Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

(1) Kỹ thuật xây dựng, sử dụng mô hình kinh tế lượng

Bài giảng của tôi về kỹ thuật mô hình hoá:
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO KINH TẾ VĨ MÔ
Phân tích và dự báo tiến triển của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trung tâm của các chính phủ trong thời đại ngày nay. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng còn cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của các chính phủ trong các nền kinh tế thị trường. Chính thông qua công tác này, các chính phủ có thể theo dõi sát sao tình hình kinh tế, hiểu rõ cơ chế hoạt động và những mối quan hệ nội tại bên trong mỗi nền kinh tế, từ đó dự báo được những khả năng phát triển của nó và đề xuất được những chính sách kinh tế ngắn hạn có hiệu quả hướng kinh tế phát triển phù hợp với tiềm năng và đáp ứng theo các mục tiêu của chính phủ.
Vì vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đất nước ta càng đổi mới, cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế càng phát triển thì vai trò của công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô ngày càng tăng. Nhu cầu có các thông tin phân tích và dự báo tốt không chỉ được đặt ra ở các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước mà còn ở mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp để họ có thể tự điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với tình hình chung của đất nước.
Để phân tích và dự báo kinh tế có cơ sở khoa học, xu hướng hiện nay là phải sử dụng những công cụ hiện đại của quản lý kinh tế trong cơ chế kinh tế thị trường, trong đó phân tích kinh tế định lượng và sử dụng các mô hình kinh tế lượng là những công cụ rất có hiệu quả, đã và đang được sử dụng rộng rãi tại phần lớn các nước trên thế giới.
Mặc dù công cụ mô hình hoá kinh tế đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng ở nước ta việc sử dụng công cụ này vẫn rất kém phát triển; số người nắm vững môn khoa học này còn chưa nhiều; việc sử dụng nó trong phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô lại càng hiếm. Nhìn chung, có thể nói môn khoa học vẫn khá xa lạ với các nhà lãnh đạo và quản lý kinh tế nước ta. Chính vì vậy, việc trình bày môn khoa học này dưới dạng phổ thông là rất cần thiết, trước hết là để tăng thêm nhận thức cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế.
Mục tiêu của giáo trình này là trình bày một cách đơn giản nhất những vấn đề cơ bản trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế lượng phục vụ công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô. Vì đối tượng sử dụng tài liệu là những người đã được trang bị kiến thức về kinh tế lượng nên giáo trình này không trình bày lại các kỹ thuật kinh tế lượng mà đi thẳng vào các kỹ thuật mô hình hoá, tức là xây dựng và sử dụng mô hình kinh tế lượng gồm nhiều phương trình.
Cơ cấu của giáo trình này gồm 4 chương. Chương 1 sẽ tóm tắt một số nét chính về quá trình phát triển của bộ môn mô hình hoá kinh tế trên thế giới và ở nước ta.
CHƯƠNG I
TIẾN TRIỂN CỦA CÔNG TÁC MÔ HÌNH HOÁ KINH TẾ LƯỢNG
I- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MÔN MÔ HÌNH HOÁ KINH TẾ TRÊN THẾ GIỚI
Sau khi xuất hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1936, mô hình hoá kinh tế đã nhanh chóng được công nhận là một công cụ lợi hại trong phân tích và dự báo kinh tế, do vậy tốc độ phát triển của nó tương đối nhanh. Đến cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, khi lý thuyết hệ thống hình thành và nhất là từ năm 1965 khi Tổng thống Mỹ Jhonson ra lệnh tất cả các chính sách, quyết định điều hành trong hệ thống hành pháp của Mỹ phải được xây dựng và chuẩn bị dựa lý thuyết hệ thống, trong đó mô hình hoá là công cụ trung tâm, thì có thể nói hầu như không có quốc gia nào không bắt tay vào xây dựng các mô hình kinh tế lượng để phục vụ công tác phân tích và dự báo kinh tế.
Giai đoạn 1: Mô hình kinh tế lượng hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới được xây dựng năm 1936 cho nền kinh tế Hà lan. Mô hình do Tinbergen xây dựng này bao gồm 24 phương trình với 24 biến nội sinh và 5 biến ngoại sinh. Đây là lần đầu tiên có một người quy một tổng thể rất phức tạp (nền kinh tế) bằng một số công thức đơn giản. Mô hình của Tinbergen cũng là mô hình đầu tiên mang tính hệ thống, được nhận dạng và được số hoá.
Mục tiêu của mô hình là nhằm trả lời câu hỏi rất cụ thể: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn, liệu có thể phục hồi kinh tế Hà lan, nhưng không làm tổn hại đến cán cân thương mại được không ? Ngầm ý ở đây là có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút và không cần tăng nhập khẩu. Câu trả lời rút ra từ mô hình là được.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế lượng đầu tiên trên thế giới có rất nhiều điểm yếu, trong đó nổi bật là: 1) các phương trình hoàn toàn tuyến tính (vì kỹ thuật tính toán lúc đó còn rất sơ khai); 2) Chưa có cơ sở lý thuyết nằm ẩn phía sau (vì các lý thuyết kinh tế chưa phát triển); và 3) Các hệ số được áp đặt dựa trên tính toán thô chứ chưa dựa trên kỹ thuật kinh tế lượng (vĩ kỹ thuật kinh tế lượng chưa phát triển).
Giai đoạn 2: Sau mô hình Tinbergen, xuất hiện trào lưu thứ nhất về xây dựng mô hình, kéo dài đến giữa những năm 50, kết thúc bằng sự xuất hiện của mô hình Klein-Goldberger xây dựng năm 1955 cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng chưa có những thay đổi về chất trong quá trình mô hình hoá. Một số tiến bộ của mô hình trong giai đoạn này là:
- Cụ thể hoá và mô tả học thuyết Keynes dưới dạng các sơ đồ và công thức toán học, do đó có thể sử dụng trực tiếp để nhân dạng và xây dựng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô.
- Phát triển một số kỹ thuật kinh tế lượng cơ bản để ước lượng các phương trình trong mô hình.
- Bắt đầu thử nghiệm sử dụng máy tính điện tử trong việc giải các mô hình kinh tế lượng. Trường đại học Pennsylvania là nơi đầu tiên sử dụng máy tính điện tử (máy Eniac) để giải các mô hình kinh tế lượng vào năm 1946.
Trong giai đoạn này, người ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các học thuyết kinh tế (xuất hiện những nhà kinh tế hậu Keynes, các nhà kinh tế tân cổ điển, ttrường phái trọng tiền của M. Frieman...), sự ra đời của máy tính điện tử và sự hình thành khoa học phân tích hệ thống (lý thuyết hệ thống). Chính vì có những tiền đề này mà các mô hình xây dựng trong giai đoạn này đã trở nên phức tạp hơn, đã có cơ sở lý thuyết hơn. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh (hệ thống XHCN, Nhật Bản, Pháp, Đức...) khi chú trọng tác động trực tiếp tới khâu sản xuất  nên các mô hình đều tăng cường vai trò của khu vực thực (trước đây thường nhấn mạnh vài trò của khu vực tài chính). Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn thủ công, chỉ do một hoặc một vài tác giả làm.
Đặc biệt, trong giai đoạn này đã có sự hợp nhất đầu tiên của nhiều mô hình khác nhau tạo thành một mô hình lớn có giá trị sử dụng cao. Lawrence Klein (1950) đã xây dựng 3 mô hình cho nền kinh tế Mỹ đều theo tiếp cận Keynes với kích thước bé (mô hình lớn nhất là mô hình thứ 3 với 12 phương trình hành vi, 4 phương trình kế toán), sau đó phối hợp với mô hình của Arthur S. Goldberger để tạo thành một mô hình rất quan trọng trong lịch sử mô hình hoá kinh tế lượng vĩ mô, đó là mô hình Klein-Goldberger.
Tính quan trọng của mô hình trước hết được thể hiện ở cấu trúc hết sức đa dạng của nó. Mô hình không chỉ gồm khối Keynes thực mà lần đầu tiên đã đưa vào các phương trình thuộc khối giá, lương và tiền tệ, tức là ngoài nhân tử đầu tư, còn xuất hiện cả nhân tử tiền tệ.  Do tính bao quát của nó, rất nghiều mô hình được xây dựng sau này đã được xem như là hậu duệ của mô hình này.
Đặc biệt, so với mô hình của Tinbergen, mô hình Klein-Goldberger đã đưa vào một số phương trình phi tuyến (phương trình xác định tổng tiền lương thực tế bằng tích của thời gian lao động với định mức lương và số lao động; phương trình xác định số thuế người nông dân phải nộp ngân sách).
Đặc trưng thứ hai của mô hình này là tính vững chắc về kết cấu. Rất nhiều nghiên cứu đặc trưng của mô hình này đã được thực hiện và nhanh chóng trở thành những ví dụ kinh điển về phân tích các mô hình. Cũng nhờ mô hình này, các phương pháp phân tích mô hình đã được phát triển mạnh.
Cuối cùng, mô hình có rất nhiều đặc điểm thú vị xét về mặt sư phạm. Cấu trúc theo học thuyết Keynes của nó rất cổ điển và cực kỳ dễ hiểu; do đó so với các mô hình khác, nó làm cho người đọc hiểu ngay những vấn đề cơ bản của lý thuyết kinh tế vĩ mô.
Mặc dù có bước tiến nhảy vọt, song so với những tiêu chuẩn đầu những năm 70 đến nay thì chất lượng mô hình Klein-Goldberger còn kém. Sai số mô phỏng không tích luỹ (mô phỏng tĩnh) khá lớn, trong đó có nhiều biến có sai số âm kéo dài; đây là điều khó chấp nhận trong các mô hình hiện đại.
Giai đoạn 3: Giai đoạn này bắt đầu từ khi kết thúc mô hình Klein-Goldberger và kéo dài đến cuối những năm 60 khi xuất hiện mô hình Brookings. Một số mô hình đã được xây dựng trong giai đoạn này là: Valvanis (mô hình năm dài hạn của Mỹ, 20 phương trình, xây dựng năm 1955), Duesenberry (mô hình quý của Mỹ, 28 phương trình, xây dựng năm 1960), Suits (mô hình năm của Mỹ, 33 phương trình, xây dựng năm 1962), Klein - Popkin (mô hình quý của Mỹ, 37 phương trình, xây dựng năm 1961), Fromm (mô hình quý của Mỹ, 33 phương trình, xây dựng năm 1962), Liu (mô hình quý của Mỹ, 34 phương trình, xây dựng năm 1963), Brookings - SSRC (mô hình quý của Mỹ, 272 phương trình, xây dựng năm 1965-1975)...
Những đặc trưng cơ bản của công tác mô hình hoá trong giai đoạn này là:
- Kích thước của các mô hình tăng lên rất chậm; nếu so với các mô hình hiện nay thì quy mô của các mô hình lúc đó thuộc loại nhỏ (mô hình nhỏ). Mô hình vẫn do một hoặc một vài cá nhân từ nghiên cứu xây dựng một cách thủ công.
- Xu hướng phát triển các mô hình quý để hỗ trợ sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế.
- Xu hướng mở rộng khối thực, nhất là các thành phần của cầu, trong khi giảm vai trò của khối tiền tệ, giá cả. Một số mô hình hoàn toàn không có khối tài chính, một số khác không có phương trình giá.
Việc nhận dạng vòng xoáy Keynes thực (nhân tử tiêu dùng - tăng trưởng) cũng đã được cải tiến theo hướng: cầu -----> sản xuất -----> thu nhập -----> cầu... Tiếp cận mới này hoàn toàn phù hợp với tính chất ôn hoà của lạm phát lúc đó và sự quan tâm gần như tuyệt đối của các nhà hoạch định chính sách lúc đó với điều chỉnh các thành phần của cầu trong học thuyết hậu Keynes.
Mô hình Brookings xuất hiện lần đầu tiên năm 1965 đã thổi một luồng sinh khí mới vào trào lưu mô hình hoá. Riêng việc số phương trình của mô hình tăng vọt tới 272 phương trình đã là một sự kiện lớn trong làng mô hình hoá. Để xây dựng mô hình này, ngay từ năm 1960-1961, Viện Brookings đã chủ trì một dự án xây dựng mô hình quy mô lớn, tập hợp những chuyên gia giỏi nhất trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời các phương tiện tính toán cũng có bước phát triển mạnh cho phép có thể giải được mô hình này. Nhờ vậy, mô hình Brookings được đánh giá là có bước tiến quan trọng so với các mô hình khác, và thực sự nó đã mở đầu cho trào lưu xây dựng các mô hình lớn.
Tuy nhiên, với quan điểm xem xét mô hình là một hệ thống, nhiều nghiên cứu đã đánh giá mô hình Brookings là một thất bại vì nó chỉ là một phép cộng nhiều yếu tố khác nhau trong nền kinh tế, thiếu các quan hệ tương hỗ liên ngành, liên lĩnh vực. Do đó độ tin cậy của các thông tin phân tích, dự báo rút ra từ mô hình rất kém, và thực tế, việc sử dụng nó cực kỳ hạn chế.
Chính từ thất bại của mô hình Brookings, các nhà mô hình hoá đã rút ra hai bài học quan trọng sau:
Một là, trong quá trình xây dựng mô hình phải luôn luôn nhớ mô hình là một thể thống nhất gồm nhiều thành phần; không thể xem mô hình là sự lắp ráp đơn giản nhiều thành phần đơn lẻ với nhau. Đặc biệt cần chú ý tới các vòng xoáy, các tác động ngược chiều trong mô hình.
Hai là, cần hết sức cẩn trọng khi tạo ra những mô hình khác xa so với các mô hình đang tồn tại hoặc xu hướng xây dựng mô hình tại thời điểm nghiên cứu.
Giai đoạn 4: Giai đoạn bốn của quá trình phát triển kỹ thuật mô hình hoá bắt đầu từ cuối những năm 60 và kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Bốn đặc trưng của mô hình hoá trong giai đoạn này là:
- Tầm quan trọng của mô hình hoá được công nhận rộng rãi, tốc độ phát triển của khoa học này ngày càng tăng lên rất nhanh;
- Kích thước của mô hình ngày càng lớn, quy mô ngày càng mở rộng, số biến danh nghĩa tăng lên nhanh, cơ chế động xuất hiện ngày càng nhiều trong mô hình;
- Mô hình hoá trở thành một ngành công nghiệp chuyên môn hoá cao; đối với cùng một vấn đề, số mô hình xuất hiện ngày càng nhiều và kết quả thường được so sánh với nhau;
- Nhưng cũng xuất hiện nhiều quan điểm phê phán chất lượng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô, từ đó xuất hiện tâm lý nghi ngờ các kết quả rút ra từ mô hình.
Số mô hình được xây dựng trong giai đoạn này tăng lên rất nhanh. Việc xây dựng mô hình không chỉ được tiến hành tại các nước công nghiệp mà lan sang hầu hết các nước trên thế giới. Các nước XHCN bắt đầu áp dụng kỹ thuật kinh tế lượng từ cuối những năm 1960. Mô hình nổi tiếng nhất là mô hình Ukraina I của Liên xô được xây dựng vào cuối những năm 60, sửa chữa lại thành mô hình Ukraina II vào đầu những năm 70. Tuy nhiên, do đặc trưng của kinh tế XHCN, tất cả các mô hình của Liên xô cũ đều chỉ xét các quan hệ trong khu vực sản xuất vật chất, bỏ qua vai trò của khu vực tài chính tiền tệ. Ở các nước XHCN có khuynh hướng bổ sung các yếu tố của kinh tế thị trường vào cơ chế quản lý kinh tế XHCN như Hunggary, Balan... cũng đã xuất hiện một số mô hình kinh tế lượng kiểu phương Tây mặc dù vai trò của khu vực tài chính trong mô hình còn rất yếu, mang tính thử nghiệm là chính. Tuy nhiên, do phát triển theo học thuyết kế hoạch hoá tập trung nên đến cuối những năm 80, công tác mô hình hoá tại các nước XHCN cũ vẫn chưa có bước phát triển và ứng dụng đáng kể.
Số lượng các phương trình trong mô hình cũng tăng nhanh, từ một vài trăm phương trình tăng lên hàng nghìn phương trình. Xu hướng chung vẫn là phát triển các mô hình quý tại các nước công nghiệp và mô hình năm tại các nước đang phát triển.
Mô hình được xây dựng không chỉ chủ yếu dựa trên học thuyết Keynes mà đã được mở rộng theo nhiều học thuyết kinh tế khác nhau, nhất là theo quan điểm tân cổ điển và quan điểm của thuyết trọng tiền. Phần lớn các mô hình xây dựng trong giai đoạn này đều tập trung chi tiết hoá khối tài chính tiền tệ, trong đó chú ý đặc biệt tới xác định giá cả. Ví dụ mô hình DRI của Viện Wharton là mô hình năm với 718 phương trình, trong đó có 176 phương trình thuộc khối cầu, 31 phương trình xác định thu nhập, 228 phương trình xác định cung, 81 phương trình xác định giá và 202 phương trình thuộc khối tài chính - tiền tệ.
Việc tăng mạnh số biến danh nghĩa trong các mô hình kinh tế lượng giai đoạn này xuất phát từ hai nguyên nhân: (i) Do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tài chính tiền tệ và vai trò ngày càng quan trọng của nó tới phát triển và ổn định kinh tế; (ii) Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng tăng xuất phát từ những phê phán của các nhà kinh tế trọng tiền về phương thức mô hình hoá quá chật hẹp chỉ dựa theo tiếp cận Keynes.
Cơ chế động xuất hiện trong tất cả các mô hình kinh tế lượng vĩ mô, trong đó ba loại cơ chế động phổ biến là: động dự đoán (expectation), động tích luỹ (accumulation) và động điều chỉnh (ajustment).
Cơ chế động dự đoán thường mô tả dự đoán của người dân về lạm phát, về tử lệ sử dụng công suất của nền kinh tế trong tương lai. Trong cơ chế động tích luỹ, người ta tích tổng tài sản quốc gia (hay tài sản cố định, nợ quốc gia...) năm nay bằng tích luỹ từ nhiều năm trước cộng với số gia tăng trong năm. Trong cơ chế động điều chỉnh, tiêu dùng được xác định căn cứ đồng thời vào thu nhập sẵn có năm nay và năm trước trong khi đầu tư được xác định đồng thời từ sản xuất năm nay và năm trước...
Cơ chế động được đưa ngày càng nhiều vào mô hình không chỉ nhờ sự phát triển của các lý thuyết kinh tế và phương pháp luận mô hình hoá mà còn nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật kinh tế lượng và máy tính điện tử.
Tính chất công nghiệp của mô hình hoá được thể hiện ở các điểm:
- Mô hình không còn do từng cá nhân hoặc một nhóm cá nhân xây dựng, mà đều do các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc đơn vị kinh tế xây dựng; kết quả của nó được mua bán giữa người xây dựng và người có nhu cầu.
- Người ta đã tổ chức đánh giá một cách công khai và thường xuyên chất lượng các mô hình; đã phát triển các công cụ đánh giá chất lượng phân tích và dự báo của các mô hình.
- Việc xây dựng mô hình đã được đơn giản hoá, nhờ đó, nhiều người đã có thể tham gia vào quá trình xây dựng và sử dụng mô hình. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình tương đối chuẩn được công bố công khai; ví dụ hầu hết các mô hình đã xây dựng trong thời kỳ đầu của giai đoạn này đều dựa trên sơ đồ Tân Keynes đã được chuẩn hoá. Những người khác có thể tiếp tục phát triển những mô hình này theo mục đích sử dụng của mình.
Mặt khác, giá thành xây dựng các mô hình cũng đã giảm rất mạnh, nhất là với việc giá thành máy tính giảm mạnh, đồng thời đã xuất hiện nhiều loại phần mềm rất mạnh và rẻ tiền.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn bốn bắt đầu từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và kéo dài đến thời điểm hiện nay. Những đặc trưng của mô hình hoá trong giai đoạn này là:
- Kết hợp xây dựng các mô hình quy mô lớn với các mô hình chuyên ngành có quy mô nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn; phát triển mạnh các loại mô hình chuyên ngành quy mô vừa phải;
- Phát triển các loại mô hình đa quốc gia, đa khu vực và mô hình toàn cầu;
- Coi tăng trưởng nội sinh, các nhân tố tri thức, khoa học và công nghệ là trọng tâm phát triển của hệ thống kinh tế;
- Mở rộng mô hình để mô tả không chỉ khối kinh tế mà cả khối xã hội và môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.
Đáng chú ý là vào đầu giai đoạn này, sau khi khối Liên xô tan rã, kinh tế thị trường tại các nước này bùng nổ, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế lượng theo kiểu phương Tây đã phát triển rất mạnh.
Đến nay, có thể nói, công tác mô hình hoá kinh tế đã phổ cập toàn thế giới. Các mô hình ngày càng được chuẩn hoá, được hình thành và lưu trữ trong máy tính để mỗi khi chính phủ muốn phân tích tình hình kinh tế hoặc chuẩn bị áp dụng các chính sách mới thì tiến hành thử nghiệm, mô phỏng trên máy, từ đó đánh giá chính xác tình hình và lựa chọn được những giải pháp tối ưu để áp dụng trong thực tế. Đặc biệt, để thích nghi với môi trường kinh tế quốc tế liên tục biến động hiện nay, hầu hết các chính phủ đều sử dụng kỹ thuật mô hình kinh tế lượng để phân tích ảnh hưởng của môi trường quốc tế tới nền kinh tế quốc dân và trên cơ sở đó, mô phỏng và lựa chọn những đối sách cần thiết và phù hợp nhất.

II- TIẾN TRIỂN CỦA CÔNG TÁC MÔ HÌNH HOÁ KINH TẾ LƯỢNG TẠI NƯỚC TA

Kỹ thuật mô hình hoá đã du nhập vào nước ta được gần 30 năm, nhưng đến nay, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này rất còn khiêm tốn; đặc biệt, nhận thức của chúng ta về vai trò của công cụ này đến thời điểm hiện nay vẫn còn rất thấp. Do đó một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà kinh tế lượng là xây dựng được những nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng lĩnh vực này trong quản lý kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường, phát huy tác dụng đích thực của nó, từng bước đưa mô hình hoá kinh tế lượng thực sự trở thành một ngành khoa học, một công cụ hữu hiệu trong quản lý kinh tế ở nước ta. Nhìn lại những kết quả đã thu được trong quá khứ, có thể chia tiến triển của công tác mô hình hoá ở nước ta làm ba giai đoạn sau:
1)     Công tác mô hình hoá trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung (trước năm 1986)
a) Mô hình của Ban điều khiển học cho nền kinh tế Miền Bắc thời kỳ 1957-1973
Mô hình kinh tế lượng đầu tiên được xây dựng tại Ban điều khiển học thuộc Phủ Thủ tướng năm 1974-75 với mấy đặc trưng sau:
- Bắt chước hoàn toàn theo mô hình Ukraina II của Liên xô;
- Cơ sở lý thuyết rất đơn giản: quá trình tái sản xuất mở rộng XHCN;
- Là mô hình cung, tức là coi các nhân tố đầu vào là động lực của quá trình tăng trưởng kinh tế;
- Chỉ mô tả hoạt động của khu vực sản xuất vật chất, không đề cập tới khu vực phi sản xuất vật chất...;
- Là mô hình đệ quy để giải được trên máy tính Nisa thời đó (lúc đó chưa có máy tính điện tử);
- Ước lượng theo phương pháp bình phương cực tiểu;
- Chỉ tính cho nền kinh tế miền Bắc với chuỗi thời gian từ 1957 đến 1973;
- Chưa được sử dụng trong thực tế vì khi hoàn thành mô hình thì đất nước đã thống nhất.
Mô hình được ước lượng chi tiết cho 9 ngành sản xuất vật chất và một khối tổng hợp gồm những chỉ tiêu vĩ mô cơ bản nhất tạo thành quá trình tái sản xuất mở rộng.
Trong mô hình, sản xuất là hàm Cobb Douglas của vốn và lao động; ngoài ra còn biến thời gian để phản ảnh đóng góp của trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật. Đầu tư phụ thuộc vào tích luỹ toàn nền kinh tế năm trước; trong khi tích luỹ là phần tiết kiệm của thu nhập (kể cả viện trợ nước ngoài) sau khi đã tiêu dùng. Tiêu dùng toàn xã hội phụ thuộc vào quy mô dân số và chính sách tiêu dùng (chế độ tem phiếu)... Lo gíc của mô hình là: tài sản cố định, lao động ----> sản xuất ----> tiêu dùng và tích luỹ ----> vốn đầu tư ----> tài sản cố định mới tăng ----> tài sản cố định ----> sản xuất ---->...
Việc bắt chước hoàn toàn mô hình của Liên xô được đánh giá là không hợp lý vì điều kiện kinh tế, xã hội nước ta lúc đó khác hẳn tình hình ở Liên xô. Ví dụ nước ta là nước nông nghiệp, hầu như không có sản xuất công nghiệp, trong khi Liên xô là nước công nghiệp; bản thân nông nghiệp Liên xô lúc đó cũng đã được tập thể hoá và cơ giới hoá cao độ; hoặc Liên xô đang trong thời kỳ hoà bình, còn ta trong thời kỳ chiến tranh ác liệt (vì vậy nhiều người cho rằng cần xây dựng mô hình dựa theo lý thuyết kinh tế thời chiến của Peacock A. T. et Wiseman J.[1]); hoặc giá cả ở nước ta tăng nhanh trong những năm chiến tranh trong khi giá cả ở Liên xô hoàn toàn ổn định... Chính vì sử dụng mô hình không phù hợp nên trong mô hình, đã sử dụng nhiều biến giả và nhiều kỹ thuật điều chỉnh khác.
b) Mô hình của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho toàn nền kinh tế thời kỳ 1975-1983
Trong suốt thời kỳ từ năm 1976 đến 1983, có thể nói không cơ quan nào ở Việt Nam đề cập tới xây dựng các mô hình kinh tế lượng. Sau khi Ban điều khiển học bị giải tán, Chính phủ đã thành lập một số cơ quan nghiên cứu, áp dụng công cụ toán trong phân tích, dự báo kinh tế như Viện Toán kinh tế thuộc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Viện Phân vùng kinh tế trung ương thuộc Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương, Viện Khoa học tính toán và điều khiển... nhưng các viện này đều hầu như không xây dựng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô. Nguyên nhân chính là do trong thời kỳ này, đất nước mới thống nhất, số liệu kinh tế cả nước còn thiếu rất nhiều, nhiều số liệu được coi là tuyệt mật. Đặc biệt, chuỗi số liệu quá ngắn, không thể sử dụng để xây dựng mô hình kinh tế lượng.
Trong thời kỳ này, đã xuất hiện một số nhân tố có ảnh hưởng tích cực tới công tác mô hình hoá kinh tế lượng ở nước ta, như:
- Khoa học kinh tế học của sự phát triển đã phát triển cực mạnh trong thập kỷ 70 để giải thích các biến động kinh tế thế giới đang xảy ra mà học thuyết Keynes không lý giải được. Đỉnh điểm của bước phát triển này là sự hình thành học thuyết trọng tiền thuộc trường phái tân cổ điển, với Milton Friedman là đại diện tiêu biểu. Kết quả là ông đã được tặng giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1976.
Thuyết trọng tiền và tân cổ điển đã phát triển mạnh mẽ trong suốt hai thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước mà đỉnh điểm thực tiễn của nó là sự sụp đổ của hệ thống kinh tế XHCN cuối thập kỷ 80. Kinh tế thị trường và thuyết tự do đã thắng lợi tuyệt đối.
Điểm quan trọng nhất của thuyết trọng tiền và tân cổ điển là đề cao tuyệt đối vai trò của thị trường, vai trò của các quy luật kinh tế, hạn chế tới mức tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế (chức năng chính của Nhà nước không phải là làm kế hoạch mà là làm dự báo phát triển). Để xây dựng các quy luật kinh tế, thuyết này thường dựa trên kinh nghiệm thực tế, trong đó kiểm định bằng các công cụ toán học có ý nghĩa rất lớn.
Chính từ quan điểm này nên vai trò của các mô hình kinh tế lượng được nâng cao.
- Khoa học kinh tế học của sự phát triển hình thành từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước đã ngày càng hoàn thiện, trở thành một ngành khoa học thực sự, có trách nhiệm nghiên cứu, giải thích tại sao có nước giàu, nước nghèo, tại sao có nước phát triển nhanh, có nước phát triển chậm, thậm chí nghèo đi... Khoa học kinh tế học của sự phát triển dựa trên nhiều lý thuyết kinh tế khác nhau để giải thích các hiện tượng kinh tế, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong phân tích, dự báo kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng cho môn mô hình hoá, tạo thành nền tảng lý thuyết cho mỗi mô hình. Vì khoa học này có xu hướng kết hợp kinh tế với thị trường thay vì chỉ dựa trên học thuyết Keynes (đề cao vai trò của Nhà nước) nên các quan hệ kinh tế có tính bền vững hơn so với trước.
- Năm 1973, ông Trương Trọng Thi, việt kiều tại Pháp, đã phát minh ra máy vi tính cá nhân, tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, làm thay đổi nhiều mặt trong hoạt động xã hội vì từ nay, mọi cá nhân đều có thể sử dụng được máy tính chứ không phải đến các trung tâm tính toán như trước đây. Việc phổ cập máy tính cá nhân trên thế giới rõ ràng đã tạo ra những thuận lợi rất lớn cho người làm công tác mô hình hoá.
- Khoa học kinh tế lượng cũng phát triển mạnh mẽ; nhiều kỹ thuật ước lượng, xây dựng mô hình... ra đời. Hệ thống phần mềm ngày càng nhiều và đa dạng hoá... Đây là những thuận lợi lớn cho người lập mô hình.
Những tiến triển trên của thế giới đã có ảnh hưởng tới công tác mô hình hoá ở nước ta vào đầu thập kỷ 80, dẫn tới việc Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm phân tích hệ thống, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương năm 1982. Giám đốc đầu tiên của Trung tâm là Giáo sư Hoàng Tụy (GS Hoàng Tụy đồng thời cũng là Viện trưởng Viện Toán học).
Mô hình kinh tế lượng đầu tiên cho toàn nền kinh tế thống nhất được xây dựng tại Trung tâm phân tích hệ thống, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương năm 1983, công bố chính thức năm 1984. Tôi là 1 trong 3 người tham gia xây dựng. Những kết quả chính được báo cáo cho các cơ quan quản lý kinh tế (có buổi báo cáo trực tiếp với đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước) và một số kết quả được công bố trên tạp chí Thống kê số 10/1984.
Mô hình có một số đặc điểm chính sau: 1) Cũng dựa trên tư tưởng của mô hình Ukraina II và thừa kế kinh nghiệm của mô hình năm 1975; 2) Cũng chỉ mô tả hoạt động của khu vực sản xuất vật chất, nhưng quy mô có mở rộng hơn. Ngoài phần sản xuất, đầu tư, tích luỹ, tiêu dùng..., đã bổ sung chi tiết các khối dân số – lao động, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu; mô hình gồm tổng số khoảng 30 phương trình; 3) Chuỗi thời gian ước lượng mô hình ngắn hơn (1975-1983) nhưng thống nhất hơn; 4) Đã bắt đầu có các quan hệ ngược, quan hệ động, phương trình phi tuyến và không còn dạng đệ quy; 5) Mô hình đã được dùng để phân tích kinh tế và dự báo phát triển cho 2 năm 1984-1985 và dự báo tham khảo đến năm 1990, nhưng chưa được dùng để mô phỏng chính sách.
Sơ đồ cấu trúc của mô hình như sau:

Trong năm 1985, đã mở rộng mô hình bằng cách thêm một số chỉ tiêu về luồng tiền tệ vào ra hệ thống ngân hàng, tổng doanh số bán lẻ hàng hoá xã hội và chi tiết cho thu chi tài chính.
c) Công tác mô hình hoá trong những năm 1986-89:
Đây là giai đoạn có rất nhiều chuyển biến trong nền kinh tế đất nước, đánh dấu sự phát triển rất nhanh của những yếu tố kinh tế thị trường. Đặc biệt, đã hình thành hệ thống hai giá (giá thị trường có tổ chức và giá thị trường tự do) với cơ chế hoạt động khác nhau; sự tăng lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, của xuất nhập khẩu tăng nhanh. Bản chất của nhiều hoạt động kinh tế đã thay đổi[2]. Vì vậy đã đặt ra vấn đề phải xây dựng lại mô hình.
Mô hình kinh tế lượng xây dựng năm 1988 có những đặc trưng chủ yếu sau: 1) Vẫn là mô hình cung, nhưng có bổ sung kết hợp với một số nhân tố cầu; ngoài ra cách phân loại ngành khác với các mô hình trước để phản ảnh thêm một số tác động có tính thị trường; 2) Mô tả nền kinh tế với hai thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân), hai loại giá và cơ chế hình thành giá khác nhau (nhà nước, thị trường tự do), cơ chế lưu thông hàng hoá trên 2 thị trường khác nhau; 3) Tăng cường vai trò của các biến kinh tế thị trường như tài chính, tiền tệ, giá nội địa, giá xuất nhập khẩu, tỷ giá,... 4) Vẫn xây dựng mô hình dựa trên phân tích các cơ chế kinh tế trong nước, chưa dựa trên các lý thuyết kinh tế.
Mô hình gồm 9 khối, 71 biến nội sinh, 32 biến ngoại sinh. Có sơ đồ nguyên tắc, sơ đồ chi tiết. Một số dây truyền chính trong phân tích, lập luận của mô hình là:
+ Dây chuyền phân tích chính sách tài chính: Thâm hụt ngân sách --à cung tiền tệ --à Thị trường và giá cả --à phân phối thu nhập  --à sản xuất --à Tài chính  ---à thâm hụt ngân sách vòng 2.
+ Hoặc: Tài chính --à đầu tư --à Sản xuất  --à Phân phối thu nhập --à thị trường --à giá cả. Mặt khác ở khâu sản xuất nêu trên, sẽ có tác động tới ngân hàng, từ đó cũng tác động gián tiếp tới giá cả.
Đã thực hiện các bước quan trọng nhất, cơ bản nhất của quá trình xây dựng mô hình đối với mô hình này, gồm: 1) Mô phỏng quá khứ; 2) Đánh giá sai số của mô hình và so sánh sai số với các mô hình của các nước trong khu vực và với các mô hình của Pháp; 3) Sử dụng mô hình để phân tích chính sách và dự báo phát triển. Kết quả của mô hình được công bố tại Hội thảo Pháp Việt 12/1988 về mô hình hoá kinh tế tại Hà nội, tại Hội nghị của ESCAP ở New Delhi tháng 2/1989 và cải tiến trong hợp đồng nghiên cứu với ESCAP năm 1989.
Song song với việc xây dựng mô hình kinh tế lượng vĩ mô ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, tại một số cơ quan khác, cũng có một số nghiên cứu bước đầu về vấn đề này, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở cấp mô hình lý thuyết, chưa tính toán cụ thể bằng các con số và công bố công khai.
d) Công tác mô hình hoá trong thập kỷ 90:
Mặc dù mô hình 1988-1989 là một bước tiến lớn so với mô hình 1983-84 vì đây là lần đầu tiên đã phân tích, mổ xẻ và đưa vào mô hình các khối tài chính, tiền tệ, giá cả và thị trường theo quan điểm kinh tế thị trường, nhưng diễn biến kinh tế từ năm 1989 đã trở nên rất nhanh, mô hình 1988-89 không còn phản ánh đúng tình hình nên không còn tác dụng phân tích, dự báo. Mặt khác, việc chuyển dần sang kinh tế thị trường đòi hỏi phải đưa các chỉ tiêu của hệ SNA vào mô hình.
Mặt khác, đặc trưng cơ bản của kinh tế từ cuối năm 1988 đến giữa những năm 90 là nước ta chuyển từ nền kinh tế thiếu hụt triền miên do cơ chế bao cấp sinh ra, sang nền kinh tế có khu vực sản xuất thừa. Do đó vai trò của nhân tố cầu bắt đầu nổi lên và ngày càng mạnh. Quan điểm xây dựng mô hình cung áp dụng trong suốt hai thập kỷ 70 và 80 không còn đúng nữa.
Phân tích kỹ cho thấy khu vực công nghiệp nặng và nông nghiệp còn là khu vực cung (vì sự phát triển của chúng chủ yếu do thiếu đầu vào chứ không phải do thiếu thị trường) trong khi công nghiệp nhẹ đã trở thành khu vực cầu (vì thiếu thị trường). Điều này có nghĩa là trong nền kinh tế đang song song tồn tại những khu vực, những ngành trong đó cung thấp hơn cầu những khả năng sản xuất laị bị giới hạn bởi các nguồn lực, và những khu vực, những ngành trong đó cung lớn hơn cầu và sản xuất bị giới hạn bởi nhu cầu của thị trường trong nước và khả năng xuất khẩu. Do vậy, việc xây dựng mô hình hai khu vực và nửa cung – nửa cầu cho nền kinh tế được đặt ra.
Năm 1991, mô hình kinh tế lượng nửa cung, nửa cầu đã được xây dựng ở Viện NCQLKT TƯ, được báo cáo tại Hội thảo của tổ chức LINK thuộc ban thư ký Liên hợp quốc. Mô hình gồm 78 phương trình với 78 biến nội sinh, 27 biến ngoại sinh. Mô hình này đã rút bỏ những phương trình về cơ chế hai giá trong mô hình 1988, nhưng lại bổ sung thêm nhiều phương trình về ngân hàng, tiền lương và ngoại thương. Tiếc là sau đó, một số cán bộ chủ chốt tham gia xây dựng mô hình đi nước ngoài dài hạn nên việc hoàn thiện mô hình và đưa vào sử dụng bị bỏ dở. Một số phiên bản cải tiến của mô hình đã được đưa vào trong kết quả nghiên cứu của một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ tại Viện NCQLKT TƯ. Các mô hình càng ngày càng mang rõ nét cơ sở lý thuyết ẩn phía sau.
Tiếp sau giai đoạn phát triển mô hình nửa cung nửa cầu là giai đoạn phát triển các mô hình cầu để dự báo ngắn hạn. Có thể nói từ khoảng giữa thập kỷ 90, nhất là sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á năm 1997, năng lực sản xuất của các ngành trong nền kinh tế đã vượt qua cầu trong và ngoài nước, vấn đề phát triển ngắn hạn của nền kinh tế giờ đây không còn phụ thuộc chủ yếu vào các nhân tố cung mà chủ yếu vào các nhân tố cầu, trong đó mở rộng thị trường trong nước và thị trường ngoài nước có vai trò sống còn đối với sự phát triển. Vì vậy, mô hình dựa trên tiếp cận Keynes với đầu vào cho quá trình tăng trưởng là các nhân tố cầu gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời vai trò của các chính sách điều chỉnh kinh tế ngắn hạn như tài chính, tiền tệ, thương mại, tỷ giá... được nâng cao.
Năm 1995, Viện NCQLKT TƯ cũng đã kết hợp với ESCAP xây dựng một mô hình cân bằng tổng quát có sử dụng kết hợp kỹ thuật kinh tế lượng. Đặc biệt, trong mô hình kinh tế lượng xây dựng năm 1999 trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu Kinh tế của Cộng hoà Liên bang Đức (DIW)[3], các tác giả lần đầu tiên đã xây dựng thử nghiệm một hệ thống bảng hạch toán quốc gia gộp cho nền kinh tế Việt nam nhằm tạo ra sự nhất quán, thống nhất giữa các nguồn thông tin, số liệu thu thập được từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong và ngoài nước. Mô hình kinh tế lượng này được xây dựng trên hệ thống bảng này gồm 44 phương trình, chia thành 5 khối: sản xuất, sử dụng cuối cùng (kể cả xuất nhập khẩu), giá cả, phân phối thu nhập, và cân đối ngân sách. Mô hình này đang được sử dụng làm công cụ dự báo cơ bản tại Viện NCQLKT TƯ.
Năm 1998, cũng tại Viện NCQLKTTW, đã xây dựng một mô hình cầu tương đối chi tiết cho toàn nền kinh tế nước ta. Kết quả mô hình đã được trình bày tại hội thảo Việt - Pháp tại thành phố HCM tháng 12/1998. Mô hình khảng định nền kinh tế nước ta có đầy đủ dấu hiệu của một nền kinh tế đang đi vào giai đoạn suy thoái với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sút mạnh. Mô hình dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 1999 sẽ tụt xuống còn 4,3% (thực tế 4,77%) trong khi kế hoạch nhà nước dự kiến 6,5%. Mô hình cũng đưa ra khuyến nghị nên áp dụng ngay chính sách kích cầu của Keynes để chống thiểu phát và đảo ngược đà suy thoái kinh tế.
Đối với những phân tích, dự báo ngắn hạn, xu hướng trong những năm gần đây là xây dựng các mô hình cầu cho nền kinh tế nước ta vì tình trạng cung lớn hơn cầu đã trở lên phổ biến trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để dự báo trung và dài hạn, vẫn tiếp tục sử dụng mô hình cung hoặc mô hình nửa cung, nửa cầu.
Từ đầu những năm 90, tại một số viện nghiên cứu khác như Viện Chiến lược Phát triển, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Toán học..., công tác xây dựng mô hình cũng được thử nghiệm và thu được một số kết quả đáng khích lệ. Một trong những mô hình được xây dựng gần đây tại Viện Chiến lược Phát triển dưới sự tài trợ của Quỹ Nippon là mô hình dự báo ngắn hạn theo năm, gồm 67 biến số (trong đó có 17 biến ngoại sinh) với 50 phương trình (trong đó có 15 phương trình hành vi)[4].
Ngoài mô hình kinh tế lượng năm, năm 1995, Viện NCQLKT TƯ đã thử nghiệm xây dựng mô hình quý. Vụ Tổng hợp KTQD của Bộ KH và ĐT cũng đã thử nghiệm xây dựng 1 mô hình quý để phân tích và dự báo ngắn hạn, phục vụ công tác điều hành kinh tế của Bộ; mô hình đã được xây dựng xong cuối năm 2001 và được cập nhật đầu năm 2003.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, một số Bộ, ngành trung ương cũng đã bắt đầu nhận thấy vai trò của công cụ phân tích và dự báo này, và đã có những bước đi đầu tiên theo hướng nghiên cứu, xây dựng mô hình kinh tế lượng phục vụ công việc của mình; điển hình là Bộ Tài chính.
Tóm lại, công tác mô hình hoá ở nước ta đã có nhiều tiến bộ tích cực, nhận thức của cán bộ khoa học cũng như cán bộ quản lý kinh tế đều tăng lên. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận là kết quả thu được còn rất hạn chế; tốc độ phát triển của lĩnh vực này còn quá chậm. Trong khi công tác mô hình hoá tiếp tục phát triển tại một số cơ quan, ngành thì lại chững lại ở một số cơ quan, ngành khác, nhất là chững lại tại các cơ quan đã từng đi đầu trong lĩnh vực này như Viện Tin học, Viện Toán học...

Xem thêm những tiến triển mới nhất tại đây:
http://vienthongke.vn/attachments/article/465/bai3-cs1-2009.pdf



[1] Một số tài liệu tham khảo về loại mô hình này là:
Peacock A. T. et Wiseman J. (1961) "The Growth of Public Expenditure in the United Kingdom", London, George Allen and Unwin;
Peacock A. T. et Wiseman J. (1961) "The Past and Future of Public Spending", Lloyds Bank Review, avril, 1961;
Peacock A. T. et Wiseman J. (1979) "Approche to the Analysis of Government Expenditure Growth", Public Finance Quartely, Vol. 7, N°1;
Wiseman J. (1980) "Comparative Aspects of the Taxation of Business in The United Kingdom and Germany", Anglo-Germany Foundation, London;
Laufenburger H. (1944) "Crộdit public et finances de guerre (Allemagne, France, Grande-Bretagne et Etats-Unis", 1914-1944", Librairie de Mộdicis, Paris;
Delorme R. et Andrộ C. (1983) "L'Etat et l'Economie", Edi. Seuil, Paris;
Peacock A.T. (1979) "The Economic Analysis of Government", London, Martin Roberston;
Diamond J. (1977) "Econometric Testing of the "Displacement Effect": A Reconsideration", Finanzarchive, Band 35, Heft 3.
Mô hình của thuyết này xuất phát từ quan điểm cho rằng trong chiến tranh, các quy luật kinh tế nêu trong các lý thuyế kinh tế thông thường không hoạt động do bị chiến tranh chi phối; vì vậy phải sử dụng các quan hệ thời chiến để duy trì nền kinh tế hoạt động cân bằng và bền vững.
[2] Quá trình chuyển từ phương thức kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường ở nước ta bắt đầu từ cuối năm 1979 với các mốc chính sau:
- Nghị quyết Trung ương 6, khoá IV, 4/12/1979, về nới lỏng kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế; Nghị quyết cũng nêu rõ: a) Tăng cường kinh tế hộ gia đình; nhờ đó sản lượng lương thực trên đất 5% đã tăng thêm tới 20-25% so với trước; b) Tự do hoá thương mại giữa các tỉnh; phát triển các chợ nông thôn...
- Chỉ thị 100 của Ban Bí thư TW Đảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (1/1981);
- Nghị quyết 25/CP và Nghị quyết 26/CP về kế hoạch 3 phần, trong đó có phần hoàn toàn theo kế hoạch, có phần kết hợp kế hoạch với thị trường và có phần hoàn toàn theo thị trường;
- Quyết định tăng giá tư liệu sản xuất lên 2 làn đề giảm chênh lệch giữa giá trên thị trường có tổ chức và giá trên thị trường tự do;
- Quyết định bù giá vào lương, cải cách giá lương tiền năm 1985;
- Xoá bỏ hệ thống thu mua nông sản theo giá thấp năm 1986;
- Phát hành giấy bạc 5.000, 10.000 và 50.000 đồng năm 1987 trong bối cảnh giá đã tăng hàng chục lần so với năm 1985; thực chất đây là 1 cuộc đổi tiền tiếp sau đổi tiền năm 1985;
- Xây dựng hệ thống ngân hàng 2 cấp năm 1988 và ban hành 2 pháp lệnh ngân hàng năm 1990;
- Nghị quyết 10 năm 1988 của Bộ Chính trị về giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân;
- Nghị quyết 217/HĐBT năm 1988 về hoạt động của các DNNN;
- Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân;
- Các nghị quyết về tự do hoá mạnh mẽ nền kinh tế từ năm 1989, kể cả tự do hoá thị trường tài chính (lãi suất, tỷ giá, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, thành lập các ngân hàng mới...
[3] Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (1999) "Tiếp cận phân tích định lượng nền kinh tế Việt nam: Khung khổ hạch toán tổng thể và mô hình kinh tế lượng vĩ mô dạng cấu trúc", Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà nội, tháng 12/1999. Đồng chủ biên: Võ Trí Thành và Rudolf Zwiner.
[4] V Lê Anh Sơn, Hoàng Minh Hải (1997) "Mô hình kinh tế lượng vĩ mô phục vụ dự báo ngắn hạn ở Việt nam". Tài liệu Hội thảo của Dự án "Chuẩn bị cho một trung tâm dự báo kinh tế ở Việt nam" do Quỹ Nippon tài trợ, Hà nội, tháng 12/1997.

1 nhận xét:

  1. Phuocontop@gmail.comlúc 12:48 19 tháng 4, 2012

    kg: bác Lai Tran Mai

    em vô tình đọc được bài viết " kỹ thuật xây dựng và sử dụng mô hình kinh tế lượng" của bác. Bài viết rất hay và bổ ích đối với em. Em đã tìm mua sách này để nghiên cứu làm luận văn cao học nhưng không tìm thấy. Vô tình đọc được blog của bác như nắng hạn gặp mưa. Em có sao chép từ Blog của Bác nhưng một số sơ đồ, mô hình không đọc được. bác có thể cho em xin file gốc được không?
    Địa chỉ email của em là: "Phuocontop@gmail.com"
    xin cám ơn bác rất nhiều. Mong bác tiếp tục có nhiều bài viết hay về chuyên môn.
    Chức bác thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
    Lê Minh Phước - Quận 7, TPHCM.

    Trả lờiXóa