Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

(4) Kỹ thuật xây dựng, sử dụng mô hình kinh tế lượng (phần 4)

Bài giảng của tôi về kỹ thuật mô hình hoá:
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO KINH TẾ VĨ MÔ


III. QUY TRÌNH XÂY DỰNG MỘT MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG:
Trong mục này, chúng ta sẽ chính xác hoá quá trình xây dựng mô hình và sử dụng mô hình trong phân tích và dự báo kinh tế.
Quy trình xây dựng và sử dụng mô hình kinh tế lượng hết sức phức tạp và gồm nhiều bước khác nhau. Đối với mục tiêu xây dựng nhanh một mô hình ở nước ta, về đại thể, cần phải tiến hành 5 giai đoạn:
         1- Hình thành quan niệm: mô tả và phân tích đối tượng cần mô hình hoá bằng những lời văn.
         2- Xây dựng mô hình lý thuyết: Các phương trình lý thuyết.
         3- Thu thập và sử lý sơ bộ các số liệu.
         4- Ước lượng các phương trình bằng kỹ thuật kinh tế lượng.
         5- Đánh giá, kiểm tra chất lượng mô hình: Sử dụng kỹ thuật mô phỏng ex-post.
         6- Sử dụng mô hình để phân tích, dự báo: Sử dụng kỹ thuật mô phỏng ex-ante.
            Dưới đây là nội dung các giai đoạn trên và một số kinh nghiệm thu được khi xây dựng các mô hình cho nền kinh tế nước ta.
1) Hình thành cơ sở lý thuyết:
Đây là nền tảng lý luận để thiết kế mô hình vì bản chất của mô hình là diễn đạt lại dưới dạng các phương trình toán học một quan điểm kinh tế của người làm mô hình. Một số nội dung cần làm là:
- Hình dung mục tiêu của mô hình cần xây dựng: Để phân tích hay dự báo. Trong thực tế, có những mô hình dùng để phân tích thì tốt, nhưng để dự báo thì lại không tốt, và ngược lại.
Mô hình phân tích chỉ cần mô tả đúng thực tế; ví dụ trước đây chúng ta theo thuyết thay thế nhập khẩu thì mô hình đưa ra quan hệ xuất để nhập, mặc dù gần đây đã chuyển sang quan điểm nhập để xuất.
Mô hình dự báo phải xét đến những nhân tố ảnh hưởng trong tương lai, những xu thế quá khứ có thể sẽ mất đi trong khi những xu thế mới đã hình thành gần đây sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới...
            Ví dụ mục tiêu của mô hình là: Liệu có thể đảm bảo cân bằng ngân sách trong tình hình kinh tế hiện nay không ? Bối cảnh hiện nay là sản xuất đang phục hồi, nhưng giá cả trì trệ và xuất khẩu có nguy cơ tăng rất thấp...
- Khoanh phạm vi vấn đề thành hệ thống và môi trường: Các yếu tố trong hệ thống trở thành biến nội sinh, còn các yếu tố môi trường trở thành biến ngoại sinh. Từ đây, hình thành các khối liên quan đến mục tiêu nêu trên.
Vì thu, chi và bù đắp thâm hụt ngân sách có liên quan chặt chẽ tới sản xuất, tài chính, tiền tệ, giá cả, ngoại thương... nên khi xây dựng mô hình khoảng 20 phương trình trở lên để phân tích vấn đề ngân sách thì phải tính đến các khối: Tiền tệ, tài chính ngân sách, giá cả và tiền lương, xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế.
- Phân tích quan hệ giữa các yếu tố trong mô hình, gồm quan hệ giữa các biến nội sinh thuộc hệ thống nghiên cứu và quan hệ giữa các biến nội sinh với môi trường (tức là với các biến ngoại sinh). Tiếp đó, diễn đạt bằng lời một cách tổng quát và chính xác những quan hệ kinh tế chủ yếu qua một loạt các quan hệ nhân quả. Xem những nhân tố nào ảnh hưởng tới thu chi ngân sách và những nhân tố ảnh hưởng tới những nhân tố trên. Cuối cùng hình thành một cơ sở lý luận cho mô hình.
            Trong giai đoạn này, vai trò của các lý thuyết kinh tế là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia xây dựng mô hình phải nắm vững các lý thuyết kinh tế, đối chiếu với thực trạng kinh tế nước ta để xem lý thuyết nào giải thích tốt nhất bản chất tiến trình phát triển của kinh tế nước ta, rồi dùng chính lý thuyết đó để hình thành quan điểm lý luận cho mô hình. Điều này giống như một bác sĩ (chính phủ) chữa cho người bệnh (một nền kinh tế). Khi người bệnh ốm, đến khám, bác sĩ sẽ liệt kê trong đầu triệu chứng của tất cả các loại bệnh (các lý thuyết kinh tế) và nghe bệnh nhân trình bày tình hình sức khoẻ (thực trạng kinh tế) để so sánh, sau đó rút ra kết luận bệnh nhân bị bệnh gì. Khi đã xác định được bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một số loại thuốc trị (chính sách kinh tế) theo chỉ dẫn trong sách về bệnh đó (lý thuyết kinh tế đó) để chữa loại bệnh đó.
            Do vậy, để diễn đạt được bằng lời những quan hệ kinh tế chủ yếu qua một loạt các quan hệ nhân quả, cần có kiến thức tốt về các lý thuyết kinh tế, đồng thời áp dụng chúng để phân tích đúng bản chất hiện tượng kinh tế cần phân tích, dự báo.
Mặt khác, đây cũng là giai đoạn các phân tích kinh tế thực tiễn có vai trò rất quan trọng vì phải hiểu đúng bản chất của nền kinh tế thì mới biết nó đang hoạt động theo tổng kết, đánh giá của lý thuyết kinh tế nào, và có gì khác so với lý thuyết để điều chỉnh.
            2) Xây dựng mô hình lý thuyết:
            Giai đoạn này bao gồm việc xác định tập hợp các yếu tố của mô hình, xây dựng cấu trúc mô hình và hệ thống các phương trình cơ bản. Những nội dung phải làm rõ là:
-        Mô hình gồm mấy khối, đâu là khối trung tâm ?
-        Các cân bằng cơ bản là gì ?
-        Một số quan hệ nhân quả chính trong mô hình ?
-        Các phương trình cụ thể với một số dạng hàm: cân đối kế toán và phương trình hành vi...
-        Danh sách các biến nội sinh, ngoại sinh, trong đó có phân chia thành biến chính sách và biến không điều khiển được.
-        Các giả thiết về hệ số của từng phương trình.
Nội dung 1 và 2 là cần thiết để luôn luôn đặt những vấn đề mục tiêu làm tiêu điểm trong thiết kế mô hình. Trên thực tế, nhiều khi quá mở rộng các khối phụ của mô hình trong khi khối chính lại ít được chú ý.
          Các nội dung 3 và 4 là nhằm đảm bảo có được một bộ các phương trình tạo thành một thể thống nhất. Nội dung cuối cùng đặc biệt quan trọng để đảm bảo ý nghĩa kinh tế của từng biến trong mô hình. Ví dụ chúng ta có một hàm đầu tư với lãi suất cho vay là một trong các biến giải thích. Rõ ràng khi đó dấu của hệ số của biến lãi suất phải âm vì khi lãi suất cho vay giảm thì đầu tư tăng và ngược lại.
            Chú ý đặc biệt tới các vòng xoáy trong mô hình.
            3) Tổ chức cơ sở dữ liệu
            Trong giai đoạn này, cần tìm kiếm và sử lý sơ bộ các số liệu cần thiết để xây dựng mô hình thực nghiệm.
            Một số công đoạn cần làm trong giai đoạn này là:
            Tìm kiếm và phân loại chi tiết theo mục tiêu yêu cầu của mô hình;
-        Chọn hệ phần mềm ứng dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu (cả trăm chỉ tiêu);
-        Xử lý sơ bộ các số liệu cho phù hợp với yêu cầu của mô hình: Thay đổi chuỗi theo quý, năm để phù hợp với xây dựng mô hình quý, năm; thay đổi danh mục chỉ tiêu như tính chỉ tiêu mới gộp hơn hoặc chi tiết hơn;
-        Hoàn chỉnh các chuỗi số liệu (chữa sai số, chữa thông tin tạm thời thành thông tin chính thức, cập nhật thông tin...);
-        Xoá các chuỗi số đã trở nên không cần thiết (để tiết kiệm chỗ, để tìm thông tin cần thiết nhanh hơn;
-        Và những việc phát sinh khác.
a) Vai trò của số liệu:
Số liệu có vai trò quyết định tới việc xây dựng các mô hình kinh tế lượng; không có số liệu thì không thể ước lượng được mô hình. Hơn nữa, khác với phân tích kinh tế thông thường, số liệu dùng để ước lượng mô hình phải là chuỗi số nhiều năm, tháng... Do đó, nếu muốn trở thành nhà kinh tế lượng ứng dụng thì phải tập thói quen thu thập số liệu theo chuỗi dài hạn.
Việc thu thập số liệu được thực hiện ngay trong quá trình hình thành mô hình lý thuyết để xem có thể có các loại số liệu gì để thiết kế mô hình cho gần với thực tế.
b) Kiểu số liệu:
Khi xây dựng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô, thường phải thu thập đồng thời các số liệu quá khứ và các số liệu tương lai (số dự báo của các chuyên gia, số dự báo qua các mô hình khác...) để dùng làm đầu vào dự báo các biến nội sinh hoặc để so sánh, đối chiếu kết quả dự báo qua mô hình với ý kiến chuyên gia.
Các kiểu số liệu phổ biến phải thu thập khi xây dựng các mô hình dự báo vĩ mô là:
- Các chỉ tiêu thuộc hệ thống tài khoản quốc gia theo giá cố định và giá hiện hành (lấy từ Niên giám Thống kê);
- Các chỉ tiêu về giá cả, gồm giá tiêu dùng và các thành phần, giá xuất và giá nhập khẩu và các thành phần, giá các thành phần của GDP, tiền lương, giá thành sản xuất chung một số ngành... (lấy từ Niên giám Thống kê và tính toán suy dẫn);
- Số liệu chi tiết cho một số ngành và thành phần kinh tế (Tổng cục Thống kê);
- Số liệu tài chính (lấy từ Bộ Tài chính và các Tổ chức tài chính quốc tế);
- Số liệu tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế (lấy từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và từ các Tổ chức tài chính quốc tế);
- Số liệu lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập (lấy từ Bộ Lao động, thương binh xã hội và Tổng cục Thống kê);
- Số liệu về đầu tư chung và đầu tư của các ngành, các thành phần kinh tế (lấy từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê);
- Số liệu về nội thương và ngoại thương (lấy từ Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê);
- Số liệu về tình hình kinh tế thế giới và các bạn hàng chính (lấy từ các Tổ chức tài chính quốc tế);
- Số liệu về cán cân thanh toán quốc tế (lấy từ Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tài chính quốc tế);
- Số liệu điều tra về nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, tiêu dùng của các hộ gia đình, tỷ lệ sử dụng khả năng sản xuất...
....
Đối với các mô hình kinh tế lượng vi mô, số liệu thường được lấy qua các điều tra chọn mẫu, thí dụ điều tra hộ gia đình, doanh nghiệp... với chuỗi số được thực hiện tại 1 thời điểm (panel hay cross-countries).
Ví dụ mô hình thuế vi mô sử dụng số liệu rút ra từ điều tra thu nhập của các loại doanh nghiệp và từ điều tra thu nhập của các hộ gia đình.
Như vậy nguồn thông tin chủ yếu vẫn từ các báo cáo của Tổng cục Thống kê, cơ quan thống kê chính thức của Nhà nước.
Đối với các thông tin dự báo trong nước, hiện nay chủ yếu thu thập qua ý kiến chuyên gia vì số cơ quan thực hiện các nghiên cứu dự báo quá ít, nếu không nói là hầu như không có.
 Thông tin nước ngoài thường khá phong phú, được lưu trong các files trên máy tính, trên mạng internet hoặc trong đĩa CO-Rom. Do đó có thể khai thác dễ dàng và copy trực tiếp chứ không cần đánh máy lại. Khó khăn lớn nhất thường là cách format và phần mềm viết các files của nước ngoài có thể khác ta; khi đó cần dịch về ngôn ngữ phần mềm ta đang dùng (EXCEL, EVIEWS,...) để khai thác.
Việc thu thập, sử lý số liệu rất phức tạp và công phu, song rất cần thiết; cần kiên nhẫn đối với công đoạn này. Đặc biệt, cần rất cẩn thận khi thu thập và nhập số liệu vào máy tính để làm 1 lần là xong; hạn chế tối đa các nhầm lẫn vì sau đó kiểm tra phát hiện chỗ nhầm lẫn rất vất vả.
c) Tổ chức các cơ sở dữ liệu:
Sau khi đã thu thập được số liệu, bước tiếp theo không kém phần vất vả là xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển số liệu trên giấy vào cơ sở dữ liệu trên máy tính. Một số chú ý là:
- Chỉ đưa vào cơ sở dữ liệu thông tin để xây dựng mô hình; tránh đưa nhiều vì rất rườm rà, khó nhớ. Nếu cần thêm thì bổ sung. Thỉnh thoảng nên rà soát để loại bỏ những số liệu không cần nữa, nhất là những số liệu tính toán dẫn xuất, các tính toán trung gian.
Nếu cần lưu nhiều thì xây dựng một cơ sở dữ liệu chuyên sâu và tích hợp, rồi trích dẫn ra các số liệu cần đưa vào cơ sở liệu mô hình.
- Người lập mô hình phải hoàn toàn làm chủ bộ số liệu của mình, đồng thời phải thường xuyên cập nhật các thông tin, số liệu đó.
- Cần hết sức cẩn thận khi đưa số liệu vào máy tính vì số rất nhiều, nếu nhầm lẫn thì sau này kiểm tra rất mệt. Phương châm là làm 1 lần nhưng chắc chắn đúng; thà chậm còn hơn sai sót.
Trong hai cách lưu số liệu (đưa tất cả vào mô hình và chỉ đưa những số liệu cần) , người ta thường chọn cách thứ hai cho mô hình đỡ kồng kềnh.
d) Xử lý sơ bộ một số chuỗi số liệu
Thông thường các chuỗi số liệu thu được chưa thể thoả mãn ngay nhu cầu của người lập mô hình; ví dụ ta có số liệu tỷ lệ lạm phát qua các năm, nhưng cái ta cần lại là mặt bằng giá qua các năm để nhân với tổng quỹ tiêu dùng theo giá cố định để có tổng quỹ tiêu dùng theo giá hiện hành. Trong những trường hợp này, cần phải xử lý sơ bộ các chuỗi để có chuỗi số cần thiết. Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề nảy sinh khi xử lý số liệu mà dưới đây là một số trường hợp đơn giản:
- Thay đổi tính thời gian của số liệu:
Khi xây dựng mô hình năm hoặc mô hình quý thì phải cố gắng thu thập số liệu năm hoặc số liệu quý tương ứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không thực hiện được như vậy; khi đó sẽ phải ước lượng các chuỗi số cần thiết từ các chuỗi đã có. Thông thường có hai việc phải làm là gộp và tách các số liệu; công đoạn này nên được thực hiện ngay trong cơ sở dữ liệu của mô hình:
+ Gộp số liệu:
(1) Chuyển số liệu quý thành năm, tháng thành quý... đối với các chuỗi số mà có giá trị là số làm ra thêm trong kỳ. Ví dụ chúng ta có số liệu sản xuất hoặc thu ngân sách thực hiện trong các quý, cần gộp lại thành năm; khi đó chúng ta thực hiện phép tính:




Trong đó Xt và Xt, i lần lượt là số liệu cả kỳ và số liệu của thời điểm i trong kỳ; n là tổng số thời điểm trong kỳ.





(2) Nếu chuỗi số cần lấy được xác định theo mức trung bình của năm, ví dụ tỷ lệ thất nghiệp hay số người thất nghiệp trung bình trong năm, thì làm như sau:



(3) Nếu chuỗi số cần lấy được xác định theo điểm đầu, điểm cuối hoặc 1 điểm nào đó của năm thì làm như sau:
Ngày đầu năm (ví dụ tài sản cố định được điều tra vào các ngày 1/1 hàng năm): 
           Xt  =  Xt, 1
Ngày cuối của năm (ví dụ tổng phương tiện thanh toán được tính vào ngày 31/12 của năm:
           Xt  =  Xt, n
Hoặc vào một ngày trong năm (ví dụ dân số của năm là dân số tính cho thời điểm 1/7 hàng năm:
           Xt  =  Xt, 6
+ Tách số liệu:
Trong trường hợp phải phân rã số liệu năm thành quý và tháng, phương pháp chung là lấy xấp xỉ, cụ thể như sau:
(1) Chia giá trị năm cho số thời kỳ trong năm đối với những chỉ tiêu mà các chuỗi số có giá trị là số làm ra thêm trong kỳ (flux):




(2) Phân bổ đều cho các kỳ theo xu hướng tiến triển trung bình của nó. Ví dụ tổng cung tiền tệ năm 2003 được xác định vào ngày 31/12/2003 nên được phân bổ cho các tháng, quý trong năm như sau:
                                               Xt, i = Xt-1  + (i/n) (Xt - Xt-1)
trong đó Xt-1 là tổng cung tiền tệ vào ngày 31/12/2002, n là số kỳ.




            Tương tự như trên, song có thể lấy theo trung bình nhân:


Lưu ý: KHi gộp hoặc tách số liệu, phải luôn luôn đảm bảo có sự khớp nhau giữacác biến, nhất là trong các quan hệ cân đối. Ví dụ khi biết GDP theo quý, song không biết cụ thể GDP của các ngành trong quý, thì sau khi tách GDP các ngành theo quý, phải đảm bảo tổng GDP các ngành theo quý phải bằng GDP toàn nền kinh tế theo quý.
- Nhóm, tách các số liệu theo cơ cấu khác nhau:
Số liệu thu thập được nhiều khi không phù hợp với nhu cầu của người lập mô hình về thành phần, do đó thường phải tách hay nhóm các số liệu trước khi xây dựng mô hình. Ví dụ:
+ Tách, gộp các tác nhân kinh tế: Các loại gia đình theo thu nhập, theo nghề nghiệp, theo quy mô nhân khẩu...; các loại doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, quy mô vốn hoặc lao động, lỗ hay lãi, theo khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân, FDI...
+ Tách, gộp các đơn vị kinh tế: Từ tỉnh thành vùng và cả nước...
+ Tách, gộp các nhóm sản phẩm: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các thành phần chi tiết của chúng;
+ Tách, gộp nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chính: Chia nhỏ tiêu dùng của các hộ gia đình theo loại sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, lương thực, đồ uống, may mặc...
- Xác định các chuỗi số trung gian cần thiết trong mô hình:
Thực tế cho thấy có một số biến cần đưa vào mô hình nhưng lại không có sẵn, tuy nhiên vẫn có thể tính ra từ các chỉ tiêu có sẵn trong cơ sở dữ liệu của mô hình. Các chỉ tiêu thông thường cần tính thêm là:
+ Tỷ lệ tăng trưởng GDP, được tính từ chuỗi GDP theo giá cố định đã có;
+ Tỷ lệ lạm phát, được tính từ chỉ số giá.
+ Tỷ lệ sử dụng khả năng sản xuất, tính từ kết quả sản xuất thực tế và tiềm năng.
+ Tỷ lệ thâm hụt ngân sách...
e) Cập nhật số liệu:
Sau khi đã có 1 bộ số liệu cần thiết cho mô hình, hoặc đã có mô hình với cơ sở dữ liệu của riêng nó, để sử dụng lâu dài bộ số liệu này, cần thường xuyên cập nhật chúng. Một số việc cần làm thường xuyên là:
- Chữa lại các số nếu có các thông tin mới được công bố (ví dụ TCTK điều chỉnh lại toàn bộ chuỗi số về dân số, lao động, vốn đầu tư... trong năm 2002) hoặc định nghĩa chuỗi thay đổi (ví dụ tỷ lệ hộ nghèo thay đổi do đặt ra tiêu chí mới)...
- Cập nhật thông tin theo số mới có; ví dụ tháng 4 là dịp cập nhật lại thông tin năm trước.
- Bổ sung 1 số chuỗi mới theo yêu cầu mới đặt ra đối với mô hình; ví dụ hiện nay lãnh đạo và công chúng đang quan tâm tới ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế tới nền kinh tế nước ta; vậy phải bổ sung khối này vào mô hình... Do đó cần bổ sung số liệu.
Sau khi sửa chữa, cập nhật và bổ sung thêm số liệu, cần chạy lại mô hình để sửa chữa, bổ sung. Vì khối lượng công việc cần làm rất lớn nên trong thực tế thường không có thời gian làm thường xuyên mà chỉ hạn chế trong 1- 2 lần; thông thường vào tháng 10 và tháng 4 hàng năm. Sau khi có mô hình, nên thực hiện các dự báo ngắn hạn 1-3 năm tới.
Tổ chức LINK, Liên hợp quốc tổ chức dự báo 2 lần trong năm, vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm. Ngoài ra, có chạy mô hình dự báo bổ sung khi có phát sinh sự kiện lớn và hậu quả có thể kéo dài như chiến tranh IRắc, giá dầu tăng quá mạnh, khủng hoảng tiền tệ châu á...
f) Loại bỏ các chuỗi số liệu không cần nữa:
Bên cạnh việc cập nhật số liệu, cũng cần phải loại bỏ định kỳ khỏi cơ sở dữ liệu của mô hình các số liệu đã không còn cần thiết nữa, điều này cho phép:
- Đơn giản hoá file số liệu của mô hình, làm việc theo dõi, làm chủ mô hình, số liệu tốt hơn.
- Tiết kiệm chỗ trong máy tính và cơ sở dữ liệu của mô hình;
- Việc nghiên cứu, tìm kiếm nhanh hơn; đòi hỏi nhớ tên số liệu ít hơn;
- Cơ sở dữ liệu khớp với mô hình hơn.
Thực tế, nhiều mô hình không còn khớp với cơ sở dữ liệu của nó vì có nhiều chuỗi lâu ngày không dùng nhưng không được xoá, dẫn tới không còn nhớ đó là chuỗi gì, cách xây dựng thế nào, có được xoá không...; do đó người sử dụng không dâm xoá.
Cách làm tương đối đơn giản: Chỉ cần tìm những chuỗi không cần nữa và xoá đi. Tuy nhiên, trước khi xoá phải hết sức lưu ý không xoá nhầm chuỗi sẽ còn được dùng. Đối với những chuỗi gốc, cần lưu vào cơ sở dữ liệu chung và in ra giấy lưu trữ trước khi xoá.
g) Điền thông tin cụ thể về các chuỗi:
Việc điền thong tin các chuỗi rất quan trọng để sau này còn biết đó là chuỗi gì, cách tính, tìm ra sao... Tuy nhiên, do công đoạn này tốn nhiều công sức và người làm mô hình ở ta thường không chuyên nghiệp nên thâý không cần, do đó hay bỏ qua.
Một số thông tin cần điền vào các chuỗi là:
- Định nghĩa chuỗi số: Định nghĩa  ngắn để đưa vào các bảng, biểu; định nghĩa chi tiết để hiểu đúng bản chất chuỗi số. Ví dụ đối với chuỗi tỷ giá:
+ Tên: TYGIA
+ Ngắn: Tỷ giá




+ Dài: "Chỉ số tỷ giá, bằng 100% vào năm 19945; đo tiến triển của tỷ giá danh nghĩa giữa đồng tiền Việt Nam và 1 giỏ ngoại tệ, lấy trung bình trọng số theo tỷ trọng kim ngạch xuất và nhập khẩu với 18 nước bạn hàng quan trọng nhất".



- Công thức tính:
            trong đó TYGIAi là chỉ số tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ i; Si là trung bình trọng số được tính theo công thức sau:




- Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê (Vụ thương mại) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ quản lý ngoại hối).


- Ngày cập nhật: 1/6/2004.
- Chất lượng quan sát:
+ Số 1976-2002: Chính thức;
+ Số 2003: Sơ bộ;
+ Số 2004: Ước tính;
+ Số 2005-2006: Dự báo của CIEM...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét