanh toán quốc gia... Chỉ trong điều kiện đảm bảo được sự ổn định của giá trị tiền tệ thì các con số về tính toán hiệu quả kinh tế mới có ý nghĩa thực và động thái về tăng trưởng kinh tế mới mang tính vững chắc - Chỉ khi đó tăng trưởng kinh tế mới gắn liền với tăng chất lượng đích thực của đời sống cộng đồng - xã hội và là cơ sở vật chất để từng bước làm cho tăng trưởng kinh tế gắn với tăng trưởng tiền lương và tăng thu nhập thực tế chứ không phải chỉ cùng tăng danh nghĩa thuần tuý. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét