Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

(1) DỰ BÁO BẰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG Ở VIỆT NAM

Bài viết cũ của tôi:
DỰ BÁO BẰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG – MỘT CÔNG CỤ MẠNH VÀ CÓ THỂ SỬ DỤNG TỐT Ở VIỆT NAM
 Có lẽ chưa bao giờ vấn đề phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô lại được Đảng, Nhà nước và các nhà kinh tế nước ta quan tâm như hiện nay. Đó là vì nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế kinh tế thị trường và đã thực sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường và tác động của kinh tế thế giới tới nền kinh tế nước ta đã làm xuất hiện nhiều vấn đề rất mới, thậm chí chưa từng có đối với nền kinh tế nước ta, như chưa bao giờ luồng vốn nước ngoài đổ vào nước ta lại nhiều như hiện nay, hoặc chưa bao giờ ảnh hưởng của giá thế giới lại chiếm tỷ trọng cao trong tỷ lệ lạm phát như hiện nay...; trong khi đó vai trò của các công cụ trực tiếp để điều tiết kinh tế của Chính phủ đang ngày càng hạn chế. Chính trong bối cảnh như vậy, vấn đề phân tích và dự báo kinh tế một cách khoa học để trên cơ sở đó có thể vận dụng các công cụ điều tiết nền kinh tế một cách gián tiếp đã nổi lên như là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ trong giai đoạn phát triển mới.
Mục tiêu của bài viết này là nhìn lại những kinh nghiệm xây dựng, sử dụng các mô hình kinh tế lượng trong công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây tại Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để từ đó khẳng định mô hình hóa kinh tế lượng vĩ mô là một công cụ mạnh và hoàn toàn có thể sử dụng tốt ở nước ta nhằm mục tiêu phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô, phục vụ xây dựng và điều hành các kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân.
Cơ cấu bài viết gồm 3 phần:
1.    Phần mở đầu sẽ nhìn lại việc sử dụng các mô hình kinh tế lượng trong công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô tại Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân trong những năm gần đây để có những đánh giá ban đầu về hiệu quả của công cụ này.
2.    Trong phần 2, sẽ trình bày một số kinh nghiệm và vấn đề đặt ra để tiếp tục xây dựng, sử dụng có hiệu quả hơn các mô hình kinh tế lượng vĩ mô trong điều kiện Việt Nam.
3.    Phần cuối cùng được dành để kết luận vai trò của mô hình kinh tế lượng vĩ mô, đồng thời gợi ý tổng quát về phương hướng sử dụng trong thời gian tới. Đặc biệt, nhân dịp này, chúng tôi cũng bày tỏ nguyện vọng sớm xây dựng Hội khoa học kinh tế lượng Việt Nam và các cơ quan có nhu cầu sử dụng kết quả từ mô hình kinh tế lượng cần đầu tư hơn nữa cho công tác này và tài trợ cho các hoạt động của Hội khoa học kinh tế lượng Việt Nam.
Dưới đây là các nội dung cụ thể:
I. Nhìn lại việc sử dụng các mô hình kinh tế lượng trong công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô tại Vụ Tổng hợp KTQD trong những năm gần đây
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, tại Vụ Tổng hợp KTQD Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gọi tắt là Vụ Tổng hợp), đã xây dựng 2 mô hình kinh tế lượng để dự báo kinh tế vĩ mô ngắn hạn và trung hạn, phục vụ xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm.
1. Mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý năm 2000
(1) Mô tả mô hình
Có thể nói mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý được xây dựng tại Vụ Tổng hợp năm 2000 là mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam vì trước đó tất cả các mô hình đã xây dựng đều là mô hình năm do số liệu kinh tế quý lúc đó còn rất hiếm. Mô hình được xây dựng để sử dụng trong công tác phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân nước ta phục vụ cho công tác điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm tại Vụ Tổng hợp.
Do lúc đó việc xây dựng mô hình quý còn rất mới mẻ ở nước ta nên kết quả nghiên cứu chủ yếu mang tính thử nghiệm, có tính chất khai phá. Những người tham gia xây dựng mô hình đều cho rằng cần phải có nhiều nghiên cứu khác bổ sung thì những kết quả rút ra từ mô hình trong nghiên cứu này mới đảm bảo có độ tin cậy cần thiết. Vì vậy, đề tài nghiên cứu được đặt tên là “Thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế lượng theo quý để phân tích và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân”, tức là nhấn mạnh vào mục tiêu thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế lượng. Dự kiến trong những năm sau, nếu được tiếp tục triển khai, những người tham gia đề tài sẽ đặt mục tiêu ở mức cao hơn là tập trung phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân nước ta trên cơ sở hoàn thiện mô hình đã xây dựng trong đề tài này, góp thêm một căn cứ khoa học phục vụ trực tiếp cho công tác điều hành thực hiện kế hoạch tại cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, phạm vi nghiên cứu kinh tế vĩ mô được mô hình hoá trong mô hình là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp chính phục vụ trực tiếp cho công tác phân tích và dự báo ngắn hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mô hình tập trung phân tích, dự báo khoảng 25 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính trên cơ sở khai thác tối đa những nguồn thông tin quý tin cậy có thể thu thập được.
Mô hình, gọi tắt là VQEM - Vietnam Quartely Econometric Model, mô tả nền kinh tế theo tiếp cận tài chính tiền tệ nhằm đánh giá hiệu quả của các chính sách điều chỉnh kinh tế ngắn hạn và đưa ra những dự báo ngắn hạn.
Trong kinh tế thị trường, nền kinh tế thường được chia làm hai khu vực: khu vực tài chính tiền tệ và khu vực thực. Hai khu vực kinh tế này có gắn bó chặt chẽ với nhau trong một tổng thể thống nhất, nên việc phân tích các quan hệ tương hỗ giữa hai khối và xem xét ảnh hưởng của những thay đổi trong khối tài chính tiền tệ tới những thay đổi trong khối thực là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vì mục tiêu của mô hình là phân tích và dự báo ngắn hạn nên đối tượng chính cần phân tích là vai trò, tác động và hiệu quả của các chính sách tài chính, tiền tệ. Đây cũng là quan điểm chung trong xây dựng các mô hình dự báo ngắn hạn tại nhiều nước trên thế giới vì khu vực tài chính tiền tệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với quá trình tăng trưởng kinh tế và thay đổi cơ cấu. Mặt khác, vì mục tiêu cuối cùng của phân tích, dự báo vẫn là khả năng phát triển các chỉ tiêu của khu vực thực nên những đầu ra của mô hình chủ yếu là những chỉ tiêu của khu vực thực.
Phân tích tình hình kinh tế vĩ mô giai đoạn 1997-2000 cho thấy nền kinh tế nước ta lúc đó đang trong tình trạng thiểu phát và cung lớn hơn cầu. Nếu như trước đó, khan hiếm hàng tiêu dùng và các nguồn lực là hiện tượng phổ biến khắp nơi, làm cho cơ chế bao cấp xin -  cho trở thành nguyên tắc chi phối toàn bộ cơ chế vận động của nền kinh tế nước ta và hầu hết các mô hình được xây dựng theo mô hình cung, thì từ năm 1998, tình hình đã hoàn toàn đảo ngược: tình trạng dư thừa hàng hoá, dư thừa vốn và tiền tệ phát triển tràn lan, kéo theo giá hàng tiêu dùng và lãi suất giảm gần như liên tục qua các tháng. Do vậy, tiếp cận trung tâm của VQEM là tiếp cận cầu, trong đó những nhân tố chính tác động đến khu vực thực, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, sẽ là các nhân tố tài chính, tiền tệ; đồng thời những chính sách chủ yếu để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đó là các chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư.
Vì là mô hình cầu nên lô gic của mô hình được xây dựng phỏng theo lý thuyết Keynes (lý thuyết cầu). Mô hình bao gồm 3 khối: khối thực, khối tài chính tiền tệ và khối ngoại thương. Trong khối thực, theo lý thuyết Keynes, sản xuất được xác định căn cứ vào các thành phần của tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng (chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu). Đặc biệt, vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn, mỗi nguồn lại chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau như lãi suất thực, thu nhập của dân cư, tỷ lệ tiền tệ hoá nền kinh tế và tăng tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực tư nhân... Tiêu dùng dân cư được xác định trên cơ sở thu nhập và chính sách khuyến khích chi tiêu, trong khi tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh để Chính phủ có thể chủ động tăng nhanh tiêu dùng.
Khối tài chính, tiền tệ xác định các chỉ tiêu thu chi ngân sách, cung ứng tiền tệ và lạm phát. Lập luận chung đều dựa trên lý thuyết Keynes. Thu ngân sách phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế trong khi chi ngân sách phụ thuộc vào thu và chính sách đầu tư mở rộng của chính phủ; tỷ lệ thâm hụt ngân sách được coi là biến ngoại sinh vì đây là công cụ của Nhà nước để thực hiện chính sách kích cầu thông qua hoạt động ngân sách.
Khối xuất nhập khẩu cũng được xây dựng theo nguyên tắc của mô hình cầu nhưng có bổ sung các nhân tố của lý thuyết cạnh tranh quốc tế. Một mặt, xuất khẩu phụ thuộc vào cầu của các nước bạn hàng gửi đến nền kinh tế nước ta trong khi nhập khẩu phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, cả hai biến này đều phụ thuộc vào sức cạnh tranh về giá của nền kinh tế thông qua yếu tố tỷ giá thực, đại diện bằng chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế. Trên cơ sơ giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá, sẽ ước tính giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ và đưa vào phương trình cân bằng tổng quát trong bảng hạch toán tài khoản quốc gia.
Nhìn tổng quát, mô hình gồm 21 phương trình nhận dạng và 14 phương trình hành vi, với 35 biến nội sinh và 11 biến ngoại sinh. Các biến ngoại sinh tương đối đủ để có thể phân tích, mô phỏng và dự báo ảnh hưởng của chính sách kích cầu tới tăng trưởng ngắn hạn.
Ngoài ra, để đơn giản quá trình tính toán, các phương trình của mô hình đều được ước lượng theo phương pháp bình phương cực tiểu. Thực tế, các kết quả ước lượng theo phương pháp này nói chung đều đạt yêu cầu về kỹ thuật kinh tế lượng vì một số thử nghiệm ước lượng lại bằng phương pháp bình phương cực tiểu hai bước đều không tạo ra những thay đổi đáng kể về các hệ số ước lượng từ phương pháp bình phương cực tiểu.
(2) Các dự báo chủ yếu rút ra từ mô hình
Từ mô hình, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản dự báo là kịch bản trung tâm[1] (còn được gọi là kịch bản nền hay kịch bản cơ bản), kịch bản bi quan và kịch bản lạc quan. Các dự báo được thực hiện cho 3 năm 2001-2003. Dưới đây là so sánh kết quả dự báo theo kịch bản trung tâm của mô hình và kết quả thực của nền kinh tế do Tổng cục Thống kê công bố.
Bảng 1: So sánh tốc độ tăng trưởng GDP theo dự báo
và tốc độ tăng trưởng GDP diễn ra trong thực tế (%)
Thời gian
GDP theo dự báo
GDP trong thực tế
Quý I năm 2001
7,16
7,15
Quý II năm 2001
7,00
7,00
Quý III năm 2001
7,84
7,00
Quý IV năm 2001
7,07
7,20
Quý I năm 2002
7,3
6,6
Quý II năm 2002
7,9
6,6
Quý III năm 2002
8,9
7,6
Quý IV năm 2002
9,1
7,5
Quý I năm 2003
8,4
7,0
Quý II năm 2003
7,1
7,1
Quý III năm 2003
11,6
7,6
Quý IV năm 2003
8,5
7,7
                   
Bảng 2: So sánh một số kết quả dự báo với thực tế
Chỉ tiêu / Thời gian
Kế hoạch
Dự báo
Thực tế
Tốc độ tăng GDP (%)



    2001
7,5
7,3
6,89
    2002
7-7,3
8,0
7,08
    2003
7-7,5
8,7
7,34
Tổng vốn đầu tư xã hội (nghìn tỷ đồng)



    2001
150
152
170,5
    2002
175
171
200,0
    2003
215
198
239,2
Tổng thu ngân sách (nghìn tỷ đồng)



    2001
96,3
98
103,9
    2002
105
105
123,9
    2003
123,7
112,2
152,3
Tổng chi ngân sách (nghìn tỷ đồng)



    2001
116
117,5
129,8
    2002
133,7
125
148,2
    2003
158
135
181.1
Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng



    2001
3
1,0
0,8
    2002
3-4
2,5
4,0
    2003
5
3,1
3,0
Xuất khẩu (tỷ USD)



    2001
16,1-16,3
16,4
15,0
    2002
16,6
18,5
16,7
    2003
18-18,2
20,3
20,1
Nhập khẩu (tỷ USD)



    2001
17,1
15,5
16,2
    2002
17,5
16,6
19,7
    2003
21-21,5
18,5
25,2
(3) Nhận xét:
So sánh các số liệu trong 2 bảng trên, chúng ta thấy những kết quả dự báo quý và năm cho giai đoạn 2001-2003 thu được từ mô hình đã phản ánh tương đối sát thực xu hướng phát triển (tăng, giảm) của tình hình thực tế, nhất là xu hướng cải thiện dần qua các quý của nền kinh tế.
Mặt khác, các dự báo sát với các chỉ tiêu kế hoạch, trong khi cả hai loại chỉ tiêu này đều chênh lệch khá lớn so với kết quả thực tế. Ngoài ra, khi so sánh chi tiết các số liệu dự báo cụ thể cho khoảng 25 chỉ tiêu kinh tế chính với các số liệu thực tế của tình hình kinh tế đã xảy ra thì có thể thấy vẫn có nhiều khác biệt tương đối lớn.
Có nhiều nhân tố giải thích sự khác biệt giữa dự báo và tình hình thực tế, trong đó bốn nhân tố chính là:
- Trước hết, bản thân mô hình chưa có khả năng dự báo tốt mặc dù khả năng mô tả quá khứ của nó tương đối tốt. Khi sử dụng mô hình để dự báo cho năm 2001 vào thời điểm giữa quý III năm 2001, chúng tôi đã phát hiện thấy có những sai số đáng kể; ví dụ dự báo qua mô hình cho thấy tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2001 đạt 7,3% nhưng ước tính của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 6,8%, chênh lệch 0,5%; dự báo giá tiêu dùng giảm 1,8% nhưng số liệu ước thực hiện là giảm 0,6%... Lẽ ra cần tiếp tục cải tiến mô hình để thu được kết quả dự báo cho năm 2001 tốt hơn, sau đó mới dùng mô hình dự báo. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện một đề tài cấp Bộ có hạn, và đây mới là giai đoạn thử nghiệm xây dựng mô hình quý, nên việc sửa chữa mô hình không được thực hiện; vì vậy những sai số quá khứ đã được khuyếch đại thêm trong dự báo các năm 2002, 2003. Như vậy, sai khác giữa số dự báo và số thực tế là hoàn toàn dễ hiểu, thấy trước khi hoàn thành đề tài.
- Thứ hai, việc xây dựng kịch bản nền để dự báo được thực hiện khi tình hình kinh tế thế giới tương đối khả quan. Hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế Mỹ và châu Âu đang trên đà phục hồi vững chắc; kinh tế Nhật bản sẽ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Kinh tế Mỹ và Châu Âu sau thời gian phục hồi ngắn ngủi, đã suy giảm mạnh, nhất là sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 xảy ra ở Mỹ. Kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào vòng trì trệ. Kinh tế khối Liên minh Châu Âu vẫn ảm đạm. Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn thì tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á cũng không tránh khỏi suy giảm, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động thương mại và đầu tư của nước ta. Dĩ nhiên, điều này cũng dẫn tới những sai số trong kết quả dự báo.
- Thứ ba, khi dự báo cho năm 2002, 2003, những người tham gia xây dựng mô hình đã cho rằng sẽ có những thay đổi tương đối mạnh dạn trong chính sách của Chính phủ. Đặc biệt, tốc độ kích cầu sẽ được đẩy nhanh hơn thông qua chính sách giảm thuế, cơ cấu lại chi ngân sách, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, điều chỉnh tỷ giá, tăng nhanh xuất khẩu và giảm nhập khẩu để xuất siêu ngay từ năm 2001. Nhờ vậy, không chỉ tiêu dùng và đầu tư của kinh tế nhà nước tăng lên, mà chủ yếu kích thích để tiêu dùng và đầu tư của các thành phần kinh tế khác cũng tăng lên. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu và tự do hóa kinh tế được đẩy nhanh hơn sẽ góp phần làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá và giảm chi phí sản xuất...
Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thâm hụt ngân sách không đạt mức dự kiến, tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng vẫn rất chậm; lãi suất thực vẫn quá cao; tỷ giá được điều chỉnh thấp so với dự kiến... Hậu quả là tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân tăng rất chậm trong khi hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chậm lại (nguồn vốn huy động thực hiện đạt rất thấp); chỉ có hoạt động tiêu dùng và đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước là phát triển mạnh. Điều này cũng dẫn đến hậu quả là hiệu quả hoạt động của nền kinh tế giảm sút; trái ngược với dự báo cho rằng hiệu quả đồng vốn sẽ tăng lên...
- Thứ tư, từ năm 2001 đến năm 2005, nhiều số liệu thống kê giai đoạn 1990 - 2005 đã được Tổng cục Thống kê tính toán lại cho sát với thực tế hơn, làm cho chuỗi số để xây dựng mô hình (1990-2000) và chuỗi số do Tổng cục Thống kê tính toán lại có nội dung khác nhau nên rất khó so sánh kết quả dự báo với số liệu thực tế. Ví dụ như các số liệu về vốn đầu tư phát triển, về thu chi ngân sách... Vì vậy, không chỉ số dự báo không chính xác mà cả số kế hoạch cũng không đúng với số liệu thực tế đã được điều chỉnh lại.
- Cuối cùng, cần phải nói rằng do thời gian thực hiện đề tài bị hạn chế nên những người tham gia xây dựng dự báo không sử dụng các kỹ thuật tinh vi hơn để lái kết quả dự báo gần với thực tiễn hơn, ví dụ kỹ thuật điều chỉnh sai lệch tại những điểm cuối thời kỳ ước lượng mô hình, kỹ thuật dự báo sai số...
2. Mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý cải biên VQEM - 2003
(1) Mô tả mô hình
Nhìn chung, cấu trúc của mô hình VQEM - 2003 không có khác biệt lớn so với mô hình VQEM gốc. Tuy nhiên, do hệ thống số liệu đã phong phú hơn nên trong mô hình VQEM - 2003, chúng tôi đã xây dựng thêm khối các phương trình xác định cân bằng cán cân thanh toán quốc tế hoàn toàn mới so với mô hình VQEM gốc. Vì vậy, nếu như mô hình VQEM chỉ có 35 phương trình với 21 phương trình kế toán và 14 phương trình hành vi thì mô hình VQEM – 2003 có tới 47 phương trình với 28 phương trình kế toán và 19 phương trình hành vi. Mô hình được xây dựng với chuỗi số liệu 1990-2001, một số chuỗi ước cho năm 2002, và được dùng để dự báo cho giai đoạn 2003-2005.
(2) Các dự báo chủ yếu rút ra từ mô hình
a) Dự báo cho 3 năm 2003-2005
Bảng 3: So sánh một số kết quả dự báo với thực tế
Chỉ tiêu / Thời gian
Kế hoạch
Dự báo
Thực tế
Tốc độ tăng GDP (%)



    2003
7-7,5
7,55
7,34
    2004
7,5-8
7,90
7,79
    2005
8-8,5
8,20
8,44
Tổng vốn đầu tư xã hội (nghìn tỷ đồng)



    2003
215
217,6
239,2
    2004
249-255
258
290,9
    2005
295-300
300
343,1
Tổng thu ngân sách (nghìn tỷ đồng)



    2003
123,7
132
152,3
    2004
148,3
149
190,9
    2005
179,7
169
217,1
Tổng chi ngân sách (nghìn tỷ đồng)



    2003
158
161
181,1
    2004
186,7
184
214,2
    2005
226,5
209
223,6
Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng



    2003
5
4,0
3,0
    2004
4-5
4,6
9,5
    2005
< 8-8,5
4,2
8,4
Xuất khẩu (tỷ USD)



    2003
17,3
19,3
20,1
    2004
21,7
22,0
26,5
    2005
28,5
25,5
32,4
Nhập khẩu (tỷ USD)



    2003
19,3
22,9
25.2
    2004
26,0
25,1
32,0
    2005
34,0
28,1
36,8
Như vậy, những dự báo qua mô hình VQEM - 2003 cho thấy tình hình kinh tế nước ta vẫn tiếp tục được cải thiện trong 3 năm 2003-2005, phản ánh tác động tích cực của chính sách kích cầu nội địa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại từ giữa năm 2005, đặc biệt là do ảnh hưởng của chiến tranh tại I Rắc.
b) Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001 – 2005
Bảng 4: So sánh dự báo với mục tiêu và kết quả thực hiện
kế hoạch 5 năm 2001-2005
Chỉ tiêu
Đơn vị
Kế hoạch
Dự báo
Thực hiện
Tăng trưởng GDP
%
7,5
7,5
7,5
trong đó:




- Công nghiệp
%
10,8
9,2
10,2
- Nông nghiệp
%
4,3
4,3
3,8
- Dịch vụ
%
6,2
7,3
7,0
Cơ cấu GDP đến năm 2005




- Công nghiệp
%
38-39
39
40,0
- Nông nghiệp
%
20-21
21
20,9
- Dịch vụ
%
41-42
40
38,1
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
%
14-16
11,2
17,5
Tăng trưởng quỹ tiêu dùng
%
5,5
7,2
7,0
Tỷ lệ tích luỹ nội địa trên GDP
%
28-30
32,5
35,4
Vốn nước ngoài thực hiện
Tỷ USD
9-10
12,8
14,3
Tỷ lệ huy động ngân sách / GDP
%
20-21
22,1
24,4
Tăng trưởng vốn đầu tư phát triển
%
11-12
13,2
17
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
%
31-32
35,2
38,9
Cơ cấu sử dụng vốn




- Khu vực Nhà nước
%
58-60
57,4
52,1
- Khu vực dân cư và DNTN
%
24-25
25,0
28,6
- Khu vực KT có vốn ĐTNN
%
16-17
17,6
16,6
(3) Nhận xét:
- Bảng so sánh cho thấy số dự báo khá gần với số kế hoạch; đồng thời cả hai loại số này đều có những chênh lệch nhất định với số thực tế. Tuy nhiên, số dự báo sát thực tế hơn so với số kế hoạch.
- So với dự báo bằng mô hình VQEM gốc, dự báo bằng mô hình VQEM – 2003 đã cho kết quả sát với thực tiễn hơn nhiều.
- Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều chỉ tiêu chưa sát thực tiễn. Nguyên nhân chủ yếu cũng như trường hợp mô hình VQEM gốc. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân rất quan trọng là quan điểm phát triển của nhóm thiết kế và sử dụng mô hình để dự báo khác với quan điểm được Chính phủ áp dụng để phát triển kinh tế (thực tế là nhóm nghiên cứu dự báo sai việc thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ), thể hiện bằng những chính sách khác nhau. Do đó, cũng ảnh hưởng rất lớn tới kết quả dự báo.
3) Mô hình kinh tế lượng vĩ mô năm (VMEM):
(1) Mô tả mô hình
Phân tích các quan hệ kinh tế vĩ mô cho thấy quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ sau cải cách 1986 là quá trình chuyển đổi dần từ nền kinh tế cơ bản hoạt động theo phương thức kế hoạch hoá tập trung sang hoạt động theo kinh tế thị trường. Đến năm 2004, về cơ bản nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, trong đó các nhân tố thị trường gồm cả cung và cầu đều thực sự đóng vai trò quyết định tới tăng trưởng.
Về trung và dài hạn, các nhân tố cung làm đầu vào của quá trình tăng trưởng (vốn, lao động, trình độ công nghệ...) vẫn đóng vai trò quyết định với quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố truyền thống giải thích quá trình tăng trưởng của thuyết tân cổ điển hiện đại, còn có vai trò không nhỏ của những nhân tố cầu của thuyết cơ cấu. Do đó, mô hình kinh tế lượng năm nhằm phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo ngắn - trung hạn sẽ cơ bản là mô hình kiểu tân cổ điển kết hợp với một số yếu tố của lý thuyết Keynes hiện đại, tức là yếu tố cung đóng vai trò trung tâm trong mô hình nhưng có bổ sung một số nhân tố cầu. Mô hình VMEM-2004 gồm: (i) Khối thực để xác định các chỉ tiêu vĩ mô của khu vực thực; (ii) Khối tài chính, tiền tệ và giá cả để xác định các chỉ tiêu của khu vực tài chính; (iii) Khối ngoại thương để xác định các chỉ tiêu xuất nhập khẩu và quan hệ kinh tế quốc tế.
(2) Khả năng phát triển trong 5 năm 2006-2010 theo phương án cơ bản
Mô hình được xây dựng năm 2004; do đó để dự báo 5 năm 2006-2010, cần dự báo cả năm trung gian là 2005. Lẽ ra, mô hình cần được cải tiến trong năm 2005 để cuối năm 2005 chạy các dự báo cho giai đoạn 2006-2010, trong đó có cập nhật thông tin năm 2005. Tuy nhiên, thực tế đã không làm như vậy. Dưới đây là đánh giá dựa trên kết quả chạy mô hình vào tháng 8-9 năm 2004.
Hiện nay chưa có các kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, nhưng dưới đây cung cấp một số thông tin sau đã rút ra từ mô hình vào năm 2004 để có thể so sánh với tình hình thực hiện kế hoạch sau 2 năm 2006-2007 và dự kiến kế hoạch 2008:
a) Về dân số và lao động: Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy trong kế hoạch 5 năm tới, dân số nước ta sẽ tăng trưởng với tốc độ 1,23%/năm (thực tế 2006 tăng 1,26%, 2007 tăng 1,3%, 2008 dự kiến 1,25%); đến năm 2010 quy mô dân số sẽ đạt 88,3 triệu người (thực tế 2006 là 84,2 triệu người, 2007 là 85,3 triệu người, 2008 dự kiến 86,3 triệu người).
Tốc độ thu hút lao động vào làm việc trong nền kinh tế sẽ tăng nhanh, dự báo khoảng 3%/năm (thực tế 3 năm 2006-2008 tăng 2,6%), trong đó lao động trong khu vực dịch vụ tăng nhanh nhất, khoảng 8,7%/năm, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp, khoảng 4,7%, cuối cùng là lao động trong khu vực nông nghiệp, khoảng 1,25%. Đến năm 2010, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 53,4% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (năm 2007 thực tế là 54,7%)[2]...
b) Về sản xuất: Theo dự báo rút ra từ mô hình, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2006-2010 trung bình khoảng 8-8,1%/năm, tức là tương đương với tốc độ tăng trưởng ở mức cao dự kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 (7,5-8%). Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm năm 2006 là 7,7% (thực tế 8,17%), năm 2007 là 7,8% (thực tế 8,5%), năm 2008 là 8,1%, năm 2009 là 8,3% và năm 2010 là 8,5%.
c) Về ngân sách chính phủ: Tổng thu ngân sách trong 5 năm 2006-2010 dự báo theo mô hình sẽ đạt 1697 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1%/năm (3 năm 2006-2008 đạt 874 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đạt 20,8%.
Tổng chi ngân sách trong 5 năm 2006-2010 theo dự báo của mô hình sẽ đạt 2142 nghìn tỷ đồng, tăng 21,9%/năm (3 năm 2006-2008 đạt 1087 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP đạt 26,3%.
d) Về giá cả: tỷ lệ lạm phát trong 5 năm 2006-2010 sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên đã hình thành trong những năm gần đây. Nếu như theo dự báo của mô hình, tỷ lệ lạm phát năm 2005 chỉ là 7,5% (thực tế là 8,4%) thì dự báo năm 2006 sẽ tăng lên 8,5% (thực tế là 6,6%), năm 2007 lên 9,7% (thực tế có thể là 8,5%), năm 2008 lên 11%, năm 2009 lên 12,2% và năm 2010 lên 13,5%. Tính chung, tỷ lệ lạm phát trung bình 5 năm 2006-2010 đạt xấp xỉ 11%/năm. Như vậy, tỷ lệ lạm phát trong kế hoạch 5 năm tới có thể sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, nhất là trong các năm từ 2008 trở đi, nếu tiếp tục chính sách tăng trưởng mở rộng dựa vào kích cầu.
Dự báo đến năm 2010 cho thấy nền kinh tế không những sẽ hoàn toàn ra khỏi tình trạng thiểu phát kéo dài trong nhiều năm trước đây mà còn có thể tăng trưởng nóng, kéo theo tăng tỷ lệ lạm phát. Mặt khác, nếu chính sách tiền tệ không thận trọng, chạy theo nhu cầu tín dụng và đầu tư của nền kinh tế mà không chú ý đến nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thì tốc độ tăng trưởng tiền tệ sẽ vẫn rất cao, kéo theo sự tăng nhanh của tỷ lệ lạm phát.
e) Về hoạt động ngoại thương: Dự báo xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt xấp xỉ 58 tỷ USD (bằng mục tiêu kế hoạch 2008). Nhập khẩu năm 2010 sẽ đạt xấp xỉ 77 tỷ USD (kế hoạch 2008 là 69 tỷ USD). Nguyên nhân của nhập khẩu tăng cao là đồng tiền tiếp tục bị đánh giá cao (do tỷ lệ lạm phát trong nước cao) trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều tăng khá. Do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thâm hụt ngoại thương sẽ tăng mạnh từ khoảng 3,4 tỷ USD năm 2005 lên 3,9 tỷ USD năm 2006, 5,2 tỷ USD năm 2007, 7,7 tỷ USD năm 2008, tiếp đến tăng vọt tới 12 tỷ USD năm 2009 và gần 19 tỷ USD năm 2010. Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương trên GDP tương ứng cũng tăng lên 13% năm 2010.
Như vậy, cũng như đối với lạm phát, những vấn đề phát sinh cần tập trung xử lý chủ yếu sẽ xảy ra vào cuối kỳ kế hoạch 5 năm, tức là khi các phi cân bằng trong nền kinh tế phát triển quá mức giới hạn, tạo ra những biến động lớn để cơ cấu tự phát lại nền kinh tế. Điều này cho thấy, cần lưu ý kiểm soát giá cả và cán cân ngoại thương vì nếu không, tình hình vào những năm cuối kỳ kế hoạch có thể xấu đi rất nhanh.
(3) Nhận xét:
- Nhìn chung, kết quả dự báo của mô hình đến nay đã phản ánh thực tế tốt hơn so với kế hoạch, nhất là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Mô hình cũng dự báo khá tốt về sự tăng lên của tỷ lệ lạm phát nếu như chính sách tăng trưởng mở rộng tiếp tục được thực hiện trong suốt giai đoạn đến năm 2010. Hậu quả tiếp theo là tổng thu, chi ngân sách tính theo giá hiện hành cũng tăng cao, nhưng tỷ lệ trên GDP lại giảm; đồng thời tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và nhập siêu tăng mạnh...
- Tuy nhiên, do phản ánh chủ yếu dựa trên xu thế nên mô hình không lường trước được Chính phủ sẽ kịp thời đề ra các quyết sách để kiểm soát sự tăng lên của lạm phát ngay từ giữa năm 2007; do đó, trong thời gian tới (2008-2010), tỷ lệ lạm phát có thể sẽ giảm xuống, kèm theo đó là giảm mức tổng thu, chi ngân sách và tăng tỷ lệ tổng thu, chi ngân sách trên GDP... Mô hình cũng không dự kiến việc Việt Nam những tác động to lớn của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, việc giá dầu thô tăng lên quá cao... nên đã không dự báo được sự tăng lên mạnh mẽ của xuất khẩu (mặc dù dự báo được sự tăng lên của nhập siêu). Do vậy, tính chung cả 5 năm, dự báo nêu trong kế hoạch có thể sẽ tốt hơn dự báo từ mô hình.
(còn tiếp)



[1] Dự báo có thể xảy ra nhất, tức là có tính đến các chính sách Chính phủ sẽ áp dụng.
[2] Số liệu lao động được điều chỉnh lại nên khác với số liệu để xây dựng mô hình; theo số để xây dựng mô hình, dự báo tỷ trọng lao động nông nghiệp năm 2005 là 60,3%, thực tế chỉ 57,3%... Do vậy, không thể so sánh kết quả dự báo với số thực tế đã diễn ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét