Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Kỷ niệm chuyến thăm Lào

Bài hay trên mạng:
Kỷ niệm chuyến thăm Lào

Tôi theo thông tin trên mạng cuả dân Tây ba-lô, rồi từ đó sắp xếp chuyện đi Lào xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Trước hết bay ra Vinh rồi từ Vinh, tôi sẽ theo xe khách đi đến thị trấn Phonsavan tỉnh Xieng Khouang (đọc là Xiêng Khoảng), điểm đến thứ nhất của tôi. Máy bay đi Vinh một ngày một chuyến. Xe khách từ Vinh đến Phonsavan thì hai ngày một chuyến. Tuy nhiên, hôm nay Hàng không Việt Nam đột ngột hủy chuyến bay ra Vinh. Tôi bối rối lắm không biết làm sao. Cũng như tôi cũng đã từng bối rối nhiều lần trước những việc đột xuất mỗi khi đi du lịch bụi. Mỗi lần đều phải tùy cơ ứng biến. Tôi tần ngần nhìn quanh, sau cùng đi theo một anh hành khách tóc húi cua. Tôi hỏi "Anh tính sao?", anh trả lời dứt khoát "Tôi đổi vé đi Huế anh à... Ra ngoài đó gặp bạn chơi một hôm rồi đi Vinh. Anh phải quyết định nhanh không thì hết vé bay". Vâng, phải quyết định nhanh, ở lại Sài Gòn hay là ra Huế rồi tìm đường đi Vinh. Một ý nghĩ táo bạo chợt thoáng qua. Hay là ta đổi hướng, không đi Lào nữa, ra Hà Nội, đến Lào Cai rồi đi xe lửa đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Bỗng chốc, tôi lại có quá nhiều lựa chọn. Càng thêm hoang mang. Bay ra Huế rồi đi Lào, hay Hà Nội sang Vân Nam, Trung Quốc?
Tôi đổi vé bay ra Huế, ngay chiều hôm đó có chuyến xe đi Vinh. Tôi đến Vinh lúc 1 giờ sáng. Phía bên kia đường nơi xe dừng là một khách sạn gần bến xe sang Lào, đúng như thông tin trên mạng của dân Tây ba-lô quốc tế. Tôi đập cửa nài nỉ anh quản lý mở cửa cho qua đêm. 

Từ Vinh đến Phonsavan
 
Năm giờ sáng đã phải choàng dậy. Những tiếng kèn xe khách từ bến xe gần đó thỉnh thoảng lại vang lên một cách vô cớ làm giấc ngủ ngắn lại càng ngắn hơn. Tôi vội ăn bát cháo nóng ở ngõ vào bến rồi tìm chiếc xe khách "quốc tế" đi Phonsavan. Trời chưa sáng, nhưng trong ánh đèn vàng vọt của bến chiếc xe nào cũng có chữ "VIP" thật to. Nói theo kiểu xe khách về miền Tây Lục tỉnh là xe khách "chất lượng cao", có nghĩa là xe đi đúng giờ, không ngừng rước khách giữa đường, không nhồi nhét, có nhạc êm dịu thư giãn. Chiếc xe đi Lào của tôi là của một công ty Lào, tài xế Lào, hành khách Lào thêm một cặp Tây ba-lô trẻ người Đức. 
Chiếc xe khởi hành đúng 6 giờ sáng, từ Vinh đi theo đường số 7 hướng Tây Bắc. Vinh đến Phonsavan dài 300 km, nhưng 2/3 trong địa phận Việt Nam. Bác tài người Lào lái cẩn thận, không có thói chạy "bạt mạng", bóp kèn inh ỏi như dân ta. Chiếc xe đi qua những vùng quê của tỉnh Nghệ An. Những địa danh quen thuộc như Nam Đàn (quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đô Lương…  xuất hiện. Xa xa là đồi núi bắc Trường Sơn, có lẽ cũng là địa điểm xuất phát của đường mòn Hồ Chí Minh xưa kia. Trong vùng phụ cận của thị trấn Đô Lương, chiếc xe chạy ngang nhiều xứ đạo. Những ngôi nhà thờ cổ kính, có phần hoang phế đứng sừng sững giữa cánh đồng cằn cỗi, nổi bật giữa đám nhà dân lụp xụp, ẩn hiện trong màn sương sớm của miền quê yên tĩnh.   
Quá trưa, chiếc xe đến cửa khẩu quốc tế Nặm Cấn, biên giới Việt Lào. Chúng tôi làm thủ tục xuất nhập cảnh. Sang địa phận nước Lào, cảnh quan bỗng nhiên thay đổi. Rừng núi bắc Trường Sơn trùng điệp nhưng không hùng vĩ. Chiếc xe leo dốc dọc theo những con đường ngoằn ngoèo đi lên vùng cao, phía dưới là những vực sâu xanh rì cây lá. Nhà cửa lụp xụp thưa thớt. Trong xe, những bản nhạc Việt êm dịu bây giờ được đổi sang nhạc Lào sôi động. Cái điệu nhạc "lum vong" "chách bùm, chách bùm bùm" giống như điệu lai giữa bolero và chachacha, vui vui quê quê là lạ, cứ mãi đeo đuổi tôi suốt chuyến đi Lào.



Chiếc xe chạy ròng rã 9 tiếng đồng hồ trên đoạn đường 300 km với những khúc đường đèo cực kỳ hiểm trở và cuối cùng đến trung tâm thị xã Phonsavan lúc 3 giờ chiều.   
Phonsavan là tỉnh lỵ của tỉnh Xieng Khouang, nhỏ như cái huyện làng của ta, mới thành lập sau năm 1975 vì tỉnh lỵ cũ đã bị tàn phá tan tác bởi bom đạn Mỹ. Ở đây chỉ có hai con đường chính, một đường ngang và một đường dọc. Những căn phố dường như được xây cất vội vàng nổi lên giữa một cánh đồng bằng phẳng, trông xa xa là những ngọn núi thấp bao quanh. Tôi phóng mắt nhìn về phía cuối con đường hun hút nối liền với đồi núi đằng xa. Con đường độc đạo mù bụi làm tôi chợt tưởng đến những con phố trong phim miền Viễn Tây của Mỹ. Tôi đang đứng trên cao nguyên Xieng Khouang mà tiết trời cũng lành lạnh như thành phố Đà lạt.
 
Cánh đồng Chum
Khu vực này nổi tiếng nhờ Cánh đồng Chum. Trong chiến tranh, đây là căn cứ địa của quân Pathet Lào, vùng bị bom ác liệt nhất trong cuộc "chiến tranh bí mật" của Mỹ (Secret War, 1960-1975). Những căn phố phần lớn là quán ăn hay là nhà khách. Những vỏ bom lớn nhỏ, đủ kiểu đủ loại bây giờ trở thành những vật trang trí nơi cửa ra vào (Hình 1). Tôi lẽo đẽo vác ba-lô theo cặp người Đức đi vào một nhà khách phía bên kia đường mà hai người bạn đồng hành này cho biết là nơi trú ngụ rất đáng tin cậy.
 

Hình 1: Những vỏ bom Mỹ trở thành vật trang trí.
 
Ông chủ nhà khách trông nhỏ người, còn trẻ khoảng 25 - 30 tuổi, nước da ngâm đen có dáng dấp một người dân tộc, nói tiếng Anh tạm được. Tôi lấy căn phòng trên lầu với giá 100.000 kíp/đêm (1 USD = 8.000 kíp, 1 kíp = 2 đồng VN). Ở đây không đòi hỏi phải xem giữ hộ chiếu gì cả. Ông chủ tự giới thiệu "Tôi tên là Moa. Ông gọi tôi là Mr. Moa. Tôi người Mong (Hmong), không phải người Lào""Vâng, hê-lô Mít-tờ Moa", tôi cười cười trả lời. Người Hmong có 500.000 người (dân số Lào là 6,2 triệu người), sống ở vùng cao Xieng Khouang.   
Trời còn sớm, tôi lững thững đi dọc theo con phố. Cách nhà khách vài căn nhà là một văn phòng du lịch. Ông chủ tiệm trạc tuổi trung niên, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Ông nói tiếng Anh không bằng Mít-tờ Moa hàng xóm nhưng biết đôi chút tiếng Việt nên chúng tôi giao lưu bằng tiếng Việt Anh lẫn lộn. Ông xưng là Pao, nhưng không bảo tôi phải gọi ông là Mít-tờ Pao. Trên chiếc áo côm-lê, ông trân trọng cài cái nút hình Kaysone Phoumvihane, lãnh tụ Pathet Lào và sau năm 1975 cũng là vị thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ông Phomvihane đã trở thành một anh hùng dân tộc và hình được in trên giấy bạc.  
Ông Pao hiền lành bán cho tôi cái tour đi Cánh đồng Chum với giá phải chăng 110.000 kíp. Tôi xin ông cái nút hình vị Thủ tướng. Ông nhã nhặn từ chối vì phải mua tận Luang Prabang. "Hồi xưa, ông là bộ đội Pathet Lào à?", tôi tò mò hỏi, "Vâng, tôi đánh Mỹ, "bang bang" với máy bay Mỹ ở trong rừng đấy...", ông vừa nói vừa giơ tay chỉ chỏ về phía rặng núi xa xa. "Sao ông nói tiếng Việt được?" - "Hết chiến tranh tôi đến Hà Nội học tập chính trị, bây giờ nghỉ việc làm du lịch". Ông khoe "Năm rồi tôi đến Vinh tham gia hội thảo về kinh doanh du lịch rồi đi ra Cửa Lò tắm biển".
Ông tươi cười một cách hồn nhiên, cho tôi xem một số ảnh chụp tại Vinh và Cửa Lò với đồng nghiệp và các cô Việt Nam xinh xinh trong chiếc áo dài tha thướt, luôn miệng bảo "quá đẹp quá đẹp" bằng tiếng Việt. Tôi không biết ông nói bãi biển đẹp hay các cô đẹp. Nhưng thôi, cứ cho là bãi biển đi. Lào là một nước không bờ biển, nhìn được biển là một niềm mơ ước của nhiều người Lào. Bãi biển Cửa Lò mà tôi đã từng viếng thăm chỉ có vẻ đẹp của một cô con gái nhan sắc trung bình nhưng là "giai nhân" trong ánh mắt người Lào. 
Sáng hôm sau tôi đi Cánh đồng Chum. Người ta phỏng đoán có chừng 2000 cái chum đá rải rác trên 65 địa điểm của cao nguyên Xieng Khouang. Bom chưa nổ của Mỹ vẫn còn là nỗi lo ngại chính trong vùng này nên chính quyền địa phương chỉ mở ra ba địa điểm được xem là an toàn cho du khách tham quan. Những cái chum có hình dạng giống nhau và chiều cao từ 1 đến 2,5 m trở thành một đối tượng khảo cổ học từ thời Pháp thuộc và người ta dự đoán nó có số tuổi 2000 từ 2500 năm.
Chiếc xe đưa đoàn du lịch chúng tôi đến ba địa điểm này cách Phonsavan 10 km. Đây là những vùng thảo nguyên rộng lớn, cằn cỗi, hoang vu, xa xa là đám rừng thưa. Đây đó rải rác những lỗ bom to bằng cái ao. Từ trên nhìn xuống là thung lũng, thấp thoáng những căn nhà dân. Những cái chum đá to nhỏ khác nhau, đứng nằm ngổn ngang, có cái đứng trên mặt đất nhưng phần lớn chìm một phần thân xuống đất vì sức nặng của thời gian (Hình 2). Có cái còn nguyên vẹn, có cái đã vỡ, thủng đáy, ít có cái nào còn nắp toàn vẹn. Có những cái chum bị cây mọc xuyên qua vỡ ra nhiều mảnh. Nó làm tôi nhớ lại những cây rừng cổ thụ mọc qua và bấu lấy những bức tường của thành quách Angkor trong chuyến đi Campuchia vài năm trước. Nhưng ở đây chum vẫn là chum, không so được với kỳ quan Angkor Wat và không tạo được cái hoang vu của một phế tích, hay cái huy hoàng của một quá khứ khiến người xem phải xúc động bàng hoàng. Đến địa điểm thứ hai, thứ ba thì mọi người bắt đầu ngáp dài vì đã chán nhìn chum. Cánh đồng Chum vẫn chưa là một Di sản Thế giới, nhưng theo anh hướng dẫn hy vọng năm 2010 sẽ được công nhận. 

 

Hình 2: Cánh đồng Chum
 
Theo truyền thuyết địa phương, đây là những bình chứa rượu khao quân của một vị vua thời cổ đại. Xem ra thì thuyết này không đứng vững. Hai ngàn cái chum rượu chỉ làm một đoàn quân say khướt, còn sức đâu mà đánh đấm để cùng nhau ca khúc khải hoàn (hay là uống rượu mừng ngày khải hoàn)! Những nhà khảo cổ thời Pháp thuộc cho đây là nghĩa trang khổng lồ, một cái chum là một quan tài. Một điều lạ khác của Cánh đồng Chum là không bị bom Mỹ tàn phá, mặc dù trong chiến tranh Việt Nam, Lào là một nước bị dội bom nhiều nhất và tỉnh Xieng Khouang là nơi có mật độ bị bom cao nhất nước. Nghe đâu hơn 2 triệu tấn, nhiều hơn lượng bom sử dụng ở thế chiến thứ hai. Chum nằm lẫn với bom, nhưng không một cái chum nào bị bom làm sứt mẻ! Thần linh bảo hộ? Những điều bí ẩn, lạ lùng của Cánh đồng Chum là một điểm hấp dẫn du khách, cho hướng dẫn viên có nhiều chất liệu thêm thắt và để người xem phải ngẩn ngơ suy nghĩ. Cần gì phải tìm thêm những chứng cớ khảo cổ. Hãy để yên Cánh đồng Chum, cho chúng ta cùng tiếp tục hoang mang và cho cái phố núi Phonsavan càng phồn vinh nhờ những thú vui đi tìm bí ẩn của du khách thập phương.  
Ở một góc đường của thị xã, một trung tâm thương mại cao 6, 7 tầng đang được xây cất do tiền đầu tư của một công ty Việt Nam trên một mặt bằng rộng ít nhất 10.000 m2. Gần đó là một cái nhà lồng chợ tăm tối, nhếch nhác với những quán xá đưa ra thụt vào như cái hàm răng khểnh. Hy vọng trung tâm này sẽ thay đổi bộ mặt của Phonsavan. Nhờ khách du lịch Tây ba-lô, những người dân tộc như Mít-tờ Moa cũng làm ăn khá giả, một điều khó tưởng tượng khi so với các dân tộc Mường, Dao, Tày chân chất vẫn sống cuộc đời nghèo khó ở những bản làng Tây Bắc Việt Nam bên kia biên giới. Anh ta khoe chiếc xe Toyota Landcruiser mới toanh, có ghế da, gắn màn hình tivi nhỏ với giá cực rẻ 40.000 đôla Mỹ. Hỏi ra mới biết chính phủ Lào chỉ thu 1 % thuế xe.  
Tôi trở lại văn phòng ông Pao mua vé xe đi Luang Prabang. Tôi muốn đi ngay đêm ấy để tranh thủ thời gian. Ông Pao bảo không có xe đêm và phải đi đến 9 - 10 tiếng mặc dù Phonsavan chỉ cách Luang Prabang 280 km đường bộ. Tôi lầm bầm xe cộ gì mà chạy chậm như rùa ấy! Chiếc xe khách khởi hành đúng 7 giờ sáng ngày hôm sau. Con đường đi đến Luang Prabang là con đường đèo ngoằn ngoèo xuyên qua rừng núi trùng điệp, phía dưới là thung lũng xanh tươi hoặc là những hố sâu thăm thẳm. Mỗi 20 - 30 m là một khúc quanh, cứ như thế kéo dài đến Luang Prabang (Hình 3).

 

Hình 3: Con đường đèo hiểm trở đến Luang Prabang.
 
Bây giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao không có chuyến xe đêm và phải cần thời gian để đi qua đoạn đường chỉ vài trăm cây số. May là con đường bằng phẳng không bị ổ gà, ít xe và không gặp những trận mưa dầm nhiệt đới. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe tải chở hàng cung cấp cho vùng cao nguyên chạy ngược chiều, ì ạch leo dốc. Địa thế hiểm trở và cô lập của cao nguyên Xieng Khouang biến nơi đây thành thiên đàng của chiến tranh du kích. Trong chiến tranh, chính quyền Mỹ không thể làm gì hơn ngoài việc dội bom và hăm he dội cho đến khi tất cả trở lại "thời kỳ đồ đá", Trường Sơn đông lẫn Trường Sơn tây!
Chiếc xe sàng qua sàng lại theo những khúc quanh, hàng ngàn lần. Chưa bao giờ tôi đi trên một con đường có nhiều khúc quanh đến thế. Thật là một kỷ lục phải ghi vào trong sách Guinness thế giới! Trong xe, thỉnh thoảng có người la lên sắp sửa nôn oẹ, anh lơ xe đã quá quen thuộc, trong tay lúc nào cũng cầm một chồng bao nhựa sẵn sàng tiếp cứu. Tiếng nhạc với điệu "lum vong", "chách bùm, chách bùm bùm" lại vang lên, đệm theo những lời ca "thủm thủm, thon thon", càng lúc càng gay gắt. Con gà tre của một vị hành khách nào đó ngồi phía sau thỉnh thoảng nổi hứng, lạc điệu gáy "ó ò ...".
 Luang Prabang và Mekong
Bác tài phải là một tay lái xe điêu luyện, kiên nhẫn đưa chiếc xe chầm chậm đi qua những con đèo hiểm trở, những làng mạc thưa thớt, tiêu điều, từ độ cao 1.500 m đi đến đồng bằng Luang Prabang. Tôi đến Luang Prabang lúc 5 giờ chiều, sau đúng 10 tiếng hành trình. Đây là cố đô của Lào và toàn thể thành phố đã được công nhận là Di sản Thế giới (Hình 4). Thành phố được bao bọc bởi sông Mekong hùng vĩ và một chi lưu của Mekong, sông Nam Khan. Nhà khách nơi tôi trú ngụ nhìn ra dòng Nam Khan trôi êm đềm, bên kia bờ là miền quê an bình lác đác hàng dừa xen lẫn cây thốt nốt cao cao.
 

Hình 4: Một căn nhà cổ của người dân Luang Prabang
 
Cách bờ sông Mekong một con đường là phố Sisavangvong dài và hẹp với chợ đêm (night market) nổi tiếng. Nó giống như phố Tây ở Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, nhưng đa dạng, trật tự hơn và chỉ dành cho người đi bộ. Người Lào thật ngăn nắp và sạch sẽ. Từ đầu phố đến cuối phố không một cọng rác. Đầu phố Sisavangvong là khu ẩm thực sang trọng với những nhà hàng có kiến trúc thời thuộc địa, bán một món ăn vài chục đô, nhưng hấp dẫn mấy ông Tây bà Đầm phong lưu luống tuổi. Họ ăn uống chậm rãi, nói năng từ tốn. Trên cái bàn trải khăn trắng toát là những chai rượu vang nhập khẩu đắt tiền. Giữa phố là khu ăn uống trung bình; ở đây người ta bán pizza, hamburger, kwei-tiu (hủ tiếu) Thái với cái đám Tây ba lô ồn ào, phì phèo thuốc lá. Cuối phố là những hàng quán trên đường bày bán vải vóc làm sarong màu sắc sặc sỡ, những món đồ lưu niệm Lào nhưng có dáng dấp "made in China". Tôi thấy một con voi làm bằng đồng đen nho nhỏ xinh xinh, hỏi bao nhiêu. Chị bán hàng nhanh nhảu ra giá "One hundred", tôi hỏi lại "Kíp?", "No, no, đô-la", chị ta nói tiếp "very old", ý muốn nói đồ cổ. Những món đồ đồng giả cổ, mà bọn trẻ con ở Angkor Wat chạy theo du khách nài nỉ bán năm, mười đô-la bây giờ là 100 đô tại quán hàng rong Luang Prabang. Ai bảo người Lào hiền lành, trong buôn bán nhiều người cũng ma-lanh không thua ai!
Rẽ vào một con đường nhỏ là một "xóm nhà lá" bán đủ loại thức ăn bình dân Lào kể cả món hột vịt lộn Việt Nam. Đang đi, bỗng nhiên tôi ngửi được mùi mực nướng. Tôi rảo bước, nhìn dáo dác tìm kiếm cho ra cái nguồn thơm tho này. Từ đàng xa, một thiếu phụ gầy gầy quạt phành phạch trên cái lò than nhỏ, tỏa mùi thơm khắp muôn phương. Cái kiểu bán mực nướng này đúng là "truyền thống" của ta. Tôi đi tới dùng tiếng Việt hỏi cầu may "Bao nhiêu tiền đấy chị?", không ngờ người bán cũng trả lời tiếng Việt đặc sệt giọng miền Trung, "3.000 kíp 3 con". Tôi mua 3 con, vừa nhai mực vừa hỏi chuyện "Chị sang lâu mau rồi? Sao không ở Việt Nam, sang bên ni làm chi cực khổ quá?", "Em sang hồi năm ngoái. Không, bên ni làm ăn dễ, dân Lào hiền lành. Ở Việt Nam cực quá, bon chen quá, phải đi thôi"... 
Ba giờ sáng tôi giật mình thức giấc. Những tiếng nói phát ra từ cái máy phóng thanh nghe từ xa, có lẽ từ bên kia con sông Nam Khan, lúc văng vẳng lúc lồng lộng trong màn đêm. Nửa tỉnh nửa mơ, tôi cứ ngỡ là phòng thông tin thành phố đang tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng nghe kỹ lại thì ra là giọng kéo dài lê thê, lúc trầm lúc bổng ê a tụng kinh. Đúng là xứ Phật. Nhưng các ông sư thức quá sớm truyền giảng đạo pháp giữa cái giờ mọi người đang an giấc thì thật là cả một điều đáng ngạc nhiên.  
Sáng sớm hôm đó, tôi đi thuyền ngược dòng Mekong vĩ đại viếng động Pak Ou cách Luang Prabang 25 km đường sông. Những làn gió mát lạnh thổi phần phật trên sông làm cho tôi tỉnh ngủ. Dòng sông chảy êm đềm mang phù sa đục ngầu như sông Tiền, sông Hậu ở vùng hạ lưu, nhưng cảnh quan ở đây thật hùng vĩ và hoang sơ. Trừ những chiếc tàu nhỏ hay ghe tam bảng chở du khách ngược xuôi, không một bóng dáng của những chiếc ghe chài to lớn, không có tiếng còi hụ điếc tai, tiếng động cơ bình bịch ồn ào liên tục trên vùng hạ lưu Campuchia, Việt Nam hay những hoạt động náo nhiệt như chợ nổi vùng Hậu giang. Không gian chìm đắm trong im lặng với trời mây sông nước…
Dọc hai bên bờ lác đác vài căn nhà sàn trên bờ cao cao, lẩn khuất trong những bụi tre già rậm rạp và tàng cây xanh mờ mờ, hay đứng trơ trọi giữa những luống rau hình bậc thang kéo dài đến tận bờ. Giữa dòng sông thỉnh thoảng nổi lên một cồn cát dài hay cù lao lổm chổm những tảng đá thật to, phân chia sông thành hai dòng chảy (Hình 5). Xa xa, loang loáng trong ánh bình minh một chiếc thuyền con của ngư dân đang giăng câu bắt cá. "Yên ba thâm xứ hữu ngư châu". Đâu đó bên bờ, một đám trẻ con nghịch ngợm tắm sông nhảy đì đùng. Tôi chợt mỉm cười, nhớ lại thời thơ ấu tôi cũng là một đứa trong đám trẻ con kia, đã từng "ôm nước vào lòng" cùng trên một dòng sông.

 

Hình 5: Dòng Mekong 
Pak Ou là một động thiên nhiên trong một núi đá bên bờ sông Nam Ou, một chi lưu khác của Mekong. Pak Ou gợi cho tôi hình ảnh của động Hương Tích chùa Hương, chỉ khác là ở đây có rất nhiều tượng Phật cổ. Ở đây có gần 4000 tượng Phật lớn nhỏ khác nhau tạc theo điêu khắc Lào. Tiếc rằng, số lượng du khách quá nhiều làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi hành hương truyền thống. Nếu không có con đường sông Mekong hùng vĩ để chiêm ngưỡng, thì chuyến đi Pak Ou sẽ rất đơn điệu và phí nhiều thời gian. Mekong thật sự hấp dẫn hơn Pak Ou. Tôi trở về Luang Prabang thì đã quá trưa. Những tiếng "chách bùm, chách bùm bùm" của điệu "lum vong" lại nổi lên từ hai cái đám cưới được tổ chức ra đến tận giữa đường. Một người say sưa hát karaoke chúc mừng cô dâu chú rể, những cặp nam nữ say sưa nhảy theo điệu nhạc "chách bùm" mộc mạc. Trong cái nắng ấm của mùa đông xứ Lào, Luang Prabang cổ kính thật giản dị và thanh bình… 
Đêm hôm đó tôi đáp chuyến xe đêm đi Vientiane, thủ đô Lào, cách cố đô Luang Prabang 430 km về phía Nam. Anh quản lý nhà khách bán cho tôi cái vé xe VIP. Với số tiếng Anh giới hạn, anh người Lào lanh lợi này cam đoan với tôi đây là xe "chất lượng cao", có toilet trong xe, máy điều hòa, có ghế ngồi ngã lưng như ghế phi cơ, nước uống và thức ăn nhẹ được cung cấp miễn phí v.v... Trong đầu tôi tưởng tượng ra chiếc xe bus cao cao giống như những chiếc xe khách hoành tráng, sơn phết rất đẹp mắt của Trung Quốc đến từ Côn Minh tỉnh Vân Nam, nhẹ nhàng lướt trên đường phố Luang Prabang. Ừ! tại sao không? Tôi mừng rỡ, vừa trả 130.000 kíp cho cái vé vừa liên tục "Kop chai! Kop chai lai lai!" (Cám ơn! Cám ơn nhiều lắm!). Tôi đã quá mệt với chuyến xe đường đèo Phonsavan, trả thêm vài chục ngàn kíp đi xe VIP quả là đáng đồng tiền bát gạo! Anh ta kêu xe tuktuk (giống xe Lam trước 75) chở tôi ra ngoài bến xe. Trong cái tranh sáng tranh tối hoàng hôn, tôi giương to đôi mắt đi loanh quanh tìm chiếc bus "hoành tráng" có chữ VIP giữa cái đám xe khách viết chữ Lào loằn ngoằn. Tìm không ra, tôi vội đến chỗ bán vé, vừa chỉ vào tấm vé vừa bảo ông bán vé "VIP Vientiane. VIP Vientiane". Ông bán vé hiểu ý, trả lời "No VIP. VIP Vientiane in the morning!!!”. Ý ông nói là xe VIP chỉ đi buổi sáng, rồi chỉ cho tôi chiếc xe khách tồi tàn đi Vientiane tối hôm đó. Chuyến xe cuối cùng trong ngày. Biết đã bị phỉnh vài chục ngàn kíp (vài đô-la), tôi hơi bực mình, nhưng ít ra vé đi Vientiane là vé thật! Anh chàng quản lý nhà khách nói "lèo" nhưng vẫn còn lương tâm!  
Vientiane
Loáng thoáng trong xe, ai đó xầm xì tiếng Việt giọng Bắc. Gần đến Vientiane, chiếc xe nổ lốp giữa đường, chuyện "thường ngày ở huyện". Mọi người bình an đến Vientiane lúc tờ mờ sáng.  
Tôi xách cái ba-lô tìm nơi trú ngụ. Những nơi theo lời chỉ dẫn trên internet thì đã đầy người mặc dù giá phòng gấp đôi Phonsavan. Cuối cùng tôi tìm được nhà khách thuộc Bộ Công Thương gì gì đó. Của công thì giá rẻ, nhưng cái phòng ở tận lầu 4, phải đi bộ lên xuống. Trong phòng, muỗi bay vo ve...  
Trước năm 1975, người ta thường gọi Vientiane là Vạn Tượng. Cái tên Hán Việt rất hay và phản ánh xứ Lào có hàng vạn, hàng triệu voi rừng. Bây giờ, voi rừng hiếm hoi vì chiến tranh, vì sự phát triển vô nguyên tắc của con người. Thủ đô Vientiane nằm trên sông Mekong gần biên giới Thái Lan, có dáng dấp một thành phố cỡ trung bình của Việt Nam, như thành phố Cần Thơ. Cuộc sống ở đây có vẻ nhàn hạ; thời gian ngắn dài không phải là vấn đề. Đã 8 giờ sáng ngày thứ Hai rồi mà thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua. Thủ đô vẫn còn im lìm trong giấc ngủ. Ngang nhà khách nơi tôi tạm trú, có một quán ăn nhỏ. Tôi thấy ông chủ tiệm vừa mới bỏ con gà vào nồi súp. Tôi ra dấu tỏ vẻ muốn ăn. Ông ta nhe răng cười, chỉ chỉ con gà rồi phủi phủi cái tay. Chưa xong! Hàng quán thế này, ở Việt Nam người ta đã chuẩn bị từ 4 giờ sáng. 
Tôi lủi thủi đi ra ngoài đầu đường tìm thấy một quán điểm tâm Tây chuyên bán cà phê, bánh croissant, bánh mì tây, giá phải chăng. Uống cà phê Lào cứ như là uống thuốc bắc, nhưng uống vài lần quen miệng cảm thấy ngon ngon. Phía bên kia đường là tòa nhà văn hóa Việt Nam cao ba tầng, đề tiếng Việt "Trung tâm Văn hóa Việt Nam", rất bề thế. Đến 9 giờ, đường xá mới bắt đầu tấp nập. Ở đây ít xe đạp, xe gắn máy, nhưng nhiều xe hơi, có lẽ vì thuế xe chỉ 1%. Người Lào thích xe pick-up Toyota, 4 chỗ ngồi, với khoảng trống phía sau để đồ đạc linh tinh. Xe nào cũng là xe đời mới với chữ Toyota mạ bạc thật to phía sau. Thỉnh thoảng, có xe "đại gia" BMW, Mercedes hay Lexus chạy ngang. Các cô gái Lào thủ đô dáng người nhỏ nhắn xinh xinh, dung nhan thanh tú, bới tóc cao, hay để tóc dài, mặc sarong kín đáo dài tận gót, nhưng lái xe gắn máy yểu điệu không kém gì phụ nữ ta.  
Cầm cái bản đồ du lịch Vientiane trong tay, tôi đi đến một góc đường chào anh lái xe tuktuk “Sabaidee bor?” (How are you?). Anh lái xe chỉ biết "one, two, three, four, five", tiếng Việt thì "một, hai, ba, ăn cơm, ăn phở". Đấy là vốn ngoại ngữ của anh ta. So với đồng nghiệp Campuchia thì giới lái xe tuktuk Lào và dân phục vụ du lịch rất kém ngoại ngữ. Cánh lái xe ôm tại Angkor Wat (Campuchia) nói được tiếng Anh căn bản, thậm chí vài tiếng Nhật thông thường. Tôi muốn đi đông, tây, nam, bắc, nội thành, ngoại thành Vientiane. Chỗ xa nhất 25 km, chỗ gần nhất cách nhà khách vài trăm thước. Quơ tay, quơ chân, chỉ chỏ vào cái bản đồ một lúc thì cả hai hiểu ý nhau, đồng ý giá cả. Rồi đi.  
Các chùa chiền, đền tháp của Vientiane cũng có ngàn năm lịch sử. Không may vì quá gần Thái Lan, trong quá khứ hầu hết những di tích lịch sử quan trọng bị quân xâm lược Xiêm tàn phá. Đền That Luang được thành lập vào thế kỷ 16, bị quân Xiêm tàn phá năm 1828 và được xây lại trong thời Pháp thuộc năm 1900 (Hình 6). Người ta tin có một sợi tóc của Đức Phật được chôn trong đền này. Đây là một biểu tượng của đất nước và dân tộc Lào. Các kiến trúc cổ phần lớn được trùng tu hay phục nguyên (Hình 7).


Hình 6: Đền That Luang


Hình 7: Một kiến trúc cổ được trùng tu với mái nhà đặc trưng Lào.
 
Trong quá khứ, sự yếu kém quân sự của Lào dẫn đến sự mê tín vào sức mạnh của thần linh. Trước khí thế hung hãn của quân xâm lược Xiêm, người Lào xây đài Thap Dam với con rắn bảy đầu ở trung tâm Vientiane với niềm hy vọng là sẽ được rắn thần bảo vệ chống quân Xiêm. Quân Xiêm vẫn dửng dưng càn quét. Quá thất vọng, dân Lào không đếm xỉa đến tượng đài và ngày nay chỉ là một phế tích không được trùng tu (Hình 8).

 Chỗ xa nhất cách thành phố Vientiane 25 km là Công viên Phật với những bức tượng làm bằng xi măng cốt sắt vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Công viên nằm cạnh sông Mekong mà bên kia bờ là Thái Lan. Gọi là Công viên Phật nhưng đây là một nơi hòa đồng tôn giáo có tượng Phật ngồi, Phật nằm, Quan thế âm Bồ tát, tượng thần rắn Hindu, thần nhiều tay v.v... Những bức tượng xi măng phơi sương nắng lâu ngày trở nên mốc thếch, xám xám đen đen. Khải Hoàn Môn ở trung tâm Vientiane cũng làm từ xi măng cốt sắt mô phỏng theo Khải Hoàn Môn Paris được làm từ 50 năm trước nhưng vẫn còn một số công đoạn chưa hoàn thành! Những bức tượng và kiến trúc xi măng này còn quá trẻ để trở thành một di tích, và chắc cũng không thể là di tích trong tương lai vì xi măng không phải chất liệu tạo ra những hiện vật khiến người xem phải trầm trồ chiêm ngưỡng. 
Trên đường đi đến Công viên Phật, tôi đi qua một khu công nghiệp nhẹ của Vientiane, với những nhá máy làm bia, nhà máy dệt, làm quần áo, phân bón, nông phẩm, và quán xá bình dân bán thức ăn cho công nhân viên, xen lẫn với những cánh đồng lúa của miền quê Lào. Hãng la-ve "Con Cọp" có một nhà máy quy mô ở đây. Hãng đã có một thời vàng son tại Việt Nam trước năm 1975, trở lại Việt Nam vào thập niên 90 nhưng thất bại. Tại Lào, la-ve Con Cọp chiếm được cảm tình của dân Lào và cái hình con cọp đen cố hữu xuất hiện khắp nơi với thương hiệu mới "Beer Lao".


Hình 8: Đài That Dam, cỏ mọc trông rất thảm hại.

 Cũng trên con đường này người ta thấy cuộc chiến ngoại giao gây ảnh hưởng khu vực của các nước hiện rất rõ và rất nghiêm chỉnh qua các hình thức viện trợ cho Lào. Thái Lan viện trợ làm nhà máy sản xuất nông phẩm, phân bón. Việt Nam cũng hỗ trợ một nhà máy liên quan đến thủy lợi, lọc nước. Quy mô nhìn vào không thấy gì to, nhưng tấm bảng bên ngoài thì rất bắt mắt. Chính phủ Nhật hăng hái nhất, từ trung tâm Vientiane đi ra ngoại ô thành phố nơi nào cũng thấy tấm biển kim loại khắc quốc kỳ Nhật và Lào trang trọng gắn vào bục xi măng với hàng chữ kể công trình làm bao lâu, tốn bao nhiêu tiền. Đất nước mặt trời mọc đã từ lâu là một nhà tài trợ hàng đầu cho Lào qua các viện trợ quốc tế, hoàn thành những công trình hạ tầng cơ sở to lớn như cầu cống, đường sá, sân bay. 
Tình cờ chiếc tuktuk chạy dưới gầm của cây cầu rất dài bắc ngang dòng Mekong. Anh lái xe chỉ cây cầu rồi ngước mắt nhìn phía bên kia bờ bảo tôi "Thái, Thái... Nong Khai, Nong Khai". Tôi hiểu ngay cây cầu hữu nghị Lào - Thái do chính phủ Úc xây cất năm 1994. Một việc không hẹn mà gặp. Leo lên cầu phải trả lệ phí 3000 kíp. Phía bên kia cầu là tỉnh Nong Khai thuộc Thái Lan, thấp thoáng trong rặng cây xanh chạy dọc theo bờ Mekong là những mái chùa cao cao với hình dạng cong cong đặc trưng Thái. Người Thái chạy xe bên trái, người Lào bên phải. Chạy vào lãnh thổ Lào có địa điểm đổi bên. Trên cầu có đường sắt nối liền Nong Khai và một địa điểm ở ngoại ô Vientiane. Lào là một nước không có đường sắt và đây là đoạn đường sắt dài vài km duy nhất của cả nước.        
Về đêm con đường chạy dọc theo sông Mekong khá ồn ào náo nhiệt với khách du lịch, và những dòng xe xuôi ngược. Dọc theo bờ sông là hàng trăm quán ăn bình dân che bằng ván và tôn đơn sơ, giăng đèn bóng xanh xanh đỏ đỏ, bán các loại thức ăn Lào kéo dài chừng một cây số. Người bán thì nhiều, người ăn lại lưa thưa. Quán nào cũng trang trí giống nhau, bán cùng loại thức ăn. Vài con cá hay vài cái đùi gà nướng để trên cái lò than. Cái dải đất "water front" dọc theo bờ Mekong này quả là một nơi đất vàng có thể phát triển thành những nhà hàng hay những căn hộ cao cấp. Nhưng người Lào có lẽ thấm nhuần triết lý "tri túc tiện túc". Cuộc đời ngắn ngủi, như vậy đã quá đủ rồi và không cần thiết phải làm thêm!   
Lào đã từng bị người Xiêm tàn phá và đô hộ, ảnh hưởng Thái vẫn rất sâu đậm trong sinh hoạt hằng ngày của người Lào. Tôi không phân biệt được kênh truyền hình nào là Thái hay Lào. Nhạc pop Thái được giới trẻ Lào đặc biệt yêu thích…
Việt Nam cũng đang tăng cường giao lưu văn hóa, thương mãi, ngoại giao và chính trị với Lào. Tiếng Việt là một ngoại ngữ, đứng thứ ba sau tiếng Anh và Pháp. Tôi thấy quyển tự điển Lào - Việt dày hàng ngàn trang do một học giả Việt tại Lào biên soạn, được bày bán trong những hàng sách tại chợ Vientiane. Người Việt hầu như ở khắp nơi, từ cao nguyên Xieng Khouang đến đồng bằng Vientiane và kéo dài đến Hạ Lào. Có người ở đến ba đời, có người mới đến ba tháng. Họ hòa nhập vào cuộc sống rất tốt, linh hoạt và vẫn còn gắn bó với quê hương. Họ tham gia vào mọi hoạt động xã hội, kinh tế, thương mại và thậm chí cả hệ thống chính trị của Lào. Họ có thể là một đại gia, nhà kinh doanh trung lưu, người sở hữu một sạp hàng trong chợ, cho đến một người bán chè ngọt ở ngõ hẹp Vientiane hay người bán mực nướng "chợ đêm" Luang Prabang. Con cháu của họ có thể còn thông thạo tiếng Việt, hay chỉ nói lơ lớ với chất giọng Lào. Cũng có thể họ lai và đã trở thành người Lào, không biết tiếng Việt nhưng vẫn còn thân nhân xa ở Việt Nam; như một phục vụ viên nhà hàng tôi gặp ở Luang Prabang bảo rằng còn bà ngoại ở Điên Biên Phủ mà anh ta thỉnh thoảng đi thăm.  
Trong những ngày lang thang ở Phonsavan, Luang Prabang, Vientiane, đến đâu tôi cũng nghe loáng thoáng hay oang oang tiếng Việt. Gặp người bản địa trong nhà khách, ngoài đường phố, địa điểm du lịch, chợ búa, quán ăn tôi nói tiếng Việt thì cứ 10 người có 2, 3 người hiểu. Làm con tính thống kê đơn giản, có thể thấy số người gốc Việt và hiểu tiếng Việt trên đất nước này khá lớn, nhất là khi so với người Lào chỉ có hơn 6 triệu người (bao gồm cả các bộ tộc ít người có tiếng nói riêng). Số này vẫn tiếp tục gia tăng vì sang Lào "làm ăn dễ và người Lào rất bao dung".
 
Trở lại Sài Gòn
Tôi đáp chuyến bay Hàng không Việt Nam từ Vientiane, quá cảnh Phnom Penh trở lại Sài Gòn. Phi trường quốc tế Wattay do Nhật Bản xây tặng có một kiến trúc hiện đại, hoành tráng nhưng chỉ có 3 cổng lên xuống máy bay, có lẽ là một trong số ít phi trường vắng khách nhất thế giới. Tôi nơm nốp lo sợ ông Hàng không Việt Nam lại hủy chuyến bay vì… thời tiết xấu. Chuyến bay không bị hủy, nhưng cũng không cho tôi nhiều thiện cảm.
 
Chiếc phi cơ bay ngang vùng Đông Bắc Thái Lan, hạ cánh tại Phnom Penh sau 1 tiếng bay, và từ Phnom Penh về đến Sài Gòn chỉ có 25 phút.
 
Cuối tháng 4, 2009 (biên tập lại từ nguồn: http://vietsciences.org & http://vietsciences.free.fr)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét