Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

(6) Ảnh hưởng của vay nợ nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế

Bài viết của tôi năm 2003:
ẢNH HƯỞNG CỦA VAY NỢ NƯỚC NGOÀI TỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - LÝ THUYẾT, KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VÀ THỰC TIỄN Ở NƯỚC TA 
2) Tác động của vay nợ nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam (thông qua làm tăng vốn đầu tư toàn xã hội)

          Như trong phần trên đã nêu, đến cuối năm 2003, nợ Chính phủ chiếm 76,7% tổng dư nợ; nợ của các doanh nghiệp chiếm 23,3%; trong số nợ của doanh nghiệp, có một tỷ lệ quan trọng nợ của doanh nghiệp nhà nước. Vì tuyệt đại đa số vốn vay nước ngoài là để đầu tư phát triển và đa số vốn vay được sử dụng trong khu vực kinh tế nhà nước nên trong mục này chúng ta xem xét tác động của vay nợ nước ngoài qua đầu tư của nhà nước.
a) Vai trò tích cực của vốn vay nước ngoài ở Việt nam trong chặng đường đổi mới vừa qua có thể được thể hiện qua những mặt sau:

Một là, vốn vay nước ngoài (hầu hết là vốn ODA) được đưa vào đầu tư nhà nước, trước hết là nguồn vốn đầu tư công cộng, đã và đang là nguồn chủ yếu tạo ra sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Khoa học kinh tế học của sự phát triển cũng như kinh nghiệm của các nước đang phát triển đều cho thấy để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện được các chương trình công nghiệp hoá dài hạn, cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng gồm đường xá, bến cảng, năng lượng, bưu điện và thông tin liên lạc, các công trình thuỷ lợi, khai hoang...

Đây đều là những dự án đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng lại có khả năng sinh lời thấp và thời hạn thu hồi vốn lâu. Do đó trong giai đoạn đầu phát triển, các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh tế tư nhân, vừa không muốn tham gia đầu tư, vừa không có đủ tiềm lực vốn để đầu tư. Vì vậy, chỉ có Nhà nước, thông qua đầu tư công cộng bằng nguồn vốn lớn huy động tập trung vào ngân sách và viện trợ nước ngoài mới có thể thực hiện các đầu tư này.

Thực tế ở nước ta cho thấy, cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề hàng đầu mà các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư. Tại những địa phương mà cơ sở hạ tầng kém phát triển thì không những các nhà đầu tư nội địa không muốn đầu tư mà cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng xa lánh. Khi không thu hút được đầu tư phát triển sản xuất thì sẽ không có thu nhập để cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính cái vòng luẩn quẩn này đã tạo nên một thực trạng là các vùng kinh tế đã phát triển thì càng phát triển hơn, trong khi những vùng có cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế không phát triển, thì ngày càng bị tụt hậu. Chính đầu tư công cộng trong đó có đóng góp của vốn nước ngoài đã và đang phát huy tác dụng, góp phần giảm bớt những chênh lệch bất bình đẳng này.

Nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đầu tư công cộng ở nước ta, nhất là vốn đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, trong thời gian đổi mới đã chủ yếu được dành để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục. Cho đến năm 1997, tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước cho các ngành điện, nước, giao thông vận tải và thông tin liên lạc, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo vẫn tiếp tục tăng nhanh; trong đó, tỷ trọng vốn dành cho giao thông vận tải và thông tin liên lạc tăng lên rất nhanh, từ khoảng 18% đầu thập kỷ 90 lên tới 25,9% trong các năm 1996, 1997. Khoảng 70% vốn đầu tư cho nông nghiệp được dành để phát triển hệ thống thuỷ lợi... Ngược lại, tỷ trọng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp có xu hướng giảm, ví dụ đầu tư vào công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, xây dựng và các ngành phục vụ còn lại trong khu vực dịch vụ. Chính nhờ thực hiện chính sách đúng đắn như trên, đến nay đầu tư nhà nước đã tạo ra được 1 hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, làm tiền đề cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

          Hai là, vốn vay nước ngoài cùng với đầu tư nhà nước là nguồn chủ yếu để phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và các ngành cần nhiều vốn khác, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các đầu vào để phát triển các ngành kinh tế khác.

Cũng theo phân tích ở trên, đối với những ngành cần nhiều vốn, hệ số sinh lời thấp và thời gian thu hồi vốn lâu, thì trong giai đoạn đầu phát triển, chỉ có thông qua đầu tư nhà nước mới phát triển được các ngành này. Trong những năm đầu thập kỷ 90, năng lực của nền kinh tế nước ta quá thấp kém một phần do thiếu hụt nghiêm trọng các đầu vào phục vụ sản xuất, ví dụ thiếu năng lượng, sắt thép, xi măng... sau sự kiện Liên xô cắt các khoản viện trợ cho Việt Nam. Để đối phó với tình hình này, chính phủ đã tập trung nguồn vốn vay nước ngoài để đầu tư phát triển những ngành công nghiệp cơ bản thông qua các doanh nghiệp nhà nước nhằm tháo gỡ những điểm "thắt nút" trong nền kinh tế, tạo ra các đầu vào thiết yếu phục vụ các ngành khác phát triển.

Mặc dù sự tham gia quá mức của Chính phủ vào nền kinh tế xét về khía cạnh nào đó có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng ở Việt nam do xuất phát điểm quá yếu kém của nền kinh tế khi bắt đầu đổi mới nên trong thập kỷ 90, nên về cơ bản, đầu tư nhà nước (bao gồm cả đầu tư của các DNNN) đã có tác dụng tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế khác, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu không có nguồn năng lượng, xi măng, sắt thép và nhiều loại sản phẩm công nghiệp nặng khác phong phú như hiện nay (mà chắc chắn khu vực ngoài quốc doanh lúc đó không muốn làm và không thể làm được) thì hoạt động kinh doanh của khu vực ngoài quốc doanh không thể phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Ba là, vốn vay nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, tác động tích cực tới công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Nhờ đầu tư của nhà nước, từ năm 1989 đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần một vạn công trình thuỷ lợi, trong đó riêng số công trình vừa và lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý đã lên tới trên 3000. Năng lực tưới lên đã tăng thêm khoảng 90 vạn ha, đảm bảo tưới cho trên 90% diện tích gieo trồng lúa. Năng lực tiêu cũng tăng thêm khoảng 30 vạn ha. Đã trồng mới được khoảng 2 triệu ha rừng tập trung, bảo vệ được trên 9,3 triệu ha rừng hiện có. Hệ thống thuỷ lợi được cải thiện rõ rệt đã là nhân tố quyết định để thâm canh, tăng vụ và nâng cao sản lượng lương thực; nhờ đó, nước ta không chỉ giữ vững an ninh lương thực mà còn xuất khẩu gạo với khối lượng ngày càng lớn. Năng suất, sản lượng các loại cây công nghiệp đều tăng rõ rệt. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh; đặc biệt là điện, nước và giao thông. Nhà nước cũng đã đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở nông thôn, cho phép cải thiện đáng kể chất lượng con người nông thôn... Tóm lại, xã hội Việt nam ổn định, nông nghiệp và kinh tế nông thôn Việt nam đã phát triển nhanh trong thời kỳ đổi mới, một phần quan trọng là nhờ việc thực hiện những chương trình đầu tư công cộng của Nhà nước trong khu vực này.

Bốn là, vốn vay nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào quá trình phát triển dịch vụ công cộng, y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật...

Đầu tư nhà nước (chủ yếu là đầu tư công cộng trong đó có sự đóng góp quan trọng của vốn vay nước ngoài) đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, nhà trẻ...) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển dài hạn. Đầu tư nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong phân bố lại lực lượng sản xuất xã hội, giảm bớt chênh lệch giầu nghèo và trình độ phát triển giữa các vùng... Rõ ràng trong giai đoạn phát triển vừa qua, khu vực tư nhân với năng lực còn khiêm tốn của mình, chưa đủ khả năng tham gia phát triển những lĩnh vực xã hội tốn kém này; do đó đầu tư nhà nước đã phải đóng vai trò chủ đạo.

          Năm là, vốn vay nước ngoài tham gia với đầu tư nhà nước có tác dụng kích thích đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong giai đoạn kinh tế trì trệ

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn từ năm 1997 đến nay, khi các thành phần kinh tế khác giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư thì vốn vay nước ngoài được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển đã có vai trò ngày càng lớn và có tác dụng kích thích các thành phần khác tăng đầu tư trở lại. Tăng đầu tư nhà nước, một mặt, đã góp phần tăng nhu cầu tiêu thụ nhiều loại sản phẩm đang tồn đọng trong nền kinh tế, từ đó giải quyết được lượng hàng tốn kho rất lớn trong những năm qua, mở ra khả năng mới để sản xuất tiếp tục phát triển. Mặt khác, tăng đầu tư đầu tư nhà nước cũng đã từng bước phát huy tác dụng kích cầu đầu tư của các thành phần kinh tế khác vì đầu tư nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo thuận lợi cho việc đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

b) Phân tích định lượng về vai trò của vốn vay nước ngoài tới đầu tư và tăng trưởng kinh tế

Một số ý kiến cho rằng việc tăng nhanh nguồn vốn vay nước ngoài để đầu tư, nhất là nguồn vốn vay ODA, trong những năm qua có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng đầu tư tư nhân vì nó vừa làm mất thị phần, vừa làm tăng chi phí huy động vốn của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, lý thuyết cũng như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đều cho thấymối quan hệ này không chắc chắn như vậy. Ảnh hưởng của vốn nước ngoài tới đầu tư tư nhân phụ thuộc vào việc vốn nước ngoài có tác dụng thay thế hay bổ sung cho đầu tư tư nhân. Nếu vốn nước ngoài có tác dụng bổ sung cho đầu tư tư nhân thì ảnh hưởng của nó là tích cực.

Thực tế ở Việt nam, đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài chủ yếu được dành để phát triển cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp cơ bản, cả hai đều rất cần cho sự phát triển của toàn nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Do đó, vốn vay nước ngoài có tác dụng bổ sung cho đầu tư tư nhân, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân, làm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất vốn cho họ. Vì vậy, ở Việt nam cũng như tại các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển như Việt nam, sự tăng trưởng của vốn vay nước ngoài và đầu tư công cộng có tác dụng tích cực tới đầu tư tư nhân.

Để kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa đầu tư công cộng và đầu tư tư nhân, chúng tôi thử xây dựng một một hình kinh tế lượng đơn giản dựa trên tiếp cận tân cổ điển (từ hàm CES) nối hai chỉ tiêu này. Trong mô hình, biến phụ thuộc là tỷ lệ đầu tư toàn nền kinh tế trên GDP, các biến độc lập là tỷ lệ đầu tư trên GDP tính cho năm trước, tỷ lệ tăng trưởng GDP, lãi suất thực, tỷ lệ đầu tư công cộng trên GDP, và tổng giá trị xuất khẩu cộng viện trợ ODA trên GDP (phản ánh mức độ sẵn có ngoại tệ để đầu tư). Kết quả ước lượng cho thời kỳ 1989-2002 cho thấy các hệ số của các biến trong mô hình đều có ý nghĩa. Hệ số ngắn hạn của đầu tư công cộng là 0,46; hệ số dài hạn của đầu tư công cộng là 1,2. Vì hệ số dài hạn của đầu tư công cộng lớn hơn 1, tức là khi đầu tư công cộng tăng thêm 1% thì đầu tư toàn nền kinh tế tăng thêm trên 1%, nên có thể tin rằng đầu tư công cộng có tác động tích cực tới đầu tư tư nhân. Do vậy, về mặt chính sách, để khuyến khích đầu tư tư nhân, không nên giảm bớt tỷ lệ đầu tư công cộng trên GDP.

Cụ thể mô hình như sau:

Tài sản cố định: K* = m *(P/C)^a * Y

trong đó: P là giá sản xuất, C là giá vốn, m và a là hàm CES.

hàm đầu tư:

Ln It = (1-b) ln K*t  - (1-d) ln K*(t-1) + e* ln I(t-1)

và hàm năng suất vốn: m = (m1 *Kp^f ) ^(1/g)

Giải ba phương trình trên, có phương trình đầu tư dạng log, viết dạng hàm I/Y:

I/Y = F((I/Y)(-1) , gY, ri, Ip/Y,  (EX+ODA)/Y)

                  +           +    -      +             +

ri là lãi suất thực.

Kết quả ước lượng thời kỳ 1989-2002:

I/Y = 0,58(I/Y)(-1) + 0,38gY - 0,002 ri  + 0,46 Ip/Y + 0,28 (EX+ODA)/Y

3,42                  5,21         2,07          3,77              2,13

R = 0,878

trong đó số dưới mỗi hệ số ước lượng là thống kê T.

Nhận xét: Hệ số co dãn ngắn hạn của vốn đầu tư công cộng là 0,46, tức là tác động tích cực tới tổng đầu tư toàn xã hội.

Hệ số co dãn dài hạn là 0,46 / (1-0,58) = 0,46 / 0,42 = 1,1 > 1

do đó về dài hạn, tăng 1 đồng vốn đầu tư công cộng có tác dụng làm tăng hơn 1 đồng vốn đầu tư toàn nền kinh tế, tức là kích thích đầu tư của khu vực tư nhân. Như vậy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công cộng là tích cực.

Trong phương trình trên, có thể thay I bằng I của khu vực tư nhân.

Mặt khác, phương trình cũng cho thấy tác động chung của xuất khẩu và nguồn vốn ODA. Về ngắn hạn, khi tỷ lệ (Xuất + ODA)/GDP tăng thêm 1% thì tỷ lệ đầu tư toàn nền kinh tế tăng thêm 0,28%.

Về dài hạn, khi tỷ lệ (Xuất + ODA)/GDP tăng thêm 1% thì tỷ lệ đầu tư toàn nền kinh tế tăng thêm 0,28/(1-0,58)=0,67%. Trong cả 2 trường hợp ngắn và dài hạn, vốn ODA và xuất khẩu đều có tác dụng tích cực tới đầu tư toàn nền kinh tế, từ đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, vai trò và hiệu quả của vốn nước ngoài và đầu tư công cộng ở Việt nam là rất lớn đối với quá trình phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét